“Viết ra, nhưng mà đọc lại. Đọc lại để mà hoàn chỉnh cái đã viết tới. Đọc lại bằng mắt, đọc lại bằng tai. Đọc thầm bằng mắt, và đọc to lên bằng miệng để cho tai nó cũng đọc (tức là nghe) với. Tự mình duyệt lấy lời văn lời viết của mình, tự mình thẩm tra lại cái ý tốt, cái lời trong của mình, trong năm giác quan đem ra làm công cụ để kiểm nghiệm, cặp mắt soi xuống dòng trang vẫn là giữ vai trò cầm trịch trong việc nhận dạng và đánh giá từng bước cho bộ điệu của đoạn văn. Nhưng cặp mắt chưa đủ để lọc hết mọi bụi bặm vẫn còn bám theo cái tiếng vừa mới phát biểu của mình. Cho nên phải dùng cả cái tai mình nữa. Và để phát huy tột cùng hiệu năng của tiếng nói mình, có khi phải dùng tới cả năm giác quan. Ngoài việc soi lắng, hình như còn phải ngửi lại, nếm lại cái lời mình viết ra kia, trước khi bưng nó ra cho người khác thưởng thức (theo chỗ tôi biết, hình như câu gì, trang gì mà mặn – dù có mặn đắng hoặc mặn chát – cũng vẫn chữa dễ hơn là những câu nhạt và những trang nhạt – khác hẳn với sự cấp cứu chữa chạy trong việc nhà bếp). Có khi lại như chính lòng bàn tay mình phải sờ lại những góc cạnh câu viết của mình, xem lại xem có nên cứ gồ ghề chân chất như thế, hay là nên gọt nó tròn trĩnh đi thì nó dễ vào lỗ tai người tiêu thụ hơn.”

Gửi chị N.

Nghĩ về sự đầy đủ, trong trẻo, đẹp đẽ, sáng sủa, và sang giàu của tiếng nói Việt Nam, có những lúc tôi ngừng lại đó trang sách đọc, tôi ngừng lại đó câu viết chưa xuống dòng… mà nhìn trân trân tờ giấy bỏ dở. Tôi nhìn trân trân vào giữa khoảng không ngoài cửa sổ lộng trời xanh, mà lòng thấy dào dạt lên những lời cám ơn. Tôi lặng cúi xuống mặt trắng giấy trắng tinh đang om sòm những tiếng mời chào kia mà nói bật lên những lời biết ơn đối với đất nước ông bà tiên tổ. Thấy chịu ơn rất nhiều đối với quê hương ông bà đã truyền cho tôi thứ tiếng nói đậm đà tôi hằng nói từ những ngày mới ra đời. Mà rồi cho đến cái phút cuối cùng không được chứng sống nữa, thì câu cuối đời của tôi cũng vẫn lại cứ nói lên vẫn chỉ bằng cái thứ tiếng nói ruột thịt tủy xương đó mà thôi. Tôi biết rằng cái ngôn ngữ thừa tự tôi đang nói đang diễn viết ra đây, chính nó là kết tinh bởi nhiều trăm nghìn năm công sức lao động của tổ tiên lưu truyền lại. Trong hương hỏa thừa hưởng đây, lẫn vào với vô số thanh âm từ điệu, thấy như hiển hiện lên không biết bao nhiêu là mồ hôi và máu huyết của đời đời ông bà khai rừng, vỡ ruộng, mở cõi, giữ nước, chống giặc, tiến lên tới đâu là xây dựng ngôn ngữ tới đó. Nay mỗi lần đụng tới di sản nhiệm mầu ấy, thấy bổi hổi bồi hồi, như vấn vương với một cái gì thiệt là thiêng liêng vô giá, mà tất cả trữ kim trữ ngân của tất cả ngân hàng thế gian cũng không sao đánh đổi được Có những lúc lại lẩn thẩn nghĩ dại dột rằng bây giờ tự nhiên mình lại mất trí, mà quên hết mà bay hết khỏi đầu mình chỗ kho tàng tiếng nói Việt Nam này, thì có lẽ mình… mình sẽ phải chết mất. Nhưng không, không thể nào quên được cái tiếng Việt Nam hữu cơ, cái tiếng nói Việt Nam linh diệu ấy được. Có đến chết cũng không quên được. Có chết, càng vẫn nhớ.

Sự tinh vi linh diệu trong ngôn ngữ thần diệu cố hữu của ta, nó có nhiều vẻ, càng chịu khó tìm, càng thấy. Ở đây, tôi hãy tạm dẫn ra một số từ liên quan đến cái chết, đến sự truyền chủng trong đời sống chúng ta.

Nói về cái chết của con nhỏ tuổi, của người lớn, thì nói: “Cám ơn ông hỏi thăm. Em nó đi (hoặc em nó ngủ) được gần tháng nay”. “Cụ tôi về từ năm ngoái”. Ông ấy mà nằm xuống thì anh em nhà kia loạn to…”. Nói về cái chết của nhà chùa thì phải dùng chữ “tịch” nhà sư ấy “tịch rồi”, có nghĩa là đã được thoát khỏi sự sống náo động để hoàn toàn trở lại cái chỗ tịch mịch tuyệt đối. Có khi vì muốn trang trọng hóa cái chết của thân quyến mình, mặc dù người chết đó không là nhà tu hành, nhiều người cũng dùng chữ “tịch” (người Việt Nam, nếu không đi đạo, thì hình như ai cũng theo Phật cả, phải không!).

Người có vị trí xã hội thời cũ, hoặc cao hoặc thấp mà chết đi thì gọi là “hết lộc” (lộc trời). Tránh đi tên thật của cái sự chết đáng buồn, và cho nó có vẻ “đáng vui” hơn, ông bà chúng ta lại gọi nó là “trăm tuổi”, lấy cái sống trung bình tối đa ra mà gọi cái chết. Có khi tuổi người chết mới chỉ bốn năm mươi, mà người ta cũng nói “nhân dịp thầy mẹ chúng tôi được trăm tuổi…!” và đối với những trường hợp chết già thỏa đáng vì đủ tứ đại đồng đường người ta tự cho phép coi đó là một điều vui mà gọi cái việc ấy là “ăn xôi nghe kèn”, hoặc gọi cái trăm tuổi đó bằng một giọng vui ghen tị, bằng một câu nó hàm cái nghĩa rằng chết như thế không oan buồn gì đâu: “Về việc hai năm mươi (2 x 50) cụ nhà tôi, tôi thiển nghĩ nên sắm sửa nhiều vào cho các cháu…”. Những cách nói giầu có của ta về cái chết, tôi nghĩ rằng đó cũng là một nét cố hữu về sự thần diệu của ngôn ngữ Việt Nam 1. Ngay cả đến cái việc bốc mả cũng dùng chữ thay áo cho nó nhẹ đi.

Đối với sự chết, ngôn ngữ ta đã có những tiếng dùng và cách nói đại khái là như thế. Nay ta thử xoay sang nhìn phía khác của sự sống (chẳng hạn như vấn đề truyền chủng qua cái khâu giao hợp sinh lý) thì tiếng Việt Nam cũng chứng tỏ sự giàu có của mình bằng cách dùng nhiều tiếng nhiều từ, và phân ra thứ chữ nào thì chỉ cái việc ấy ở con người, thứ chữ nào thì dùng cho loài cầm thú. Ví dụ người ta nói con gà sống đạp con gà mái, con vật gì đó phủ con gì đó. Trường hợp chó lợn, đã dành riêng ra một tiếng: lẹo. Và chữ lẹo dùng cho gia súc đó lại lấy ra từ loài thực vật, khi cái cây nào ra quả sinh đôi, làm cho hai quả không tách ra trên cành mà lại díu vào nhau: “quả đào lẹo”. Với con người thì trang trọng mà dùng hai tiếng “ăn nằm với nhau”. Lấy tiếng thanh mà chỉ cái việc thô, ấy cũng là cái tài tình cổ truyền của tiếng ta vậy. Mà đến ngay cả cái việc ấy ở con người, cái vật ấy cũng có chữ riêng, tùy theo lứa tuổi. Ví dụ như ở cái tuổi hồn nhiên được có quyền ở truồng hoặc mặc quần hở, thì cái quý vật kia phải gọi là chim, là vịt thì mới là người sành sỏi tiếng Việt.

Phân biệt cái gì là dành cho vật, và từ gì là dành cho con người, sự tinh diệu bản sắc của ngôn ngữ ta lại với tới cả mặt giải phẫu và thân hình sinh vật. Ở con vật (nhất là con vật để ăn thịt) thì không gọi là phổi, thận, máu, huyết mà lại gọi là bấc, bồ dục, tiết (hoặc son, hồng hoa) 2.

o O o

Khen những cái hay trong ngôn từ một nhà thơ, ta thường dùng tới hai tiếng câu thần. Cái được nêu lên thành một thứ thần thường tạo nên bởi sự tinh luyện về hình tượng, bởi sự hợp kim tài tình về từ âm. Trong Chinh phụ ngâm và Kiều rất nhiều chữ thần câu thần mà càng đọc đi đọc lại nhiều lần, càng như đi vào những cuộc phát minh hứng thú khó lòng chấm dứt. Sảng khoái và lâng lâng biết bao khi đọc khi ngâm: “Trống tràng thành lung lay bóng nguyệt”, “Bóng trăng đã xế, hoa lê lại gần”, “Cỏ lan mặt đất, rêu phong dấu giày”.

Hồi còn nhỏ, đứng hầu đóm và thay bã trà trong các cuộc bẻ thơ tán thơ, cả cổ kim cả nôm chữ giữa cha tôi và các cụ nhà nho, tôi đã từng nghe lỏm được những lời phẩm bình sang sảng về những câu vừa dẫn ở trên. Đến mấy câu Chinh phụ ngâm và Kiều (dẫn ra trên đó) thì các cụ đều lớn tiếng mà đồng thanh: “Thi trung hữu quỷ!”. “Ra trong những câu thơ này, đều có quỷ, thưa các cụ!”. Chữ ma quỷ đây dùng với cái nghĩa thánh thần, tức là những thứ ẩn ẩn hiện hiện ghê gớm tài quái, người trần phàm như các cụ cảm thấy khó mà đạt được. Ấy cũng là một cách khen của một lớp các cụ sống ở một cái thời mà khoa học chưa phát triển ở nước ta. “Trong thơ có ma quỷ thánh thần xui khiến!”. Tỏ vẻ khoái hoạt hả hê về câu quỷ câu thần, có cụ vỗ đùi đen đét, có cụ nhắp rượu chép miệng, có cụ vươn vai đột ngột đứng lên khỏi chiếu thơ, ra võng nằm mà ngâm nga nho nhỏ giọng, hoặc đi đi lại lại ngoài sân cuội, vừa đi vừa tủm tỉm gật gù.

Nay ở nước ta khoa học đã có, ý thức về khoa học cùng là kỹ thuật đã được phổ biến thấu tới huyện tới xã, tôi đọc đến những câu thần Chinh phụ và Kiều, tôi vẫn như tiếp tục kéo dài thêm nữa những xúc động nghệ thuật ấy của các cụ nhóm tao đàn ngày xưa. Đúng thế, những câu thần kia vẫn mang trong nó một thứ “ma lực”, một thứ “quỷ!”, một thứ “thiên”, một thứ “tài” gì tạo nên bởi sự lành nghề, bởi sự thần thông của những người thợ cả về tiếng nói Việt Nam.

Chiều hôm hoặc đêm về sáng, một mảnh trăng treo trên lưng một cái thành dài. Rồi tiếng hịch quốc phòng, rồi là tiếng trống động quân. Câu thơ thần không chịu nói trống giục vào lòng người, mà lại đi nói đến vầng trăng động lay trên thành gạch. Trống trận rung càng mau càng rền nhịp, trăng càng méo càng nhòe càng di động. Bóng nguyệt lung lay mà chiếu vào những tấm lòng náo động của một đêm truyền hịch. Chữ “động” ở nguyên bản chữ Hán của Đặng Trần Côn mà Đoàn Thị Điểm chuyển thành “lung lay” ở bản dịch Nôm, càng chứng minh sự tài tình sinh động của tiếng ta. Tai tôi chưa nghe người nào chê câu Chinh phụ đó, bởi cái lẽ giản dị rất dễ hiểu: nó hay quá (cả về lời, ý, ảnh, âm, nhịp) thì còn chê cái… cái gì! Và về những lời khen nó, cũng nên phải lọc ra một số lời khen có mang tính phân tích thật là đời sống mới. Tôi đã nghe một anh bạn trẻ ở ngành địa chất mang khoa học ra mà đánh giá cái hay của câu thơ tiếng trống vần vò bóng trăng cũ trên mặt thành xưa. Vẫn còn văng vẳng bên tai tôi cái giọng hừng hực hấp tấp của anh nói vào một buổi đó ở rừng Tây Bắc, đống củi cháy suốt đêm cách bờ sông Đà hàng ngày đường: “Nghề của cháu (!) là đi rừng đi núi chỗ đầu sông ngọn suối, cháu càng coi văn thơ là người bạn đường của cháu. Cho nên cháu rất thích tìm hiểu văn học, bên cạnh cái thích dĩ nhiên của sự tìm hiểu đất nước.
Câu Trống tràng thành lung lay bóng nguyệt thấy nó thỏa mãn cách nhìn của những người làm công tác khoa học tự nhiên như chúng cháu. Đây là cách nhìn của người có kiến thức khoa vật lý, nhìn mặt trăng một cách tinh tế, nhìn mặt trăng qua một lớp không khí đang bị xô dồn bởi nhiều vòng sóng âm phát tỏa ra từ một nhạc cụ trầm hùng. Thời ấy ta chưa giảng dạy gì lắm về môn học vật lý, nhưng sao đã có những câu thơ nhiều tính khoa học như thế. Câu thơ Chinh phụ đó, nghĩa rộng nghĩa bóng nó rất hay, mà nghĩa đen nghĩa hẹp thì thật là chặt chẽ – chặt chẽ của tính khoa học, khoa học vật lý. Câu thơ cổ mà lại đầy vẻ hiện đại. Thấy các cụ ta xưa cũng tài giỏi thật. Chả bù với bây giờ, thấy có một số câu thơ tả gió nhất là tả mây thì lại bất chấp cả quy luật khí tượng…”.

Đến như câu Kiều “Bóng trăng đã xế, hoa lê lại gần” thì càng rõ cái tính khoa học gửi vào động từ xế và lê. Nó đẹp một cách thật là vật lý, rất vận động và tạo hình. Một bông hoa tĩnh tại và một nguồn sáng chuyển chỗ; bóng trăng càng tà xuống thì bông hoa càng lết trên mặt đất vườn mà nhích thêm về phía nền nhà. Có như dưới trăng suông, ngồi buồn tình mà nhìn một cái đòn cân, đầu đòn này là bóng nguyệt, đầu kia là bóng hoa. Nguyệt nặng hơn hoa, bóng trăng càng trĩu xuống thì bóng hoa càng bồng, càng bồng bềnh lên, từ vườn thấp mà bềnh lên thềm cao.
Bởi câu thơ có cái nghĩa đen tinh vi thấu đáo về vật lý như thế mà nghĩa bóng của nó càng nhiều hấp dẫn về mỹ học.

Cũng như nhiều vị, tôi cầm chắc rằng các cụ ta làm ra Chinh phụ ngâm và Kiều không được học vật lý, âm học, quang học như thế hệ trẻ ngày nay tiến quân vào khoa học. Nhưng tôi phải hiểu rằng những câu thơ hay đó phải là kết quả của một trí quan sát thiệt là mẫn tuệ tinh tế ở những nghệ sĩ về tiếng nói. Mà sự quan sát lại là một đức tính dính liền với cả người làm khoa học, cả người làm nghệ thuật. Nhiều định luật, định lý khoa học cổ kim, nhiều sáng chế phát minh Đông Tây đã bắt nguồn từ sự quan sát của con người đứng trước tự nhiên.

Nhìn mãi và nghĩ mãi về trái táo rụng xuống, nghe mãi và suy mãi về hơi nước sôi đội nắp ấm lên, mà các bậc bác học ấy làm cho sự sống con người thêm tốt thêm sáng.

Cũng như nhà thơ bậc thầy nước ta nhìn mãi, nghĩ mãi về cái bóng trăng kia cùng là cái bông hoa nọ, mà đời sống văn hóa mình mới có được thêm sự giàu sang và nó vui đẹp hơn hẳn lên.

Chỉ quan sát không thôi, không thể trở nên một nhà thơ. Nhưng ở trong nhiều câu thơ thần sáu tám của Nguyễn Du bậc thầy, phải thấy cái bút lực ấy đã dựa vào một sự quan sát quả là sắc nhạy thông tuệ. Không thế, thì không thể có được cái tính cách hiện thực trữ tình như thơ Kiều. Trong vô số câu tài tình ấy, ta hãy lấy vội ra hai câu “Xập xè én liệng lầu không – Cỏ lan mặt đất, rêu phong dấu giày” mà thử “bình công chấm điểm” cho người thợ Nguyễn Du (người thợ cả được tôn lên làm bậc thầy đã cơi cất thêm mấy tầng cho lâu đài ngôn ngữ Việt Nam) và thử xem xem cái người thợ ấy đã lao động nghệ thuật như thế nào. Trong hai câu sáu tám đó, tôi nghĩ rằng phải chấm điểm rất nhiều cho động từ phong. Ở đoạn cuối truyện này, chàng Kim tìm đến chốn cũ của người xưa, giữa cái sân Kiều đó, ta có thể hình dung ra được một thứ ngoại cảnh mà sự vật cũng tầm thường vậy thôi – nếu không là ảm đạm gầy nghèo. Một khoảnh sân đất, mấy vết chân in trũng xuống từ một trận mưa nào… Và trên những vết đọng của dĩ vãng, ẩm ướt đã sinh nở một thứ rêu lưu cữu.

Hoàn toàn là một tấm tranh tĩnh vật: sân mốc và vệt xanh của sự vắng mặt. Sự vật ở ngoài cảnh thì nghèo lạnh như thế, nhưng tiếng nói đặc sắc của người thơ đã làm cho nó ấm cúng hẳn lên. Mà cũng nên vận dụng thêm đến cái lối nói của điện ảnh ra mà tìm hiểu tỉ mỉ kỹ càng về phẩm chất tạo hình của ngôn ngữ Nguyễn Du nhé. Khởi đầu là những miếng phim toàn cảnh thu cả cái sân rộng, rồi ống máy đi dần vào chi tiết trên diện sân, và cuối cùng gí máy vào một cái khuôn đất in hình một cái đế giày. Trên thành vết hài, ống máy soi thật sát vào những mảng rêu rờn rờn lên một điều hy vọng nào. Cái hy vọng của chàng dò la tung tích nàng – nàng mà rêu thương rêu nhớ vẫn “phong” lại gót hài. Rêu trong tiếng nói tinh diệu Nguyễn Du đã thành hẳn một thứ phong bì xanh của bức thư tình bỏ quên lại giữa trời. Trong quá trình lao động nghệ thuật, để tìm cho ra được cái hình tượng nghệ thuật “phong bì rêu niêm phong lại hương thơm hài xưa” này, không rõ Nguyễn Du đã mất bao nhiêu ngày giờ độc thoại trong chiếc cáng, trong lòng đò, trên lưng ngựa, và trên những tấm gỗ bộ ngựa cố hữu của gia đình Việt Nam. Chỉ biết rằng Nguyễn Du đã đặt cả tấm lòng mình vào cái phong bì xanh rêu kia với tất cả sự trân trọng của một người tình nhân, của một nhà ngôn ngữ đa tình đa cảm. “Lòng thành” ấy “đã thấu đến trời”, trời đây hiểu theo cái nghĩa lồng lộng một bầu trời sáng lành đang ngân hưởng những lời trong lọc – hiểu theo cái nghĩa là đỉnh vút của ngôn ngữ, là cái vẻ ngất trời của cách nói Nguyễn Du nhiệm mầu nó góp rất nhiều công của vào cái thần diệu bản sắc của ngôn ngữ Việt Nam.
Sự trong sáng về ngôn ngữ ở mỗi người viết văn là một vấn đề đã đành của tấm lòng và khối óc (tâm mình thành, trí mình thông, thì lời mình sáng đẹp). Nó còn là cái vấn đề của tai của mắt mỗi người viết văn nữa.

Cái điều mình nghĩ được và cái điều mình cảm thấy, nay đều đã viết ra xong, đúng như mình đã cảm nghĩ, và lại viết ra bằng một thứ ngôn ngữ mình tin là khá nhiều hiệu năng. Đã nghĩ kỹ rồi mới cầm vào bút mà viết ra.
Nhưng khi đã viết ra rồi, chưa có nghĩa là đã xong hẳn.

Viết ra, nhưng mà đọc lại. Đọc lại để mà hoàn chỉnh cái đã viết tới. Đọc lại bằng mắt, đọc lại bằng tai. Đọc thầm bằng mắt, và đọc to lên bằng miệng để cho tai nó cũng đọc (tức là nghe) với. Tự mình duyệt lấy lời văn lời viết của mình, tự mình thẩm tra lại cái ý tốt, cái lời trong của mình, trong năm giác quan đem ra làm công cụ để kiểm nghiệm, cặp mắt soi xuống dòng trang vẫn là giữ vai trò cầm trịch trong việc nhận dạng và đánh giá từng bước cho bộ điệu của đoạn văn. Nhưng cặp mắt chưa đủ để lọc hết mọi bụi bặm vẫn còn bám theo cái tiếng vừa mới phát biểu của mình. Cho nên phải dùng cả cái tai mình nữa. Và để phát huy tột cùng hiệu năng của tiếng nói mình, có khi phải dùng tới cả năm giác quan. Ngoài việc soi lắng, hình như còn phải ngửi lại, nếm lại cái lời mình viết ra kia, trước khi bưng nó ra cho người khác thưởng thức (theo chỗ tôi biết, hình như câu gì, trang gì mà mặn – dù có mặn đắng hoặc mặn chát – cũng vẫn chữa dễ hơn là những câu nhạt và những trang nhạt – khác hẳn với sự cấp cứu chữa chạy trong việc nhà bếp). Có khi lại như chính lòng bàn tay mình phải sờ lại những góc cạnh câu viết của mình, xem lại xem có nên cứ gồ ghề chân chất như thế, hay là nên gọt nó tròn trĩnh đi thì nó dễ vào lỗ tai người tiêu thụ hơn.

Tự mình kiểm tra về tính trong sáng của văn mình, cặp mắt vẫn là ở hàng đầu, rất cần, nhưng một mình nó, riêng tôi cho là chưa đủ. Có những tiếng những chữ mỗi lần vác từ trong kho dân tộc ra mà dùng, cần phải gieo nó xuống, cần phải gõ nó lên mà đo lại cả những vòng ngân vang hưởng của nó. Người đã làm nổi thơ, thì rất hiểu sự quan trọng của tai, cái tai nhạc của nhà thơ giúp việc đắc lực cho sự trong trẻo của lời nhà thơ. Mà người làm văn xuôi càng phải hiểu điều này. Những bạn dịch sách nghiệp dư mà định chuyển văn học ngoài thành văn ta, bên cạnh cái việc tinh thông về chữ và nghĩa, càng cần phải luyện cái thứ tai thẩm âm này. Bởi không thấy được cái tiềm lực kín đáo của chất nhạc trong mọi cái hơi của văn xuôi, cho nên đã bục ra một số hiện tượng tê thấp và thấp khớp tại chỗ văn xuôi này, tại chỗ văn xuôi kia. Và quan niệm về chất nhạc của văn xuôi, hãy khá đừng lẫn nó với cái kiểu văn xuôi biền ngẫu con hoang của thể phú! (Cái thứ nhạc biền ngẫu ấy đã từng phá đám mất bao nhiêu là trang văn xuôi có thể là hay).

Cho đến nay tôi vẫn là một kẻ thèm khát về sự trong sáng trong tiếng nói Việt Nam. Thèm được xem (nghe thì đúng hơn là xem) một vở kịch nói thật trong sáng về ngôn ngữ. Mà những trang văn xuôi ấy lại được “nói lên” bằng những cách nói nhiều sáng tạo âm nhịp và dấu chấm dứt của những diễn viên cũng bậc thầy về ngôn ngữ Việt Nam.

Chao ôi, quý vậy thay cái sân khấu? Cái sân khấu mới là chỗ đọ tài cuối cùng của một nền văn xuôi sum suê và trong lắng. Thứ văn xuôi nào đã đưa lên sân khấu mà không tứ tốt từ đẹp, mà lỗi nhịp lép lời thì nó hiện nguyên hình ngay (ở cuốn sách chỉ đọc bằng mắt, còn xuề xòa nhập nhằng được Mà trang nào đã nhuần nhị trong trẻo thì cái thứ văn xuôi ấy còn ngân mãi cho tới sáng hôm sau, cho tới những buổi sáng mãi mãi của sau này.

Những lúc bàn về sự trong sáng của ngôn ngữ Việt Nam, bên cạnh cái ý nghĩa trong trẻo trong lắng, tôi phải nghĩ tới ngay một mặt khác nữa của câu chuyện, ấy là sự giàu có. Tôi nghĩ rằng trong sáng không khi nào lại có nghĩa là đạm bạc, là nghèo còm trong tự vựng đem ra dùng, trong cách cảm trong cách nghĩ, và nhất là trong cái cách nói ra những cảm nghĩ đó. Trong sáng càng không có nghĩa là đơn điệu. Bởi vì có nhiều vẻ trong: nước mưa, nước lọc, nước cất, giấy kính, cát nung chảy rồi ép bằng đi để lắp khuôn cửa sổ, rồi tới pha lê gọt, tất cả đều là trong, nhưng không giống nhau về chất trong. Và sáng cũng có những nguồn khác nhau: sáng của dầu cá, của lạc, của dầu than đá, dầu ô liu, của điện bóng tròn và của điện ống dài màu sáng xanh. Lại có cái sáng nhấp nháy của đèn biển, lại còn có cái sáng lóng lánh của ngôi sao trên đỉnh đầu. Trên cơ sở cộng đồng của ngôn ngữ Việt Nam càng ngày càng phải giàu có phấn chấn lên nữa, mỗi người viết văn chuyên nghiệp phải có lấy cái phong cách, cái vẻ riêng của mình về sự trong sáng. Mỗi người như một cây nến thắp lên: sáp ong cũng thắp sáng, mỡ bò cũng thắp sáng, và ánh cháy của nhiều thứ nến vàng đỏ trắng cháy nhanh cháy chậm đều hòa kết lại thành cái tỏa chói chung của một lâu đài tiếng nói mà tầng dưới tầng trên đều sáng trưng.

Sự giàu có dĩ nhiên bao giờ cũng là một sự bề bộn. Bề bộn các thứ các cái, các cái “nhiều”, cái “lắm”. Nhưng phức tạp thường lại là dấu hiệu của sự làm ăn khấm khá mãi lên. Đời sống không phải là một sự thu mình lại trong giản đơn, mà nó càng ngày càng bành trướng lên vì những của cải vật chất, nhưng của cải tinh thần do chính tay và đầu mình chế tạo ra. Muôn hình vạn vẻ vật chất tinh thần ấy phản ánh vào ngôn ngữ ta. Sự sống bên ngoài càng mở ra càng dâng lên ùn ùn, ngồn ngộn, vù vù. Tiếng nói của nhà văn phải là tiếng nói của thời đại. Thời đại mình càng có tổ chức càng giàu về sự đời và tình người. Tiếng nói ta cũng phải giàu theo. Trên cái cơ sở cũ vốn đã phong phú của ngôn ngữ, nay ta phải dậy cái vốn đó lên nữa mà đầu tư nó vào thời đại. Quần chúng lao động sản xuất và chiến đấu để bảo vệ sự sản xuất, sản xuất chiến đấu tới đâu, lại đóng góp thêm tới mức đó vào kho tàng tiếng nói. Phía người làm nghề văn, càng phải đẩy mạnh và nâng cao lao động nghệ thuật, càng phải góp nhiều. Muốn hay không muốn, ngôn ngữ chung của chúng ta rồi sẽ là một triệu phú.

Ta không sợ nghèo, bàn nghèo nữa. Mà nay ta lại lo về cái sự giàu, cái sự đã giàu và đang giàu thêm mãi về cả chữ dùng, về cả cách nói của ngôn ngữ Việt Nam. Làm thế nào để cứ giàu có mãi hơn lên, mà càng giàu lại càng đẹp. Nói một cách khác: bằng lòng và gắng sức cho thành một người giàu có vô kể trong sự phồn vinh chung của tiếng Việt Nam. Nhưng hết sức chống lại mọi thứ “trọc phú” trong đời sống ngôn ngữ ta. Giàu có, mà không vẩn đục-vẩn về tư duy, đục về mỹ lý.

Tạp chí Văn học (3-1966).

Chú thích
1.Về những uyển từ (euphémisme) quanh cái chết, tôi cho tiếng ta giàu có hơn hẳn cả tiếng Pháp. Hình như tiếng Pháp chỉ có vài cách nói thôi (ví dụ: a vécu, nghĩa là đã sống xong, trọn).

2.Tiếng Pháp cũng có những cách nói tinh vi như thế, để gặp nhau với tiếng ta về mặt này: poumon-mou; estomac-tripes, rein- rognon.

Nguyễn Tuân

Phạm Thuý Quỳnh đưa bài