Truyện ngắn của Trần Thị Thanh Tâm


Tác giả Trần Thị Thanh Tâm.
Sinh năm 1996, tốt nghiệp khoa Viết văn của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
Hiện đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hà Nội.

TVVHĐ – “Mời người nhà của bệnh nhân Nguyễn Hữu Tài.”

Cô ý tá tỏ rõ ánh nhìn hoài nghi khi tôi chạy đến trước mặt cô ta và nhận mình là con của bố. Tôi quá trẻ so với dáng hình già nua đang nằm im lìm trong phòng cấp cứu của bệnh viện thành phố. Điều đó không lạ, tôi đã quá quen thuộc trước việc người ngoài họ đặt câu hỏi về mối quan hệ bố con giữa chúng tôi.


Trước hết, tôi xin giới thiệu dài dòng đôi chút về bố, để mọi người hiểu rõ câu chuyện về gia đình tôi. Ông nội sinh được hai người con trai. Bố tôi là con cả, dưới bố có chú Thực. Ông nội là một nhà nho mực thước. Mọi nề nếp gia phong dòng họ Nguyễn đều được tuân thủ nghiêm ngặt. Anh em trong nhà trên ra trên, dưới có dưới. Ông nội giáo dục bố và chú phải yêu thương đùm bọc nhau, từ tấm bé. Hai người con không ai cãi lại ông nội bất cứ điều gì. Những lời nói ra của ông nội đều chứa uy quyền, tính đúng đắn.

Tôi được nghe kể lại, ông nội mất chưa được nhìn thấy cháu, mắt ông không nhắm nổi. Bố không đủ cam đảm vuốt mắt cho ông. Mẹ tôi liếc nhìn chú Thực, chú giả đò làm bộ mặt tỉnh bơ. Không khí ảm đạm trong gia đình bao trùm cả dòng họ suốt một thời gian dài.

  • Hay không đẻ được. Nhà hết đức. Hai đinh lỡ để cho tuyệt tự à?

Bà cô cay nghiệt nói ra nói vào về chi nhà tôi. Mẹ nín nhịn. Chú Thực chưa muốn lấy vợ, luôn tìm lý do thoái thác. Mẹ bàn với bố, dồn mọi tâm sức chữa chạy. Rồi người bà cô kia qua đời. Tôi được sinh ra trong niềm hân hoan của dòng tộc. Mẹ duy tâm, nhà lúc nào cũng thoang thoảng mùi hương trầm dễ chịu. Còn bố tin vào khoa học, gia đình chúng tôi mang ơn bác sĩ Huấn từ dạo đó. Bố và bác sĩ Huấn cùng mê truyện Kiều, họ thân nhau.


Tôi lớn hơn, chú Thực vẫn lẻ bóng. Phải chăng do chú quá cầu toàn và kĩ tính. Khi thói quen đã hình thành thì ít dịch chuyển, ví như chuyện chú đi ăn phở, mấy chục năm liền là khách ruột của quán cô Hoa béo đầu phố. Sáng nào cô hết hàng sớm, chú thà nhịn đói. Khách đến chơi nhà không được tùy tiện động vào đồ đạc của chú. Chú không bao giờ chịu mặc chung quần áo với ai, giường ngủ là nơi bất khả xâm phạm, vô ý leo lên giường chú ngủ, chú đòi giặt ga trải giường. Giai thoại về chú nhiều vô vàn, mọi người ở công ty thường tranh thủ lúc không có mặt chú, kể chuyện chú làm quà, và cười khúc khích với nhau. Chú lạ vậy, nhưng chú vẫn là đàn ông. Chú thích ngắm mông phụ nữ, nhiều lần vô thức, bàn tay hư hỏng ấy xoa nhẹ vào cặp mông của mấy cô thực tập sinh ở công ty, các cô kêu ầm lên, mẹ phải đứng ra giải quyết êm thấm sự việc.

Không quan tâm đến những lời đồn thổi quanh mình. Không muốn thay đổi thói tật, cuộc sống cá nhân của chú ẩn chứa nhiều dấu hỏi. Gia đình chúng tôi dù vô tình hay cố ý biết được chuyện gì nằm ở khía cạnh đời tư về chú cũng không hé nửa lời. Chú có căn hộ riêng trong thành phố, cách nhà tôi 20 phút di chuyển bằng ô tô. Dù với chú hay với bố, sự chênh lệch tuổi của tôi so với họ đều khá xa. Nhưng chú là nơi tôi dễ lòng cởi mở hơn những tâm tư của thằng đàn ông.


Lại nói về bố tôi. Ông là thần tượng của tôi dù bản thân tôi không bao giờ đáp lại được kì vọng của ông. Một gia tộc giàu có chuyên về xuất khẩu các mặt hàng thủy hải sản ra thị trường quốc tế nhưng đứa con duy nhất không nối nghiệp gia đình.

Bố tôi gặp hạn. Chiếc xe của một kẻ say lao thẳng vào bố. Mẹ cũng không ép tôi phải có trách nhiệm với công việc gia đình. Mẹ và chú Thực bao năm nay như cánh tay phải, cánh tay trái của bố. Bố nằm viện. Bố xuất viện. Bố nằm đó, mẹ thuê người ở chăm sóc bố. Xác suất để người ngoài chen chân vào quyền lực công ty tương đương với con số 0. Chú Thực rất thông minh và thủ đoạn trên thương trường, và chỉ trên thương trường. Mọi giá trị đều quy về một mối, tranh chấp không, đấu đá nội bộ càng không. Người ta bảo chú mê tiền. Người ta bảo chú có lý tưởng làm giàu cho dòng họ. Mẹ tôi cười lạnh, không đơn giản thế.


Ảnh của Nguyễn Hùng (st)


*
Hai năm bố tôi nằm bất động. Tôi vào đại học, nhanh chóng nghỉ ngang chừng. Thay vì đến trường, tôi lê la mọi ngóc ngách thành phố, tiến sâu hơn vào tận cùng những con hẻm, đuổi theo con nước đen ngòm, xộc mùi hỗn độn. Điện thoại là vật bất ly thân, tôi thích giơ điện thoại ra chụp những cái tầm phào. Một chiếc lá già rụng xuống không còn nguyên vẹn do dấu tích của sâu ăn. Ông già tóc bạc dán mắt vào tờ báo dò tìm thông tin trên mặt giấy. Đăng tải những tấm ảnh lên một group kín về nhiếp ảnh, được khen, tôi có quyết tâm hơn để mua máy ảnh bằng tiền đóng học cuối kỳ, đồng nghĩa với việc tôi nghỉ học. Bỏ số tiền gần hai chục triệu mua con máy tạm ổn, bắt đầu thú chơi ảnh mê đắm. Thiếu tiền, đói khát, tôi qua nhà chú Thực xin chú dung túng. Giấu mãi không được, sự việc rồi cũng bị bại lộ. Mẹ giận lắm.


Chú Thực bao che, tôi trốn mẹ lên đường thực hiện ước mơ tuổi trẻ. Ánh sáng, màu sắc, khoảnh khắc và khung hình quyến rũ tôi. Giành giải nhất một cuộc thi ảnh nho nhỏ khiến tôi sướng phát điên. Quan hệ bạn bè mở rộng. Họ dạy tôi nhiều điều tôi chưa tỏ.

Tôi về lại ngôi nhà có bố nằm chờ. Mẹ đón tôi bằng bữa tối không phải do bà nấu. Nhà hàng phục vụ đến tận răng, điều shipper mang thức ăn chế biến sẵn đến. Lâu rồi mẹ chưa vào bếp. Tôi cũng quên đòi hỏi. Hai mẹ con có thành một gia đình? Trong bữa ăn bà chỉ nói với tôi đúng sáu từ.


“Lớn rồi, làm gì thì tùy.”


Bố không thể lên tiếng phản đối tôi. Mẹ tự quyết những việc gia đình, bao gồm cả tôi, thay cho bố.

*


Hôm nay bố tôi tỉnh dậy. Nhà chúng tôi có thêm thành viên mới. Bố tôi tím tái mặt mày khi trông thấy sự xuất hiện của thằng bé. Nếu cu Bin không kịp gọi ông nội, hẳn bố sẽ sốc lắm. Bố sẽ nghĩ: “Vợ mình phản bội chồng.”


Cu Bin là con trai tôi. Mẹ của đứa bé kém tôi 5 tuổi. Mối quan hệ của hai đứa chúng tôi vốn không được chấp thuận. Bố mẹ muốn tôi lấy con gái của đối tác công ty. Tôi chống đối gia đình, nhảy xe ngược lên miền núi. Hành trang tôi mang theo chỉ có vài bộ quần áo, sự bồng bột của tuổi trẻ, chiếc máy ảnh và chút tiền dắt lưng chú Thực lén cho. Và tôi gặp mẹ của con tôi.


Núi mù sương, mây bay ngang trời chùng chình, sà nhanh xuống tầng thấp hơn sau đó rơi nhẹ xuống mặt đất, giăng mắc vào ngọn cây đọt cỏ. Em ẩn hiện vừa xa vừa gần như từ một thế giới giả tưởng xa xôi bước ra. Nhất dáng nhì da, em được cả hai. Cô gái Thái có đôi má lúm đồng tiền. Em không gia đình. Tôi hứa hẹn. Ngày về xuôi, tôi dắt theo em. Em lầm lũi tủi hờn vì bị chối bỏ. Tôi ngang tàng chống đối gia đình mình, dẫn em đến tá túc nhờ nhà chú Thực. Em mang bầu khi chưa bước sang tuổi 18.

“Bố con nằm viện”, Đôi mắt vô hồn. Mẹ không khóc, nước mắt tự rơi. Đó là ngày mẹ đến đón em và cháu tại nhà chú Thực. Khi ấy, con trai tôi còn bế ngửa.


Hôm nay bố tôi tỉnh. Ông có thêm đứa cháu nội. Trẻ con không có tội, tự nhiên bố hết giận hai vợ chồng tôi. Ông nhìn về xa xa. Dòng giống được duy trì, đây là chuyện nên mừng, nhưng ông không lộ rõ thái độ phấn khởi ấy. Vợ tôi đơn giản hơn. Nàng sung sướng chỉ vì ông gọi tên con dâu.

Suốt một tháng trời, bố tập đi. Mẹ đẩy việc ở công ty cho chú Thực. Mẹ luôn luôn bên bố. Bố nói cười nhiều hơn. Chú Thực đến thăm bố tôi. Chú khóc như đứa trẻ con. Tôi có thể hình dung chú bây giờ và chú của ngày thơ bé. Chú dù mạnh mẽ đến đâu, hoang đàng ra sao, chú vẫn luôn là một đứa em có lòng kính trọng ông anh ruột.


Tôi gần gũi bố hơn. Làm những việc trước đây vốn dĩ cả hai chưa bao giờ làm. Khoảng cách giữa tôi và ông thắt chặt thêm, xóa tan định kiến đã có rằng bố con khắc khẩu. Khoảng cách vì sự chênh lệch thế hệ ngỡ không dung hợp nay rất dung hoà.


Bố bắt đầu chấp nhận công việc của tôi. Công việc không kiếm ra nhiều tiền nhưng có danh. Ông xúc động vì những khung ảnh sinh động thu nhỏ không gian thiên nhiên xinh đẹp được treo trên tường. Chúng ẩn chứa đầy tính nghệ thuật, được sắp đặt rải rác từ căn phòng này sang phòng kia, dẫn cả lên lối cầu thang khiến căn phòng bớt lạnh.


Bố yêu cầu tôi chở bố đến công ty. Là lần cuối ông quyến luyến nó. Ông giao phó cơ ngơi chính tay ông gây dựng cho chú Thực. Người nhà đáng tin tưởng. Ông Tin vào kẻ độc thân quái dị yêu bản thân mình hơn kẻ khác. Đó cũng là lý do những người phụ nữ đến với chú đều có kết thúc chóng vánh. Kẻ lì lợm lắm cũng đầu hàng. Chú Thực không quên được người yêu cũ. Tôi không hiểu cái si tình của chú. Phải chăng tình yêu đến với tôi quá dễ dàng. Sự ngăn cấm từ phía gia đình bị hoàn cảnh phản lại. Bố tôi bị tai nạn. Mẹ đón vợ chồng chúng tôi về chăm nom bố.

*

Bố tôi quyết định đến thăm gia đình bác sĩ Huấn. Chú Huấn đã nghỉ hưu, chú náu mình ở một miền quê thanh bình. Chỗ chú ở cách xa thành phố gần 200 km. Bố đến không báo trước. Khác với thái độ hồ hởi lúc đi, hôm về nhà, trong lòng ông có điều gì đó đổ vỡ. Vợ chồng chú Huấn li hôn được một năm rưỡi. Khi đó bố còn đương ngủ. Giấc ngủ giành giật hơi thở với tử thần. Ngày hôm qua khác ngày hôm nay. Bố mếu máo. Bố tức trời đọa đày để mình ngủ lâu quá không được chứng kiến chuyện biến thiên mỗi ngày mỗi khắc của cuộc sống. Cuộc đời bố chững lại sau tai nạn.
Bố muốn tìm về nơi có kỉ niệm vui tươi. Bố nhờ vợ tôi đặt cho bố vé máy bay vào Sài Gòn thăm cô Trang. Cô Trang là mối tình đầu của bố. Chuyến đi làm ông mệt nhoài. Cô Trang mất không lâu, cũng là tình cờ, sau tai nạn giao thông của bố. Bệnh tuổi già không chừa một ai. Bố đau lòng. Duyên tình giữa bố và cô Trang, tôi và mẹ biết cả. Ngày trước không ghen. Đến giờ mẹ càng không ghen. Mỗi người đều ẩn chứa khoảng trời rất riêng tư thời rất trẻ.


Ông trầm ngâm đóng cửa suốt một tuần lễ. Khi người ta cận kề với cái chết, cõi người còn đọa đày, được sống lại họ chẳng cần gì nữa. Hơn nữa bố đã già, ông muốn nghỉ ngơi.

Cha già, con cọc, vợ trẻ. Bố thương mẹ. Mẹ thương bố nhưng mẹ không thể giữ mình cho riêng bố. Phần nhiều vì ích lợi gia đình, đúng hơn vì tôi. Sự toan tính của đàn bà khiến mẹ rơi vào cái bẫy mà mình giăng ra. Tôi là người biết sự thật sau cùng. Tôi là con của chú Thực. Bố tôi vô sinh. Vị bác sĩ khả kính bố tôi mang ơn lại là người về phe mẹ và chú Thực. Ca thụ tinh nhân tạo năm đó bị hỏng. Mẹ giấu kín tờ kết quả khám sức khỏe sinh sản của bố, tinh dịch của bố không chứa tinh trùng. Cái lườm của mẹ vô tình trói chặt cuộc đời chú Thực. Chú âm thầm bên mẹ. Tình yêu trở thành một thứ tín ngưỡng. Chú đợi mẹ nói yêu mình, nhưng mẹ không dám. Nhiều lần chú cố ý chòng ghẹo gái, mẹ không hài lòng, chú tự cho rằng mẹ tôi ghen, cứ thế, chú thỏa mãn.


Hai gã đàn ông say xỉn dốc bầu tâm sự sau vài năm xa cách. Cơn say của kẻ bị vợ bỏ dễ làm chú Huấn nói hớ điều nên ém đi. Bố tỉnh luôn trong lúc say. Điều bí mật như một sự xác tín mối nghi ngờ lờ mờ lâu nay bố cảm thấy, nhưng nhiều lần gạt đi cho ông khỏi khổ tâm.


Bố tôi ngủ. Lần này giấc ngủ dài vô tận. Chú Thực khóc như đứa trẻ con. Tôi có thể hình dung chú bây giờ và chú của ngày thơ bé. Chú dù mạnh mẽ đến đâu, hoang đàng ra sao, chú vẫn luôn là một đứa em có lòng kính trọng ông anh ruột.

Tôi mơ hồ nhớ về mối tình giữa chú Thực và người yêu cũ. Chú kể mãi với niềm say mê. Tôi quên mất mình không dò xét tường tận xem người đó là ai.


Người đưa bài: Phạm Giai Quỳnh