Bên sông Tô Lịch

Khi tôi viết bài bút ký này thì tất cả họ không còn ai tại ngũ. Trừ một số ít chuyển ngành còn hầu hết họ đều thủy chung đời lính cho đến lúc về hưu . Tuy nhiên chưa có ai rời cây bút mà vẫn tiếp tục viết, tiếp tục đóng góp cho nền văn học nước nhà.

Cuối năm 1976 đầu 1977, hơn 20 anh em đã có mặt tại khu nhà mới được dựng lên bên bờ sông Tô Lịch, thuộc làng Trung Hòa (nay là phường) quận Cầu Giấy. Hữu Thỉnh về từ binh chủng Tăng thiết giáp, Xuân Đức từ Trị Thiên – Huế, Đào Thắng, Tô Đức Chiêu, Nguyễn Trọng Tạo từ Quân khu 4, Đình Kính, Trần Đăng Khoa từ Hải quân, Thao Trường (Nguyễn Khắc Trường), Dương Duy Ngữ từ Phòng không – Không quân, Phạm Hoa, Xuân Mai, Trần Nhương từ Tổng cục Hậu cần, Thái Vượng, Nguyễn Ngọc Mộc, Lê Văn Vọng từ Quân khu 7, Phùng Khắc Bắc từ Quân đoàn 4, Khuất Quang Thụy từ Quân đoàn 3, Chu Lai từ Đặc công. Về sau cùng là Nguyễn Trí Huân, Thái Bá Lợi, Trung Trung Đỉnh từ Quân khu 5.

Trong hơn 20 người về trại đợt này đa số quân hàm Trung úy, số ít Thiếu úy, Chuẩn úy. Nhiều người đã là tác giả của các tập sách. Thao Trường có “Cửa khẩu” (truyện vừa) và tập truyện ngắn “Thác rừng”. Nguyễn Trí Huân có tập truyện ngắn “Mặt cát”, Xuân Đức có vở kịch nói “Tổ quốc” đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị đang dựng, Nguyễn Trọng Tạo có “Tình yêu sáng sớm” (Thơ). Trần Đăng Khoa có các tập thơ: “Từ góc sân nhà em”, “Góc sân và khoảng trời”… và trường ca “Khúc hát người anh hùng”. Sau đó anh được đi tu nghiệp ở Học viện Gooc-ky (Nga).

Được hoàn thành trong điều kiện gấp gáp để đón các cây bút, ngôi nhà bên sông Tô Lịch được dựng khá đơn giản, mái lá tường đơn, các phòng ngăn cách nhau bằng bức vách. Hai người ở một phòng chừng 16m2, có bàn viết riêng. Từ các đơn vị tập trung về, toàn là người viết, anh em dễ dàng hòa nhập, thoải mái vui vẻ như đã quen nhau từ lâu.

Trong thời gian chờ quyết định mở lớp của Bộ Văn hóa, Tổng cục Chính trị cho anh em ngồi viết, ai có sở trường thế mạnh cái gì thì viết cái đó. Hàng tuần, các anh ở tạp chí Văn nghệ Quân đội cũng tranh thủ xuống trao đổi kinh nghiệm sáng tác. Nói trao đổi cho có vẻ quan trọng chứ thực chất các anh kể chuyện bản thân trong việc khai thác, sử dụng tài liệu, huy động vốn sống, xây dựng cốt truyện, nhân vật…Rồi cả những khó khăn thường gặp trong quá trình viết một tác phẩm. Là những người đi trước có bề dầy kinh nghiệm sáng tác, các anh coi chúng tôi như em, không giấu nghề, luôn động viên, ai viết được gì các anh đọc, góp ý chân tình thấu đáo.

So với số anh em về trại lúc đó, Trung úy Hữu Thỉnh là người nổi danh khá sớm. Anh có bài thơ “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” nhạc sỹ Doãn Nho phổ nhạc được rất nhiều người biết. Hầu như buổi phát thanh Quân đội nào cũng phát bài hát đó. Rồi chương trình tiếng thơ của Đài tiếng nói Việt Nam cũng ngâm một số bài thơ khác của anh, đám “lính mới” chúng tôi rất nể. Có lẽ vì cái “uy tín” trong nghề và sự nghiêm cẩn ngoài đời mà anh được cấp trên chỉ định làm Bí thư Chi bộ, cùng với Đại úy Mai Thế Chính, cán bộ Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị trại trưởng, Chu Lai phó trại. Trừ những khi đi đến các báo, tạp chí gửi bài hoặc các nhà xuất bản làm việc, hàng ngày các trại viên đóng cửa phòng ngồi viết…

Một thời gian khu nhà bên sông Tô Lịch trở thành địa chỉ lui tới của dân văn chương Hà Thành. Người đến đặt bài cho báo, cho đài, người bảo viết cho nhà xuất bản, lại có không ít người chỉ đến chơi và bù khú. Để “thoát khỏi” không khí ồn ào đó, lãnh đạo Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã tổ chức cho toàn trại đi “nằm vùng” một tháng ở Đà Lạt. Khu an dưỡng của cán bộ cao cấp quân đội ở Đà Lạt rất rộng. Những ngôi biệt thự nằm rải rác khắp sườn đồi, sương mù lãng đãng, suốt ngày vi vút thông reo. Điều kiện ăn ở, làm việc tại đây khá tốt, mọi người tranh thủ “cày”. Kết thúc thời gian nhiều bản thảo được hoàn thành. Khuất Quang Thụy có tiểu thuyết “Trong cơn gió lốc”, Chu Lai có tiểu thuyết “Nắng đồng bằng”, Hữu Thỉnh có trường ca “Đường tới thành phố”… Những bản thảo này sau đều được Nhà xuất bản Quân đội xuất bản. Cùng thời gian này, tập thơ “Người của hôm nay” của Lê Văn Vọng được Hội Văn học Nghệ thuật (nay là Hội Nhà văn) thành phố Hồ Chí Minh trao giải nhất cho cuộc thi sáng tác văn học 1976 – 1977. Đặc biệt, Chu Lai còn có thêm “tác phẩm” tình yêu với nữ sĩ Vũ Thi Hồng ,người sau đó không lâu trở thành vợ anh

Ở Khương Hạ

Dự án khơi thông mở rộng lòng sông Tô Lịch và kè cạp hai bờ làm cho hàng loạt công trình xây dựng, trong đó có ngôi nhà văn chương của các nhà văn Trung úy phải tháo dỡ. Trong khi chưa tìm được vị trí đứng chân mới, trại văn (thường gọi là Đội 10) tạm dời về “đóng đô” tại khu sân kho hợp tác xã nông nghiệp Khương Hạ. Hồi đó Khương Hạ còn là một vùng ngoại thành thuộc huyện Thanh Trì. Đường làng ngõ xóm cây cối um tùm, nhà cửa thưa thớt. Chỗ ở của chỉ huy, nhân viên đội, nhà ăn tập thể được dựng tạm bằng tranh, tre, cót ép trên đám đất lâu nay vẫn chất rơm rạ và cũng là nơi lũ chó trong làng ra phóng uế. Các trại viên ở nhờ nhà dân, đến bữa nghe kẻng ra ăn, xong ai lại về nhà nấy.

Khương Hạ hồi đó còn được chứng kiến “sự kiện” nhà văn Trung úy Phùng Khắc Bắc cưới vợ. Đám cưới được tổ chức ở nhà ăn Đội 10, giản dị, đơn sơ nhưng ấm cúng. Chuyện là sau ngày đất nước thống nhất, cô giáo Nguyễn Thị Tuất vào dạy học ở Long Xuyên (An Giang). Trong một dịp tình cờ, cô quen anh trợ lý Tuyên huấn Quân đoàn 4 Phùng Khắc Bắc. Khi Khắc Bắc được gọi ra Hà Nội học, đem theo cả mối tình với người con gái yếu đuối cùng quê đó. Và rồi “theo tiếng gọi trái tim” anh không quản vất vả và bỏ ra cả tuần ngược tàu xe vào đón người yêu ra làm lễ cưới. Có thể nói đám cưới Phùng Khắc Bắc là “phát súng” mở màn cho các nhà văn Trung úy chưa vợ ở trại viết, thể hiện tình yêu thủy chung bền bỉ của người lính.

Năm 1978, bọn Khơ-me đỏ phát động cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, các nhà văn Trung úy xếp lại những bản thảo đang viết dở và bao dự định khoác ba lô ra trận. Rất nhiều bài viết mang không khí nóng bỏng cuộc chiến đấu của chiến sỹ trên các vùng đất: Tây Ninh, An Giang…Kịp thời động viên bộ đội, vạch trần sự phản bội của bè lũ Pôn – Pốt, Iêng – xa – ri. Chính nhờ những chuyến đi này mà sau đó không lâu Khuất Quang Thụy có tiểu thuyết “Không phải trò đùa”, một trong bộ ba tiểu thuyết đươc nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật sau này.

Về Vân Hồ 3

Thế là sau mọi nỗ lực cố gắng của cơ quan chức năng nhất là lãnh đạo Tạp chí Văn nghệ Quân đội, các nhà văn Trung úy đã có nơi dừng chân chính thức để chuẩn bị bước vào học khóa I – trường viết văn Nguyễn Du. Đó là dãy nhà nhiều phòng tường xây, lợp ngói khang trang ở chung khu đất với Xưởng họa Quân đội (Vân Hồ 3). Hai người một phòng 16m2 ngăn đôi nửa trong nửa ngoài. Lúc này, Đại úy Mai Thế Chính đã trở về Cục Tuyên huấn, Hữu Thỉnh là lớp trưởng kiêm bí thư Chi bộ, hai lớp phó: Chu Lai và Thái Vượng. Hai chục nhà văn lính vừa ổn định “doanh trại “ mới vừa chuẩn bị bước vào một giai đoạn mới, giai đoạn hoàn thiện văn hóa đại học để chuẩn bị hành trang cho những bước đường sáng tạo nghệ thuật trong tương lai

Những ngày đầu ở Vân Hồ 3, bếp ăn tập thể vẫn hoạt động. Đang là thời kỳ khó khăn chung của cả nước, mỗi bữa ngồi vào mâm cơm phải cố mà nuốt vì cái mùi gạo ẩm mốc độn thêm mỳ sợi sực vào mũi chẳng dễ chịu chút nào. Ấy vậy, nhưng thức ăn đa phần là loại thực phẩm kém chất lượng. Sau đó ít lâu bếp ăn giải thể, quản lý chỉ lo cấp gạo, quân trang, còn việc tem phiếu, thực phẩm, cơm nước các nhà văn tự lo. Bây giờ ngoài đến lớp, sáng tác…các nhà văn Trung úy có thêm công việc: đi chợ. Tới giờ nổi lửa là cả chục cái bếp dầu cùng phun khói. Mấy chục năm sau tôi vẫn chưa quên được hình ảnh nhà văn Phạm Đình Trọng soi mắt qua cặp kính cận dầy cộp dùng cái nhíp nhổ râu gắp từng hạt thóc trong cái rá gạo nhỏ xíu trước khi đem vo, mặc nồi nước sắp sôi. Tôi cũng nhớ như in cái tấm lưng dài, dầy chắc như tấm ván lim của nhà văn Tô Đức Chiêu khi anh ngồi xúc từng thìa cơm trộn thức ăn trong cái xoong nhôm méo móp ăn ngon lành. Tô Đức Chiêu là người cẩn thận. Phần của anh đồ đạc sắp xếp khá ngăn nắp trong khi chỗ của Xuân Đức lại rất bề bộn, tuềnh toàng. Vì tính cẩn thận, không tự ái, lại đề cao “chủ thuyết” vô vi nên anh hay bị anh em trêu đùa. Ngày còn công tác ở báo Quân khu 4, anh Chiêu được mua phân phối chiếc xe đạp Liên Xô. Chiếc xe đạp ngoại lúc ấy được coi như tài sản có giá trị, do vậy người ta rất giữ gìn chăm chút. Thế mới có câu chuyện: một hôm có người đến hỏi anh Chiêu mượn xe đi chơi. Nghe bạn nói mượn xe, anh Chiêu đưa mắt nhìn chiếc xe lau chùi bóng loáng dựng bên tường ngần ngừ giây lát rồi bước ra vỉa hè. Trời đang mưa lăn phăn, anh chìa bàn tay ra ngoài như để kiểm tra, quay vào bảo bạn, giọng dứt khoát: “Thôi ông đi đâu để tôi… cõng”.

Ở trại Vân Hồ có ba người thường cặp kè với nhau: Thái Bá Lợi, Trung Trung Đỉnh và Phạm Hoa. Bộ ba này chơi với nhau rất thân. Đi học, đi chơi và cả đi công việc riêng họ đều cùng đi. Cứ thấy Thái Bá Lợi ở đâu là chắc chắn có Đỉnh và Hoa ở đấy. Thái Bá Lợi cao gầy, chiếc xe đạp chỉ cao tới háng anh, khi anh đạp xe cứ như hai chân bơi dưới đường. Hồi này anh đã nổi tiếng với truyện ngắn “Hai người trở lại trung đoàn” và đang viết tiểu thuyết. Một mình Phạm Hoa ở trong căn phòng nhỏ cuối dãy ấy, cạnh đó là Thái Bá Lợi và Trung Trung Đỉnh. Tầm chiều sau khi ăn cơm, Phạm Hoa thường “bách bộ” dọc hè. Với đôi dép nhựa bộ đội cắt quai hậu, anh lê “quẹt quẹt” từ đầu này tới đầu kia, không vào phòng ai, dù đâu đó anh em vẫn đang chuyện trò bù khú. Đoạn, trở về phòng ngồi rít thuốc lào. Phạm Hoa vốn là lính vận tải cơ giới Trường Sơn. Những truyện ngắn anh viết đều lấy bối cảnh con đường huyền thoại đó với những con người ra trận: bộ đội, thanh niên xung phong đầy vẻ lạc quan yêu đời.

Sau ba năm trời ‘lều chõng “ chờ đơi, di chuyển tới ba địa điểm , năm 1979 Trường Viết văn Nguyễn Du mới khai mac được khóa đàu tiên. Sau ba năm học tập, năm 1982 , các nhà văn Trung úy được trang bị thêm nhiều kiến thức bổ ích cho công việc sáng tác. Lứa nhà văn này kịp thời được bổ sung cho các cơ quan văn học nghệ thuật của Quân đội như Tạp chí Văn nghệ, Điện ảnh, Nhà xuất bản… Và sau này là các cơ quan của Hội Nhà văn Việt Nam .Họ đã làm tốt vai trò là những người kế tục sự nghiệp sáng tác văn học của lớp nhà văn đàn anh kháng chiến chống Pháp. Họ đã đóng góp thiết thực cho nền văn học nước nhà. Hàng trăm đầu sách ra đời, phần lớn viết về hiến tranh Cách mạng và người lính , nhiều tác phẩm của họ đã có được chỗ đứng trong lòng người đọc, nhận nhiều giải thưởng cao. Nhiều người đã, đang nắm giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt, quan trọng của Hội Nhà văn, hoặc các cơ quan báo chí, Nhà xuất bản của Hội.

Lớp nhà văn Trung úy ngày nào giờ đã ngoài tuổi lục tuần, song sức sáng tạo vẫn còn sung mãn. Chợt nghĩ nếu ngày đó cấp trên không có kế hoạch tập hợp anh em từ các chiến trường trở về để rồi cho học hành, tạo điều kiện cho ngồi sáng tác thì liệu bây giờ có được một thế hệ nhà văn áo lính, đã và đang đóng góp cho nền văn học nước nhà những tác phẩm có giá trị? Chắc là không! Thế mới thấy tầm nhìn của người lãnh đạo văn nghệ quan trọng thế nào.

Văn nghệ