Tản văn của ĐỖ BÍCH THÚY

Tôi hay bị xúc động khi tiếp cận với một tác phẩm mà ở nó toát ra điều gì đó có khả năng chạm tới đáy sâu cảm xúc.

Điều này giống như việc một buổi sáng tinh mơ, bước chân ra vườn.

Là một khu vườn vuông vắn, có những cây táo quả nhỏ mọc quanh hàng rào, và dưới mặt đất, những luống rau xà lách xanh mướt đang cuộn tròn lại trong cái giá rét của mùa đông miền Bắc. Trong lúc đó, ngay trước mặt, trên những cành táo, một cái mạng nhện giăng từ lúc nào đó, sương đêm qua đọng ở trên nó vài giọt. Bất chợt một cơn gió nhẹ ùa tới, lay khẽ, và những sợi tơ nhện run lên. Cảm xúc mà tôi nói tới ấy, giống như sự run lên của những sợi tơ.

Sen xanh của Phạm Hà Hải đi tới cảm xúc của tôi, giống như cơn gió buổi sáng ấy. Chính là một cơn gió, khẽ và lạnh, yên lặng và bí ẩn, vừa khiêm nhường vừa kiêu hãnh. Và với những điều đó, nó khiến sợi tơ run lên.

Khi tôi ngồi viết những dòng này, tôi không ngắm lại bức tranh ấy nữa. Tôi sợ, việc ngắm lại nó sẽ khiến cho sợi tơ kia yên tĩnh trở lại và tôi sẽ phải vất vả lục lọi để tìm thấy nó lần nữa. Giống như khi đọc một trang sách hay, tôi sẽ phải gập cuốn sách lại. Tôi phải để cho mình được im lặng để tận hưởng sự ngân rung của trái tim mà tôi vừa có được khi đọc những câu, những chữ ấy. Kì lạ thế đấy.

 


Sen xanh – Tranh của PHẠM HÀ HẢI

Tôi nhớ cái màu xanh không giống mấy màu xanh đôi khi phủ ánh bạc của lá sen trong bức tranh. Nó lạnh lẽo và cô đơn biết mấy. Nó khiến cho cái cuống lá đã mảnh khảnh càng trở nên gầy guộc. Nó khiến cho mặt nước tĩnh lặng càng trở nên phẳng lặng. Hoạ sĩ gửi gắm điều gì ở trong nó? Tôi không bao giờ đi tìm câu trả lời cho câu hỏi ấy. Và tôi cũng không thích hỏi bất kì hoạ sĩ nào về một bức tranh cụ thể, một câu hỏi kiểu như: Anh vẽ cái gì vậy? Không phải tôi cho rằng chính hoạ sĩ cũng không biết mình vẽ gì (mặc dù có thể như thế thật), mà là tôi cho rằng, hoạ sĩ vẽ gì không quan trọng bằng người ngắm bức tranh đó nghĩ gì.

Vậy tôi nghĩ gì khi ngắm Sen xanh?

Tôi thấy một cô gái ngồi duỗi chân trên lớp cỏ khô xác của mùa đông. Đôi chân dài, gầy, trắng. Tôi luôn thích những cô gái có đôi chân gầy. Chiếc váy lụa màu khói của cô ấy phủ đến đầu gối, và nó đổ ra mặt cỏ những nếp gấp ngay ngắn. Hai bàn tay đặt trên đùi, cánh tay hơi gập lại, đôi vai mỏng được phủ bởi những lọn tóc thơm mùi bạc hà. Cô đang nhìn không chớp ra mặt nước, nơi những chiếc lá sen đang bình thản trong cô đơn tột cùng. Cô thấy mình ở đó, trong cái vẻ mảnh khảnh xinh đẹp tuyệt đối ấy.

Tôi thấy những tiếng thì thầm của vài con côn trùng. Chín mười tuổi gì đó, tôi đọc một cuốn sách có tên “Cuộc phiêu lưu của Carich và Valya”. Trong đó, kể về hai em nhỏ uống phải chai nước thu nhỏ người của một nhà khoa học. Và lập tức các em đã nhỏ tí xíu, tới nỗi nhìn thấy con chuồn chuồn to như một chiếc trực thăng. Đại khái thế. Tôi đã mơ ước biết mấy được bé nhỏ như một loài côn trùng. Côn trùng sẽ nhìn thế giới rộng lớn này với biết bao sợ hãi và mộng mơ. Càng sợ hãi càng mộng mơ. Và vài con côn trùng trong đám cỏ khô ấy sẽ hỏi nhau về sự kiêu hãnh của những chiếc lá sen trên mặt nước.

Và tôi nhìn thấy bên dưới mặt nước lạnh lẽo ấy, cuống của những chiếc lá sen đang chạm vào nhau. Ở trên mặt nước, chúng làm như chẳng quan tâm gì đến nhau cả, nhưng ở phía dưới, chúng đang thực sự chạm vào nhau đấy. Y như hai người đang yêu nhau, ngồi trong một quán cafe ấm áp đông người, và lặng lẽ vươn những ngón tay để nắm được nhau dưới gầm bàn.

Thế giới của muôn loài luôn là không giới hạn. Trí tưởng tượng và sự mộng mơ của con người về cái thế giới ấy, may thay, cũng là không giới hạn.

Khi tôi hỏi Phạm Hà Hải: Tôi thực sự không biết họa sĩ bằng cách nào có thể di chuyển cảm xúc từ não tới bàn tay. Anh cười phá lên. Anh nói, anh chỉ cảm thấy cái anh muốn, cái hướng mình nghĩ đến. Còn trong lúc vẽ, cấu trúc bức hoạ nó cùng mình hoàn thành sau nhiều biến chuyển. Tôi phải ồ lên. Vì quả thực điều này quá giống với việc khi tôi viết văn. Một cuốn tiểu thuyết của tôi thường được bắt đầu bằng một bản đề cương. Nhưng nó hầu như chỉ đi đúng quỹ đạo được khoảng một phần ba, thậm chí ít hơn. Sau đó nó sẽ “tự” dịch chuyển theo ý nó, theo cái logic vô hình nào đó. Nói cách khác, nó điều khiển, chi phối cả nhà văn. Nên đôi khi tôi bị rơi vào trạng thái đau khổ thực sự, trước cái chết của một nhân vật. Ngồi giữa đêm hoang vắng tĩnh lặng, trong một con ngõ nhỏ tí, sâu hút của Hà Nội, và nước mắt rơi lã chã. Chỉ muốn có một ai đó nghe tôi hét lên rằng: Nó chết rồi. Nhân vật của tôi ấy. Nó đã chết lúc hai giờ sáng, trên cái màn hình máy tính.

Phạm Hà Hải nói thêm: Ví dụ, thời kỳ này sắc trắng nó ngự trị trong não. Dù mình cố tình bắt đầu từ mầu gì, thì kết thúc bức tranh chỉ có thể là sót chừng nào của màu ấy, còn thì nó lại trắng xóa. Nên tôi ngẫm ra, vẽ là xoá. Xoá đi phần không thuộc về mình, không phải mình hướng tới.

Tôi đã xem nhiều bức tranh Phạm Hà Hải vẽ sen trong thời điểm này. Quả thực sắc trắng đang ngự trị trong hầu hết những bức vẽ ấy. Tôi nói, tôi thích sen của anh là bởi vì nó không mô tả sen, mà nó lẩy ra cái hồn vía, cái tinh thần sen. Đấy là điều tôi thấy thú vị nhất. Và cái sắc trắng ngự trị trong những bức sen của anh thực sự đang tỏa ra một thứ năng lực thuyết phục gần như tuyệt đối. Nó không phải là khoảng trống. Nó chiếm đoạt những vị trí quan trọng trong bức tranh. Nó là một thứ âm nhạc không lời, kiêu hãnh, độc đoán, lạnh lùng, quyết liệt nhưng có khả năng thu hút bằng sự tinh tế kì diệu.

Tôi thích cái cảm giác được lạc vào một khu vườn, hơn thế, là một cánh đồng mà trên đó có đủ loại hoa màu, rau cỏ, một ít cây ăn quả, một số cây chỉ để lấy màu xanh, một số cây thì nở hoa … Nằm sâu phía trong là một mặt hồ, buồn tẻ và phẳng lặng. Đấy chính là nơi cô gái của tôi duỗi chân ngồi ngắm những chiếc lá sen gầy guộc. Nhà văn và họa sĩ, sẽ thật khó để nói rằng ai hạnh phúc hơn ai khi được chạm tới những điều mà nếu không phải là một trong số họ, ít ai chạm tới được. Như là năm nào thì mùa xuân cũng tới, sau những ngày tháng giá rét lê thê. Nhưng chưa bao giờ mùa xuân đáng chán, cho dù nó có đến một trăm lần trong một đời người…

Đ.B.T

Văn nghệ Quân đội

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài