Nhà văn Võ Thị Xuân Hà

Nắng đã dịu nhẹ hơn. Hà Nội mấy hôm nay thỉnh thoảng có

Đã qua bao nhiêu tháng ngày từ khi nghe thông tin đầu tiên về dịch Covid-19. Ai đó ghi trên trang cá nhân của họ một dòng khiến tim tôi thắt lại: “Hôm nay, thứ… ngày… tháng… năm thứ nhất đại dịch”.

Có năm thứ nhất nghĩa là sẽ có năm thứ hai? Và giờ đây cả thế giới đang chống chọi với những đợt dịch của năm thứ hai với biến thể lây lan ngày càng khốc liệt.

Rõ ràng, trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh, chống lại sự lây lan, truyền nhiễm của Covid-19, Chính phủ và nhân dân các nước không thể ngồi yên để cân đo đong đếm những thiệt hại kinh tế khủng khiếp mà nó mang lại. Giờ đây, trên thế giới, nhân dân và cả hệ thống chính trị – kinh tế  – xã hội các nước quyết tâm một mục tiêu hàng đầu: Bảo đảm tính mạng, sức khỏe cho người dân, bảo vệ an toàn cho cộng đồng.

Hà Nội vắng lặng những ngày thực hiện giãn cách. Ảnh: Nguyễn Thanh Bình

Bây giờ chúng ta ở đâu thì an toàn?

Dĩ nhiên là chúng ta nên ở nhà. Đọc tin trên báo chí và những nguồn tin cậy. Tự mình sàng lọc thông tin.

Quan điểm của Y học cổ truyền phương Đông là phù chính trừ tà, theo đó nâng cao tinh thần và thể lực giúp tránh được bệnh tật xâm nhập. Thế giới có thuyết về Luật hấp dẫn. Lúc này phải chăng chúng ta cần nương vào vũ trụ, mà vũ trụ không phải là nơi xa xôi bí ẩn, phải chăng chính là “tâm thức bản thể con người”.

Có lẽ tình hình dịch bệnh như hiện nay sẽ khiến nhiều người khó tránh cảm thấy căng thẳng, nhưng tâm trạng căng thẳng nóng nảy sẽ lại càng dễ làm ảnh hưởng không tốt cho sức đề kháng.  

Làn sóng Covid-19 lần thứ Nhất

Chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Nghe chuyện thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) như chuyện thần tiên ảo cảnh. Virus bắt đầu lan nhanh ra toàn thế giới, nhiều chuyện kinh hoàng đã xảy ra, không cần phải xem phim viễn tưởng.

Và… Việt Nam đếm từng ca nhiễm lọt vào lãnh thổ. Bắt từng con virus quỷ Satan đứng ngoài bằng khẩu trang (cái này ở Việt Nam dễ), bằng hàng rào phong toả! Vĩnh Phúc chịu trận bị “phân biệt” đầu tiên. Chẳng những con Covid-19 này bị diệt nhanh chóng, mà những hang ổ cho chúng trú ngụ cũng bị phanh phui.

Cả thế giới không bao giờ quên những bản nhạc được tấu lên từ những ban công của người dân Ý. Thành Roma và bao nhiêu nền văn minh nhân loại bị tổn thương nặng nề. Bao nhiêu sinh mạng bị hủy diệt. Nhưng phải đón con dân nước Việt về nhà và đã đón được. Rất nhiều chuyến bay lịch sử sau này có thể kể lại cho con cháu biết.

Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), nơi chữa trị hàng đầu cho những căn bệnh nặng bị nhiễm Covid-19 phải thực hiện giãn cách, điều chuyển bệnh nhân. Khánh Hòa, thành phố du lịch thơ mộng cũng báo động nguy cấp. Thiệt hại ban đầu các ngành hàng không, du lịch, taxi, dịch vụ đi kèm hứng chịu. Thôi gắng lên, hết giặc ta xây dựng lại cơ đồ.

Việt Nam xứng danh tầm thời đại, anh hùng diệt Covid-19. Anh hùng nhiều lĩnh vực lắm.  Áo trắng là những anh hùng từ tâm nhất. Tự hào Việt Nam!

Lần thứ Hai

Ơ hay, loài virus kia lại lọt qua biên giới. Các chiến sĩ công an, quân đội, biên phòng, hải đảo lại phơi nắng dầm mưa… Bắt được những ổ cho trú ngụ trốn thị thực. Giãn cách đôi nơi, đôi thị thành.

Đà Nẵng bị loài Covid-19 chọn nơi đáng sống. “Cuối tháng 7/2020, sau 99 ngày cả nước không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, dịch Covid-19 đã tái bùng phát và tâm dịch là thành phố Đà Nẵng”

Lại đếm. Lần này không đếm một hai ba nữa. Đà Nẵng vừa được thương, vừa bị “xa lánh”.

Nhưng bão lụt miền Trung đáng sợ không kém con Covid – 19 kia. Vùi dập bao anh tài tuấn tú của đất nước. Vùi dập cả bao ước mơ bắt dòng thủy phát điện phục vụ con người. Vùi dập niềm tin chinh phục thiên nhiên. Covid-19 lượn lờ khắp hang cùng ngõ hẻm. Lần này nó khôn hơn.

Lần thứ Ba

Việt Nam vẫn vững chắc thành trì. Bỗng nghe thông báo: Hải Dương, cửa ngõ Thủ đô bị Covid-19 hoành hành. Bao chuyện đau lòng. Cả Quảng Ninh, Hải Phòng và nhiều tỉnh thành khác…

Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay lần đầu tiên Việt Nam ghi nhận số lượng bệnh nhân lớn chỉ trong một ngày. Virus SARS-CoV-2 lây nhanh, mức độ lây lan vòng quanh lớn hơn. Giải cứu rau củ quả Hải Dương ban đầu rất nhọc. Vì Hải Dương bị “phân biệt” cả rau củ quả. Sau rồi cộng đồng tỉnh ngộ. Cả nước hướng về đùm bọc cứu nguy cho Hải Dương. Bắt đầu phải chuẩn bị lập những khu cách ly mới và những bệnh viện dã chiến. Các nhà hàng quán café có vẻ là lớp biểu bì dễ bị virus bám trụ nhất. Đóng cửa giãn cách lần thứ 3. 

Bao nhiêu doanh nhân và sắp doanh nhân sập tiệm, chẳng ai giải cứu cho. Tiền của thuê điểm bán, mua nguyên liệu máy móc vật dụng, chẳng ai biết trôi chảy đi đâu. Hàng ngàn người trắng tay. Đội quân chạy xe ship hàng tăng cao chóng mặt.

Bên trong bệnh viện dã chiến ở TP. Hồ Chí Minh, các bác sĩ trước ca trực. Ảnh: Vũ Mạnh Cường

Lần thứ Tư
Thương cho Ấn Độ xác chết chảy dọc sông Hằng. Bao nhiêu nước trên thế giới này tang thương, lại tiếp tục tang thương với chủng virus mới. Rồi tiếp đến Indonesia, nước mắt đã cạn, không còn những giọt huyết lệ kịp nhỏ xuống những phận người nhỏ bé.

Ở Việt Nam, Bắc Giang, Bắc Ninh thành điểm nóng. Con Covid-19 này được phát hiện chủ yếu ở những khu công nghiệp. Đồng đất Việt Nam không sinh ra Covid-19. Nhớ lấy điều này!

Đồng bào chung tay giải cứu quả vải Bắc Giang. Vải vùng dịch nhưng không ai lo virus Sars- CoV-2 bám theo vải mà chảy đi. Vải năm nay sao lại ngọt lại thơm đến thế. Cả mấy nước trời Tây nhập quả vải Việt.

Không ai nghĩ, Covid-19 thủ đoạn thâm độc tận cùng. Chúng đang bám trụ sâu ở những nơi vẫn cảnh giác nhưng lại sơ hở nhất. Không ai ngờ đợt dịch này kéo dài đến vậy.

Vô cùng thảm khốc khi các bệnh viện trọng điểm như Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện K Trung ương… bị điểm huyệt. Bao nhiêu bệnh nhân ung thư, bệnh nền nguy kịch lay lắt không phương chống đỡ…

Một ngày như mọi ngày, TP. Hồ Chí Minh báo động đỏ.

Cả vùng trời phía Nam vẫn đang điềm nhiên đi lại làm ăn sinh hoạt. Mà quỷ dữ đã ăn sâu vào từng thớ thịt, từng mao mạch lá phổi. Khi chúng ta phát hiện ra, thì chúng đã ăn quá sâu, quá nhiều. Mấy chục tỉnh thành phía Nam thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.

Tiếp đến Hà Nội giãn cách. Và bao nhiêu tỉnh thành cả nước đang phải gồng mình chống trả con quỷ tàn độc, bảo vệ hơi thở cuộc sống. Nhiều nơi gấp rút xây dựng những khu giãn cách và bệnh viên dã chiến mới. Xây ngày đêm.

Cho đến hôm nay
Bao nhiêu phận đời trôi dạt hoảng hốt tìm đường về quê. Bao nhiêu con người không nhà không tiền không còn đường nào kiếm miếng ăn…

Nhưng nếu chứng kiến những thầy thuốc đang ngày đêm vật lộn với tử thần để cứu người, những người công an thức trắng bao tháng ngày qua, những chiến sĩ biên giới hải đảo đang dầm mình chịu bao hiểm nguy để ngăn chặn không cho virus tràn vào Việt Nam thêm nữa…; Nếu chứng kiến biết bao nhiêu ca bệnh chưa đủ máy thở, bao nhiêu nơi cần bệnh viện, cần trợ giúp có lẽ sẽ thấu hiểu vì sao các chốt chặn lại nghiêm đến thế, dù đôi chỗ còn phải học bài học vì dân. Nhưng thực hiện các chỉ thị thông báo là cấp thiết.

Trong những dòng chữ mang tính pháp quy đó ẩn chứa sự khẩn thiết yêu cầu người dân thực hiện tốt mọi quy định, hướng dẫn. Để giảm thiểu áp lực gánh nặng y tế đang mỗi ngày mỗi nguy cơ quá tải.

Để cứu sinh mạng mình!

Hãy bình tĩnh nương vào vũ trụ, nương vào thiên nhiên trong tâm. Bảo vệ thiên nhiên. Bình tĩnh sống. Thay đổi thái độ sống. Đây chính là thời điểm chúng ta sống chậm, sống khác một cách tích cực nhất có thể. Cũng không thể không tự vấn lương tâm: “Chúng ta đã làm gì sai? Bài học mà vũ trụ muốn đem đến cho loài người là điều gì?”

Nhưng những điều đó hãy tạm tìm kiếm câu trả lời sau. Lúc này hãy bình tĩnh tự tin và chung sức đẩy lùi dịch bệnh.

Mỗi người hãy đóng góp tốt nhất để chống Covid-19 theo hoàn cảnh của mình!

Đây là cuộc chiến sinh tử.

Nhật ký giãn cách: Những ngày đang sống – nơi đăng tải những câu chuyện, những suy nghĩ, những cảm xúc của mỗi người về những ngày đang sống giữa đại dịch Covid-19. Thư xin gửi về: [email protected]