Hoàng Lân
Chiều 5-3, tại Khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Trung tâm Lưu trữ quốc gia – Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước phối hợp với Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức triển lãm “Khoa cử Việt Nam xưa trong Di sản tư liệu thế giới”.
Ngay trong buổi khai mạc, triển lãm đã thu hút nhiều bạn trẻ.
Triển lãm lần này đã mở ra một hướng mới trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản tư liệu thế giới, tạo điều kiện cho công chúng trong và ngoài nước được tiếp cận gần hơn với các di sản tư liệu của Việt Nam, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc.

Với ý nghĩa ấy, triển lãm có bố cục chia làm 3 phần: lịch sử giáo dục Việt Nam qua các triều đại; Quốc Tử Giám – Trung tâm giáo dục cao cấp thời quân chủ; bia đề danh tiến sĩ và các nhà khoa bảng tiêu biểu. Bố cục này được thể hiện thông qua 7 phiên bản Mộc bản triều Nguyễn; 40 giá trưng bày nội dung; 56 tài liệu của di sản tư liệu thế giới của Việt Nam hiện nay là Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Bia tiến sĩ Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Triển lãm chuyên đề “Khoa cử Việt Nam xưa trong di sản tư liệu thế giới” đã phần nào tái hiện lại bức tranh sinh động của nền giáo dục và khoa cử Việt Nam thời quân chủ như: Thể lệ các cuộc thi; hình thức ban thưởng của vua, chúa đối với sĩ tử trong thời kỳ phong kiến; danh nhân khoa bảng…

Triển lãm mở từ nay đến hết ngày 5-4 tại sân Đại Bái, Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Nguồn Báo Hà Nội mới
Dương Thanh đăng bài