Nhân kỷ niệm ngày 22 tháng 12

Chuyên mục NHỮNG CÂU CHUYỆN ĐỜI kỳ này, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu câu chuyện kể về ông Võ Đức Quốc, AHLLVTND, do nhà báo Mai Nhung viết kể lại.

Đồng thời chúng tôi có đôi dòng giới thiệu về chính nhà báo Mai Nhung, người không hề được phong anh hùng; nhưng chị lại chính là một người phụ nữ anh hùng trong con mắt của bạn bè đồng nghiệp và nhiều người dân.

Chương trình dành tặng tất cả những người mặc áo lính hay không mặc áo lính, những anh hùng được phong hay không được phong, nhưng họ đích thực là những người đã cống hiến tuổi thanh xuân cống hiến cả cuộc đời sự nghiệp của mình cho cuộc đấu tranh giành độc lập tự do của dân tộc.

Nhà báo Võ Mai Nhung, sinh năm 1951

Nguyên Tổng biên tập báo Nông thôn Ngày nay

Hiện sống tại Mỹ Sơn, Đà Nẵng

Nhà thơ Nguyễn Bảo Chân kể:

Chị Mai Nhung người gốc Bình Sơn, Quảng Ngãi. Thời thiếu nữ ngây thơ, chị ngơ ngác và hăm hở lên rừng tham gia kháng chiến chống Mỹ. Ngày giải phóng, cô gái xinh đẹp, tươi giòn, trong trẻo ấy lại hăm hở bước tới hoà bình. Chị xuống Đà Nẵng, lấy chồng, sinh con khi còn khá trẻ. Rồi cuộc hôn nhân đầu tan vỡ, chị mang con trai ra Hà Nội, học Đại học Báo chí, lập nghiệp ở Thủ đô. Mọi gian nan, thử thách, mất mát, đổ vỡ, đắng cay, nguy hiểm, rủi ro không thể chạm tới vẻ ngoài an nhiên tự tại của chị. Sau hơn mười năm cùng các đồng nghiệp biến ước mơ đổi mới toàn diện báo Nông thôn Ngày nay thành hiện thực, chị Mai Nhung nghỉ hưu ở cương vị Tổng biên tập. Chị trở về Đà Nẵng, xây một ngôi nhà, mong được thong thả sống. Nhưng chị không khoẻ. Những di chứng từ thời ở rừng làm chị đau. Chị vẫn phải lo toan nhiều việc, chưa lúc nào thực sự nghỉ ngơi, tận hưởng cuộc sống mà nhẽ ra chị phải có. Chị bình thản đón nhận mọi điều, dù bình yên hay bất trắc; Chị hào phóng trao tặng lòng tốt vô tận, không bao giờ tính toán chi li. Ngôi nhà của chị luôn có chỗ đón tiếp bạn bè, nán lại bao lâu cũng được. Ở đó, chị dành một căn phòng thơm tho xinh xắn cho tôi.

Nhà báo Lê Thọ Bình viết về nhà báo Mai Nhung:

Chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất. Cả dân tộc, trong đó có những người lính chiến quay trở lại với cuộc sống đời thường. Chuyện cơm áo gạo tiền; chuyện nghề, chuyện nghiệp, công ăn việc làm đã làm con người ta phải lo toan nhiều hơn. Cuộc sống có nhiều biến động, xáo trộn cả tốt lẫn xấu.

Chị cũng không nằm ngoài vòng xoay ấy. Chia tay với Bùi Minh Quốc, chị rời Đà Nẵng, mang theo đứa con trai ra Hà Nội học nghề làm báo.

Ra trường chị về báo Nông Dân. Sau báo đổi tên thành Nông Thôn Ngày Nay. Sau này có lần chị bảo, thuở ấy chị định đổi tên tờ báo thành “Dân nguyện” hoặc “Tiếng dân”, nhưng tiếc là việc không thành.

Với nhiều người thì cái tên tờ báo chả mấy quan trọng, nhưng tôi hiểu, với chị nó thực sự cần thiết. Nó biểu hiện thái độ và tính nghiêm túc của một nhà báo chuyên nghiệp, nó thể hiện khát vọng của những người làm báo muốn vươn tới.

Về báo Nông Thôn Ngày Nay chị làm biên tập viên, rồi thư ký tòa soạn, rồi phó tổng biên tập, rồi tổng biên tập. Một lần, cuối năm 1998, tôi tới Tòa soạn Nông Thôn Ngày Nay thăm chị. Chị ở luôn tại trụ sở Tòa soạn, dọn một góc nhà làm phòng ở. Tờ báo khi ấy xuất bản tuần một số vào sáng Thứ 6. Khó khăn trăm bề, đội ngũ làm báo khi ấy vừa thiếu lại vừa yếu. Nhưng chị và các đồng nghiệp của chị ở tờ báo đều rất khát khao làm một tờ báo “cho nông dân và nói về nông dân” (như lời chị nói).

Cũng như lần trước, bữa ấy chị cũng nói về những khát khao của mình, nhưng chị đã vạch ra một đường đi cho tờ báo rõ nét hơn. Chị bảo, tờ báo sẽ tiến tới xuất bản hàng ngày. “Đây là cơ hội lớn cho những người làm báo giỏi”- chị bảo, và rồi đột ngột chị nhìn vào mắt tôi: “Về đây đầu quân đi!”.

NHỚ LẠI MỘT THỜI

Nhà báo Mai Nhung kể

(Tưởng nhớ AHLLVTND Võ Đức Quốc)

Bóng ai vừa đi qua tôi

Vương vương mắt cười trong gió

Khi cô bước sang tuổi 15 là lúc chiến tranh ở quê cô trở nên khốc liệt hơn trước. “Quốc sách ấp chiến lược” bị phá sản, chính quyền Sài Gòn cho dồn dân vào các trại tập trung ở gần quận lỵ, thị trấn và tăng cường đánh phá các vùng nông thôn mà họ không kiểm soát được. Nhà cửa trong làng cháy gần hết, cánh đồng xanh mướt mía và lúa bắp, giờ khô rụi vì không còn ai chăm bón, vun tưới. Dân bị đưa gần hết vào các khu dồn, chỉ còn số ít gia đình và những người hoạt động bất hợp pháp là trụ bám lại hoặc dạt sang các xã ở mạn trên, bên kia sông…

Bà dì của cô là cán bộ phụ nữ xã, luôn xông xáo vừa lo việc nhà vừa giúp bộ đội, du kích. Ban ngày, Mỹ từ quận lỵ càn lên thì dì cháu cô lánh sang bên kia sông, tối lại về làng kiếm vài thứ còn trong vườn: năm ba trái bí, mấy ang lúa hẩm, vài ba con gà, ít củi khô… rồi mờ sáng hôm sau lại quang gánh sang bên kia sông để có cái ăn. Cứ thế, hai dì cháu đi qua về giữa hai bờ sông đầy rủi ro, cực kỳ căng thẳng bởi đạn pháo hàng mấy tháng liền.

Một đêm, sau khi xong việc, hai dì cháu xuống hầm nằm. Đó là căn hầm chữ A ông ngoại làm từ năm ngoái, trước khi cả nhà phải dọn vào khu dồn dân ở thị trấn. Loại hầm này tuy nhỏ, nhưng có thể chứa khá nhiều người, vừa để tránh bom pháo vừa làm chỗ ở. Thường thì 4-5 người trải chiếu nằm trên các tấm ván ghép dưới sàn, còn vài người khác có thể mắc võng nằm sát bên trên. Lần này, phía trên chỗ dì và cô nằm là chiếc võng của Quốc, một du kích thông minh, đẹp trai và can đảm. Anh vừa trải qua đợt huấn luyện quân sự ở huyện đội về.

Gần hai năm trước, khi người dân còn sống trong các vùng “xôi đậu” (là những vùng bị cả hai bên tranh chấp giành dân giành đất), thì cô và Quốc đều là giáo viên tiểu học ở làng sau khi tham gia khoá học sư phạm cấp tốc ba tháng ở tận vùng đông của huyện. Hai đứa gần bằng tuổi nhau, cùng đang học lớp đệ lục thì phải bỏ giữa chừng. Khi được gọi đi học, dù chỉ là để làm giáo viên tiểu học cũng đã là niềm ao ước của cả hai đứa. Ba tháng trời ở vùng đông vừa lên lớp vừa chạy càn, cái chết luôn rình rập, nhưng khao khát hiểu biết và ước mơ được đứng lớp, được dạy bọn trẻ viết những chữ cái đầu tiên khiến các giáo sinh như cô phấn khích. Vài cặp đôi thậm chí còn nẩy nở những mối tình thầm kín.

Lần đó, khoá học nhận được tin địch đưa quân ém ở xã trên, chuẩn bị cho một trận càn lớn. Các lớp học phải cấp tốc di chuyển ra phía bắc, nơi có hầm địa đạo sâu cả gần chục mét để phòng khi địch đến. Địa đạo là nơi để cán bộ dân chính ẩn nấp và cũng là đường rút lui hay trú ẩn của lực lượng vũ trang khi không thể chống trả quân địch.

Đi được nửa đường thì các thầy muốn cho hai người nhỏ nhất là cô và Quốc ở lại hợp pháp trong nhà dân. Vì địa đạo chỉ chứa được một số người nhất định, địch lại đang càn lớn, cán bộ dân chính từ các xã đang dồn về, nên ai có điều kiện hợp pháp được thì nên dành chỗ cho các anh chị khác. Cô thấy mình trẻ nhất, lại là con gái nên đồng ý ngay. Quốc hơi phân vân nhưng rồi cũng chấp nhận.

Gia đình cho bọn cô ở nhờ có một bà cụ già, một người mẹ trạc tuổi mẹ cô và hai chị em, người chị bằng tuổi cô, cậu em chừng tám tuổi.

Tưởng đây là vùng an toàn, nhưng rồi vẫn có tin địch từ một hướng khác càn xuống. Quốc tỏ ra lo lắng. Nhìn quanh thấy trai tráng trong vùng đều đã đi hết cả. Họ tham gia du kích phía bên nầy, hoặc đi lính cộng hoà phía bên kia, nên trong làng chỉ còn người già, phụ nữ và thiếu niên. Cậu nghĩ, mình tuy nhỏ tuổi nhưng thân hình phỗng phao thế nầy, nếu địch nhìn thấy, chắc chắn chúng nghi và sẽ bị bắt. Mọi người cũng lo cho cậu. Người mẹ, là phó chi hội phụ nữ thôn nói, “Thôi được, cô tính như vầy, phía sườn đồi sau nhà có căn hầm bí mật. Giờ cho thằng Quốc ra đó với các chú, nhưng không được xớ rớ, cần hết sức có kỷ luật và phải tuân theo lệnh của các chú ấy”. Quốc mừng rỡ nghe theo.

Nhưng, điều không ai ngờ lại tới. Sự khốc liệt muôn hình muôn vẻ của chiến tranh vượt quá sức tưởng tượng của bọn cô. Hôm đó đang nấp ở hầm bí mật thì một người trong nhóm của Quốc, vì sốt ruột đã trèo lên một cây cao gần đó để cảnh giới. Thấy địch đã tới rất gần và biết là đang trong tình thế nguy hiểm, thay vì chạy về phía khác để đánh lạc hướng quân địch thì anh lại vội chạy về hầm. Sơ xuất đó vô tình làm căn hầm có 5 người bên dưới bị lộ.

Một tốp lính Mỹ lao tới định khui hầm. Nghe tiếng địch la hét bên trên, chú bí thư huyện Đoàn giục: “Quốc lên đi. Cháu còn nhỏ thế nầy chúng không giết đâu, cháu sẽ sống, chắc chắn cháu sẽ sống”. Nhưng Quốc nhất quyết không lên. Cha Quốc đi tập kết. Trong xa cách, nhiều đêm ngủ Quốc vẫn thường mơ thấy gương mặt cương nghị của ông nhìn Quốc với bao âu yếm, nhớ thương và tin tưởng. Ông sẽ nghĩ sao nếu con trai ông ra đầu thú? Thì ngay lúc đó, Quốc thấy mình bị bế thốc từ phía sau và ném lên miệng hầm. Cả bốn người còn lại quyết tử với những trái lựu đạn đã mở chốt an toàn trong tay, sẵn sàng cho nổ.

Bị nhóm lính Mỹ xúm vào đánh cho bầm dập nhưng Quốc vẫn còn tỉnh táo giả vờ ngất đi nên chúng bỏ mặc, tập trung vào những “con mồi” đang nấp dưới hầm. Nghe những tiếng nổ rung chuyển mặt đất, biết là các chú đã chống trả và hy sinh, Quốc cố lăn ra phía bờ rừng trốn thoát. Chỗ đó có con đường mòn chạy vào thôn Lạc Thuỷ. Quốc đã được bà con ở đó cứu sống…

Mất mát quá lớn diễn ra ngay trước mặt, khiến Quốc vô cùng đau đớn. Nhưng không muốn những cái chết của các chú trở nên vô nghĩa, Quốc cố thoát khỏi nỗi ám ảnh thương tâm đó để tiếp tục sống…

Khoá học cuối cùng rồi cũng kết thúc. Trở về làng, cả hai cùng các anh chị du kích tích cực đi vận động bà con cho bọn trẻ đến trường. Cô dạy lớp Hai ở xóm trên còn Quốc dạy lớp Ba ở xóm dưới, đối diện với đồn địch bên kia sông. Con sông Trà Bồng lai láng, đầy ắp phù sa với những bờ xe nước bốn mùa đưa nước lên đồng, từng là nguồn cảm hứng để nhà thơ Tế Hanh viết bài thơ “Nhớ con sông quê hương” nổi tiếng, đẹp nhường ấy, giờ thành ngăn cách hai bờ như hai chiến tuyến.

Vào những chiều êm ả, từ cánh đồng ngào ngạt mùi khói rơm, bỗng nghe rộ lên những tràng súng xé tai từ bên kia sông bắn sang. Đó là khi đám lính Mỹ trên đồn nghe thấy tiếng học trò cuả Quốc hát, hoặc đồng thanh những bài học thuộc lòng. Một góc cuộc sống bình yên đan xen với sự khắc nghiệt khủng khiếp của bom đạn vẫn diễn ra hàng ngày như vậy, cứ thế thử thách các bậc cha mẹ và bọn trẻ, cho đến khi họ không thể chịu đựng được, dắt díu vào các khu dồn, và không còn lớp học nào nữa.

Quốc tham gia đội du kích rồi trở thành xã đội trưởng. Anh có nhiều sáng kiến diệt được nhiều máy bay HU1A của địch mà không phải tổ chức các trận đánh gây tổn thất lớn. Cũng nhiều lần, anh chứng kiến những cái chết chùm đau đớn của đồng đội khi lọt vào ổ phục kích của địch. May mắn là lần nào Quốc cũng thoát chết, lại gầy dựng cơ sở, giữ đất, hỗ trợ cho bà con ban ngày từ khu dồn về làm lụng kiếm sống…

Lại nói về căn hầm chữ A của hai dì cháu. Chiếc võng treo phía trên hôm ấy cứ sột soạt không yên. Hình như Quốc không ngủ. Cô cũng vậy. Trong cái đêm bình yên hiếm hoi được ở cạnh nhau đó, những kỷ niệm chung bỗng sống dậy, mơ hồ mà mãnh liệt. Chợt Quốc đưa tay nắm bàn tay cô thật chặt trong bóng tối. Tội nghiệp là nó không đủ tối trong cặp mắt đầy cảnh giác của bà dì. Dì đằng hắng, vờ như vô tình mà là đánh động, cố ý dập tắt những rung động đầu đời của đôi trẻ.

Từ hôm đó, dì để mắt đến từng bước đi, từng cử chỉ vui buồn của cô cháu gái. Dì biết rõ cá tính và sự gan lì của cô, biết cô bé định làm gì là phải cố làm cho bằng được. Ngay cả việc nuôi giấu cán bộ bị thương dưới hầm bí mật, mới mười tuổi cô đã đòi nhận lãnh việc đem cơm cháo cho các chú thay mẹ và dì… nên nếu cô có tình cảm với Quốc thì dì khó mà ngăn cấm.

Hôm ấy, dì ôm cô vào lòng, ngồi xuống gốc cây bên miệng hầm, vừa âu yếm nhìn vào mắt cô, vừa nói như đe nẹt: “Thằng Quốc nó để ý con đó. Mà con phải biết, cả cái làng nầy mang họ Võ gần hết, biết thế để mà tránh…”. Rồi không thèm xem thái độ cô phản ứng thế nào, dì bồi tiếp: “Tình hình đang rất ác liệt, việc học dang dở rồi, con cũng không thể ở lại đây, tham gia đội du kích như thằng Quốc được. Giờ con có hai lựa chọn, một là xuống thị trấn với mẹ và ông bà rồi lấy chồng, hai là đi theo các chú lên rừng công tác”…

Đêm xuống rất nhanh. Muỗi vo ve bu kín trong hầm. Dì vơ những nắm lá tre khô vun thành từng đống nhỏ, đốt lửa hun khói xua muỗi. Xa xa tiếng pháo vẫn ầm ào nổ, xao xác, ngột ngạt. Nhưng với cô, những câu nói của dì: “Cả cái làng nầy mang họ Võ gần hết”; hay “Con không thể ở lại tham gia đội du kích như thằng Quốc được”… còn ngột ngạt hơn. Nó làm cô choáng váng, giống như một nhát chém giữa cô và Quốc, giữa thời thơ ấu gian khổ mà rất ngọt ngào, và tương lai phía trước chưa biết sẽ ra sao…

Chân trời phía xa cuộn lên những đám bụi mờ, báo hiệu cơn dông và mưa lớn. Nước sông cuồn cuộn bùn và rác từ phía thượng nguồn đổ xuống. Không có phương tiện gì để qua phía bên kia, ông dượng sáng kiến úp hai chiếc nón lá vào nhau, rồi bọc nilon thật kín, thật chặt. Dượng lấy hai đoạn dây dừa buộc hai bên mép nón đang phồng lên như một cái phao, bắt cô cầm chắc hai bên cái phao đó, còn hai đầu dây thì dượng cắn chặt giữa răng, tay dượng sải dài giữa làn nước chảy xiết, đục ngầu. Ông cố bơi đưa cô an toàn qua sông, đưa cô rẽ sang một bước ngoặt lớn của cuộc đời…

Lên rừng, cô được phân công về nhận công tác ở bộ phận Giáo dục thuộc Ban Tuyên huấn tỉnh. Đó là vào tháng 10 năm 1967, lúc cô vừa bước qua tuổi 16.

Hơn hai năm sau, cô gặp lại Quốc ở cánh rừng miền tây Quảng Ngãi, nơi tổ chức Hội nghị chiến sĩ thi đua toàn tỉnh. Cô tham gia phục vụ Hội nghị còn Quốc là dũng sĩ diệt Mỹ đi báo cáo kinh nghiệm chiến đấu. Hai người hẹn gặp nhau. Ngồi bên suối, Quốc “trịnh trọng” xưng cậu với cô, gọi cô bằng cháu, xin lỗi cô về cái nắm tay chân thật năm xưa, nói cho cô nghe về mối quan hệ họ hàng trong họ Võ mà khi còn nhỏ hai người chưa kịp biết, rồi kể chuyện kẻ còn người mất ở quê nhà. Cô bình tĩnh lắng nghe. Câu chuyện vừa bất ngờ như tiếng chim vỗ cánh bay đi, vừa như tiếng ru buồn buồn của dì, của mẹ đã xa, xa lắm, an ủi vỗ về, quấn quýt mãi. Tiếng suối thì rì rào chảy, như đang chảy qua miền thơ ấu của hai người, nơi vô số kỷ niệm cận kề cái chết nhưng trong vắt, từng là nhựa sống nuôi bọn cô cùng lứa bạn lớn lên và dần trưởng thành.

Cô không buồn, chỉ thấy thương Quốc và thương mình hơn.

Ít lâu sau, cô được tin Quốc hy sinh. Cô biết, cuộc chiến đang trong giai đoạn khốc liệt nhất, mà Quốc thì lúc nào cũng hăng hái quá, nên cái chết là rất khó tránh. Điều cô thường phập phồng lo sợ đó giờ đã là sự thật!

Cô mất ăn mất ngủ mấy tuần liền. Một quãng đời từ trong ký ức dội về, ngân rung, thổn thức. Gương mặt hiền của Quốc vụt hiện. Hình ảnh Quốc tận tụy lo cho từng người dân, những nhường nhịn chở che cho cô cùng đám bạn những lúc khốn khó… khiến gương mặt ấy nổi bật, ngời lên, lấp lánh.

Quốc mất đi, với cô là một mất mát lớn, một nỗi đau kéo dài.

P/s : Sau ngày hai cậu cháu gặp nhau bên lề Hội nghị chiến sỹ thi đua cấp tỉnh đó, cậu trở về và được bầu làm Bí thư xã Bình Minh quê cô, khi cậu mới 19 tuổi. Cậu hy sinh lúc vừa sang tuổi hai mươi, tuổi đẹp nhất của đời người.

Ra đi, cậu tôi không kịp để lại dù chỉ một tấm di ảnh.

Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân do Nhà nước phong tặng có lẽ cậu cũng không màng đến khi còn công tác.

Chính vì vậy mà người dân và đồng đội luôn nhắc nhớ về cậu với lòng thương tiếc không nguôi.