TRẦN THỊ TRƯỜNG

Hôm nay mưa, ngồi đọc thơ Nguyễn Bảo Chân, quyển 4: “Bóng của ý nghĩ”, nhà thơ vừa tặng. Hương sen đầu mùa ngan ngát tỏa ra dìu nhẹ trong khu vườn nhỏ của mình. Giở luôn đến bài sen.

Nhà thơ Nguyễn Bảo Chân. Ảnh: FBNV.

Nhà thơ Nguyễn Bảo Chân là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, cử nhân nghệ thuật, tốt nghiệp khoa Biên kịch Điện ảnh, Trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội năm 1991.

Thơ Nguyễn Bảo Chân được tuyển chọn vào nhiều tuyển tập thơ trong nước và ở nước ngoài. Đặc biệt, “Dòng sông cháy” đã đoạt giải thưởng của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 1994.

Sen mình
Hà Nội sen
mình tràn phố
tung tẩy đương thì
sắc hồng
sắc trắng
chớp nụ bừng hoa
khép nỗi thầm
vồ vội mùa
đi thơm lòng gốm rạn…

Hẳn bạn đọc sẽ đồng ý với tôi rằng thơ Nguyễn Bảo Chân lạ và mới với cách ngắt câu, dùng chữ, sử dụng hình ảnh, nhịp điệu, tạo ra cái bóng của chữ rất thú vị.

Trong tập thơ song ngữ này của Nguyễn Bảo Chân có 70 bài, 35 bài tiếng Việt, 35 bài tiếng Anh.

Nguyễn Bảo Chân khá thành thạo tiếng Anh, nói được một chút tiếng Pháp, từ năm 2002 đến nay chị được mời dự một số liên hoan thơ quốc tế. Ở những liên hoan thơ đó, thơ có công chúng. Mỗi lần đi dự chị không chỉ mang theo thơ của mình, của 10 nhà thơ Việt Nam khác mà chị thích, trong đó 7 người có sẵn bản dịch tiếng Anh, 3 người chưa có thì chị dịch cho họ.

Bảo Chân nói, chị muốn giới thiệu với bạn bè quốc tế một phần nhỏ của thi ca hiện đại Việt Nam, qua góc nhìn của  chị. Ở Liên hoan Thơ quốc tế Medellín (Colombia) năm 2008, hình ảnh chị mặc áo dài, đọc thơ trên sâu khấu ấy bằng tiếng Việt, rồi tiếng Anh, (sau đó có người đọc bản dịch bằng tiếng Tây Ban Nha) bằng giọng đầy truyền cảm tạo một ấn tượng mạnh cho công chúng. Chị cho biết sau đó, Ban Tổ chức nhờ chị giới thiệu một nhà thơ Việt Nam khác cho năm kế tiếp…

Được biết không gian đọc thơ tương tự như một nhà hát ngoài trời, hàng nghìn người lặng im nghe thơ. Sau mỗi bài thơ là tiếng vỗ tay tán thưởng. Cuối năm 2017, Nguyễn Bảo Chân tham gia workshop văn chương một tháng tại Trường đại học Baptist Hong Kong (Trung Quốc). Trong workshop, chị và một nhà thơ người Myanmar sống và làm việc tại Anh, đã được mời làm giám khảo cuộc thi thơ giữa những sinh viên khoa sáng tác của trường…

Nguyễn Bảo Chân đã xuất bản 3 tập thơ: “Dòng sông cháy” (1994), “Chân trần qua vệt rét” (1999). “Những chiếc gai trong mơ” (Thơ song ngữ Việt – Anh, NXB Thế giới, 2010).

Sổ tay thơ của Nguyễn Bảo Chân có đến vài trăm bài trong mười năm trở lại đây, nhưng chị là người kỹ tính, nhiều cân nhắc, thận trọng khi xuất bản.

Tôi quen với Nguyễn Bảo Chân từ hơn 30 năm, lúc ấy chị còn trẻ lắm, như một cô sinh viên nhưng thơ của chị đã tạo cho tôi một ấn tượng về người có tư duy cầm bút chuyên nghiệp. Không có cảm xúc thì thơ rất nhạt, có cảm xúc mà không có tài dụng chữ thì chữ khó đạt tới sự đa chiều, khó tạo cho người cảm thụ những ấn tượng khó phai. Nguyễn Bảo Chân có khả năng dụng chữ, cộng với sự kỹ lưỡng vốn có Nguyễn Bảo Chân biến những cảm xúc thành thơ, những bài thơ sống lâu trong lòng người đọc.

Từ những năm 2000, Nguyễn Bảo Chân bắt đầu làm thơ bằng tiếng Anh. Chị cho biết những ý nghĩ thơ thường xuất hiện trong chị với cả hai ngôn ngữ. Bản tiếng Anh và bản tiếng Việt của chị trung thành về ý tưởng, nhưng về ngôn ngữ thì không hoàn toàn giống nhau từng từ, chị hiểu rõ mỗi ngôn ngữ có một lối biểu đạt khác. Và khi thân thuộc với cả hai ngôn ngữ thì bài thơ cùng ý tưởng sẽ tạo nên sự cảm nhận đúng đối với người đọc bằng ngôn ngữ của họ. Viết bằng tiếng Anh, là một lần sáng tạo mới của chị.

Nguyễn Bảo Chân trở thành một nhà báo sau khi tốt nghiệp đại học. Làm báo, chị cũng cẩn trọng, coi báo là một tác phẩm, không chỉ nêu vấn đề mà sử dụng ngôn ngữ cũng phải rất thận trọng. Sau thời làm báo giấy chị chuyển sang làm báo hình tại Đài Truyền hình Việt Nam, chuyên mảng phim tài liệu chân dung văn nghệ sĩ và một số phim về văn hóa. Những thước phim của chị và đồng nghiệp được khán giả truyền hình chú ý, có những tán thưởng nhất định.

Nguyễn Bảo Chân là con nhà nòi, cha là nhà văn Nguyễn Anh Biên, mẹ là NSƯT Ngọc Hiền của Đoàn kịch Hải Phòng. Là người mê sách, đọc nhiều sách, hình thành thói quen tư duy thơ và sử dụng ngôn ngữ thành thạo, làm thơ từ nhỏ, được bố khích lệ nên mới mười tám đôi mươi thơ của chị, chỉ với những bản chép tay đã có những nhạc sĩ muốn phổ thành ca khúc: An Thuyên với “Bản nhạc của những con chim thức trắng”, Lê Vinh với “Cây bàng thời gian”, Xuân Phương với “Thị còn lại em”…

Thơ Nguyễn Bảo Chân luôn độc đáo về hình thức biểu đạt, nhiều cảm xúc, dụng chữ kỹ lưỡng, chắt lọc, đa tầng ngữ nghĩa, giàu thi ảnh. Trong đó có triết lý nhân sinh, tình yêu, những vấn đề xã hội và tâm tư ước vọng con người về một cuộc sống nhân văn, cao thượng. Người ta ví thơ như là hương thơm, như là vị trà, ngấm sâu và để lại dư âm trong tâm hồn.

Dù rất bận rộn trong công việc (nhà báo của báo hình), nhưng nhiều năm qua, Nguyễn Bảo Chân vẫn lặng lẽ, miệt mài sáng tạo. Không ai sống bằng thơ, coi thơ chỉ là cuộc dạo chơi của tâm hồn, viết ra những cảm xúc chợt đến, vì thế “cường quốc thi ca” của chúng ta có rất nhiều thơ nhưng thơ nào để lại ấn tượng sâu sắc lại không nhiều. Với Nguyễn Bảo Chân, chị cho rằng thơ là một phần cuộc sống, là sự lao động nghiêm túc.

Hà Nội, một ngày…

Hà Nội sương
sớm trễ nải buông
áo chưa xong
người đan áo mỏi
rét tháng Ba lén qua
vồi vội
Hà Nội nắng
trưa mê man xanh
lá thanh tân chợp mắt
lánh bụi
phố phường chật âu lo
chộn rộn
Hà Nội mây
chiều mọng không son
mắt dâng đầy trời
giọt hồ buồn
loa kèn cuối vụ thơm
luống cuống
Hà Nội trăng
đêm khuyết nỗi nhớ
cầu thang cũ cọt kẹt thở
bước chân xa
hơi ấm còn vương
áo ai vừa đan xong
đã sờn…

Nguyễn Bảo Chân không chỉ kỹ lưỡng khó tính trong thơ, chị khó với tất cả những gì xung quanh mình, trừ với bạn. Cũng chính vì thế mà tình bạn vong niên của chúng tôi tồn tại đến ngày nay. Với bạn, ít tuổi hơn hay bằng tuổi hay vong niên chị dễ bao nhiêu thì khó bấy nhiêu trong mọi vấn đề. Ngôi nhà chị ở chị cũng tự thiết kế lấy, chỗ nào đặt cái gì, để đâu, hình thù ra sao, công năng tiện ích phải đi đôi với vẻ đẹp hình thức. Cái nào từ sản xuất công nghiệp chị phải tìm bằng được cái đẹp nhất, tốt nhất. Cái nào có thể làm thủ công chị tìm bằng được người thợ thủ công có tay nghề cao nhất.

Có lẽ chưa có người nào đến nhà Nguyễn Bảo Chân chơi mà không có ấn tượng sâu sắc về không gian sống và những đồ dùng ở đó. Cuộc sống hàng ngày của chị rất cầu kỳ: nấu ăn, nghe nhạc, sưu tập tranh… cái gì chị cũng kỹ lưỡng, tưởng như dồn hết cuộc đời vào đó. Song, với Nguyễn Bảo Chân vì nó đã thấm vào máu thịt, thành thói quen và với khả năng tổ chức rất khoa học nên chị rất thảnh thơi trong sự cầu kỳ đó.

Nấu ăn ngon cũng là sở trường của nhiều phụ nữ, nhưng nấu ngon rồi viết nó ra những “mùi vị ký ức” trên các trang báo như Nguyễn Bảo Chân thì không nhiều…

  • Sau 12 năm, tôi lại được hồi hộp chờ sách mới, tập thơ thứ tư. Tôi đi nhiều, viết nhiều, nhưng rất thận trọng khi công bố. Tôi muốn có khoảng thời gian đủ lâu để nhìn thấy bóng những ý nghĩ của mình.
  • Minh họa tập thơ do họa sĩ Đào Hải Phong, một người bạn lâu năm của tôi vẽ tặng. Bìa cũng trên nền một bức tranh của anh Phong. Ban đầu, anh Phong vẽ hai bức tranh bột màu vừa đúng khổ sách để tôi có thể chọn làm bìa, nhưng cuối cùng, tôi quyết định “chấm” bức tranh này. Nó vốn là bức sơn dầu khổ lớn, hơi khác với phong cách Đào Hải Phong đã định hình bấy lâu. Nhưng vẫn anh Phong đấy, sắc màu rực rỡ chuyển động như những đợt sóng. Tôi cảm thấy bóng của màu, của đời ở đó, thăm thẳm. Tôi thấy nó thân thuộc. (trích facebook của nhà thơ Nguyễn Bảo Chân)

Nguồn: Báo Đại Đoàn Kết