Hoàng Việt Hằng

Sau tập thơ “Hoan ca” cũng phải đến 10 năm, Đỗ Doãn Phương mới trình làng “Ly ca” (NXB Hội Nhà văn, 2021). Một vệt dài của “Hoan ca”, “Tuyệt ca”, “Ly ca” đều có một mạch ngầm riêng. 

Riêng “Ly ca” phần 1, chỉ đánh số không rút tít từ số 1 đến số 37, mỗi bài nhất quán với chủ thể tình yêu của hai người, giữa anh và em, giữa một không gian gia đình thu nhỏ, có khi chỉ có một người độc thoại và thơ độc thoại thấm đẫm một chữ tình thật buồn trong thực tại. Phần 2 là khúc ca hư vô, vẫn hướng vào bên trong sâu thẳm con người mình để tình yêu thi ca cất lời, cách diễn đạt nỗi đau, sự mất mát. Trong mắt nhà thơ, cuộc đời có nhiều thứ không thể định đoạt được, mà tình yêu hiển nhiên lại luôn mong có cái đích của kết quả cuộc đời.

Với “Ly ca”, Đỗ Doãn Phương gửi bạn đọc một thông điệp lớn về tình yêu, trầm ấm nhỏ nhẹ đi vào lòng người như câu chuyện hằng ngày hai người đang yêu nhau, lấy nhau, rồi xây tổ ấm. Rồi đoàn tụ đấy và ly biệt đấy, rồi những nỗi đau âm ỉ khác. Bài “Ly ca 36”, ám ảnh một không gian nhỏ trong một gia đình nhỏ, một bức ảnh cưới cũ dưới ánh đèn cần sáng hơn, một người ở thế giới khác trở về tìm lại ngôi nhà từng ở trên dương thế, như kể một câu chuyện yêu nhau âm dương cách biệt, mà một người không dễ dàng dứt áo ra đi. Đọc chỉ thấy đơn giản có thế mà tình nặng.

Thơ Đỗ Doãn Phương cứ theo mạch của tình yêu, khi dưới vực sâu, trèo lên đỉnh núi để tìm kiếm bạn tình. Tác giả cũng như muốn cảnh báo bạn trẻ, trong hạnh phúc vẫn có thể tìm ra hạnh phúc nữa, là biết lắng nghe nhau. Hình như tuổi trẻ, rất ít người muốn lắng nghe nhau để thấu hiểu nhau. Không thấu hiểu làm sao có chia sẻ, để hạnh phúc mỉm cười trong ngày tháng thường nhật.

Cả tập thơ “Ly ca” gấp lại, cứ đặt ra câu hỏi tự vấn, liệu con người có hạnh phúc không? Vì sao chàng thơ leo lên cả ngọn núi định bụng sẽ lấp đất lên nỗi buồn nếu vắng em và không lấp nổi? Vì sao sông suối chảy về đâu cũng không rõ nốt… Tình yêu không có nguồn cơn, mà người thơ đi tìm sự tận cùng của khổ tận; để mang đến cho người đọc một bữa tiệc thơ tình yêu. Nhà thơ như kể lại những thước phim ngắn thật dung dị về đời sống tình yêu, những giả thiết và những đối mặt với giả thiết để tìm ra một thứ khác nữa mà con người không thể định đoạt được. Đó chính là lẽ đời dâu bể, ngụp lặn trong yêu thương và chia lìa.

Tuy nhiên, chính nhà thơ cũng hé ra một tia sáng: ngay cả trong chia lìa cũng không mất đi, thứ còn lại duy nhất là tình người trong thơ, là cái nhói lên khác nhau trong sự từng trải của mỗi người.

Theo https://nhandan.vn/baothoinay

Hồng Nhung đăng bài