Nhà thơ Ngô Đức Hành

Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội

          “Phúng dụ từ những đám mây”, NXB Hội Nhà văn 2020, tập thơ mới của Nguyễn Anh Tuấn gồm 96 bài thơ được tác giả “ép” vào trong 100 trang sách (nhiều trang 2 bài, sách không có tờ gác). Tất cả 96 bài đều phúng dụ, chỉ riêng điều này cho thấy Nguyễn Anh Tuấn là nhà thơ tiên phong hiện nay về thể thơ phúng dụ.

          Chắc ai cũng hiểu, theo Từ điển tiếng Việt, phúng dụ là sự diễn đạt tư tưởng, khái niệm trừu tượng bằng ngụ ý thông qua những hình ảnh cụ thể (một phương thức tu từ). Khái niệm phúng dụ (chữ Hy Lạp là allègoria) đã xuất hiện từ thời cổ đại. Nguyên tắc phúng dụ được dùng phổ biến trong mỹ học và nghệ thuật trung đại châu Âu. Đến đầu thời Phục Hưng, phúng dụ mất vai trò phổ quát trong tư duy nghệ thuật, nhưng đến thế kỷ 16 lại được chú ý, được xem như hình thức diễn tả các giá trị tinh thần cao. Phúng dụ hay nói bóng hoặc ám chỉ, là một biện pháp chuyển nghĩa trong nghệ thuật ngôn từ; một kiểu hình tượng, một nguyên tắc tư duy và tổ chức trong nghệ thuật nói chung.

          Thực ra, phúng dụ không mới, ngay trong ca dao hò vè xưa, cha ông ta đã dùng cách nói ám chỉ. Ví dụ: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao diễn tả một triết lý về sự đoàn kết”. Có thể coi phúng dụ là dạng thức ẩn dụ nhưng với quy mô lớn hơn, không chỉ ở cấp độ câu, đoạn mà còn bao quát toàn bộ tác phẩm. Phúng dụ dựa trên cơ sở lối nói ngụ ý, bóng gió, biểu đạt một ý tưởng trừu tượng, khái quát bằng hình ảnh trực quan.

          Lịch sử văn học Việt Nam nói chung, các nhà văn nhà thơ, không ít thì nhiều trong các tác phẩm của mình đều đã sử dụng phúng dụ trong nhiều thể loại như thơ, truyện ngụ ngôn, văn trào phúng, những sáng tác nghịch dị hay không tưởng.

          Với Nguyễn Anh Tuấn, nhà thơ tự do, phải nói là những trường hợp hiếm hoi, thơ với anh là nghề thực sự. Anh đã đẩy phúng dụ lên một mức mới trong tổ chức tác phẩm. Anh khẳng định điều này ngay tên từng bài thơ, đều có chữ “phúng dụ”; có thể trước, ví dụ “Phúng dụ trăng” hoặc “Phúng dụ đêm mèo”…

          Nguyễn Anh Tuấn sử dụng thể thơ tự do hậu hiện đại là chủ yếu, tuy vậy cũng có bài theo thể lục bát truyền thống, ví dụ: “Long lanh tiếng sáo màu trăng/ tròn đêm tố nữ náu vầng ca dao”, (Phúng dụ tiếng sáo); hoặc linh hoạt câu 7, câu 8, ví dụ: “Tôi chỉ có, duy nhất, một mẹ/ sinh và trao vinh dự làm người/ như thấu cảm công ơn này vô giá/ cánh hoa sen đã rước mẹ về trời”, (Phúng dụ mẹ).

          “Phúng dụ từ những đám mây” đa đề tài, tất nhiên phần lớn thế sự đã được đẩy lên bằng nghệ thuật thi pháp học. Dù là anh viết về Hà Nội hay tầng trời, viết về nụ hôn hay Di lặc. Kể cả có những tên bài thơ cập nhật những vấn đề rất thời sự như cách mạng công nghiệp 4.0 “Phúng dụ người 4.0”.

          Hà Nội

          Phồn hoa lắm

          Người đi

          Bóng dẫm bóng

          Mỗi nét văn trống đồng luôn kể rõ thiên cơ

          (Hà Nội)

Trong thế giới được sáng tạo bởi God

          Từ tầng trệt tới tầng cao

          Tất cả các tầng đều rất tinh khiết

          ….

          Trong thế giới mà, God chưa hoàn thành

          Biếc tận các tầng lời

          Con người mãi mãi buốt một sự khác biệt

          (Phúng dụ các tầng trời)

Theo GS. Trần Đình Sử, đặc điểm chung của thi pháp học cấu trúc là dựa vào mô hình ngôn ngữ, đó không chỉ vì ngôn ngữ là cơ sở của khoa học nhân văn và khoa học xã hội, mà còn vì họ nhận thấy mọi nhận thức không tách rời với sự ràng buộc của ngôn ngữ. Sự nhấn mạnh tính hệ thống đòi hỏi xem văn bản là một hệ thống hoàn chỉnh, coi trọng phân tích hình thức là yếu tố có ý nghĩa then chốt. M. L. Gasparov nói: “Thi pháp học cấu trúc không phải là thi pháp của các yếu tố tách rời, mà là thi pháp về các quan hệ của các yếu tố tạo nên tác phẩm”. Điều này dễ thấy qua “Phúng dụ từ những đám mây”.

Phúng dụ từ những đám mây” của Nguyễn Anh Tuấn có những bài thơ trữ tình tuyệt đẹp, đến mức long lanh, tinh khết trong cảm thức:

          Mặt đất một ngày rêu

          Xanh những giấc mơ huyền thoại

          Rối vào nhau hạnh phúc gồm khổ đau

          …

          Mặt đất một ngày tinh cầu số

          Ngày đó, phép thiêng ngôn ngữ mở

          Câu chuyện loài người được mở những đám mây

          (Phúng dụ từ những đám mây)

Đọc “Phúng dụ từ những đám mây” của nhà thơ Nguyễn Anh Tuấn dễ nhận thấy, những nhìn nhận đánh giá chân xác từng giá trị của lịch sử, cật vấn những thân phận người, về con đường riêng chung bằng “trái tim phúng dụ”. Nguyễn Anh Tuấn tạo được dấu ấn của Tượng trưngSiêu thực, nó nằm ở những mặt cắt của những mảnh không gian đan xen, tiếp nối, chồng lấn ngay trong tác phẩm đầu tay của mình.

          Có một điều thú vị, bài thơ cuối cùng (thứ tự 96) là bài “Phúng dụ người mẫu”:

Sự can dự của dao kéo

nàng rực rỡ như bông hoa đầy ắp mật ong

Này, chàng Passion

đừng sờ mó, đừng hôn

Hàng đẹp dễ tưởng tượng

nếu ăn nàng sẽ đắng hơn lá ngón!

Đây là sự sắp đặt có chủ ý của Nguyễn Anh Tuấn, có ý nghĩa như một “thông điệp phúng dụ”.

          Nguyễn Anh Tuấn tốt nghiệp Ngữ văn, học viết văn Nguyễn Du khoá 7. Đây là lợi thế, do vậy thi pháp Nguyễn Anh Tuấn khá vững, khác biệt. Anh khá khiêm tốn khi nói rằng: “Với tôi làm thơ là dâng hiến, tôi chỉ cần một người đọc cũng chấp nhận”.

Tháng 3/2020

N.Đ.H