Từng tin rằng “văn chương hay ắt có người đọc”, nhưng thực tế đã khiến nhà văn Đỗ Bích Thúy nghĩ lại, bởi “có những cuốn hay vẫn ít người đọc vì khâu quảng bá kém”. Và chính vì không muốn “sách in ra lại vào nằm ngủ trong các thư viện”, Đỗ Bích Thúy quyết định tổ chức buổi ra mắt sách kết hợp trình diễn vào 15-6 tới, tại “Ngôi nhà văn chương” số 4 Lý Nam Đế (Hà Nội).

Nhà văn Đỗ Bích Thúy, sinh năm 1975,

hiện mang quân hàm Đại úy,

Phó Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Chị là tác giả của 5 tập truyện ngắn:

Sau những mùa trăng, Những buổi chiều ngang qua cuộc đời,

Ký ức đôi guốc đỏ, Tiếng đàn môi sau bờ rào đá, Mèo đen;

1 tập tản văn, 1 tiểu thuyết và 2  tập truyện thiếu nhi.

PV: Thưa nhà văn Đỗ Bích Thúy, có vẻ việc cùng lúc ra mắt hai tập sách “Đàn bà đẹp” (truyện ngắn), “Đến độ hoa vàng” (tản văn)… nằm ngoài kế hoạch năm 2013 của chị thì phải?

Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Xưa nay tôi có kế hoạch gì đâu (cười). Viết được cái gì thì viết, in được cái gì thì in thôi. Thậm chí có người bảo tôi dạo này chẳng chịu viết gì, toàn tán chuyện ba lăng nhăng trên mấy mạng xã hội, tôi cũng cười vậy.

Nhưng với hai cuốn sách mới do NXB Văn học và Liên Việt Books ấn hành, dường như được chị đầu tư rất công phu, bìa do họa sĩ Lê Thiết Cương vẽ, đặc biệt là tập truyện ngắn có tới 12 minh họa màu của họa sĩ Thành Chương?

– Sự đầu tư này không nằm trong khả năng của tôi. Tranh minh họa màu bắt nguồn từ việc bên đơn vị làm sách là công ty Liên Việt họ cũng rất muốn làm những cuốn sách có chất lượng về nội dung và đẹp về hình thức. Và bất ngờ là khi tôi ngỏ ý nhờ họa sĩ Thành Chương vẽ minh họa thì anh ấy nhận lời ngay. Bìa do chúng tôi nhờ anh Lê Thiết Cương, anh Cương cũng rất nhiệt tình. Cái may mắn của tôi là được sự hỗ trợ từ hai họa sĩ này để đạt tới mục đích: Có một cuốn sách hay hay dở thì tôi không dám bàn, nhưng chắc chắn là có một cuốn sách đẹp làm quà tặng bạn đọc.

Vì thế, buổi ra mắt hai cuốn sách cũng được thực hiện đặc biệt?

– Ý tưởng về buổi ra mắt sách cũng rất ngẫu nhiên. Lẽ ra nó sẽ được thực hiện tương tự như những buổi ra mắt sách mà gần đây chúng ta vẫn thấy, nhưng khi tôi nói về nó thì ông xã nhà tôi đã “tình nguyện” tham gia với vai trò đạo diễn.

Lần đầu tiên tác phẩm của chị được trình diễn với các diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Chèo Quân đội? Chị có thể nói rõ hơn về sự kiện này?

– Các anh chị ấy sẽ tham gia diễn xuất trong hai tiết mục nhỏ. Một được thể hiện dưới dạng tiểu phẩm hài, xây dựng trên tinh thần truyện ngắn “Con dê bốn mắt”; và một được thể hiện dưới dạng trình diễn văn xuôi, qua tản văn “Nơi về”. Độc giả, khán giả sẽ được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Ngoài hai tiết mục này còn có độc tấu sáo Mông với những làn điệu dân ca Mông cổ, do NSƯT Lương Hùng Việt – một người cả đời gắn bó với cây sáo Mông biểu diễn.

Và cũng là lần đầu tiên chị “kéo” ông xã vào làm… đạo diễn cho sự kiện của mình?

– Cũng không phải lần đầu tiên. Năm ngoái, ở Ngày hội đọc sách tại Văn Miếu, trong chương trình của Ban nhà văn Trẻ ông xã tôi cũng đã từng tham gia. Chỉ khác ở chỗ năm ngoái anh ấy dựng ba tiết mục cho ba tác giả, năm nay chỉ dựng cho mỗi tác phẩm của tôi thôi.

“Đàn bà đẹp” gồm 11 truyện ngắn, dày 240 trang

Với cách tổ chức trình diễn văn xuôi, độc tấu sáo Mông cùng MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng… Buổi ra mắt sách này có nhiều nét khác biệt với những buổi ra mắt sách trước đây. Liệu có phải đó là cách tiếp thị tác phẩm văn học nhằm lôi kéo bạn đọc đến gần hơn với sách?

– Trước đây tôi hay nghĩ hữu xạ tự nhiên hương, văn chương hay ắt có người đọc. Nhưng giờ thì nghĩ khác, có những cuốn hay vẫn ít người đọc vì khâu quảng bá kém, thậm chí không quảng bá gì cả, thì sách lại vào nằm ngủ trong các thư viện. Tôi muốn mình có nhiều bạn đọc hơn. Sách văn học cũng nên được coi là sản phẩm hàng hóa, chỉ là dạng hàng hóa đặc biệt, và đã là hàng hóa thì nó phải ra thị trường, nó phải có nhu cầu chiếm lĩnh thị trường.

Đọc tập truyện ngắn “Đàn bà đẹp” nhận ra một điều, chị đã không chỉ viết và viết hay về miền núi cao mà đề tài đã có sự dịch chuyển, không gian sống cũng dịch chuyển, với đời sống đô thị, không gian thị thành. Chị đang muốn thử thách mình hay muốn mang lại một “thực đơn mới” cho độc giả vẫn luôn chờ đợi những sáng tác mới?

– Xưa tôi từng nghĩ, với Hà Nội tôi sẽ mãi là người xa lạ, là người ở trọ. Nhưng hóa ra không phải như vậy. 16 năm ở Hà Nội, làm dâu trong một gia đình Hà Nội, sinh con và nuôi con lớn lên ở Hà Nội, vui buồn với Hà Nội, yêu Hà Nội, nhớ Hà Nội… điều khiến tôi viết về Hà Nội không phải là sự thử thách, cũng không phải là mang lại thực đơn mới, mà là tôi đã gắn bó với nó. Thực sự gắn bó với nó.

Trong khi đó, đọc “Đến độ hoa vàng” thường có cảm giác nó gần gũi với đời sống tâm hồn của tác giả nhiều hơn?

– Đúng vậy. Tản văn của tôi khác với truyện ngắn ở chỗ: Với truyện ngắn thì yếu tố hư cấu chiếm lĩnh, với tản văn thì yếu tố chân thực chiếm lĩnh. Hai cái này không làm thay việc cho nhau. Có những điều chỉ tản văn mới chuyển tải được, nhưng có những điều phải dùng truyện ngắn mới giải quyết được.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
Nguồn: daidoanket.vn