Cuộc thi truyện ngắn của Tuần báo Văn nghệ (2011- 2012) mới đi được nửa chặng được nhưng đã thu hút hàng trăm bạn viết với trên 1500 truyện gắn gửi về dự thi. Điểm đặc biệt là ở chặng đầu của cuộc thi đã xuất hiện một lực lượng viết trẻ hùng hậu và sung sức. Tác phẩm của họ đã tạo được dấu ấn riêng trong lòng bạn đọc. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định: đã lộ diện một lớp tác giả mới đáng tự hào. Đó là lớp tác giả trẻ trưởng thành về ý tưởng thẩm mỹ, ý thức khám phá số phận sâu thẳm của con người bằng những câu chuyện bình dị. Đó là điều mà truyện ngắn trẻ dăm bảy năm trước không có được. Nó báo hiệu cho chúng ta, truyện ngắn trẻ đã lấy lại được thăng bằng sau khoảng dăm bảy năm mất thăng bằng, đã đi vào quỹ đạo trung tâm của văn học

Sau đây chúng tôi xin giới thiệu cuộc trò chuyện với hai gương mặt văn xuôi đang được chú ý trong cuộc thi : Phạm Thanh Thúy và Tuệ Anh

Các tác giả được tặng thưởng chặng đầu cuộc thi.

Những chuyển động của truyện ngắn trẻ:

Dám dấn mình vào đời sống…

Tôi cho rằng cái bất ổn nhất của những người trẻ- không chỉ trong môi trường đô thị mà trong thế giới rộng lớn như thế này- là không có được niềm tin bền chặt vào chính mình và vào một giá trị nào đó do chính họ tự xác lập, chứ không phải những giá trị do xã hội, gia đình áp lên họ, mà dù có chấp nhận những giá trị đó, họ trước hết cũng cần tự mình trải nghiệm, thẩm thấu. Và cái bất ổn lớn nhất, theo tôi nghĩ, chính là người ta không thể nhận thức rõ chính bản thân mình


Đô thị và những bất ổn

Đề tài đô thị giữ vai trò như thế nào trong các sáng tác của các bạn?

Phạm Thanh Thúy : Thực ra tôi không thích sống ở đô thị, nhưng vì nhiều lý do, trước đây là đi làm, rồi bây giờ là đi học, bắt buộc phải làm quen và học cách thích nghi với nó, nên dù không thích, nhưng đề tài đô thị đã thấm vào tôi từ lúc nào không biết. Có lẽ từ những năm tháng đi làm, ở trọ đó. Cho đến bây giờ, nhìn lại những sáng tác của mình, tôi khá ngạc nhiên khi nhận ra đề tài này, đối với tôi, đang giữ một vai trò quan trọng. Đô thị trong sáng tác của tôi là những góc khuất nghèo nàn của những xóm trọ bình dân, những thân phận từ tỉnh lẻ, giống như tôi, vì nhiều lẽ, không muốn xa quê mà vẫn phải xa, phải thích nghi với đô thị ồn ào, để rồi khó tránh khỏi bon chen, chênh chao và mất mát.

Tuệ Anh: Thực ra khi đặt bút viết, tôi không đặt nặng chuyện đề tài đô thị hay một đối trọng khác của nó là đề tài nông thôn. Tôi chỉ viết bằng những trải nghiệm, những xúc cảm mình có được từ môi trường sống và các mối quan hệ thân thuộc- môi trường mà tôi có thể tiếp xúc một cách trực tiếp, quan sát, va chạm và xúc cảm. Song, đồng thời trong quá trình ấy, tôi cũng nhận ra, cuộc sống của những người trẻ trong đời sống đô thị hiện đại cũng là một mối quan tâm đặc biệt của mình. Viết chính là một cách để tôi tìm một mối đồng cảm.

Đời sống của giới trẻ tại các đô thị lớn hiện nay có gì bất ổn, theo quan sát của các bạn?

Phạm Thanh Thúy : “Giới trẻ” tại các đô thị trong quan sát của tôi là giới trẻ từ tỉnh lẻ, từ nông thôn ra thành phố đi học, rồi đi làm, và mục đích cuối cùng của họ là muốn mình có một chỗ đứng vững trong lòng thành phố (theo nghĩa đơn giản nhất), sau đó là có một địa vị tốt trong xã hội. Khát vọng đó, theo tôi không có gì sai cả. Nhưng để đạt được nó, tôi cảm thấy dường như họ đang gồng mình lên để sống, họ đang học cách làm người khác, hay nói cách khác là đang mượn vai người khác. Họ đang dần xa cách chính mình. Nhiều người mà tôi biết đang làm như thế. Họ có mục tiêu rõ ràng và họ làm mọi cách để đạt được mục tiêu đó. Có người phần nào đã thành công, có người đã phải đánh đổi. Có lẽ đó là điều bất ổn. Tôi cho là như vậy, dù tôi biết họ có quyền làm việc đó.

Đọc các truyện ngắn của các bạn, người đọc nhận thấy sự chấp chới của những người trẻ ở các tỉnh lẻ khi nhập cuộc với các đô thị lớn. Dù có những xung đột nhưng họ vẫn phải hòa nhập với cuộc sống này. Đó là bị kịch, là một thử thách cho sự trưởng thành – theo cách nhìn nhận của một người làm văn chương?

Phạm Thanh Thúy : Vâng. Đúng là những bi kịch. Đúng là những thử thách cho sự trưởng thành. Nhưng tôi không muốn họ trưởng thành vì cứ phải gồng mình lên để sống trong vai một người khác. Cũng giống như một người, vì quen sống với vai người khác, rồi đến nỗi không nhận ra mình nữa. Bố mẹ anh ta không nhận ra anh ta, vợ con anh ta cũng thế, rồi chính anh ta cũng không biết mình đến từ đâu. Anh ta rơi vào trạng thái tâm thần. Tôi muốn những nhân vật của tôi tìm về với chính họ. Nhưng họ có thân phận của họ, họ chỉ tình cờ bước vào câu chuyện của tôi thôi, cho nên khi ra khỏi câu chuyện rồi, họ vẫn cứ trượt dài, từ bi kịch này sang bi kịch khác.

Tuệ Anh: Đời sống thời nào cũng vậy, có những bất ổn riêng. Đối với từng cá nhân cũng thế. Xét cho cùng, việc viết lách của cá nhân tôi cũng từ những bất ổn của chính bản thân mình mà ra. Ban đầu, tôi nhầm tưởng: bất ổn nằm ở những nguyên cớ kiểu như việc tại sao mình và nhiều người như mình cũng học hành vất vả mà không có được một công việc ưng ý, đủ nuôi sống bản thân; tại sao không gian sống của mình bức bí và chật hẹp thế này; tôi hoang mang thấy xung quanh mình hàng ngày có quá nhiều bạo lực, giết chóc, trẻ vị thành niên sa ngã, nghiện ngập, đánh thầy đánh bạn, cướp của, giết người, hiếp đáp bạn gái; gia đình hỗn loạn vợ chồng đánh chém nhau, tranh chấp; chiến tranh thiên tai thì xảy ra khắp nơi… từ chuyện nhỏ tới chuyện lớn, đều khiến người ta hoang mang; tôi cũng có những người bạn, tuy mỗi người một khác,người thì thuận lợi trong công việc,trong mọi chuyện nhưng vẫn sống trong một tâm thế lúc nào cũng thấy bất ổn, chán nản, lúc nào cũng như muốn kiếm tìm một cái gì đó mà không biết rõ là gì. Bản thân tôi cũng thế. Tôi cho rằng cái bất ổn nhất của những người trẻ- không chỉ trong môi trường đô thị mà trong thế giới rộng lớn như thế này- là không có được niềm tin bền chặt vào chính mình và vào một giá trị nào đó do chính họ tự xác lập, chứ không phải những giá trị do xã hội, gia đình áp lên họ, mà dù có chấp nhận những giá trị đó, họ trước hết cũng cần tự mình trải nghiệm, thẩm thấu. Và cái bất ổn lớn nhất, theo tôi nghĩ, chính là người ta không thể nhận thức rõ chính bản thân mình. Khi con người không nhận thức rõ chính bản thân mình, từ những điều nhỏ nhất, thì người ta luôn là kẻ yếu, dù người ta có sống ấm êm trong một mái nhà giàu sang, xa hoa hay trong một môi trường tiện nghi, bằng phẳng, thuận lợi. Mà môi trường đô thị hiện đại trong một xã hội đang hiện đại hóa chính một mê cung đầy hấp lực nhưng cũng là một cái bẫy giăng sẵn, khiến người ta dễ dàng lạc lối và trở nên thấy vô phương, cả thất vọng, chán nản và hư vô nữa.

Xung đột là vấn đề có thật, song những người trẻ có lẽ không hẳn sống trong tâm thế “phải nhập cuộc”. Có lẽ cái khát vọng sống từ sâu bên trong mỗi cá nhân thôi thúc họ dám dấn mình vào đời sống, trải nghiệm, thử thách và chấp nhận đổ vỡ để tìm được con người đích thực của mình.


Làn sóng đô thị hóa biến nông thôn thành một thiếu nữ nửa mùa!

Theo các bạn, có không nguy cơ văn học đô thị sẽ lấn át văn học về đề tài nông thôn, nông dân khi làn sóng đô thị hóa đang diễn ra quá mạnh mẽ như hiện nay? Nếu có, chúng ta sẽ tuân theo sự phát triển tự nhiên hay cần những động thái để mảng văn học về đề tài nông dân, nông thôn tiếp tục phát triển và có vị trí xứng đáng trong đời sống văn học?

Tuệ Anh: Tôi không nghĩ đến chuyện cái nào lấn át cái nào. Gần đây tôi có tham gia buổi giới thiệu sách của một nhà văn Nhật Bản- một nhà văn trẻ thế hệ những năm 1970 nhưng lại tha thiết với đề tài nông thôn. Một lẽ đương nhiên là những gì cần cho tồn tại sẽ không bao giờ mất đi. Bởi thế chừng nào còn hiện diện một không gian sống/ không gian văn hóa gọi là nông thôn thì vẫn sẽ có những con người tâm huyết và thao thiết vì nó. Còn ai sẽ là những con người đó và mảng văn học đó phát triển thế nào, tôi thực sự chưa đủ vốn đọc để có thể nói một ý kiến của riêng mình.

Phạm Thanh Thúy : Tôi nhớ từng có một vài bài báo đặt chung một vấn đề rằng tại sao nhà văn trẻ lại không muốn viết về nông thôn? Sự thực là văn học, nhất là văn học trẻ đang thiếu vắng đề tài nông thôn. Theo tôi, có nhiều nguyên do lắm, nhưng nguyên do chính là vì làn sóng đô thị đang diễn ra quá mạnh mẽ, biến nông thôn thành một thiếu nữ nửa mùa. Ngay cả quê tôi bây giờ cũng thế. Mỗi lần về nhà, tôi lại thấy xung quanh mình một khác. Rất nhiều thứ thân thuộc đã lặng lẽ mất đi, thay thế vào là những gì đó xa lạ và gượng gạo. Ngôi làng thuần nông của tôi bây giờ đã giống một thị trấn thu nhỏ. Muốn tìm lại một chút nhà quê thì lại nhận ra bóng dáng thành thị ở đó. Hơn nữa, dường như việc viết về nông thôn đang bị “lạc thời”, các cây bút trẻ không mấy mặn mà. Viết về giới trẻ đô thị đang muốn bung mình tìm kiếm và bế tắc có lẽ thú vị hơn, dễ in ấn hơn? Cho nên tôi cũng cho rằng có một nguy cơ là mảng văn học đô thị đang dần lấn át mảng văn học nông thôn. Và vấn đề là, nếu sự thực như thế, chúng ta có nên “cứu” mảng đề tài này, hay để nó tự sinh, tự diệt, thuận theo lẽ tự nhiên?

Tôi nghĩ, thực tế, nông thôn vẫn là máu thịt của chúng ta. Người nông dân vẫn là những con người mang tâm hồn thuần hậu rất Việt Nam. Và mảng văn học về đề tài này trước đây đã có những thành tựu lớn. Tôi là người hoài cổ, cho nên câu trả lời của tôi nghiêng về phía chúng ta nên có những động thái để mảng đề tài nông thôn và nông dân tiếp tục phát triển và giành được vị trí xứng đáng trong đời sống văn học. Tôi biết một nhà văn trẻ. Trong khi các nhà văn trẻ cùng thời đang khủng hoảng, chưa tìm được hướng đi, thì anh ấy đã chọn hướng đi cho mình là mảng đề tài nông thôn. Và sự lựa chọn của anh ấy đã phần nào thành công- theo quan sát của tôi. Anh ấy từng khuyên tôi rằng hãy khai thác miền văn hoá của mình, sống và ngụp lặn trong không gian văn hoá ấy, nơi mình sinh ra và lớn lên. Tôi sinh ra từ đồng cỏ, lớn lên từ đồng cỏ, ra đi từ đồng cỏ, nhưng tôi nghĩ tôi sẽ trở về đồng cỏ.


Nhận diện những chuyển đổi của văn học trẻ

Có một thời gian, rộ lên trong sáng tác của một số ít tác giả trẻ là sự nổi loạn, phá phách cá nhân, là tình trạng “bóc vỏ” mình để viết, là sự hồ hởi để khẳng định cái Tôi. Thế nhưng dường như giai đoạn gần đây xu hướng này đã lắng lại.Theo các bạn, nguyên nhân vì sao?

Phạm Thanh Thúy : Tôi nghĩ, đối với một người viết trẻ, tìm kiếm, thể nghiệm và đào sâu vào thế giới cái tôi cá nhân là một thôi thúc, là khát khao. Người viết trẻ muốn khẳng định mình. Nói đúng ra, ai cũng muốn khẳng định mình. Tôi cho rằng đó là một dấu hiệu tốt. Họ cứ phá cách, cứ tìm tòi, thử nghiệm. Họ có thể thất bại, còn hơn là họ chẳng làm gì, chỉ nghĩ và viết theo khuôn mẫu, theo những chủ đề và đề cương cho sẵn. Với nghệ thuật, đôi khi “điên rồ” lại làm nên cơm cháo. Nhưng gần đây, xu hướng này đã lắng lại. Đúng vậy, tôi không chắc lắm, nhưng cũng “mơ hồ” nhận thấy. Tôi nghĩ rằng các tác giả đó đang trưởng thành, đang chín chắn, hoặc đã tìm thấy cho mình một hướng đi, một lựa chọn ổn định, giống như một chàng trai, cô gái qua tuổi nổi loạn, sống chậm hơn, đằm thắm hơn. Và rồi lại có một lớp nhà văn trẻ khác bắt đầu cầm bút và khát khao khám phá…

Tuệ Anh: Thiết nghĩ, dù có “bóc vỏ”, khẳng định hay không, cái Tôi vẫn còn ở đó hoặc lẩn khuất ở đâu đó, nếu nó thực sự có. Còn nếu đã “bóc vỏ”, đã khẳng định là “có” mà người khác vẫn không thấy được thì có lẽ cứ lắng lại mà ưu tư, tìm tòi cho đến khi nhận diện rõ khuôn mặt đích thực của nó. Tìm mãi, tìm mãi trên một hành trình đầy khắc nghiệt và đầy những trải nghiệm đau đớn, có khi trải dài cả đời viết. Xu hướng đó, tôi nghĩ, cũng là dễ hiểu và cần thiết.

Trong top ten truyện ngắn dự thi hay của Tuần báo Văn nghệ 2011, các tác giả trẻ nổi lên, bước đầu tạo được ấn tượng với người đọc . Có người cho rằng đây là một sự chuyển đổi về chất của văn học trẻ hiện nay…

Phạm Thanh Thúy : Tôi cho rằng top ten truyện ngắn in trên Tuần báo Văn Nghệ số Xuân Nhâm Thìn các tác giả trẻ dù có lối viết khá hiện đại, những phát hiện tinh tế về đời sống,song vẫn chưa nổi bật. Người đọc đang cần những khám phá ấn tượng hơn, thuyết phục hơn nữa, họ cần tác giả đào sâu hơn nữa vào đời sống, vào thế giới nội tâm của nhân vật. Cho nên nói “đây là một sự chuyển đổi về chất của văn học trẻ hiện nay” thì có lẽ cần một thời gian thử thách nữa.

Theo các bạn sự khác biệt lớn nhất trong sáng tác của những người viết trẻ – xuất hiện trong cuộc thi truyện của Tuần báo Văn nghệ là gì?

Phạm Thanh Thúy : Tôi cho rằng có một sự khác biệt, nhưng không lớn trong sáng tác của những người viết trẻ xuất hiện trong chặng đầu cuộc thi. Tôi ấn tượng với Chu Thuỳ Anh và đã đọc khá nhiều sáng tác của tác giả này. Cô ấy viết hay, đầy trắc ẩn và dường như rất có duyên viết về thế giới của người già. Mai Dương Dương có không gian văn hoá rất riêng và lối viết trong sáng. Uông Triều lịch lãm và bản lĩnh khi dẫn độc giả lần tìm vào thế giới nhân vật của mình. Hoàng Hải Lâm đau đáu với những vong bản…Ngoài ra, tôi cũng ấn tượng với Hạnh Vân, Vũ Thị Huyền Trang, Chu Thị Minh Huệ, Nguyễn Phú…và chắc chắn là còn nhiều tác giả, tác phẩm trong chặng tiếp theo của cuộc thi nữa. Các tác giả trẻ này, tuy mỗi người mỗi phong cách, họ khác nhau ở cách đặt vấn đề, kể câu chuyện, nhưng họ vẫn gặp nhau ở một điểm: Lòng trắc ẩn và những ước vọng về một thế giới tốt đẹp hơn.

Tuệ Anh: Sự khác biệt cũng như chuyển đổi của văn học trẻ hiện nay mà tôi nhận thấy rõ, là viết từ những suy nghiệm cá nhân về những vấn đề nhỏ nhặt bám riết lấy cuộc sống của từng con người trong đời sống hiện đại, với những thể nghiệm/ thử nghiệm phong cách phong phú, đa dạng và không nhiều câu nệ, cởi mở trong cách nhìn nhận các vấn đề, dồi dào xúc cảm và có thể đồng điệu.

Theo các bạn khi mà internet phát triển mạnh mẽ, người viết có nhiều cách để nổi tiếng, để quảng bá tác phẩm của mình, thì những tác giả trẻ có quan tâm nhiều đến các cuộc thi văn học hay không?

Phạm Thanh Thúy : Tôi nghĩ là có chứ, họ coi các cuộc thi văn chương là một cơ hội lớn, một sân chơi lớn (mặc dù tôi không đồng ý khi một tác giả nói “coi văn chương là một cuộc chơi”) Mỗi năm, trên cả nước có khá nhiều cuộc thi viết, trong đó, tất nhiên có các cuộc thi uy tín và ít uy tín. Theo tôi biết thì các tác giả trẻ là lực lượng đông đảo tham gia. Họ đóng góp một phần không nhỏ vào thành công của các cuộc thi đó. Vì rằng internet là phương tiện quảng bá tác phẩm, tên tuổi hiệu quả, song một giải thưởng, dẫu nho nhỏ trong một cuộc thi văn chương vẫn đem lại niềm vui và sự tự tin hơn rất nhiều.

Tuệ Anh: Tôi cho rằng cả internet lẫn các cuộc thi văn học sẽ luôn song song tồn tại với cùng mối quan tâm, cũng như khi ebook xuất hiện thì cũng không thể thay thế vị trí của sách in. Vấn đề chỉ là ở chỗ mỗi cái làm tốt nhiệm vụ của mình như thế nào mà thôi.

Điều lớn nhất mà cuộc thi truyện ngắn của Tuần báo Văn nghệ làm được – theo các bạn là gì?

Phạm Thanh Thúy : Tôi cho rằng điều lớn nhất mà cuộc thi này hiện đang làm được là tạo cho các tác giả trẻ bớt cảm giác “quá hàn lâm”, khuyến khích họ tự tin gửi tác phẩm. Hơn nữa, không bị hạn chế đề tài và phong cách. Tôi thích điều này.

Tuệ Anh: Là một cơ hội mở ra cho tất cả những cây viết cả dày dặn lẫn cây viết mới.


Xin cảm ơn các các bạn. Cuộc thi truyện ngắn của tuần báo Văn nghệ mới đi được một nửa chặng đường. Mong rằng các bạn sẽ tiếp tục gửi đến những truyện ngắn tâm đắc nhất để tham dự cuộc thi này. Chúc các bạn thành công.

Thy Ngọc thực hiện

Nguồn: Phong Điệp.