Giáo sư HOÀNG CHƯƠNG

Nhà nghiên cứu, soạn giả tuồng Mịch Quang (người bên trái) và Giáo sư Trần Văn Khê. Ảnh: THẾ KHOA

Giới sân khấu Việt Nam vừa tiễn đưa nhà nghiên cứu văn hóa, soạn giả tuồng Mịch Quang, hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, thành viên sáng lập Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. Ông là một trong những đại thụ của nền sân khấu cách mạng và sân khấu tuồng nước nhà với nhiều tác phẩm giá trị cao về lý luận sân khấu và kịch hát dân tộc.

Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang tên thật là Nguyễn Thế Khoán, sinh ngày 1-5-1917 trong một gia đình yêu nước dòng dõi khoa bảng tại xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Ðịnh. Ông tham gia cách mạng từ tháng 8-1945 và từng công tác tại nhiều cơ quan văn hóa, văn nghệ cách mạng trong hơn 70 năm qua. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Mịch Quang là cán bộ tuyên văn Trung đoàn 94 ở Liên khu 5, sau đó tập kết ra bắc năm 1954 và hoạt động trong nhiều lĩnh vực văn học – nghệ thuật. Say mê gắn bó với nghệ thuật tuồng từ nhỏ, sớm tiếp thu những tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc cùng quá trình dày công học tập, nghiên cứu và lao động nghệ thuật không ngừng nghỉ, nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang đã có hơn 100 công trình giá trị đóng góp vào kho tàng lý luận sân khấu dân tộc và sáng tác kịch hát, nhất là trong lĩnh vực nghệ thuật tuồng. Sau khi công trình nghiên cứu lý luận đầu tiên về kịch hát dân tộc Bước đầu tìm hiểu nghệ thuật tuồng được ông hoàn thành năm 1963 mang lại hiệu ứng tích cực, ông đã tiếp tục viết công trình Ðào Tấn – nhà soạn tuồng kiệt xuất. Khoảng 30 năm trở lại đây, ông liên tục cho công bố những công trình quan trọng nhất trong sự nghiệp của mình như: Ðặc trưng nghệ thuật tuồng, Âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc, Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống, Khơi nguồn mỹ học dân tộc, Ðời tôi trong nghệ thuật và soạn nhiều vở tuồng nổi tiếng như: Thanh gươm hát bội, Giấc mộng hồ hoa, Bà mẹ làng Sen, Tên sát nhân và nhà tu hành,… được giới nghiên cứu nghệ thuật sân khấu ở trong nước, ngoài nước đánh giá cao về học thuật và giá trị tư tưởng, nghệ thuật. Có thể nói, ông là một trong những người mở đường, góp phần xây dựng nền lý luận sân khấu truyền thống. Ðến nay, nhiều phát hiện, khám phá về nghệ thuật trong quá trình nghiên cứu của ông đã trở thành quen thuộc với giới sân khấu truyền thống như các khái niệm học thuật: hiện thực tả ý, phương pháp mô hình hóa, sân khấu tổng thể tích hợp, tự sự kịch tính trữ tình, cấu trúc động mở, hay các phạm trù mỹ học dân tộc… Những kiến thức này đã và đang được các nhà nghiên cứu thế hệ sau vận dụng và phát triển.

Với những đóng góp trong sự nghiệp hoạt động cách mạng và nghệ thuật, nhà nghiên cứu và soạn giả tuồng Mịch Quang đã vinh dự được nhận Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Lao động hạng nhất, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001 và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2017.

Nguồn: Nhandan.com.vn

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài