NHẬT KÝ THƯƠNG GIA

Tập thơ mới của tác giả NGUYỄN THANH

 

 Bia NHAT KY THUONG GIA

Như một cuốn nhật kí thực thụ, với những cung đường doanh nhân, tác giả Nguyễn Thanh đưa bạn đọc trải theo những cánh bay khắp các quốc gia châu lục cùng ông. Đọc và thấu hiểu, để chia sẻ cùng thương gia Nguyễn Thah những chặng đường kinh doanh hữu ích cho đất nước, những tình cảm bang giao quốc tế, những gắn bó da diết với quê hương, người thân, bạn bè, thầy cô, đồng nghiệp…

Sách dày 220 trang

Giá bìa: 88.000đ

Công ty TNHH Văn hóa và Dịch vụ Thiên Đức liên kết Nhà xuất bản Hội Nhà văn, xuất bản tháng 7.2018

 

Tác giả Nguyễn Thanh

 

Trích bài viết của nhà thơ Trần Thị Thắng, giới thiệu tập thơ THƯƠNG GIA MỘT THUỞ VẦN THƠ MỘT ĐỜI:

“Trong “Nhật ký thương gia” với hơn một trăm bài thơ của mình có lẽ cái mà Nguyễn Thanh sâu nặng, tỏa sáng nhất vẫn là tình yêu đối với quê hương, với người thân và bè bạn.

Do nghề nghiệp phải đi đây đó giữa các châu lục thì quê hương vẫn luôn hiện hữu trong từng câu thơ “Bạn đi sứ, mình đi buôn / gặp nhau nỗi nhớ quê hương, nhớ nhà“, “như da diết như chờ mong / trong tim ai cũng dòng sông quê mình“, “Biển đâu đẹp nhất nhân gian / rặng dừa với những xóm làng quê hương“, “Da diết tháng ba mùa con ong lấy mật / mượn cánh buồm thơ lục bát ta về” Tình yêu đó đúng như lời của nhà văn Nga Ilia Evenbua “những con suối đổ vào sông, sông đổ vào trường giang Vonga, dòng trường giang Vonga đổ ra biển cả. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm yêu miền quê trở thành lòng yêu tổ quốc”. Quê hương với tác giả trước hết là những người thân. Đó là niềm thương nhớ người ông nội kính yêu “Bên chùa Đồng Thiện thảnh thơi / nội về tiên tổ đất trời xót xa“, “Cứ xanh rồi chín đỏ / trái vải quê Thanh Hà / mãi sinh sôi nẩy nở / dòng họ Nguyễn vươn xa”. Ngay cả khi dự lễ tốt nghiệp của người con út, giọng anh như xao xuyến, nghẹn ngào “Và sớm nay như òa vỡ sân trường / tất cả bên nhau cái cười thân thiện / phút xao xuyến xin gửi về họ Nguyễn / hạnh phúc hôm nay trên đất Mỹ, khởi đầu“. Cả khi đau đớn xót xa trước sự ra đi mãi mãi của mẹ, của cha “Dẫu rằng sống gửi thác về / mà nghe khóc thảm tái tê lòng người / một lần nữa gọi: cha ơi / có nghe khúc nhạc tiễn người chiều nay“, “Đời người rồi cũng hoàng hôn / nơi đây mẹ nghỉ chiều buông chuông chùa“. Những hình ảnh về người mẹ vẫn còn mãi trong tâm khảm của con cái “Tuổi xuân lên với chiến khu / gánh hai đứa trẻ tản cư Đông Triều“, “Tu tại gia lễ tại chùa / con đàn cháu chắt mẹ cho phước dầy“. Để rồi hình tượng những Người Mẹ còn mãi với lịch sử dân tộc “Có nơi đâu trên trái đất này / mẹ của chúng ta hóa thành lịch sử / không tấm huân chương màu cờ rực rỡ / chỉ để lại đời tiếng Mẹ thân thương“.