VĂN THÀNH LÊ

1.
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, khi ba mẹ tập kết ra Bắc, nhưng tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Hà Nội chị lại xuôi vào Huế, là quê nhà, để hành nghề gõ đầu trẻ. Ngỡ như vậy là hợp lẽ. Chim bay về tổ. Người hướng về cội. Dòng Hương thanh khiết lượn qua thôn Vĩ thanh bình dễ ru con người ta vào miền thanh thản dệt mộng an yên. Nào ngờ, đang là giáo viên Toán với bảng vàng thành tích, cô giáo trẻ Võ Thị Xuân Hà một mực xin đi học đại học. Ngược đời là học ngành… Ngữ văn. Quyết định nằm ngoài sức tưởng tượng của bạn bè và người thân. Đến khi chuẩn bị cầm được tấm bằng cử nhân Văn khoa của Đại học Tổng hợp, trồng cây gần đến ngày hái quả, Võ Thị Xuân Hà lại làm nhiều người phát hoảng với quyết định nghỉ ngang để thi vào Trường Viết văn Nguyễn Du.
Quả là con đường đến với văn chương của Võ Thị Xuân Hà trải qua những bước ngoặt, những khúc cua gấp, gây hồi hộp và nghẹt thở cho không ít người thân quanh chị. Xa lộ chữ đón chào Võ Thị Xuân Hà như vậy. Đấy thực sự là cuộc dấn thân, quả cảm và có màu sắc của sự liều lĩnh.
Có lẽ không nhiều người dám “làm tới” như Võ Thị Xuân Hà. Phụ nữ càng ít. Phụ nữ gốc Huế lại càng ít hơn. Chị “Vĩnh biệt giấc mơ ngọt ngào”, tên tập truyện đầu tay của Võ Thị Xuân Hà, để dấn thân theo nghĩa đầy đủ của từ này, với văn chương. Điều này làm nên nhà văn Võ Thị Xuân Hà, để cùng với những cái tên như Võ Thị Hảo, Lê Minh Khuê, Phạm Thị Hoài, Y Ban, Dạ Ngân, Trần Thùy Mai, Lý Lan, Quế Hương, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, v.v… tạo thành thế hệ nhà văn nữ sau 1975 hùng hậu với nhiều màu sắc và thành tựu cho văn học Việt.

2.
Chẳng biết có bao giờ nhà văn Võ Thị Xuân Hà soi lại hành trình mà chị kiên định đồng hành cùng xôn xao con chữ? Nếu có, chắc chị không khỏi giật mình với khối lượng trên 20 đầu sách đủ các thể loại: truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, bút ký – ghi chép, khảo cứu, rồi sáng tác cho thiếu nhi, kịch bản sân khấu, kịch bản điện ảnh, kịch bản phim truyền hình của mình. Trong khi vẫn phải trẻ, vẫn phải đẹp và vẫn phải lo toan cho cuộc sống thường nhật với phương châm người viết văn không được phép nghèo, không phải nghèo thì văn mới hay. Chị lăn lộn qua đủ các tòa soạn, cơ quan báo chí xuất bản, từ vị trí phóng viên đến tổng biên tập, như Tạp chí Vì Trẻ Thơ, Báo Thiếu Niên Tiền Phong, Báo Điện Ảnh – Kịch Trường, NXB Văn Học, Tạp chí Nhà văn. Lại có khoảng thời gian buông tất cả để mở quán bán cà phê và… viết sách.
Khởi đi từ tập truyện đầu tay năm 1992. Thoạt nhìn, ngay từ ban đầu Võ Thị Xuân Hà đã tạo được ấn tượng với người đọc bằng mạch văn trữ tình, trong trẻo, đậm tính nữ, nhẩn nha da diết và lắng đọng. Có thể nhắc lại các truyện như: “Lúa hát”, “Con đường đi qua sườn đồi”, “Dưới cơn gió thoảng”. Ở đấy là thứ văn đẹp, giàu chất thơ, làm sang cho Tiếng Việt. Nhưng nhìn sâu sau bề mặt chữ, là manh nha một Võ Thị Xuân Hà đau đáu với nhân tình thế thái, cục cựa tâm thế phản biện và chạm vào gai góc cuộc sống. “Đàn sẻ ri bay ngang rừng”, truyện ngắn tiêu biểu có mặt ở khá nhiều các tuyển tập truyện ngắn hậu chiến, thể hiện rất rõ điều này.
Đến bộ đôi tiểu thuyết “Tường thành” và “Trong nước giá lạnh” thì Võ Thị Xuân Hà thật sự mạnh bạo và thẳng tay với bề bộn hiện thực. “Tường thành”, giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 2 của Hội Nhà văn, 2002 – 2004, là tiểu thuyết đầu tiên chạm đến những ngổn ngang của nghề báo, khía vào những phần nhạy cảm của xã hội, gây hấn với nhiều mặt trái tiêu cực đang dần có nguy cơ sinh trưởng, lớn mạnh. Chân dung của đủ hạng người, từ tri thức đến dân thường rồi các mảnh đời dưới đáy được phục dựng bằng ngôn từ một cách chân xác và rõ nét. Nhà văn Tạ Duy Anh, đồng môn cùng tốt nghiệp thủ khoa khóa 4 Trường Viết văn Nguyễn Du với Võ Thị Xuân Hà, đã nhận xét: “Có thể với nhiều người, Võ Thị Xuân Hà không phải là nhà văn nữ gây ấn tượng nhất. Nhưng chắc chắn có nhiều người ngày càng quan tâm đến chị, cả về văn nghiệp lẫn những trắc trở của đời riêng. Điều kinh ngạc nhất là sau những gì xảy ra với cây bút nữ này mà theo suy luận thông thường sẽ khiến chị tuyệt vọng, kiệt sức… thì chị đang ngày càng khiến mọi người phải nghĩ ngược lại, một cách vô cùng can trường. Sau khá nhiều truyện ngắn không gây sốc nhưng dai dẳng ngấm sâu vào kí ức bạn đọc trước hết bởi sự tinh tế, chị vừa cho ra đời liền 2 cuốn tiểu thuyết và thêm một lần nữa người ta lại phải bất ngờ về chị.”

3.
Tôi gặp nhà văn Võ Thị Xuân Hà lần đầu năm 2011, tại Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8. Lúc ấy chị đang ở cương vị Trưởng Ban Nhà văn Trẻ của Hội Nhà văn, tất bật và lo lắng cho công tác tổ chức. Đấy là Hội nghị được đánh giá thành công nhất từ trước đến nay giành cho các cây viết trẻ. Có lẽ 112 đại biểu chính thức và những khách mời vẫn còn vẹn nguyên xúc cảm về cuộc điểm danh lực lượng viết trẻ toàn quốc, hội tụ về Hà Nội, Phú Thọ, Tuyên Quang và Thái Nguyên 5 năm trước. Hồi ấy, cảm giác từ xa là chị hơi khó gần, có gì đó như… lành lạnh. Nhưng tiếp xúc với chị thì tôi biết mình nhầm. Võ Thị Xuân Hà gần gũi và nhiệt tình, nhất là với những bạn viết trẻ.
Vai trò thủ lĩnh của nhà văn Võ Thị Xuân Hà với người viết trẻ không chỉ dừng lại ở Hội nghị viết văn trẻ lần thứ 8. Tiếp theo là các hoạt động cụ thể, thiết thực, như tổ chức sân thơ trẻ, tổ chức đi thực tế cho các tác giả trẻ, tổ chức giới thiệu tác giả – tác phẩm. Rồi mỗi chuyến công tác về địa phương, nhà văn Võ Thị Xuân Hà luôn tìm cách liên lạc và kết nối các cây viết trẻ với nhau, với Ban Nhà văn Trẻ. Chính những cuộc gặp gỡ chính thức hoặc bên lề được nhà văn Võ Thị Xuân Hà “gây xòng” là liều doping cần thiết, quý báu với các cây viết trẻ còn nhiều bỡ ngỡ, đang rón rén nhón gót rướn cổ nhìn vào làng văn.
Và ở cương vị Trưởng Ban Nhà văn Trẻ, nhà văn Võ Thị Xuân Hà, trong nhiệm kỳ 5 năm từ 2010 – 2015, đã giới thiệu và bảo vệ không ít tác giả trẻ trước Ban chấp hành Hội Nhà văn trong việc kết nạp hội viên mới. Song song đó, thời điểm ấy, chị là Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn, đã cổ vũ, khuyến khích tác phẩm của nhiều tác giả trẻ trên tạp chí. Điều này làm Tạp chí Nhà văn như được tiếp thêm sinh khí mới, tươi trẻ, quần tụ được nhiều thế hệ viết, không để tạp chí rơi vào trạng thái… cúng cụ, xa tầm tay bạn đọc bạn viết.

4.
Đầu năm 2014, nhà văn Võ Thị Xuân Hà có chuyến công tác tại Vũng Tàu. Tranh thủ khoảng thời gian lách mình khỏi công việc, tôi đưa chị phổ cập thành phố từng được người Pháp gọi bằng cái tên Cap Saint Jacques, nghĩa là mũi đất mang tên Thánh Giắc. Đứng trên ngọn hải đăng hơn 100 tuổi ở núi Tao Phùng, nhìn ra biển, chị nói về chuyến công tác Trường Sa mà chị chuẩn bị đi với nhiều xúc cảm, với nhiều hoạch định cho những trang viết nóng hổi hơi thở biển Đông. Ở khu di tích Bạch Dinh, rừng giá tỵ đang giữa mùa lá rụng, như mùa thu trong tranh Levitan. Nhà văn trở nên hồn nhiên tựa trẻ nhỏ. Xuýt xoa thốt lên lời yêu cảnh sắc. Xuýt xoa chụp hình. Tôi hiểu, người như chị không thể không viết văn, viết văn để đứng về phía cái đẹp.
Ngồi cà phê bên bờ sóng, trong câu chuyện của nhà văn Võ Thị Xuân Hà, tôi tìm được đáp án theo cách của mình cho thắc mắc, nội lực dấn thân vào văn chương của chị là từ đâu? Võ Thị Xuân Hà đã đi qua những chông chênh trong chuyện tình cảm riêng. Đi qua những đoạn ngặt nghèo về kinh tế. Chính văn chương là nơi chị níu vào để gượng dậy. Văn chương mang lại cho chị nhiều thứ. Nhưng cũng lấy đi của chị không ít. Không phải đánh đổi. Mà là lựa chọn. Lựa chọn thì chỉ đi tới thôi. Nên hỏi chị nếu chọn lại chị có chọn con đường văn chương nữa không, e rằng là câu hỏi thừa.

5.
Giờ đây, nhà văn Võ Thị Xuân Hà dành thời gian nhiều hơn cho “Nàng Thê Coffee House”. Tên quán cà phê lấy theo tên nhân vật trong truyện dài “Câu chuyện của Nàng Thê” được chị chăm chút và chuẩn bị ra mắt độc giả trong thời gian tới. Quán cà phê yên tĩnh trong ngõ 12 Láng Hạ, với dàn hoa giấy đặc trưng, là nơi lui tới của bạn bè văn chương, các bạn viết trẻ ở Hà Nội hoặc ở xa về Hà Nội. Bởi dẫu không còn ở cương vị Trưởng Ban Nhà văn Trẻ nhưng nhà văn Võ Thị Xuân Hà, như trước giờ vẫn thế, luôn đau đáu với văn chương và luôn quan tâm đến các cây viết trẻ.

V.T.L
(Bài in trên Tài Hoa Trẻ số 980, ra ngày 25/7/2017)