Phương Nhung

Cuộc thi sáng tác truyện đồng thoại Eneos & Mogu (Đóa hoa đồng thoại) lần thứ 5 – năm 2022 đã khởi động.

Ban Tổ chức cho biết, cuộc thi được thực hiện với mong muốn lan tỏa kết nối trái tim, cất lên tiếng nói trẻ thơ trong tâm hồn mỗi người, đồng thời góp phần nuôi dưỡng tâm hồn trẻ em Việt Nam.

Cuộc thi được tổ chức thường niên từ năm 1970 đến nay. Các tác phẩm đoạt giải Nhất – Nhì – Ba được tập hợp thành tuyển tập của năm.

Cuộc thi đến Việt Nam vào năm 2018. Sau bốn năm tổ chức, giải thưởng ngày càng thu hút đông đảo các tác giả ở mọi lứa tuổi, số bài tham dự, số thí sinh tham gia ngày càng tăng, chất lượng các bài thi cũng nâng cao qua từng năm. Năm 2021, cuộc thi thu hút 2.336 thí sinh ở 56 tỉnh thành tham gia với 2.912 tác phẩm.

Em Nguyễn Thanh Ngân – giải Xuất sắc của cuộc thi sáng tác truyện đồng thoại Eneos & Mogu (Đóa hoa đồng thoại) 2021 (Ảnh: Phương Nhung).

“Trong bối cảnh mối quan hệ Nhật – Việt đang ngày càng trở nên mật thiết trên tất cả các lĩnh vực, hoạt động phổ cập văn hóa đọc sách và tranh truyện Ehon cũng như việc tổ chức cuộc thi “Đóa hoa đồng thoại” có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc “nuôi dưỡng ước mơ và làm phong phú tâm hồn trẻ thơ”.

Có thể nói, hoạt động này đang gieo “những hạt giống quan trọng” cho tương lai của quan hệ Nhật – Việt”, cựu Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio nhận định về cuộc thi.

Cuộc thi được chia thành ba hạng mục: Hạng mục tự do (thí sinh từ 16 tuổi trở lên, hạng mục trung học cơ sở), thí sinh có quốc tịch Việt Nam trong độ tuổi 11-15, hạng mục tiểu học (thí sinh trong độ tuổi 6-10). Các tác phẩm truyện ngắn dự thi độ dài không quá 1.500 chữ, có nội dung dành cho thiếu nhi.

Thí sinh đoạt giải Đặc biệt sẽ nhận được phần thưởng là một chuyến du lịch đến Nhật Bản. Giải thưởng dành cho thí sinh đoạt giải Nhất là 5.000.000đ, giải Nhì: 3.000.000đ, giải Ba: 1.000.000đ, giải Khuyến khích: 500.000đ (Không giới hạn số lượng giải).

Ban Tổ chức kết thúc nhận bài vào 31/5/2022, công bố kết quả vào tháng 7/2022. Lễ trao giải dự kiến sẽ diễn vào tháng 10 tại Hà Nội.

Các tác phẩm đoạt giải được dịch sang tiếng Nhật, biên tập, vẽ minh họa, in ấn và phát hành dưới dạng tuyển tập song ngữ Việt – Nhật.

Tác giả đoạt giải Đặc biệt sẽ được khắc tên trên cúp “Đóa hoa đồng thoại”. Cúp được Ban Tổ chức lưu giữ để tiếp tục vinh danh các tác giả xuất sắc của những năm sau với mong muốn được đóng góp cho nền văn học thiếu nhi Việt Nam, giúp lan tỏa văn hóa đọc rộng khắp.

Bên cạnh đó, cuộc thi cũng có nhiều hoạt động bên lề, tạo không gian giao lưu, tìm hiểu giữa các thí sinh với khách mời là các nhà văn, nhà giáo dục Việt Nam và Nhật Bản. Các buổi trao đổi “Bút kể ta nghe” giúp các tác giả trẻ, tác giả không chuyên tìm nguồn cảm hứng, luyện tập thực hành sáng tác với sự giúp đỡ của các nhà văn, khách mời của giải thưởng.

Năm nay, các hoạt động “Bút kể ta nghe” đã được tổ chức trong tháng 3 tại Nam Định, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, TPHCM với các khách mời: Giảng viên Phạm Quỳnh Liên, nhà văn Hoàng Anh Tú, nhà báo Trần Gia Bảo.

Theo báo Dân Trí