Nhà văn Vũ Thảo Ngọc

Ngay ngoài bìa cuốn sách, tác giả đã đưa ra thông điệp: “Mỗi thửa đất của tổ tiên để lại, nuôi một gia đình muôn triệu năm. Trên thửa đất này, trồng lúa ra cơm ra rượu, trồng rau quả làm thực phẩm, trồng cây lấy gỗ làm nhà, trồng bông dệt vải mà mặc, chăm nuôi súc vật làm sức kéo, lấy thịt thuộc da…Cứ đời này truyền qua đời khác, vĩnh viễn không bao giờ dứt…Thế mà bao nhiêu cuộc tranh giành diễn ra triền miên…”

Đó là một cuốn tiểu thuyết dày dặn cả về chữ nghĩa và tư liệu. Một thời đoạn lịch sử tại làng quê Thái Bình được tác giả Đặng Huỳnh Thái khắc họa rất dữ dội. Một thời khắc tranh tối tranh sáng – khoảnh khắc lịch sử đặc biệt của dân tộc- là  chế độ xã hội phong kiến và hai kẻ xâm lăng là đế quốc Pháp và phát xít Nhật đã đặt bước chân kẻ xâm lược vào giữa trái tim làng quê nghèo khó. Những chân dung của đám chức dịch trong làng, chân dung những kẻ bần cùng, một khoảnh khắc của  lịch sử làng được tác giả tái hiện khá chi tiết và bề bộn phận người rẻ rúng, oan khuất, đau thương và cô độc. Là những cuộc chạy trốn của đám dân đen vì không sống nổi với đám chức dịch trong làng hà hiếp. Là cuộc trốn chạy không có đích đến và chết đói, cảnh chết đói tác giả đã khắc họa một góc hình ảnh nạn đói năm 1945 tại Thái Bình, cái chết tức tưởi của những người dân nghèo khổ, chết vì đói! Đọc đến đoạn này mà xa xót cho những cảnh đời, cho dân tộc khi bị  xâm lăng.

Trang bìa cuốn sách

Cuốn tiểu thuyết bộn bề tư liệu sống, lại kéo dài thời gian có đến trên dưới cả thế kỷ. Thật sự đọc được cuốn sách này không hề dễ, vì phải hệ thống được tinh thần mà nhà văn gửi gắm. Là bạn đọc, bạn viết, tôi chỉ xin điểm đến những cống hiến của ông cho văn học nước nhà thông qua  cuốn tiểu thuyết mang nặng số phận lịch sử dân tộc, của một tác giả – nhà văn –  với cuốn tiểu thuyết  có cái tên đã rất dữ dội “Đất và máu!”

Đó là ghi nhận sự lao động chữ nghĩa nghiêm cẩn của ông. Sự lao động bằng trí lực của ông – một trí tuệ ở tuổi 80 mà quá giỏi với tài xử lý tư liệu để cho ra ngần ấy trang sách, ông còn dùng cả tiếng Pháp khi nhân vật là người Pháp, tôi thấy vô cùng ngạc nhiên vì ông có một hàm lượng kiến văn khá rộng và sâu sắc. Và tôi nghĩ, nếu bạn đọc ít kiên nhẫn sẽ không thể đọc mà thẩm thấu hết được pho tiểu thuyết 800 trang này…. Cùng với tiểu thuyết này, năm 2017 ông đã hoàn thành việc chuyển đổi bộ phim tư liệu “Vùng mỏ, con người và lịch sử” từ phim nhựa sang kỹ thuất số. Bộ phim được tặng cho Tỉnh Ủy Quảng Ninh và Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam lưu giữ và làm tài liệu học tập cho thế hệ trẻ

Và, theo cảm nhận của tôi, qua con mắt của tác giả Đặng Huỳnh Thái về lịch sử làng, gắn với lịch sử đất nước là biết bao những trường đoạn như một dòng chảy lịch sử âm thầm chảy trong lòng đất. Là người đàn bà nghèo bị chức dịch thu hai sào ruộng vì chồng làm nghề kéo xe tay đã làm chết quan tây. Là bọn chức dịch sát phạt nhau trên chiếu bạc và cướp trên tay nhau vài mẫu ruộng như không… và vô vàn những cảnh khốn cùng khác khi đất và máu cứ trộn vào nhau. Hình ảnh chị Sẹo chạy càn giặc Nhật, khi bọn Nhật chạy khỏi thì người đàn bà khốn cùng ấy cố trồi lên đống lá chuối khô bờ ao và trút hơi thở cuối cùng để sinh ra một sinh linh bé nhỏ và sinh linh ấy bị kiến bu đầy khi mẹ nó không còn khả năng để ôm ấp bảo vệ nó, nếu không có ông bà Tiên Hách có lòng nhân từ thì cả hai mẹ con nhà ấy cũng vĩnh viễn bị tước đi mạng sống… Đọc đoạn này tôi thật sự  rùng mình.

Về tư duy ông có con mắt quan sát khá tinh, sâu sắc và có tư duy vượt ngoài khả năng của một tiểu thuyết gia. Chẳng hạn ông đặc tả về cái cách làm tình của người nông dân hay của gã chức dịch ở vùng đất ấy nó tự nhiên như nhiên, nó không ràng buộc vào những khung, khuôn chuẩn mực, đọc mà không thấy có sự tục tĩu. Khi ông viết về phong tục của người Sán Dìu với lễ Đại Phan, ông lý giải người Sán Dìu hiện diện ở quê hương ông rất giàu bản sắc văn hóa nhân văn. Ông mô tả sự nhân ái, ông lý giải quyền năng của triết lý sống có vay có trả, ác giả, ác báo…của con người Việt Nam thông qua hệ thống hàng trăm nhân vật.

Về ngôn ngữ, ông viết với tâm thế của người viết quá nhuần nhuyễn, là cách viết hiện đại, tiết tấu nhanh, câu chuyện phát triển theo tốc độ của ngôn ngữ. Ông  là người làm phim nên ông chuyển cách viết có rất nhiều hình ảnh, mỗi trường đoạn đều như một kịch bản phim rút gọn, sẵn sàng cho nhà làm phim thực hiện những thước phim chính xác và hiệu quả cả về hình ảnh và lời thoại.

Về hệ thống nhân vật, với hàng trăm nhân vật chạy từ đầu đến cuối cuốn sách, tôi thật sự như rơi vào mê cung các tên gọi của tác giả đặt cho nhân vật. Thật sự tôi không biết ông chọn nhân vật Na hay Sẹo ở làng Khánh Hữu của ông làm nhân vật chính. Vì nhân vật nào ông cũng dành tình cảm trân trọng cho họ. Các tên nhân vật cũng đầy những ẩn ức làng như anh em Lý Khiếu, Lý Khoái, những Y Vân, Y Mai… Rồi hai chú cháu nhà kia chạy trốn làng khi giặc đến nhập vào làng dân tộc đổi thành Á Bung, Á Pàu, rồi Á Còi…Nhân vật chính là cụ Tiên Hách đi suốt chiều dài cuốn tiểu thuyết để nhà văn có cơ sở giải quyết các mâu thuẫn, các vấn đề ông đặt ra từ đầu cuốn sách. Tôi nghĩ hiện thân của nhân vật Tiên Hách là trụ cột – như là chính tác giả vừa là nhân chứng lịch sử – để tác giả Đặng Huỳnh Thái giải quyết mọi vấn đề ông muốn gửi gắm. Đó những lý lẽ, hay còn gọi là thi pháp tiểu thuyết ông chọn, đó là cách viết đưa hết tư liệu vào và bằng tư duy soi chiếu của một nhân chứng, đồng thời là nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa để giải quyết các vấn đề ông muốn lý giải đó là đất và máu. Ông cũng cố gắng chứng minh ở đời luôn có sự bù đắp, được mất, vui buồn, trả giả, đua chen, thành bại…

Dù làng Khánh Hữu có nhập vào làng Bái Môn thì vẫn là cư dân ở vùng cửa biển ấy, vẫn là những con người thấp bé nhưng kiên cường, dám sống, dám chết vì vùng đất của mình. Và tôi nghĩ, ông đưa ra mệnh đề “Đất và Máu” như là dựng lại một thân phận con người – thân phận của lịch sử làng gắn liền với lịch sử dân tộc, vô cùng kiêu hãnh sống, và sống chết với điều chính nghĩa, thủ tiêu những sự dã man tàn bạo trong thời điểm xã hội bị giặc xâm chiếm, trong thời buổi xã hội đã có chính phủ mới. Và hơn hết, dòng máu chảy trong đất cứ âm thầm là dòng máu đất – dòng máu của con người trong thế giới chưa bao giờ hết sự tranh giành hơn thua và nhẫn tâm giày xéo lên nhau…

Về tôn giáo, ông chạm đến tất cả các nghi lễ của Phật giáo, của Công giáo và của dân tộc ít người ở vùng mỏ Quảng Ninh. Ông cố gắng tái hiện mọi góc cạnh cuộc sống với những góc quay của máy quay phim – công việc mà cả đời ông gắn bó- vì thế, nhìn – đọc văn của ông là thấy hiện lên hình ảnh ở nơi đó, những hình ảnh sống động và gây ấn tượng mạnh… Về một làng Khánh Hữu quê hương Thái Bình của ông vô cùng đẹp, ông như dành cả tâm huyết của mình để viết về ngôi làng và độc giả sẽ hình dung  theo ông mô tả là như hình một con thuyền đang giương buồm ra biển lớn…

Và, cuối cùng, thông điệp của ông qua tiểu thuyết “Đất và máu” là gì, đó là câu hỏi mà nhiều độc giả sẽ hỏi ông, như tôi đã hỏi ông, thì ông đã trả lời tôi: “Tất cả những sự kiện và nhân vật được huy động  vào cuốn tiểu thuyết là cả cuộc đời tích lũy, là vốn sống và quan sát cuộc sống dồn lại trong quyển sách này… . “Đất và máu” là tác phẩm viết về nơi chôn nhau cắt rốn quê hương Thái Bình, tôi Kính dâng lên Hương hồn cha mẹ và những người nông dân nghèo khổ đã phải trải qua bao đau thương mất mát “sống không có đất ở, chết không có đất chôn, máu nhuộn đất, đất, nước sông, nước biển thấm máu người”… Ngàn đời nay và mãi mãi diễn ra những cuộc tranh dành đất đai. Trên quả đất này đâu có người là có máu đổ… – Cuốn Tiểu thuyết này có bề dầy lịch sử, gần một trăm năm cuộc đời của người nông dân Việt Nam. Không dám nói rộng, nhưng có thể hiểu rằng đây là một bài học tổng kết về đời sống của người nông dân, thông qua câu chuyện của các thế hệ nối tiếp ở một gia đình, một làng nhỏ như bao gia đình khác ở Việt Nam để nhìn về hoàn cảnh lịch sử đất nước, và rộng ra hơn nữa. – Chính vì thời gian trải dài qua bao thăng trầm của lịch sử: Thời kỳ phong kiến, Thực dân Pháp đô hộ , Đế quốc Nhật xâm chiến, Cách mạng dân tộc, Trung Quốc bành trướng, Chiến tranh Đế Quốc Mỹ, Xây dựng CHXH…” Đất sẽ dạy cho con người thế nào là lẽ sống và biết sống với ý nghĩa thực của sự sống./.