– Để xem lần này có thoát được tay ông không.

Lão Hạnh nhả khói thuốc, nhìn ra sân tự đắc. Lão đã gần như chắc chắn nắm cái chức ấy trong tay. Mà kỳ này chẳng lão làm thì có đứa nào đủ sức mà tranh với lão.

Minh họa: NGUYỄN PHÚ

Rồi đây xem có đứa nào còn dám coi thường tao nữa không. Ngay cả cái thằng Tùng mục ương ngạnh thế, mà giờ cũng bác bác em em ngọt lừ. Giờ này chắc nó đang thưởng thức ấm trà nóng, thứ trà ấy uống vào có mà nhớ đời. Chuyện, trà hảo hạng lão phải bảo con lão mua tận bên Thái Nguyên về, mấy trăm nghìn một cân. Vậy mà phải nhắm mắt mang cho nó nửa cân.

Bộn bề công việc, cái khu dân cư này trông vậy mà lắm thứ việc quá.

– Con đường qua xóm Hạ nhất định chúng ta phải sửa lại. Không thể để nó xuống cấp mãi thế – lão Hạnh quả quyết trong buổi họp dân.

– Sửa à? – Thanh mỡ đứng phắt lên – Tiền đâu mà sửa. Ông nào lúc đầu chẳng nói thế. Rồi thì sao, bà con thấy cả đấy.

Ai lạ gì Thanh mỡ, hắn nổi tiếng là chẳng ngán ai. Vài chén vào là chơi hết, vì ở đây hắn chẳng có thằng đáng mặt đàn ông cả. Hắn luôn cho là như thế.

– Anh cứ bình tĩnh. Chúng ta sẽ có cách – lão Hạnh vẫy vẫy tay, ôn tồn.

– Ông lấy đâu ra? Hay chỉ nọc chúng tôi, mà chúng tôi thì nghèo.

– Tôi biết, nhưng nếu cố gắng, đồng lòng thì không có gì khó.

– Đồng lòng – một bà ngồi cuối, nói to. – Năm ngoái xây nhà văn hóa, nhà tôi phải bán hai tạ lúa đấy.

– Nhà tôi bán ba con gà.

– Nhà tôi mất đứt nửa con lợn.

Những tiếng lao xao tự do, làm cho buổi họp trở nên ồn ào. Lão Hạnh phải đứng lên, nói to:

– Bà con cứ yên tâm. Năm nay chúng tôi đã xin xã và kêu gọi con em của làng đi xa về đóng góp. Họ đã hứa ủng hộ công trình này của khu ta.

– Lại hứa – một người phụ nữ ngồi ngay trên đầu bĩu môi…

– Năm nay sẽ khác – lão Hạnh nói.

– Khác quái gì. Ai lạ chứ tôi lạ gì các ông trong ban xây dựng – Thanh mỡ nhếch mép để lộ bộ răng vàng khè ám khói thuốc lào.

“Mẹ cha cái thằng nát rượu” – lão Hạnh nghĩ – “Mày thì biết cái gì ngoài mấy chén rượu rẻ tiền mà nói” – lão thấy nóng mặt vì cái thằng ba bửa này quá, ai khiến nó đến họp chứ.

– Anh Thanh ơi. Đã dậy chưa?

– Gọi gì mà sớm thế.

Thanh mỡ vừa ngủ dậy đang ngồi ở bàn. Sờ tay vào cái ấm lạnh ngắt, vợ hắn đi ra đồng sớm nên không đun nước. Nhìn sang cái chai cũng cạn nhe, tại mấy con cá rô rán tối qua nên hắn lỡ miệng, chứ không thì kiểu gì chẳng còn đôi chén tráng ruột.

Chưa kịp đi ra xem ai gọi thì lão Hạnh đã lù lù ở cửa.

– Anh dậy lâu chưa? Ăn sáng chưa?

Lão đặt lên bàn một bọc nylon, một chai rượu mầu hổ phách trong vắt.

– Tôi qua chỗ mụ Bảy thấy có lòng lợn ngon quá, nhưng chẳng nhẽ ngồi ăn một mình.

– Bác cứ bày vẽ. Cứ gọi em sang ngay. Bác làm thế này, thằng em thất lễ quá.

Thanh mỡ chăm chăm nhìn cái bọc thức ăn và chai rượu.

– Rượu chuối hột, tôi ngâm hai năm rồi đấy. Uống êm lắm!

– Bác chờ em – Thanh mỡ chạy xuống bếp lấy bát đũa.

Lòng lợn vẫn còn nóng, ăn vào miếng nào, cứ gọi là “lên tiên” miếng đấy. Rượu nặng, ngâm lâu, ngọt lừ, lại êm ru, Thanh mỡ có mà muốn uống cả buổi. Được vài tuần rượu, lão Hạnh nhìn Thanh mỡ, lim dim nói.

– Chú thấy con đường này bây giờ thế nào – lão Hạnh nhìn ra cổng.

Thanh mỡ ngửa cổ uống hết chén rượu.

– Đấy chết, mấy hôm cứ bảo sang nhà bác, mà chưa sang được.

– Thế mà chú chẳng sang. Tôi rót cả mấy chai rượu ba kích, ý chờ chú.

– Em biết, bác hết lòng vì dân vì làng – Thanh mỡ cầm chén rượu lão Hạnh vừa rót cho hắn lên, ực một cái – Bác chủ trương làm lại con đường này là vô cùng vĩ đại. Em nhiệt liệt ủng hộ bác.

– Nhưng mà… – lão Hạnh trầm ngâm, cầm lấy chai rượu rót tràn vào chén Thanh mỡ – có phải ai cũng nghĩ như chú đâu. Còn lắm ý kiến lắm!

– Bác cứ để đấy – Thanh mỡ nhồm nhoàm, nuốt vội miếng dồi, chỉ đôi đũa đang cầm trong tay ra phía cửa – Cứ để đấy cho em, thằng nào chống lại đường lối của bác em cho nó biết tay.

– Chú chỉ mạnh mồm.

– Bác đừng coi thường thằng em. Rồi bác xem có đứa nào dám bàn lùi nữa không.

– Thôi thôi, tôi rõ cái bản lĩnh của chú rồi – lão Hạnh gắp một miếng lòng non trắng phau, chấm vào bát mắm tôm, để vào bát Thanh mỡ – Cứ bình tĩnh, không phải lúc nào cũng cứ đao to búa lớn được đâu.

– Thế ý bác là sao? Bác cứ nói, thằng em sẽ hết lòng.

– Theo tôi, hay là chú là người đầu tiên nộp tiền ủng hộ làm đường.

– Tưởng gì, em nhất trí ngay – Thanh mỡ vung tay lên, rồi đập đánh bốp xuống bàn. Chợt, mặt hắn tưng hửng như người vừa mất vàng – Nhưng bây giờ em…

Lão Hạnh nhìn hắn, mặt rạng rỡ hẳn lên, mở quyển sổ mang theo ra, rút cây bút, vừa nói:

– Thế thì tôi sẽ ghi chú là người đầu tiên ủng hộ. Còn tiền thì tôi sẽ ứng trước cho chú. Có đáng bao nhiêu.

– Nhưng mà…

– Chú không phải nghĩ ngợi. Chỗ anh em mình, nào ai biết.

– Thế thì… – Thanh mỡ ngửa cổ cạn một hơi, hết chén rượu lão Hạnh vừa rót cho hắn.

Lão Hạnh đưa mắt nhìn quanh ba gian nhà Thanh mỡ, chẳng có gì đáng giá. Mái ngói lâu ngày không đảo, mục vỡ nhiều. Đồ đạc, chăn màn cũ, xỉn mầu ngổn ngang trên hai tấm phản đầy những vết dao chặt nham nhở quanh mép. Rồi lão thở dài.

– Lần này tôi đã gửi danh sách lên xã, đề nghị xét nhà chú vào diện hộ nghèo.

– Thật ạ bác? – Thanh mỡ giương mắt.

– Gia đình chú không tiêu chuẩn hộ nghèo thì ai đủ.

– Thế thì trăm sự em nhờ bác. Nhà mà được là hộ nghèo, thì cả đời này em ơn bác…

Lão Hạnh mỉm cười, đứng dậy đi ra cửa.

Lão Hạnh không ngờ lần này vận động đóng góp lại trở nên dễ dàng đến thế. Chưa đầy tháng trời tất cả các hộ tham gia đóng góp đầy đủ, nhiều người còn ủng hộ thêm.

– Đến cái thằng bợm trợn nhất làng, nghèo nhất làng nó còn dám tiên phong đóng góp nữa là.

– Không lẽ mình không bằng cái thằng Thanh mỡ nát rượu sao.

– Nó uống rượu nợ đầm đìa các quán, mà vẫn có tiền đóng cho làng, không lẽ mình lại chây ỳ?

– Thì con người cũng phải lúc nọ lúc kia chứ, đâu phải cứ nát rượu là chẳng bao giờ làm được việc gì tốt…

Chẳng ai chịu thua Thanh mỡ. Tiền đã đủ, ban xây dựng tiến hành làm lại con đường. Ai mà chẳng phục cái sự quyết đoán của lão Hạnh. Chỉ trong một thời gian mà lão đã làm được bao nhiêu việc mà mấy người tiền nhiệm của lão cứ loay hoay mãi.

– Thì cứ đúng ý dân, làm việc hết sức mình, thì việc khó mấy chẳng xong. – lão Hạnh vẫn nói thế – Chứ tôi thì tài cán gì.

Con đường làm gần xong thì có lệnh trên xã xuống tạm ngừng thi công, do có dấu hiệu không bảo đảm chất lượng theo phản ánh của nhân dân.

– Đứa nào lắm chuyện thế – lão bực chửi um lên – Công việc thì không lo, toàn đi để ý đến những cái vớ vẩn. Không khéo làm hỏng cả việc lớn của ông.

Một đoàn cán bộ trên xã, có cả cán bộ hạ tầng từ trên huyện được mời về kiểm tra. Mẫu bê-tông được cậy lên, kích thước đường được đo cẩn thận, các loại sổ sách được mang ra so sánh và kiểm tra kỹ.

– Đứa nào chơi đểu ông – lão Hạnh nghiến răng, nhìn đống sổ sách, và mấy vị cán bộ.

Cả mấy ngày trời kiểm tra, lão Hạnh không tìm được cách nào để mời đoàn một bữa ăn, hay đưa tiền nhờ họ đi ăn hộ. Lão điên đảo hết cả lên.

Đoàn kiểm tra phát hiện. Bê-tông không đủ tiêu chuẩn, tỷ lệ xi-măng thấp, cát non, đá dăm không đúng kích cỡ… Hóa đơn vật tư chênh lên nhiều so thực tế về khối lượng và giá cả.

Lão Hạnh buộc phải chuyển tất cả công việc sang cho một người khác tiếp tục. Bên cạnh đó lão cũng nghỉ các nhiệm vụ đang làm, chờ kết luận chính thức.

“Khốn nạn”. Lão Hạnh nhấp một chút rượu nhìn ra sân, mưa phùn mờ mờ khoảng trời trước nhà. “Thế là công toi”, lão không thể ngờ được những thằng đấy lại chơi mình. Chúng nó thì hơn gì? Tiền của cánh thi công, tiền chênh lệch vật tư, lão cũng có giữ một mình đâu. Vậy mà… bọn này tham quá.

Thôi được, chúng mày cứ chờ ông. May là số tiền của cánh thợ xây được lão cho nhận công trình biếu, tiền chênh lệch vật tư, tiền “lại quả” của mấy cửa hàng vật liệu xây dựng đưa cho lão. Lão mới chi một ít cho mấy thằng trong ban xây dựng, mà lão có sổ ghi lại tất đấy.

“Trả hết”, Lão Hạnh uống cạn chỗ rượu trong ly, rồi gõ cái ly đánh cộc xuống bàn. Lão trả hết, giờ thì lão cóc cần. Lão trả, rồi sẽ khối thằng phải khốn đốn.

Lão Hạnh rót thêm một ly rượu, cầm lên, nhìn ra màn mưa, nhếch cái miệng lên cười.

Theo Thời Nay ĐT