Liên minh các nhà văn nước Cộng hòa Kazakhstan đã có sáng kiến tổ chức Diễn đàn các nhà văn châu Á lần thứ Nhất. Sự kiện văn học quan trọng bậc nhất châu lục đã diễn ra từ 4-6 tháng 9/2019 tại Tp. Nur – Sultan (Thủ đô Kazakhstan), với mục đích tăng cường vai trò phát triển xã hội của văn học, nâng cao vị thế nhà văn, đóng góp vào việc dịch chuyển văn học thành giải pháp giáo dục chính yếu. Hơn 100 đại biểu các nhà văn nổi tiếng từ hơn 40 quốc gia đã tham dự sự kiện văn học này, trong số đó có một số nhà văn được đề cử giải Nobel và các nhà văn đoạt giải Man Booker, các nhà văn từng đoạt giải văn học Nhà nước, giải thưởng quốc gia, Chủ tịch các Hiệp hội, các Liên minh nhà văn của các quốc gia trên thế giới.

Hai nhà văn Việt Nam được mời tham dự Diễn đàn các nhà văn châu Á lần thứ Nhất là nhà văn Xuân Đức và nhà văn Kiều Bích Hậu. Hai nhà văn Việt Nam giới thiệu tới Diễn đàn những chủ đề cốt lõi, sự phát triển, vẻ đẹp của văn học Việt Nam với bạn văn châu Á và thế giới, đồng thời, một số tác phẩm thơ, văn tiêu biểu của Việt Nam đã được dịch ra tiếng Anh và tiếng Pháp cũng được triển lãm tại Diễn đàn như Nhật ký trong tù – Chủ tịch Hồ Chí Minh; Một loài chim trên sóng – nhiều tác giả; Khao khát hòa bình – nhiều tác giả; Chiến tranh và hòa bình – nhiều tác giả; Sông núi trên vai – nhiều tác giả; Người không mang họ – Xuân Đức; Tuyển tập thơ Mai Văn Phấn; Bản Jazz cuối cùng – Kiều Bích Hậu…

Thủ đô của Kazakhstan nơi diễn ra hội nghị

Thu hút sự chú ý của các nhà văn, nhà thơ và đông đảo bạn đọc, các nhà nghiên cứu văn học tại Kazakhstan trước và trong Diễn đàn các nhà văn châu Á lần thứ Nhất là buổi triển lãm những kiệt tác văn học châu Á, và các buổi Hội thảo quan trọng với chủ đề “Văn học châu Á với các vấn đề toàn cầu”, “Ảnh hưởng của nền văn minh Á châu tới văn học hiện đại”, cùng các nhóm thảo luận về Văn học châu Á, sự phát triển của văn học ở các nước trung tâm châu Á. Đặc biệt, còn có Lễ tôn vinh trên thảm đỏ Nhà văn và trao kỷ niệm chương cho các nhà văn tham dự, đóng góp giá trị cho Diễn đàn, Lễ ký kết hợp tác giữa các Hội và Liên minh nhà văn các nước, Buổi họp chủ đề “Sáng tạo” dành cho những thành viên nhà văn thế hệ trẻ.

Tổng thống nước Cộng hòa Kazakhstan – ngài Kassym-Jomart Tokayev đã tuyên bố tại Diễn đàn đầu tiên của các nhà văn châu Á rằng: “Ngày nay, cùng với sự phát triển như vũ bão của các nền kinh tế tiên tiến châu Á, văn học, nghệ thuật và giáo dục tại lục địa này cũng đang dần dẫn đầu”. Theo Tổng thống, Diễn đàn các nhà văn châu Á là một sáng kiến quý báu, và nên trở thành một nền tảng đối thoại quan trọng cho một cộng đồng sáng tạo tại Á châu… Ông Tokayev cũng bày tỏ mong muốn được trao tặng một giải thưởng lớn cho văn học châu Á, và “mong rằng việc thực hiện các sáng kiến ​​tốt như vậy sẽ hợp nhất các nhà văn của chúng ta và đưa văn học châu Á lên một tầm cao mới…”

Giải thưởng lớn văn học châu Á, trong tương lai có thể tương đồng giá trị với giải thưởng Nobel văn học. Với kỳ vọng này, Giải thưởng lớn văn học châu Á sẽ trở thành một trong những động lực thúc đẩy sự sáng tạo hơn nữa của các tác giả châu Á.

Tác phẩm cũng như tham luận của các đại biểu tham dự Diễn đàn được xuất bản trong hai hợp tuyển, dịch ra 8 ngôn ngữ, đây được coi là bước khởi đầu cho việc dịch và quảng bá tác phẩm của nhà văn châu Á trên toàn cầu. Với sự nỗ lực của nước chủ nhà và sự đồng thuận cao của đại biểu nhà văn các nước, trong thời gian không xa sẽ tạo nên nền tảng thống nhất các tác phẩm văn học Á châu, phục vụ hiệu quả hơn cho chính các tác giả và bạn đọc của họ trên toàn thế giới.

Cuộc Hội thảo với chủ đề “Sáng tạo” dành cho các nhà văn thế hệ mới cũng thu hút sự chú ý. Các nhà văn tham dự, tuổi U50, năng lượng và nhiệt huyết, đã đi đến thống nhất thành lập nhóm trên mạng xã hội Facebook và Whatsapp để thường xuyên trao đổi ý tưởng, học hỏi kinh nghiệm của nhau, chia sẻ tác phẩm mới, hỗ trợ dịch và xuất bản tác phẩm của nhau, ủng hộ sự phát triển của các xu hướng mới mẻ, nền văn học mới, những sáng tạo xuất chúng, thành lập các dự án giúp các nhà văn trẻ vượt qua khó khăn trong xuất bản tác phẩm, hỗ trợ học bổng cho sinh viên chuyên ngành dịch văn học… Và từ nhóm gần 20 nhà văn trẻ tham dự Diễn đàn lần này, thành lập sớm ban điều hành, sẽ kêu gọi các nhà văn trẻ khác trên châu lục cùng tham gia nhóm, tạo nên một cộng đồng văn trẻ mạnh mẽ, táo bạo, vươn tới đỉnh cao của mình và nắm thời cơ để phát triển nhanh chóng…

Diễn đàn thực sự tạo nên một không khí văn học mới mẻ toàn châu Á, tạo niềm hứng khởi cho các đại biểu tham dự, những hy vọng về sự thay đổi và phát triển văn học tại châu lục có lượng dân số, bạn đọc tiềm năng chiếm 60% tổng dân số thế giới. Tại phiên họp toàn thể, các đại biểu đã đi đến thống nhất, Diễn đàn các nhà văn châu Á sẽ được tổ chức định kỳ 3 năm 1 lần, tại một trong những quốc gia châu Á.

Theo Van Nghe