Theo sách nhân tướng học, người tuổi Ngọ thường có đức tính cương cường, sẵn sàng lao mình trước bão tố cuộc đời và luôn tìm thấy hạnh phúc ở chân trời tự do. Đặc biệt là đối với giới văn nghệ sĩ, sáng tạo là niềm hạnh phúc lớn lao nhất, nhưng họ lại chỉ có thể làm được điều ấy khi có tự do cả về thể xác lẫn tinh thần. Người tuổi Ngọ luôn thả hết sức mình, không nề hà vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, nhưng không thích sống khép mình hay bị giam hãm; vừa ham muốn mê say lại vừa ích kỷ, nên không ai thắng cương được người tuổi Ngọ, kể cả trong tình yêu.

Theo đó, những nhà văn có tính cách của người tuổi Ngọ rõ nét nhất cần phải kể đến:

1. Nhà Lý luận Phê bình văn học Hoàng Ngọc Hiến

Hoàng Ngọc Hiến sinh ngày 21 tháng 7 năm Canh Ngọ (1930-2011), từng làm Hiệu trưởng Trường Viết văn Nguyễn Du vào những năm cuối thập niên 70 đầu 80 thế kỷ trước. Ông đã đào tạo được nhiều thế hệ học trò thành đạt trong làng văn như: Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Trọng Tạo… Và đặc biệt là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đương nhiệm, nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên là học trò khóa I của ngôi trường mà ông làm hiệu trưởng. Có lẽ vì thế mà ông đã được các thế hệ học trò phong tặng danh hiệu Giáo sư của mọi Giáo sư.

Sinh thời Hoàng Ngọc Hiến đã xuất bản hàng chục đầu sách chủ yếu là mảng nghiên cứu, lý luận và phê bình văn học, trong đó có các cuốn tiêu biểu như: “Văn học – học văn” (tiểu luận và phê bình, 1992); “Văn học và học văn” (tiểu luận và phê bình, 1997); “Văn học gần và xa” (tiểu luận, 2000); “Triết lý văn hóa và triết luận văn chương” (khảo cứu, 2006); “Văn hóa và văn minh – Văn hóa chân lý và văn hóa dịch lý” (2007).

Điều đặc biệt là năm 2011, sau khi Hoàng Ngọc Hiến ra đi về cõi vĩnh hằng, các đồng nghiệp đã cho xuất bản cuốn “Luận bàn Minh triết và Minh triết Việt” (1) của ông, như một lời tri ân, một nén tâm nhang thắp cho người nơi chín suối được thanh thoát ngàn thu. Đây là công trình mà sinh thời Hoàng Ngọc Hiến tâm đắc nhất, nhưng vì nhiều lý do mà cuốn sách chưa thể ra mắt bạn đọc. Đối với một học giả, nhà văn hóa lớn như Hoàng Ngọc Hiến, thiển nghĩ chỉ cần đi sâu vào công trình này cũng là quá đủ để mọi người thấy được tầm bao quát rộng lớn cũng như những suy nghĩ sâu sắc, uyên bác mang tầm chiến lược của ông về văn hóa.

Với vốn kiến thức uyên thâm, sự am hiểu tường tận những vấn đề văn hóa dân tộc Việt từ góc nhìn minh triết, nhà văn Hoàng Ngọc Hiến đã đưa ra những kiến giải khá thỏa đáng và sâu sắc về những vấn đề căn cơ, cốt lõi của văn hóa, mà không phải bất cứ ai cũng có thể làm được như ông. Chỉ tiếc là nhà Lý luận Phê bình Hoàng Ngọc Hiến đến nay vẫn là người đứng ngoài với các giải thưởng về văn hóa và văn chương!?

2. Nhà thơ Thanh Hải

Ông tên thật là Phạm Bá Ngoãn, sinh ngày 4/11 năm Canh Ngọ (1930-1980) tại xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên- Huế trong một gia đình trí thức nhỏ và nghèo. Cha ông làm nghề dạy học, mẹ ông là nông dân. Năm 17 tuổi, Thanh Hải tham gia cách mạng ở quê nhà. Trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước và sau ngày thống đất nước, nhà thơ Thanh Hải đã từng giữ các trọng trách như: Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Uỷ viên Thường vụ Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, Uỷ viên Thường vụ Hội Văn nghệ Giải phóng…

 

Các tác phẩm chính của ông gồm: “Những đồng chí trung kiên” (1962); “Huế mùa xuân” (tập 1-1970, tập 2-1975); “Dấu võng Trường Sơn” (1977); “Thanh Hải thơ tuyển”.

Ông đã nhận được các giải thưởng: Giải nhất cuộc thi thơ của tuần báo Thống nhất (1959); Giải nhì cuộc thi thơ của tuần báo Thống nhất (1962); Giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu (1965); Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, đợt I, năm 2001.

Cố Bộ trưởng Bộ VHTT& DL, nhạc sĩ Trần Hoàn đã viết trong điếu văn tiễn đưa Thanh Hải vào một ngày mưa hơn 30 năm trước (1980): “…Chỉ bằng thơ của anh, anh đã hoạt động suốt đời không phải chỉ cho quê hương Trị Thiên mà cho cả miền Nam; đã đóng góp tích cực vào sức mạnh của miền Nam tấn công và nổi dậy; anh đã cống hiến xứng đáng vào tình cảm ruột thịt sâu thẳm giữa miền Nam- miền Bắc, thuở ấy đất nước còn xa cách hai miền…”

Nhà nghiên cứu văn học Trần Hữu Tá viết: “…Cuộc đấu tranh bền bỉ, anh dũng của nhân dân miền Nam, của nhân dân Thừa Thiên, là nguồn cảm hứng chủ yếu của thơ Thanh Hải…. Nói chung, thơ ông chân chất, bình dị, đôn hậu và chân thành. Tuy nhiên, ông ít đổi mới trong phong cách, nhiều khi có hiện tượng tự lập lại mình. Đối với nền thơ chống Mỹ của miền Nam, Thanh Hải là một trong những cây bút có nhiều đóng góp…”.

Về thơ ca, trong cuộc đời cầm nút của mình, ông có những câu thơ xuất thần, bình dị mà tài hoa, khiến ai đọc lên cũng thấy nao lòng: Xa nhau chỉ một mái chèo/ Mà đi trăm núi vạn đèo đến đây. Hai bài thơ “Mồ anh hoa nở” và “Mùa xuân nho nhỏ” thực sự đã làm nên danh hiệu văn chương của ông.

Một Thanh Hải mang trong mình sự bình dị mà quyết liệt của tinh thần một người cộng sản: “Không đứa nào được chôn!/ Lũ chúng vừa quay lưng/ Chiếc quan tài sơn son/ Đã đưa anh về mộ/ …/ Đi theo sau hồn anh/ Cả làng quê, đường phố/ Cả lớn nhỏ, gái trai/ Đám càng đi càng dài/ Càng dài càng đông mãi/ …/ Mộ anh trên đồi cao/ Cành hoa này em hái/ Vòng hoa này chị đơm/ Cây bông hồng em ươm/ Em trồng vào trước cửa/ …/ Mộ anh trên đồi cao/ Hoa hồng nở và nở/ Hương thơm bay và bay/ …/ Lũ chúng nó qua đây/ Mắt diều không dám ngó/ Trên mồ người cộng sản/ Hoa hồng đỏ và đỏ…/ Như máu nở thành hoa…”

Và chính những người Cộng sản ấy cũng khiêm nhường mà cao sang biết bao trong “Mùa xuân nho nhỏ”. Họ tự biết mình chỉ là một nhành hoa trong mùa xuân chiến thắng của dân tộc sau cuộc trường chinh cứu nước vĩ đại bốn ngàn năm, để rồi chính hồn thơ của các anh vang mãi trong mùa xuân bất diệt của đất trời ta, non sông, đất nước ta: “…Mùa xuân người cầm súng/ Lộc giắt đầy quanh lưng/ Mùa xuân người ra đồng/ Lộc trải dài nương mạ/ Tất cả như hối hả/ Tất cả như xôn xao/ …/ Ðất nước bốn nghìn năm/ Vất vả và gian lao/ Ðất nước như vì sao/ Cứ đi lên phía trước/ …/ Ta làm con chim hót/ Ta làm một cành hoa/ Ta nhập vào hòa ca/ Một nốt trầm xao xuyến/ …/ Một mùa xuân nho nhỏ/ Lặng lẽ dâng cho đời/ Dù là tuổi hai mươi/ Dù là khi tóc bạc”.

Đấy cũng chính là ca từ của bài hát cùng tên do nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc đã hơn 30 năm nay vẫn vang lên mỗi khi Tết đến, Xuân về.

3. Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú

Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú sinh ngày 25 tháng 12 năm Nhâm Ngọ (1942-2013) tại Hà Nội. Bà nguyên là giáo viên cấp 2 tại Sơn Tây, rồi theo học Trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ (khoá I) của Hội NVVN. Sau đó, Nguyễn Thị Ngọc Tú về làm phóng viên, biên tập viên của tuần báo Văn Nghệ rồi làm Tổng Biên tập tạp chí Tác phẩm Mới của Hội Nhà văn Việt Nam và Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa IV.

Bà đã từng công bố các tác phẩm như: “Huệ” (Tiểu thuyết, 1964); “Người hậu phương” (truyện ngắn- 1966); “Đất làng” (Tiểu thuyết- 1974); “Buổi sáng” (Tiểu thuyết- 1976); “Ngõ cây bang” (Tiểu thuyết-1980); “Câu chuyện dưới tán lá rợp” (truyện ngắn- 1982); “Những dấu chân phía chân trời” (truyện ngắn- 1983); “Hạt mùa sau” (Tiểu thuyết- 1984); “Giã từ mùa đông” (Tiểu thuyết- 1989); “Khoảng trời phía sau nhà” (truyện ngắn- 1989); “Chỉ còn anh và em” (Tiểu thuyết- 1990); “Hai người và những con sóng” (Tiểu thuyết- 1992); Cỏ ấm (truyện ngắn- 1998). Bà đã nhận được các giải thưởng: Giải nhì cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ năm 1962 với truyện ngắn “Một đứa trẻ”; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1985 với tiểu thuyết “Hạt mùa sau”; Giải B Văn học công nhân 1998 với tiểu thuyết “Hai người và những con song” và Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, đợt I, năm 2001.

Nhà văn Hồ Anh Thái cho rằng: “…Bà đã sống hết mình và hết mình cả cho những trang viết trong những năm tuổi trẻ. Một nhà văn viết khỏe, hàng vạn trang sách như vậy phải là một người rất khỏe về trí não mới có thể cày cuốc lâu bền trên những trang viết. Nếu như coi tâm sức nhà văn là cái vốn cố định thì Nguyễn Thị Ngọc Tú đã chi dùng quá hào phóng cho việc viết lách trong những năm tuổi trẻ. Nhưng nói như vậy cũng không đúng hẳn. Sang những năm đầu của thập kỷ mới, bà còn cho xuất bản một cuốn tiểu thuyết gần 500 trang. Những tập kịch bản phim truyền hình nhiều tập sừng sững trên mặt bàn như Cỏ lồng vực, Ảo ảnh trắng, Câu chuyện dưới tán lá rợp… uy hiếp bất cứ ai dám bảo bà chỉ dồi dào sức sáng tạo ở trước tuổi năm mươi mà thôi…”.

Đối với tiểu thuyết “Chỉ còn anh và em” nhiều người nhận định đây là những kỷ niệm với người bạn thân thiết, nhà thơ Xuân Quỳnh, nên được nhiều người cảm thông với số phận của nữ thi sĩ tài hoa bạc mệnh này. Có thể coi đây như một cuốn hồi ký đáng tin cậy, giải mã được nhiều chuyện riêng tư giữa hai người đồng tuế.

Mặc dù nhiều người cho rằng đóng góp của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú về khía cạnh văn chương tuy chưa phải là xuất sắc, nhưng bà là một người có những đóng góp và để lại dấu ấn nhất định cho nền văn chương nước nhà trong những thập kỷ 60, 70, 80 của thế kỷ trước. Vì bà có nhiều năm làm biên tập văn xuôi ở báo Văn nghệ, rồi sang tạp chí Tác phẩm Văn học (sau này là Tác phẩm mới, rồi tạp chí Nhà văn và hiện nay là Nhà văn và Tác phẩm) trên cương vị Tổng Biên tập, nên bà được đồng nghiệp đánh giá là một nhà biên tập người có gu, khá tinh tường, thao tác rất nhanh khi sửa đổi hoặc cắt xén những đoạn văn thừa lời thiếu ý, nhất là những chỗ không hợp với xu thế tiến công cách mạng ở thời điểm ấy một cách thật thà đến ngây ngô, cứ làm như cách mạng thì không được khóc, không được buồn.

4. Nhà thơ Xuân Quỳnh

Nhà thơ Xuân Quỳnh tên đầy đủ là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, sinh ngày 6 tháng 10 năm Nhâm Ngọ (1942-1988), tại làng La Khê, xã Văn Khê, quận Hà Đông, TP. Hà Nội. Xuất thân trong một gia đình công chức, mẹ mất sớm, bố thường xuyên công tác xa gia đình, bà được bà nội nuôi dạy từ nhỏ đến khi trưởng thành.


Nhà thơ Xuân Quỳnh (phía phải)

Khởi nghiệp từ khi tuổi mới 13 (1955), cô bé có khuôn mặt khả ái và vóc người nhỏ nhắn Xuân Quỳnh đã được tuyển vào Đoàn Văn công nhân dân Trung ương và được đào tạo thành diễn viên múa. Bà đã nhiều lần đi biểu diễn ở nước ngoài và dự Đại hội thanh niên sinh viên thế giới năm 1959 tại Viene, thủ đô Cộng hòa Áo.

Từ năm 1962-1964, Xuân Quỳnh học Trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ (khoá I) của Hội Nhà văn Việt Nam cùng với Nguyễn Thị Ngọc Tú. Sau khi học xong, bà về làm việc tại báo Văn nghệ, báo Phụ nữ Việt Nam. Xuân Quỳnh là hội viên từ năm 1967, ủy viên Ban chấp hành Hội NVVN khoá III. Xuân Quỳnh mất ngày 29/8/1988 trong một tai nạn giao thông cùng với chồng Lưu Quang Vũ và con trai Lưu Quỳnh Thơ mới 13 tuổi.

Sự nghiệp sáng tác của bà đã để lại những tác phẩm chính: “Tơ tằm – chồi biếc” (thơ, in chung, NXB Văn học, 1963); “Hoa dọc chiến hào” (thơ, in chung, 1968); “Gió Lào, cát trắng” (thơ, 1974); “Lời ru trên mặt đất” (thơ, 1978); “Sân ga chiều em đi” (thơ, 1984); “Tự hát” (thơ, 1984); “Hoa cỏ may” (thơ, 1989); Thơ Xuân Quỳnh (1992, 1994); “Thơ tình Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ” (1994); “Cây trong phố – Chờ trăng” (thơ, in chung); “Bầu trời trong quả trứng” (thơ thiếu nhi, 1982); “Truyện Lưu Nguyễn” (truyện thơ, 1985); “Mùa xuân trên cánh đồng” (truyện thiếu nhi – 1981); “Bến tàu trong thành phố” (truyện thiếu nhi, 1984); “Vẫn có ông trăng khác” (truyện thiếu nhi, 1986); “Tuyển tập truyện thiếu nhi” (1995); “Chú gấu trong vòng đu quay” (tập truyện).

Xuân Quỳnh được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, đợt I, năm 2001.

Nói đến Xuân Quỳnh là người ta nghĩ ngay đến một người ham yêu. Bởi lẽ thơ của bà rất giàu cảm xúc, nhất là những bài thơ tình, dù đấy là tình yêu lứa đôi, tình mẫu tử hay tình bằng hữu, lúc nào, ở đâu cũng thấy thơ Xuân Quỳnh chan chứa thương yêu. Dường như có điều gì đấy thật sự khó lý giải, nên chỉ có thể gọi là định mệnh hay căn số mà thôi. Dù có thể bà đã viết về nhiều đề tài khác nhau, nhưng hễ nói đến cái tên Xuân Quỳnh là người ta nghĩ ngay đến bà chúa thơ tình hiện đại. Có người đã không ngần ngại xếp thơ tình của Xuân Quỳnh chỉ sau bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương, về cái khoản đòi yêu, được yêu và cả khi tình yêu bị phản bội:

“Như lòng ta chẳng bao giờ nguôi khát vọng

Biết bay rồi ta lại muốn bay cao”.

Dường như với Xuân Quỳnh yêu bao nhiêu cũng không đủ. Bà như thể sinh ra để yêu trong mọi cung bậc, sắc màu và những hình thái vốn có của nó, dù là đắm say, hạnh phúc hay hờn giận, đắng cay, chua chát, thất vọng… miễn là phải có nó bà mới ăn ngon ngủ yên. Nhiều người cho rằng điều ấy luôn đúng với chính tính cách luôn hết mình của Xuân Quỳnh. Những bài thơ khi hạnh phúc đắm say, lúc đau khổ, suy tư của nhà thơ luôn gần gũi với bạn đọc. Bởi vì chúng được viết với sự đằm thắm của một người phụ nữ sống chủ yếu bằng tình cảm, vừa làm thơ vừa làm vợ, làm mẹ. Nhiều bài thơ của Xuân Quỳnh khá nổi tiếng như “Thuyền và Biển”, “Sóng”, “Hoa cỏ may”, “Tự hát”, “Nói cùng anh”… Nhiều bài thơ của bà đã được đưa vào sách giáo khoa từ nhiều thập niên trước đây. Một số bài thơ của bà được các nhạc sĩ nổi tiếng phổ nhạc rất thành công như bài “Thuyền và Biển”; “Thơ tình cuối mùa thu” (thơ Xuân Quỳnh, nhạc Phan Huỳnh Điểu).

Có thể nói hơn nửa thế kỷ qua, thơ Xuân Quỳnh đã đi vào người đọc như một tiếng nói tâm tình về những ngọt bùi cay đắng ở đời, tiếng nói của tình yêu và tình mẫu tử, tiếng nói của tình người chứa chan sự cảm thông, chia sẻ vừa hồn hậu, dung dị, vừa ray dứt, dữ dội, vừa hiện đại, tân thời, vừa xa ngái, cổ xưa in dấu nếp nghĩ nếp cảm của tâm hồn người Việt tự xa xưa. Những nam thanh nữ tú bước vào tuổi yêu đã tìm đến thơ Xuân Quỳnh như một người bạn đồng hành để tâm sự, sẻ chia. Những người mẹ trẻ phập phồng dõi theo từng ngày, từng tháng qua mỗi hơi thở, mỗi bước con yêu chập chững vào đời. Có thể nói, với đa phần người làm thơ không mấy ai được hạnh phúc như Xuân Quỳnh. Nhưng để có được những hạnh phúc ấy, bà đã phải đánh đổi, trả giá nó bằng chính những bất hạnh của cuộc đời mình.

Nhà nghiên cứu phê bình Lại Nguyên Ân đã có lý khi ông cho rằng: “Cái đáng nói là trong khi sống trọn vẹn cái tấn kịch của chính mình, chị đã nói được về nó bằng thơ. Để người ngoài có thể soi vào, có thể ướm những trải nghiệm khổ đau, vui sướng, giận hờn của chị vào trạng thái tình cảm của họ. Để người ngoài có thể mượn những tiếng lòng mà chị đã thốt lên kia làm tiếng lòng của họ… chị đã được bộc lộ ở rất nhiều cung bậc, rất nhiều sắc thái: tha thiết đến mức như tuyệt vọng, như van vỉ, như thề bồi, hồn nhiên trong thỏa mãn chốc lát, lo âu cho hạnh phúc không tròn, ngờ vực lòng ai tàn phai lời ước hẹn… nhưng cái mà chị viết nhiều nhất, thành công nhất lại vẫn là về chính cuộc đời mình, những chuyện của mình, những gì liên quan đến mình. Có lẽ, ai viết tiểu sử chi tiết của Xuân Quỳnh sẽ có thể dựa khá sát vào thơ của chị. Tính chất tự truyện là nét đậm, quán xuyến hàng loạt bài thơ, tập thơ, và cũng là nét khác biệt rõ rệt so với thơ của nhiều người cùng thế hệ. Gần như chị trở thành nhân vật văn học của chính thơ chị”. (2)

Nói tóm lại, với nữ sĩ Xuân Quỳnh dù ở vị trí nào, làm vợ, làm mẹ, làm thơ và làm… người đàn bà đẹp cũng đều đam mê đến cháy bỏng: đam mê sống, đam mê yêu, đam mê ngợi ca và cả đam mê chiến bại.

5. Nhà văn Lê Lựu

Nhà văn Lê Lựu sinh ngày 12 tháng 12 năm Nhâm Ngọ (1942), tại xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Ông là một bác nông dân xịn, đã cầm súng đánh giặc và viết văn. Ông có một số tác phẩm tiêu biểu như: “Người cầm sung” (truyện ngắn- 1970); “Mở rừng” (tiểu thuyết- 1974); “Thời xa vắng” (tiểu thuyết- 1986); “Chuyện làng Cuội” (tiểu thuyết- 1991); “Sóng ở đáy sông” (tiểu thuyết- 1994); “Truyện ngắn Lê Lựu” (2003). Từ năm 2010 đến nay, ông xuất bản 3 cuốn là “Thời loạn”, “Ở quê ngày ấy” và “Gã dở hơi”.

Nhà văn Lê Lựu đã từng đoạt các giải thưởng: Giải nhì báo Văn nghệ 1968 với truyện ngắn “Người cầm súng”; Giải A Hội Nhà văn Việt Nam 1990 với tiểu thuyết “Thời xa vắng”. Và năm 2001, ông đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật với tiểu thuyêt “Thời xa vắng”.

Có lẽ không có văn nhân nào là không có bi kịch cá nhân. Chỉ có điều, mỗi người một cấp độ, một dáng vẻ biểu hiện, một cách chiêm nghiệm suy tư riêng về bi kịch của chính mình mà thôi. Mà thực ra có ăn bi kịch, ngủ bi kịch và sống bi kịch thì những trang văn của người ấy viết ra mới có cơ may làm tròn bổn phận tẩy rửa cho những phận người cần tẩy rửa.

Cuộc đời từ anh nông dân đến người lính và thành nhà văn của ông Lê Lựu, ngay cả khi vui, ông cười thì tôi vẫn nhận ra cái cười tất tưởi ra nước mắt của ông. Nếu có thể đem cân đo, đong đếm được, người bình thường trung bình có 30% bi kịch, 40% chính kịch và 30% hài kịch, thì nhà văn Lê Lựu có tới 70% bi kịch, còn lại 20% chính kịch và 10 hài kịch. Ông đã từng tâm sự: “Thằng Núi trong Sóng ở đáy sông cũng đi tìm được chỗ đứng của nó, đến thằng Sài trong Thời xa vắng nó khốn khổ như thế mà cũng chưa khổ bằng tôi. Tôi đúng là bố của chúng nó về nhục nhã, mất mát”.

Nghe ông nói ngẫm ra thấy có cái đúng của nó. Ngay cả đến Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, năm 2001, tên ông chỉ có trong Niên giám của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, còn ở mục Giải thưởng Nhà nước (Việt Nam) trong Bách khoa toàn thư mở Wikipedia cũng như ở các trang web đăng tải danh sách tác giả, tác phẩm được Giải thưởng Nhà nước ba đợt: 2001, 2007, 2012 đều không tìm thấy tên ông đâu. Tôi gọi điện đến các thân hữu của ông và những người có trách nhiệm hỏi thì ai cũng quả quyết rằng ông đã được trao Giải thưởng Nhà nước từ lần đầu năm 2001. Không biết đây có phải là một điềm gở đối với ông chăng?

Nhưng điều ông nói không sai, nhưng có lẽ ý thức về sự được mất của ông là quá lớn. Công bằng mà nói cái ông mất lớn nhất là tổ ấm, hạnh phúc gia đình. Bù lại, ông giời cũng đã đắp đổi cho ông cũng không phải là ít: một nhà văn nổi tiếng, một Giám đốc Trung tâm Văn hóa doanh nhân, một tình thương mến của bằng hữu và của công chúng yêu thích văn chương ông.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho rằng nhà văn Lê Lựu có 4 cái nhất đại ý là: Cái nhất đầu tiên là tiểu thuyết “Thời xa vắng”. Đó là cái thời nhân vật Giang Minh Sài sống không phải là mình, nửa đời trước sống cho cái mình không có, nửa đời sau sống chạy theo cái không phải của mình. Nhân vật văn chương này đã được nhớ tên, được coi như một định ngữ chỉ một kiểu người, một kiểu sống, điều này rất ít có trong văn chương nhiều năm trước đó vốn chỉ có hình tượng nhân vật tập thể mà không thể gọi tên một nhân vật cụ thể nào.

Cái nhất thứ hai là chuyến đi Mỹ đầu tiên của một nhà văn cựu chiến binh Việt Nam (1988)… Chuyến đi Mỹ đó của Lê Lựu nói chữ thì là làm ngoại giao nhân dân, còn nói theo cách ví von của nhà văn thì hai nước như hai nhà có xung đột, đánh nhau, nay muốn tìm cơ hội làm lành thì trước hẵng cứ xua con chó, con mèo chạy qua bờ rào hai bên xem thế nào đã.

Cái nhất thứ ba là Trung tâm văn hóa doanh nhân. Đất nước mở cửa, hội nhập, chấp nhận nền kinh tế thị trường, tầng lớp doanh nhân được cơ hội phát triển, làm giàu cho bản thân và cho xã hội. Nhưng kinh tế không thể tách rời văn hóa, làm giàu mà chỉ biết có tiền thì chỉ là anh trọc phú…

Cái nhất thứ tư nhưng là cái nhất xuyên suốt là chất nông dân với tất cả mọi sắc thái ý nghĩa của từ này. Lê Lựu nhìn đã biết là người của nông thôn, làng quê từ dáng vẻ thân hình, lời ăn tiếng nói, cho đến quần áo trang phục, cách nghĩ cách cảm. Một chất quê vừa là đặc sản vừa là đặc trưng. Và ngẫm ra, suốt đời văn của mình, Lê Lựu chỉ viết về người nhà quê trong người mình và những người quanh mình, dù cho họ có sống ở thị thành bao năm đi nữa. Có lẽ vinh quang, thành công và cả cay đắng của Lê Lựu trong đời và văn cũng là từ đấy.

Những nhận xét này của Phạm Xuân Nguyên có thể đúng, nhưng theo tôi còn chưa đủ, nhà văn Lê Lựu còn một cái nhất nữa, mà không phải ai cũng biết, đó là cái nhất tự dằn vặt, dày vò, làm khó, làm khổ mình, đến mức tưởng chừng như không còn phương vượt thoát.

6. Nhà văn- dịch giả Lê Bá Thự

Nhà văn- dịch giả Lê Bá Thự sinh năm Nhâm Ngọ (6/2/1942) tại xã Thiệu Lý, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hoá. Từ năm 1964-1970, ông là sinh viên Khoa Trắc địa bản đồ Đại học Bách khoa Vacsava, Ba Lan. Năm 1971-1972, ông về nước giảng dạy tại trường Đại học Mỏ địa chất Hà Nội. Năm 1973, ông chuyển sang làm cán bộ Bộ Ngoại giao Việt Nam. Từ 1996-2000 ông là Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan.

Hiện dịch giả Lê Bá Thự là Phó Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch Hội Nhà văn Việt Nam, đồng thời ông còn là Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Hữu nghị Việt Nam- Ba Lan.

Khối lượng tác phẩm được ông chuyển ngữ từ tiếng Ba Lan sang tiếng Việt khá đồ sộ với 22 tác phẩm đủ các thể loại. Về tiểu thuyết có: “Pharaon” của Boleslaw Prus (2004, 2012); “Hoang thai” của Dorota Terakowska (2006); “Xin cạch đàn ông!” của Katarzyna Grochola (2007); “Quà của Chúa” của Dorota Terakowska (2009); “Các người khắc biết tay tôi!” của Katarzyna Grochola (2010); “Cô gái không là gì” của Jerzy Pilch (2012)… Các truyện thiếu nhi có: “Chú cá mập vàng tí hon” của Robert Stiller (1991); “Vì sao không nghe thấy giọng cá” của Maria Kruger (1993); “Tomek ở Lục địa Đen” của Alfred Szklarski (1999)… Thơ có: “Những bông hồng xanh của nhà thơ” của Tadeusz Rozewicz (2001). Về truyện ngắn có: “Truyện ngắn Ba Lan chọn lọc” (2000); “50 truyện ngắn” của Slawomir Mrozek (2002); “Nàng Thứ ba” của Henryk Sienkiewicz (2004)… Ngoài ra ông còn có khoảng 10 đầu sách dịch in chung với các dịch giả khác. Bên cạnh mảng sách dịch, Lê Bá Thự cũng đã xuất bản tập thơ “Hoa dẻ” (2002) và nhiều thơ in chung trong các tuyển tập thơ Việt Nam.

Đến với văn chương, tùy hoàn cảnh mà mỗi người sẽ chọn cho mình một lợi thế nhất định. Đối với dịch giả Lê Bá Thự, lựa chọn con đường dịch thuật văn học Ba Lan sang tiếng Việt là một lợi thế, một sở trường của ông. Nhưng sâu xa hơn, qua đấy, với tư cách là chiếc cầu nối, ông còn làm sâu sắc thêm mối bang giao về văn hóa giữa hai dân tộc có bề dày quan hệ hợp tác và hữu nghị. Trao đổi về công việc dịch thuật, nhà văn Lê Bá Thự chia sẻ: “Đúng và hay là tiêu chí xuyên suốt công việc dịch thuật của tôi. Tôi tán thành và ủng hộ các dịch giả giữ nguyên những yếu tố, hồn cốt mang bản sắc văn hóa của nguyên tác Đã nhiều lần tôi phát biểu rằng: “Nhà văn viết những gì mình biết, còn dịch giả phải dịch tất cả những gì nhà văn viết”. Cho nên dịch giả đã, đang và sẽ phải biết cách thích nghi, thậm chí phải thích nghi với mọi cách tân, mọi bút pháp mới, mọi thể nghiệm của nhà văn. Cái khổ của người dịch là ở đó, luôn luôn ở vị thế thụ động, luôn luôn phải thích nghi. Nhưng cái tài của người dịch cũng là ở đó, kiểu gì tôi cũng dịch đúng và dịch hay. Để làm được vậy, người dịch phải qua nhiều trải nghiệm, phải chịu học, chịu đọc, chịu dấn thân”.

Nhà văn- dịch giả Lê Bá Thự đã từng nhận được các Giải thưởng như: Huân chương Công trạng Cộng hòa Ba Lan do Tổng thống Ba Lan tặng năm 2012; Bằng khen của Hội Nhà văn Việt Nam về tiểu thuyết dịch “Quà của Chúa”, năm 2010; Tặng thưởng của báo Văn nghệ (2002, 2003), tạp chí Văn nghệ Quân đội (2004, 2008); Giải thưởng cuộc thi thơ của báo Người Hà Nội (1999- 2000); Giải thưởng cuộc thi viết của báo Tiền Phong (2002)…

Với một số lượng lớn các tập sách dịch ở nhiều thể loại khác nhau trong khoảng 22 năm không chỉ là minh chứng sinh động cho những điều vừa nói trên, mà còn là một nỗ lực phi thường, một sức lao động nghiêm túc, bền bỉ của nhà văn- dịch giả Lê Bá Thự./.

Đỗ Ngọc Yên

Nguồn: Toquoc

——————-

(1) Luận bàn minh triết và minh triết Việt, Hoàng Ngọc Hiến, Tiểu luận, Nxb Tri thức, 2011

(2) Nghĩ về Xuân Quỳnh, con người và nhà thơ (Lại Nguyên Ân)