– Tên khai sinh: Nguyễn Hoài Nam. Sinh năm 1975. Quê quán: Hải Phòng
– Tốt nghiệp khoa Văn – Đại học Khoa học xã hội & nhân văn – Đại học Quốc gia HN
– Hiệnphụ trách chuyên mục Diễn đàn văn học nghệ thuật trên VTV1 – Đài Truyền hình Việt Nam


– Thưa anh Hoài Nam, quan sát hoạt động phê bình văn học nước nhà, tôi nhận thấy bên cạnh các nhà phê bình chuyên nghiệp còn có nhiều nhà văn, nhà thơ tham gia viết phê bình văn học rất hay (và thường xuyên) tuy nhiên họ rất ngại nhận mình là “nhà phê bình văn học”. Anh có thể lý giải về hiện tượng này. Phải chăng danh xưng “nhà phê bình văn học” lại “kém hấp dẫn” đến thế trong mắt các nhà văn, nhà thơ?
+ Hiện tượng các nhà văn, nhà thơ tham gia viết phê bình văn học (PBVH) thường xuyên, thậm chí viết rất hay, nhưng lại “ngại” nhận danh xưng “nhà PBVH” về mình là điều không chỉ có ở Việt Nam (và không chỉ thời gian gần đây). Hoàn toàn không phải vì danh xưng này kém hấp dẫn với họ, mà theo tôi, đơn giản vì họ biết họ không phải… nhà PBVH! Nói một cách riết róng, với những người này, PBVH là “nghề tay trái”, là hoạt động để họ bộc lộ một phương diện khác trong con người văn chương của mình, bên cạnh phương diện chủ yếu là người sáng tác. Nói là “nghề tay trái”, nhưng ở nhiều nhân vật tầm cỡ, thứ sản phẩm “tay trái” này chắc chắn “ăn đứt” thứ sản phẩm “tay phải” của những người được coi là nhà PBVH chính danh. Hãy đọc những bài tiểu luận, phê bình tuyệt vời của Tolstoy, Dostoyevsky, Zweig, Eliot, Calvino, Nabokov… hay Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Tuân, Nguyễn Minh Châu… thử xem? Vấn đề là ở chỗ, tôi giả định, nếu hỏi họ: cái gì khiến họ nghĩ họ trở thành tượng đài trong lịch sử văn chương? Họ sẽ trả lời: là các sáng tác, chứ không phải là PBVH. Nhiều người đọc thông minh chắc chắn cũng sẽ nghĩ vậy!

– Từ trước đến nay chúng ta vẫn nói về phê bình hàn lâm và phê bình nghệ thuật, về bạn đọc phổ thông và giới làm nghề chuyên nghiệp. Liệu có sự tương ứng nhất định giữa phê bình hàn lâm –  giới làm nghề chuyên nghiệp và phê bình nghệ thuật – bạn đọc phổ thông không thưa anh Hoài Nam?

+ Vấn đề chủ yếu ở đây, theo tôi, là sự lựa chọn của người viết phê bình: anh định viết cho đối tượng bạn đọc nào và định công bố bài viết của mình ở đâu? Chớ có dại mà viết phê bình (theo cách) hàn lâm trên báo Tuổi Trẻ, và cũng đừng mong có bạn đọc phổ thông nếu anh muốn công bố bài viết của mình trên Tạp chí Nghiên cứu Văn học của Viện Văn học! Ngoài ra, vấn đề còn là trình độ cũng như phong cách của người viết phê bình: có người mãn kiếp cũng không viết hàn lâm nổi, có người lại chỉ thích viết thứ câu chữ vừa choang choang vừa bí hiểm như muốn đánh đố bạn đọc!

– Thực tế phản ánh những bài phê bình văn học có rất rất ít bạn đọc. Đa phần bạn đọc phê bình văn học là người trong giới văn học. Bạn đọc phổ thông hầu như không quan tâm đến phê bình văn học. Anh lý giải hiện tượng này như thế nào? Là người có cơ hội tiếp xúc với nhiều loại hình nghệ thuật anh có thể cho biết đây là thực trạng chung của toàn bộ nền phê bình nghệ thuật ở nước ta hay chỉ diễn ra với văn học thôi?

+ Đúng là những bài PBVH có rất ít bạn đọc. Lý do: văn học (sáng tác) người ta còn chẳng đọc, đọc PBVH để làm gì? Đây là một vấn đề xã hội mà lâu nay vẫn được/ bị định danh là sự xuống cấp của văn hóa đọc. Tôi muốn nói chính xác hơn: đó là sự lười đọc, sự căm thù việc đọc. Mà câu chuyện cũng chẳng phải chỉ diễn ra với PBVH: phê bình mỹ thuật, phê bình âm nhạc, phê bình điện ảnh, phê bình sân khấu, phê bình múa, phê bình kiến trúc… còn bi đát hơn nhiều. Sản phẩm của các loại hình phê bình nghệ thuật này đều, xét cho cùng, chỉ có thể tiếp nhận thông qua hành vi “đọc” mà thôi! Vì thế, nếu tôi không quá rơi vào tâm lý bi kịch hóa vấn đề, thì đây là… cái chết toàn diện!

– Theo anh có cách nào để thu hút bạn đọc phổ thông tìm đến với hoạt động phê bình văn học không?

+ Một cách duy nhất: phải hình thành thói quen đọc từ rất sớm. (Nhà văn Nguyên Ngọc từng nói một ý: trước tuổi 20 mà chưa có thói quen đọc sách thì coi như… xong!). Khi người ta đã có thói quen đọc, thích đọc, không thể không đọc – giống như thể không sống nổi nếu không ăn cơm uống nước hàng ngày – khi đó mới có cơ may người ta sẽ tìm đến với các sản phẩm của PBVH.

–  Các nhà văn, nhà thơ sau một thời gian sáng tác rất sợ hiện tượng “lặp lại chính mình”. Anh nghĩ thế nào về tính đơn điệu của phê bình văn học. Liệu làm sao để tránh được sự lặp lại chính mình trong hoạt động phê bình văn học.

+ Đây là vấn đề khá phức tạp. Người sáng tác sợ “lặp lại chính mình”, đó là một thực tế. Nhưng mặt khác, người sáng tác nào cũng mong muốn tạo được phong cách cho chính mình. Mà phong cách là gì, nếu không phải là sự định hình sáng tác thông qua hành vi lặp lại (nói cách khác: phong cách, ấy chính là sự bảo thủ)? Phê bình cũng vậy thôi. Nếu có tránh được tính đơn điệu, theo tôi, chủ yếu là dựa vào một điều kiện khách quan: sự khác nhau, sự đa dạng về phong cách sáng tác của các đối tượng của sự phê bình. Không thể viết về tác phẩm của Nguyễn Minh Châu theo cách viết về tác phẩm của Nguyễn Khải hay… Nguyễn Bình Phương được!

– Có ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân khiến các nhà văn, nhà thơ không “nổi tiếng” được là do đội ngũ phê bình văn học quá yếu, không biết cách phát hiện “nhân tài”, đưa họ lên vị trí xứng đáng. Quan điểm của anh về ý kiến này là thế nào?

+ Tôi thấy đây là một “ngụy vấn đề” (câu nói quen thuộc của cố GS Đinh Gia Khánh). Người sáng tác nào có tài năng thực sự thì đều trở nên nổi tiếng. Mà sự nổi tiếng của họ có được là có đóng góp rất lớn của đội ngũ những người làm PBVH. Nếu không có tài mà nổi tiếng, thì coi chừng, chúng ta đang nhầm lẫn giữa “nổi tiếng” và “tai tiếng”!

– Xin cảm ơn anh!

“  Có một điều tôi muốn nói thêm ở đây, rằng không chỉ là bạn đọc thông thường mới có thái độ thiếu mặn mà với phê bình, mà một bộ phận khá đông những người sáng tác ở ta cũng vậy. Câu đầu miệng của họ mỗi khi nói đến phê bình là “chẳng có gì, chẳng liên quan, chẳng giúp được chút nào cho những người sáng tác chúng tôi”, nhưng tôi biết, không ít người trong số họ chẳng bao giờ chịu đọc cho trọn vẹn và cẩn thận một bài phê bình, trừ khi đó là bài viết ca ngợi tác phẩm của họ! Nói chung, câu hỏi “ai đọc?” vẫn luôn là một nan đề đối với những ai định viết phê bình văn học hiện nay. Tôi từng có dịp hỏi một nhà phê bình “già”, người đã có ba bốn mươi năm đeo bám, “ăn chịu” với nghề, rằng tại sao lâu nay không thấy ông viết. Trả lời: “có ai thèm quan tâm đâu, viết để làm gì”! Có lẽ, câu trả lời của nhà phê bình văn học “già” này cũng nên được xem như một trong những đáp án cho câu hỏi “tại sao hiện nay lại thiếu vắng những người trẻ viết phê bình văn học?“.

(Trích: “Vì sao thiếu vắng những người trẻ viết phê bình văn học” – Hoài Nam, Vietvan.vn)

Nguồn: Vannghequandoi.vn