Jorge Luis Borges đã từng khẳng định “Văn học của chúng ta đang hướng về sự hỗn loạn… Trong thời đại cực kì hỗn loạn ấy, có một thứ vẫn còn giữ, giữ một cách khiêm tốn, những giá trị truyền thống: đó là truyện trinh thám”(1).

Sherlock Holmes – một nhân vật từ tác phẩm bước ra cuộc sống.
Bởi J.L.Borges cho rằng: “ta không thể hình dung một truyện trinh thám không có phần mở đầu thắt nút và cởi nút”, tức là không có nhân vật thám tử và hành trình điều tra vụ án của anh ta. Nói một cách khác, sự thật và hành trình kiếm tìm sự thật chính là hạt nhân truyền thống của văn chương trinh thám.

Trong truyện trinh thám cổ điển, quá trình điều tra chủ yếu gắn với bí mật về sự phạm tội nên sự thật được khám phá đơn thuần là sự thật về vụ án. Thể loại này do vậy thường được xem là trò chơi, câu đố trí tuệ, thể loại của văn hoc duy lí. Trong đó câu hỏi lớn nhất của toàn bộ câu chuyện là whodunit – ai đã làm nó? Hay ai đã gây nên tội ác? Ta có thể thấy điều này trong rất nhiều truyện trinh thám của Edgar Poe, Conan Doyle, Agatha Christie hay Georges Simenon… Kết thúc những cuộc điều tra của các thám tử Sherlock Holmes, Hercure Poirot, Miss Marple, Maigret… người đọc hoàn toàn cảm thấy thỏa mãn khi thủ phạm của Vụ huyết án phố Morgue,  vụ Con chó dòng họ Basskerville, Vụ án Prothero hay án mạng ở nhà cha xứ… đều đã bị phát giác và phải chịu sự trừng phạt của pháp luật.

Song, ngay trong những tác phẩm của một số tác giả được coi là mẫu mực của văn chương trinh thám cũng đã xuất hiện những dấu hiệu đánh dấu sự khủng hoảng của duy lí. Đó là trường hợp truyện Bí mật của Mari Roger. Ở đó thám tử Dupin đã bế tắc trong việc tìm ra sư thật về tội phạm. Kết thúc đó như một lời cảnh báo: trí tuệ con người không phải là tuyệt đối và không phải sự thật nào cũng có thể được phơi bày. Hay trong nhiều truyện của Conan Doyle như “Kẻ dị dạng”, “Vụ án mạng ở Epbi Grengiơ”, sự thật của vụ án mặc dù được khám phá nhưng thủ phạm lại không bị trừng phạt bởi tính có lí do của án mạng. Nạn nhân là một kẻ đáng bị trừng phạt, và nói như thủ phạm thì đó là sự trừng phạt bởi Chúa. Truyện Mười người da đen nhỏ của Agatha Chrristie hay hàng loạt truyện của Maurice Leblance về thám tử Lupin cũng cho thấy một quan niệm khác về sự thật của vụ án. Những nhân vật đóng vai trò là thám tử lại chính là kẻ phạm tội giết người, là kẻ cắp. Những tác phẩm trinh thám này do vậy không chỉ đơn thuần là bài ca của lí trí mà còn là bài ca về đạo đức, công lí của con người. Sở dĩ có sự phân biệt này bởi pháp luật và công lí không phải lúc nào cũng song hành với nhau. Sự thật về vụ án hay chính là sự thật về tội ác do vậy được nhận thức lại. Bởi những truyện trinh thám này đã khiến ta phải nghi vấn thế nào là cái ác? Thế nào là công lí? Những hành động dưới sự phán quyết của pháp luật là tội ác thực chất lại chính là sự thực thi công lí. Luật pháp mặc dù được đặt ra trên ý kiến và quyền lợi của số đông nhưng không phải lúc nào cũng là chân lí. Những trường hợp này của văn học trinh thám khiến ta thấy câu nói “Số đông có sức mạnh nhưng không có chính nghĩa ”của bác sĩ Stockman trong Kẻ thù của nhân dân đôi khi lại có thể xác thực.

Sự thật trong truyện trinh thám mang hình thức của một bí mật cần được khám phá, thường là tội ác, nên nó biến hình theo tội ác. Với sự tiến bộ của khoa học, đặc biệt là nhân học, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy rằng: trong xã hội hiện đại, tội ác không chỉ được thực hiện bởi những động cơ dục vọng thông thường, đơn giản mà trái lại nói như Anthony Berkeley, bởi những “phức hợp tâm lí của các tình cảm”(2) và những công cụ tối tân hiện đại. Phạm trù sự thật trong truyện trinh thám do vậy có những bước chuyển biến mới. Truyện trinh thám càng về sau này, đúng như nhà nghiên cứu Đặng Anh Đàonhận xét, càng có xu hướng đi sâu vào việc phân tích, miêu tả tâm lí để “khai thác những vấn đề bất ổn của nhân cách, bản năng”(3).

Nếu xem nhân cách con người là một bức tranh và phần người đời thường nhìn, là phần được chiếu rọi bởi ánh sáng và thường đẹp thì truyện trinh thám đã cho ta thấy phần bóng tối của bức tranh nhân tính. Đó là sự phân li nhân cách thành Omega và Alpha trong Trong những cánh rừng vĩnh cửu, là chứng nhiễu tâm như trong Chiếc nhẫn oan gia, là sự nổi loạn của dòng máu bài Do Thái, là những ẩn ức không thể giải tỏa của thuở ấu thơ trong Cô gái có hình xăm rồng…Vì những bất ổn nhân cách đó mà con người hoàn toàn có thể gây nên những tội ác không thể ngờ tới như loạn luân, giết người hàng loạt…Và thậm chí truyện trinh thám cũng giúp ta lí giải vì sao con người lại phải trở nên ác độc như thế, lại tự mài nhọn mài sắc mình như thế để có thể tồn tại trong xã hội đầy cạm bẫy? Tại sao họ lại trở nên im lặng và sợ hãi tự do của chính mình như trong Cô gái có hình xăm rồng của Stieg Larsson? Những phân tích tâm lí này không phải chỉ được lấy cơ sở từ lí thuyết về phân tâm học của Freud mà trước đó trong những truyện trinh thám kinh dị đầu tiên của mình, Edgar Poe đã miêu tả hiện tượng này như là sự phân thân của nhân cách và phần gây nên tội ác chính là phần vô thức, bản năng.

Truyện trinh thám với việc nhìn nhận nhân tính con người từ phía bóng tối đã nêu lên một phản đề với chủ nghĩa nhân văn. Nếu như tư tưởng nhân văn hết mực đề cao phần nhân và phần lí tính trong con người, phần khiến con người đứng cao hơn tất cả các giống loài khác thì văn học trinh thám cho thấy một điều ngược lại: nhân cách con người không chỉ được tạo nên bởi những khoảng sáng mà còn có những hố đen và không phải lúc nào cũng có thể dùng năng lượng của lí trí để chế ngự những hố đen ấy. Cái ác là luôn luôn hiện hữu. Nói như vậy không có nghĩa là truyện trinh thám miệt thị hư vô con người. Trái lại, nói như nhà nghiên cứu Đặng Anh Đào: “truyện trinh thám là một thể loại lạc quan”(4). Bởi nó buộc con người phải đối mặt với sự thật về nhân tính của chính mình. Dẫu rằng sự thật ấy có trần trụi và nghiệt ngã đến đâu. Chỉ khi thoát khỏi ảo tưởng về chính mình, con người mới có đủ can đảm để giải quyết những vấn đề phức tạp của cuộc sống hôm nay.

Cái ác là muôn hình khối và sự thật về cái ác cũng đa dạng như vậy. Truyện trinh thám đã chỉ ra rằng: cái ác có mầm mống phần nào từ xã hội. Đó là xã hội gangster đầy bạo lực với những quy luật thanh trừng khốc liệt như trong Không có hoa phong lan cho cô Blandish, là thế giới mafia mà pháp luật cũng phải chào thua trong Cái chết đến từ trên trời, là xã hội Thụy Điển trong Cô gái có hình xăm rồngAi giết ông Gallet, Cô gái có hình xăm rồng, Cô gái đùa với lửa… người đọc nhận ra rằng, nguyên nhân của những đổ vỡ ở bề rộng ấy chính bởi những tế bào góp phần hình thành nên xã hội , đó là gia đình, đã mục ruỗng thối nát đến tận gốc. không như chúng ta hằng mơ tưởng với những hiện tượng như: bạo hành với phụ nữ, sự tham nhũng, lạm quyền và sự hèn nhát của cơ quan ngôn luận… Sự thật là mỗi xã hội cùng với sự phát triển đi lên của kinh tế, công nghệ lại kéo theo sự mục ruỗng thối nát ở một vài phương diện khác. Với

Tại sao bạn đọc ngày nay giữa vô vàn sự lựa chọn những loại hình nghệ thuật dễ tiếp nhận, vẫn dành nhiều ưu ái cho truyện trinh thám? Mỗi quốc gia phát triển về văn học, đa phần đều có giải thưởng dành cho những nhà văn và tác phẩm trinh thám xuất sắc. Người đọc tìm đến với trinh thám có phải chỉ đơn thuần để giải trí như đúng chức năng của thể loại này? Tony Watskin đã từng khẳng định văn chương trinh thám là khao khát mãnh liệt về công lí, là hành trình đeo đuổi sự thật(5). Và có lẽ đây cũng chính là điều làm nên sức hấp dẫn của thể loại này. Trò chơi trinh thám không phải chỉ dành riêng cho thám tử mà còn dành cho chính người đọc. Trong mê lộ của vô vàn những bỏ ngỏ, những chỉ dẫn thậm chí cả việc bị đánh lạc hướng, người đọc vẫn hứng thú tìm ra sự thật. Và quan trọng hơn, truyện trinh thám hình thành ở người đọc thói quen tra vấn về sự thật. “Sự thật có phải như vậy hay không?”, đây chính là câu hỏi thường trực của độc giả truyện trinh thám. Sau khi khám phá nhiều tác phẩm như bộ ba: Trần trụi với văn chương của Paul Auster,  Cô gái có hình xăm rồng của Stieg Larsson… người đọc có câu trả lời: không hề có sự thật, tất cả chỉ là trò chơi ngôn ngữ, là những diễn ngôn về sự thật mà thôi. Sự thật của truyện trinh thám cũng đa dạng và muôn hình thức như chính sự thật của cuộc sống. Nó thường bị giới hạn và chế ngự bởi quyền lực. Mà quyền lực không phải là thứ ai cũng có thể có. Khao khát về sự thật do vậy mãi mãi là khao khát muôn đời của con người.

Những ai không quen tra vấn về sự thật sẽ không đọc được những tác phẩm của văn chương trinh thám. Đây là một thể loại hoàn toàn kén độc giả. Bởi nói như nhà nghiên cứu Đặng Anh Đào: những người sành sỏi, có trình độ văn hóa cao “chỉ những người đó ngày nay họ còn đọc sách”(6). Umberto Eco đã từng khẳng định: “Có lẽ sứ mệnh của kẻ yêu nhân loại là làm cho con người cười vào chân lí, là làm chân lí cười lên, vì chân lí duy nhất chính là việc học để giải phóng khỏi sự đam mê chân lí một cách điên cuồng”(7). Mỗi độc giả của truyện trinh thám, với tư cách một người chơi trong hành trình kiếm tìm sự thật, đã góp phần thực hiện sứ mệnh của kẻ yêu nhân loại.

Nguyễn Thị Ngọc Huệ

_________________________

(1):Jorge Luis Borges (2002), “Edgar Poe và truyện trinh thám”, trích Tuyển tập Edgar Poe, Nxb Văn học Hà Nội trang 707

(2), (3), (4),: Nhiều tác giả (2001), Tạp chí Văn học nước ngoài số 1 – 2001, Nxb Hội Nhà văn Việt Nam trang 16, trang 139, trang 144

(5): Christian Bensel and Tony Watkins (23/3/2010), “A hunger for Truth and Justice” (an interview). Nguồn: http://www.tonywatkins.co.uk/stuff/a-hunger-for-truth-and-justice/

(6): Nhiều tác giả (2001), Tạp chí Văn học nước ngoài số 1 – 2001, Nxb Hội Nhà văn Việt Nam trang 137

(7):Umberto Eco, (2004), Đi tìm sự thật biết cười, Nxb Hội nhà văn, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây trang 5

Nguồn: lythuyetvanhoc.wordpress.com.