Quá trình hình thành và phát triển

“Văn học vết thương” là một trào lưu hoàn toàn mới xuất hiện trong văn học Trung Quốc thời kỳ mới. Từ “vết thương” được giới học thuật Trung Quốc dùng để khái quát một trào lưu văn học. Hứa Giới Dục cho rằng, từ sau tháng 10 năm 1976, truyện ngắn đặc biệt phát triển với nội dung hấp dẫn, được giới phê bình đương thời gọi là “văn học vết thương”. Theo nhà nghiên cứu văn học Hồng Tử Thành, ban đầu “văn học vết thương” được gọi theo nghĩa hẹp, chỉ những tác phẩm viết về đề tài cảm thương, bi kịch, theo dấu chân của “văn học tố cáo” niên đại 50, 60 trong thế kỷ XX.

Bước vào thời kỳ mới, nhân dân Trung Quốc được giải phóng về mặt chính trị, nhưng về mặt sáng tác và lý luận văn học vẫn chưa được tự do. Cho đến khi có cuộc thảo luận lớn về “tiêu chuẩn chân lý” và Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ XI, Trung Quốc đương đại mới thực sự chuyển mình, văn học mới được đi trên con đường rộng mở. Đó chính là bối cảnh xã hội hình thành dòng “văn học vết thương”.

Hình thành sau Cách mạng văn hóa, cho nên “văn học vết thương” phản ánh thời kỳ lịch sử của Cách mạng văn hóa. Tác phẩm văn học hay câu chuyện bi hoan ly hợp hoặc trường cảnh đầu rơi máu chảy trong Cách mạng văn hóa đã tạo thành sự tổn thương lớn lao trong tinh thần của nhân dân Trung Quốc. Đó cũng là nội hàm hạt nhân tư tưởng của “văn học vết thương”.

Trải qua 10 năm biến động, thể xác và tâm hồn con người chịu nhiều tổn thương. Sáng tác văn học bị hạn chế trong một thời gian dài đã khiến cho các nhà văn không dám cất lên tiếng nói của mình. Đồng thời, chủ nghĩa giáo điều “tả khuynh” vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần con người, vì thế trong năm đầu tiên của “văn học thời kỳ mới”, tuy nội dung truyện ngắn đã viết về “bè lũ bốn tên”, nhưng mô thức sáng tác vẫn chỉ dậm chân tại chỗ ở “bè lũ bốn tên”. Đối diện với hiện thực 10 năm loạn lạc, nhà văn hầu như sáng tác theo công thức hóa, khái niệm hóa.

Trong 10 năm Cách mạng văn hóa, vô số thanh niên tri thức Trung Quốc tham gia phong trào “lên núi về quê”. “Văn học vết thương” hình thành từ phong trào này, chủ yếu viết về bi kịch thời đại của thanh niên tri thức, phần tử tri thức, quan viên bị bức hại và quần chúng nhân dân

Nhà văn Lưu Tâm Vũ.Có thể coi truyện ngắn Chủ nhiệm lớp của nhà văn người Tứ Xuyên Lưu Tâm Vũ đăng trên tờ Văn học nhân dân số 11 năm 1977 là tác phẩm đầu tiên của dòng “văn học vết thương”. Lưu Tâm Vũ thành danh nhờ truyện ngắn Chủ nhiệm lớp bởi tác phẩm đã chỉ rõ nguyên nhân khiến tầng lớp thanh niên trí thức bị “nội thương tinh thần. Ngoài ra, nội dung tác phẩm còn phản ánh chân thực đời sống hiện thực với câu chuyện tình bi ai, thể hiện cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh chính trị, thức tỉnh tinh thần đấu tranh của người Trung Quốc. Chủ nhiệm lớp là tác phẩm văn học đầu tiên thời bấy giờ viết về sự giải phóng tư tưởng và dân chủ nghệ thuật, vạch rõ giới hạn giữa văn học cách mạng và văn học thời kỳ mới, cho nên có ý nghĩa đánh dấu một mốc son lịch sử văn học. Có học giả Trung Quốc cho rằng, truyện ngắn của Lưu Tâm Vũ cùng chung tiếng nói chống lễ giáo phong kiến giống như Nhật ký người điên của Lỗ Tấn. Chính vì vậy, Chủ nhiệm lớp có ý nghĩa lịch sử và tinh thần tiến bộ sâu sắc.

Chủ nhiệm lớp vén lên bức màn hồi cố lịch sử “vết thương”. Nhân vật được chú ý trong tác phẩm không phải là nhân vật chính Trương Tuấn Thạch mà là lớp trưởng Tạ Huệ Mẫn, người được Lưu Tâm Vũ xây dựng như một hình tượng nhân vật điển hình bị tổn thương về mặt tinh thần. Sự xuất hiện của nhân vật này thể hiện rõ thái độ sáng tạo của nhà văn trước hiện thực đời sống và phản ánh hiện thực.

Cho đến khi khổ nạn của phong trào Cách mạng văn hóa được phản ánh thành một trào lưu trong văn học thì tác phẩm mở đầu chính là truyện ngắn Vết thương của Lư Tân Hoa đăng trên Văn hối báo ngày 11 tháng 8 năm 1978. Từ thời điểm đó, tên gọi “văn học vết thương” chính thức xuất hiện. Truyện ngắn Vết thương phản ánh sự nguy hại nghiêm trọng khi con người bị “nội thương tư tưởng” và hô hào “chữa trị vết thương”. Đây là truyện ngắn đầu tiên có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của dòng “văn học vết thương” ở Trung Quốc.

Truyện ngắn Vết thương dùng nghệ thuật bi kịch làm sức mạnh nên đã gây chấn động văn đàn đương thời. Tác giả khắc họa khá rõ nét nhân tính, chủ nghĩa nhân đạo, đột phá sự o ép văn nghệ trong một thời gian dài nên gây không ít tranh luận trái chiều nhau. Cuối cùng, giới phê bình rút ra kết luận rằng, đứng trên góc độ chính trị, truyện ngắn Vết thương là tiếng nói đầu tiên phủ định triệt để Cách mạng văn hóa. Đến lúc đó, người ta mới thực sự hiểu được rằng, họ quả thực đã trải qua một tai họa lớn, sống cũng với những con người và sự việc xấu xa, thấp hèn, cho nên phải chống lại và gạt bỏ hết tất cả những gì họ phải chịu đựng trước kia.

Về đề tài sáng tác, truyện ngắn Chủ nhiệm lớpVết thương có ý nghĩa khai sáng cho dòng “văn học vết thương” nhưng khá non yếu về mặt nghệ thuật. Các tác phẩm sau này hoàn thiện hơn về nghệ thuật sáng tác, trong đó phải kể đến Giấc mơ trên phím đàn (Tông Phác), Đứa trẻ đi ra từ trong rừng sâu (Trương Khiết), Tướng quân nơi thị trấn nhỏ (Trần Thế Cưu), Cây phượng (Trịnh Nghĩa), v.v…

Sau này, nhiều nhà văn bắt đầu chuyển hướng sáng tác, từ đó xuất hiện nhiều tác phẩm viết về lịch sử Cách mạng văn hóa. Nhờ đó, một trào lưu văn học đầu tiên của thời kỳ mới ra đời, đó chính là dòng văn học vết thương với đúng nghĩa của nó. Sau này, nhiều tác phẩm viết về thời kỳ Cách mạng văn hóa có ảnh hưởng tương đối lớn như Sứ mệnh thần thánh (Vương Á Bình), Cây thông xanh cao quý (Vương Tống Hán), Cuộc chiến tinh thần (Ngô Cường), Hiến thân (Lục Văn Phu), Nhân duyên, Bên dòng sông nhỏ (Khổng Tiệp Sinh), v.v…

Những tác phẩm tương đối trưởng thành của dòng “văn học vết thương” sau này có Con đường sống của Trúc Lâm, Ngày tháng trôi qua, Những người trẻ tuổi trong thời đại của chúng tôi của Diệp Tân, Ngọc lan đỏ dưới bức tường lớn (Tòng Duy Hi), Hứa Mậu và những cô con gái của ông (Chu Khắc Cần), Tôi là ai (Tông Phác), Tướng quân ngâm (Mạc Ứng Phong), Thị trấn Phù Dung (Cổ Hoa), Đi vào mờ mịt (Tân Bắc), Nhớ em, Hoa Lâm (Tập Xảo Minh), Góc bị tình yêu lãng quên (Trương Huyền), Chiếc khăn hoa bay mất (Trần Kiến Công), Hoang mang mà đi (Tân Bắc), v.v… Trong đó, tác phẩm của Tòng Duy Hi và Hứa Mậu viết về nông thôn Trung Quốc sau Cách mạng văn hóa khá thành công.

Ngoài ra, nhiều tác phẩm của Phùng Ký Tài, trong đó có Lối rẽ trải hoa, A… thể hiện sự quan tâm cũng như tìm hiểu sâu sắc về nhân sinh, nhân tính. Chính điều đó đã khiến cho một dạo giới lý luận văn nghệ niên đại 80 của thế kỷ trước bàn luận sôi nổi về nhân tính, nhân tình và chủ nghĩa nhân đạo.

Hầu như truyện ngắn thuộc dòng “văn học vết thương” viết về cùng một đề tài. Còn những cuốn tiểu thuyết thuộc dòng “văn học vết thương” thì khá hiếm hoi, bởi nhà văn cần phải có sự chuẩn bị và sáng tác dài hơi. Trong số ít các tiểu thuyết “văn học vết thương”, tiêu biểu có Ngâm vịnh tướng quân (Mạc Ứng Khuê, 1979), Hứa Mậu và những cô con gái của ông (Chu Khắc Cần, 1979), Thị trấn Phù Dung (Cổ Hoa, 1981), Những người trẻ tuổi trong thời đại của chúng tôi (Diệp Tân), v.v…

Có thể thấy rằng, trong niên đại 70, 80 của thế kỷ trước, “văn học vết thương” chiếm vị trí chủ đạo trên văn đàn Trung Quốc. Với thái độ chân thành, tỉnh táo, tác gia “văn học vết thương” tái hiện rõ nét một bức tranh sống động về đời sống xã hội đầy biến động trong 10 năm Cách mạng văn hóa, thậm chí triệt để phủ định “đại cách mạng văn hóa”. Đó cũng chính là tinh thần chân thực của “văn học vết thương”


Giá trị nội dung và nghệ thuật

Có thể thấy, “văn học vết thương” đạt được không mấy thành tựu bởi các nhà văn thời bấy giờ vừa bàng hoàng tỉnh dậy sau một giấc mơ dài, tinh thần đang bị kích động, tình cảm quá nồng nhiệt, tự sự quá gấp gáp…, cho nên thể hiện rõ sự ấu trĩ, non nớt về nghệ thuật sáng tác.

“Văn học vết thương” phản ánh rất nhiều nội dung nhưng phần lớn các nhà văn dùng thủ pháp chân thực, chất phác, chỉ rõ vết thương mà Cách mạng văn hóa đưa đến cho con người, từ đó giải tỏa sự ức chế, nỗi đau đớn tích tụ trong tâm hồn con người qua 10 năm cách mạng.

Trước hết, đi từ ý nghĩa xã hội, “văn học vết thương” phủ định hoàn toàn Cách mạng văn hóa. Nó không những phủ định chính sách, hậu quả của Cách mạng văn hóa mà còn phủ định sáng tác văn học theo kiểu bưng bít, che đậy cho Cách mạng văn hóa, từ đó khôi phục được tính chân thực của văn học.

Thứ hai, người ta có thể phát hiện thấy tinh thần bi kịch lâu lắm không được thấy trong “văn học vết thương”. Trong tình hình cánh Tả quy định ngặt nghèo văn học chỉ được “ca ngợi hiện thực”, liên tục mấy chục năm liền, văn học đã không còn được phản ánh ý thức bi kịch. Nhưng sau khi Cách mạng văn hóa kết thúc, lần đầu tiên người dân cảm nhận được bi kịch mang tính xã hội sâu sắc. Thế là, lần đầu tiên trong lịch sử văn học Trung Quốc đương đại, xuất hiện trào lưu “văn học vết thương” dùng hình thức bi kịch phản ánh chủ nghĩa xã hội.

Thứ ba, đối tượng biểu hiện của “văn học vết thương” được mở rộng, các nhà văn bắt đầu chú ý đến người dân lao động tầng lớp dưới, từ đó thoát khỏi quy định giáo điều của văn học thập niên 70 và Cách mạng văn hóa thế kỷ trước chỉ được viết về “công, nông, binh” hay nhân vật anh hùng dân tộc. Nhân vật của dòng “văn học vết thương” khá đa dạng, có cả những phần tử tri thức, những người phụ nữ nông dân… Nhưng là tiếng nói đầu tiên của vừa mới thoát khỏi mô thức sáng tác cứng nhắc của Cách mạng văn hóa nên “văn học vết thương” còn tồn tại những hạn chế nhất định.

Thứ nhất, “văn học vết thương” không phủ định triệt để Cách mạng văn hóa, chỉ đi từ góc độ chính trị, xã hội, mối quan hệ giữa người với người để khảo sát nguyên nhân gây tổn thương cho tinh thần con người mà thiếu sự phân tích tâm lý văn hóa truyền thống và hệ ý thức phong kiến.

Thứ hai, nghệ thuật biểu hiện của “văn học vết thương” tương đối ấu trĩ. Chúng ta có thể thấy rằng, ngôn ngữ trong nhiều tác phẩm vẫn còn mang dấu ấn Tả khuynh của Cách mạng văn hóa. Ngoài ra, do tác giả dòng “văn học vết thương” nhấn mạnh hiện thực nên tình cảm của nhà văn thường bị kìm nén, quan điểm dao bị động nên nội dung tác phẩm thường nông cạn, hời hợt.

Thứ ba, tác phẩm “văn học vết thương” tuy xuất hiện nhiều bi kịch nhưng tinh thần bi kịch đó chủ biểu hiện yếu ớt ở bề ngoài. Bi kịch thường thể hiện ở tai họa hay là thể hiện sự cao quý trong tai họa nhưng “văn học vết thương” chỉ thể hiện bi kịch ở tai họa, tác phẩm chú ý miêu tả câu chuyện bi thảm mà coi nhẹ việc khắc họa nhân cách. Như vậy, nhân vật chính trong các tác phẩm “văn học vết thương” chỉ đơn thuần là kẻ bị hại mà không phải là nhân vật thể hiện cái đẹp.

Cuối cùng, tác phẩm “văn học vết thương” thường có kết thúc có hậu theo kiểu công thức hóa. Do chưa hiểu rõ về hoàn cảnh tư tưởng và hình thức chính trị đương đại, giới văn học nghệ thuật vẫn còn ngại viết quá lộ liễu theo kiểu dòng “văn học tố cáo”, đồng thời nhiều tác giả vẫn khó thoát khỏi sự ảnh hưởng của quan niệm sáng tác “tả khuynh” theo thói quen trước đó, vì vậy mà kết thúc tác phẩm vẫn theo quán tính cho rằng, tương lai nhất định sẽ tốt đẹp và rộng mở.

Các tác phẩm văn học là một bằng chứng sống cho một giai đoạn xã hội, một thời kỳ lịch sử, cho nên “văn học vết thương” đã ghi lại một cách chân thực máu và nước mắt của một thời đại. Ở một mức độ nhất định, tác giả “văn học vết thương” đã khai thác khá sâu sắc không gian nhân tính và nội tâm con người. Điều đó đã khiến dòng “văn học vết thương” có tiếng nói của mình trong văn học Trung Quốc hiện đại, đương đại.

Phương Phương Dã Thảo

Nguồn: Văn nghệ Trẻ.