Chuyên mục TRUYỆN HAY trong tuần này, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn LÊ QUANG TRẠNG.

Sẽ phát lần lượt vào các ngày thứ Ba, Tư, Năm, Sáu (21-24.3.2023)

Mời ace bạn bè đón nghe.

Truyện ngắn NGƯỜI NUÔI TRÂU TẾ

Truyện ngắn NGƯỜI THẮP ĐÈN CHO NÚI

Truyện ngắn NGƯỜI TRONG BÃO

Truyện ngắn THẮP ĐÈN TRONG BÃO

Lê Quang Trạng sinh ngày 17 tháng 01 năm 1996 tại huyện cù lao Chợ Mới, tỉnh An Giang. Anh bắt đầu sáng tác từ những năm ngồi trên ghế nhà trường tại trường Trung học cơ sở Nguyễn Quang Sáng tại quê nhà Mỹ Luông, Chợ Mới An Giang. Anh tốt nghiệp ngành Ngữ văn tại trường Đại học An Giang. Anh hiện công tác trong ngành văn hóa tại tỉnh An Giang và là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, hội viên Hội VHNT An Giang.

Lê Quang Trạng đã xuất bản các đầu sách như:

Dòng sông không trôi (tập truyện ngắn, 2016), Vệt sáng của bụi (tập truyện ngắn, 2022), Khói biên phương (tập truyện ngắn, 2022), Màu của lửa (tập truyện ngắn, 2022)

Thủ lĩnh băng vịt đồng (truyện dài, 2018, 2019), – Cá linh đi học (truyện dài)…

Ngoài ra:

Áp tai vào đất (tập thơ, 2017),

Những hạt bùn vạn dặm (tập tản văn)

Người chở chữ qua sông (tập bút ký, 2022),

Đạt được các giải thưởng: Giải Ba – Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần thứ VII (2019 – 2022); Giải A – Giải thưởng VHNT Huỳnh Văn Nghệ lần thứ VI (2016 – 2020), giải thưởng cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ quân đội (2018 – 2019), giải thưởng cuộc thi truyện ngắn tuần báo Văn nghệ (2015 – 2017), giải thưởng cuộc vận động sáng tác VHNT của Bộ Quốc phòng (2017), giải thưởng Tác giả trẻ của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (2016)…

– Giải Nhì cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Xứ Thanh (2015 – 2016),

– Giải Ba cuộc thi truyện ngắn và bút ký của tạp chí Cửa Việt (2018 – 2019),

– Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn báo Người lao động (2018 – 2019)

– Giải Ba cuộc thi truyện ngắn khu vực đồng bằng sông Cửu Long – 2019.

* Tác phẩm đã xuất bản:

– Dòng sông không trôi (tập truyện ngắn)

– Áp tai vào đất (tập thơ)

– Thủ lĩnh băng vịt đồng (truyện dài)

– Vệt sáng của bụi (tập truyện ngắn)

– Người chở chữ qua sông (tập bút ký)

– Những hạt bùn vạn dặm (tập tản văn)

– Khói biên phương (tập truyện ngắn)

– Cá linh đi học (truyện dài)…

NGƯỜI THẮP ĐÈN CHO NÚI

Tác giả: LÊ QUANG TRẠNG

Tự bao giờ, những ngọn núi đã chất chồng, ngồi kề nhau tạo thành một vùng sơn cước bí ẩn đầy hiểm trở, mà cũng chứa đựng sự hấp dẫn ngọt ngào, như tình yêu của đất trời tựu nở. Thầy mường tượng như vậy thi khai thác được trong thư viện những dòng chữ miêu tả về bản làng có cây thuốc Đăng Tâm. Những dòng chữ chạy trong đầu như những luồng điện mang đến bao cảm xúc. Có lúc thầy thấy lòng mình rộng mở mênh mông; có lúc lại thấy chùn bước trước sự hiểm trở của núi đồi và những khó khăn của bản.

Ngày tốt nghiệp, trùng hợp với ngày báo in phóng sự miêu tả về sự tuyệt chủng của cây Đăng Tâm và in hình đứa trẻ mù chữ, chân trần, cầm bao bì hộp bánh quy bị ngược. Hình như đứa trẻ rất muốn đọc những dòng chữ in trên chiếc hộp? – Thầy chợt lóe lên ý nghĩ ấy và thấy có một điều gì đó vừa tách vỏ tự đáy lòng mình, giống như hạt Đăng Tâm vừa nhú lên mầm sống!

Thầy đến núi khi áo vẫn xanh màu mây và tóc vẫn xanh màu ước vọng. Đường quanh co khúc khuỷu, cán bộ huyện đưa thầy băng rừng lội suối đến bản, đôi mắt như vừa mừng vừa lo: “Năm nào em cũng đưa thầy giáo lên đây, mấy bữa em lại lên đưa về”.

Nhưng lần ấy thầy lên ở núi rất lâu. Cho đến khi tôi ra đời và lớn lên, thầy vẫn ở đó. Tôi vẫn nhớ những ngày thơ ấu của mình với núi. Hồi ấy đường lên núi vẫn là những lối mòn quanh co, đoạn là bậc thang, đoạn là đường mòn phải lách người qua các mỏm đá. Mỗi sáng tinh mơ thầy thức dậy nấu cơm, hái đầy một giỏ rau rừng, một vài nắm lá thuốc. Mặt trời nhú lên phía cánh đồng ở chân núi, tôi thức dậy ăn cơm rồi thầy dắt tay tôi xuống núi. Có những ngày mưa rừng rả rít, thầy cõng tôi lên lưng, rồi phủ tấm ni lông che cho hai thầy trò đỡ lạnh. Tôi áp mặt vào cổ thầy, hai tay choàng ra phía trước, cầm lấy cái giỏ đựng rau rừng hoặc vài nải chuối, củ khoai, lá thuốc. Mớ rau củ ít ỏi đó, thầy đổi lại được ít muối đường, mì gói để buổi chiều bên mâm cơm, còn có mớ canh là tô mì tôm nghi ngút khói bay bay. Thầy hay nói, “hồi ấy con bị còi xương, nên nhẹ câng nhỏ xíu”. Điều đó an ủi tôi rằng, cõng đứa trẻ còi xương xuống núi sẽ không quá cực nhọc như cõng một bao gạo ba mươi ký lô.

Mấy năm sau, người ta mở một con đường lộ nhỏ từ chân núi đến ngôi chùa trên đỉnh gần chạm với mây. Thầy không còn phải đưa rước tôi ngày hai bận nữa. Mỗi ngày tôi chờ đến buổi, những đứa trẻ trong bản đi ra, các chú tiểu mồ côi trên chùa sẽ lội bộ xuống núi đi học, đi ngang trường thế nào cũng rủ tôi đi cùng. Một bầy trẻ lao xao đi học, mỗi đứa kể một câu chuyện về mình. Có đứa ba mẹ ly dị nên được gửi lên chùa; có đứa cha chết, mẹ có chồng khác nên cũng lên đây. Riêng tôi, tôi không có câu chuyện nào thê thiết và sinh động, ngoài lời thầy kể, thầy sinh ra tôi vào một bữa mưa đêm.

Những đứa bạn không tin điều tôi nói. Bọn nó bảo rằng, một ông thầy giáo sao lại có thể sinh ra tôi được? Chắc chắn rằng tôi phải có mẹ, nhưng mẹ tôi là ai? Tôi về trường hỏi thầy, thầy nói lớn lên rồi con sẽ biết. Nhưng tôi muốn biết, ít ra để mình cũng có một câu chuyện rõ rành, bọn bạn sẽ không cười tôi, “đồ không có gốc gác quê hương”.

Nỗi tò mò của tôi sau nhiều ngày dậy lên đã được một bà bán rau ở chân núi giải đáp. Bà kể rành rọt đầu đuôi rằng, năm xưa khi thầy còn trẻ ơi là trẻ, thầy đã đến ngọn núi này. Ngọn núi chỉ có mấy mươi nóc nhà và một ngôi chùa nhỏ nuôi trẻ mồ côi trên ngọn núi. Người ta gom lại thì được hơn chục đứa trẻ con. Sư thầy ở chùa thấy không thể để đám trẻ mù chữ nên đã xin với nhà nước mở một trường tiểu học nhỏ ở mảnh đất lưng chừng núi. Ngôi trường đơn sơ một phòng học và một phòng làm nhà ở cho thầy giáo. Năm ấy vừa mới ra trường, thầy đã tình nguyện về vùng sâu vùng xa này để hai năm sau sẽ được chuyển thẳng về gần nhà, sớm nhất.

Vừa kể, bà bán rau vừa thêm mấy câu phụ đề, làm lòng tôi buồn thêm biết mấy:

– Nhưng mọi thứ đâu phải khi nào cũng giống hệt liệu định của con người. Thầy ở lại đây mười mấy năm rồi, chắc phải đến về hưu mới “xuống núi được”.

Bà ngưng kể hồi lâu, như trong bà cũng cần chờ cho nỗi lòng lắng xuống.

Trường lập được một năm, thì một đêm mưa có tiếng trẻ con khóc ở hành lang trường. Ban đầu tưởng tiếng mèo kêu, nhưng lòng thầy thấy bất an lạ, nên bước ra xem thì bắt gặp được tôi. Khi ấy tôi là đứa trẻ sơ sinh nằm trong cái giỏ quần áo, kèm theo lá thư. Tôi chỉ biết nội dung lá thư qua lời kể của sư thầy trên núi, rằng mẹ tôi là đứa trẻ mồ côi của bản. Ban ngày mẹ lang thang xuống núi, đêm lại về bản ngủ. Năm đó mười bảy tuổi, mẹ sinh ra tôi. Nhưng không ngờ tục tệ của bản không chấp nhận một đứa trẻ không cha nhập khẩu. Trừ khi phải tìm cho được hạt Đăng Tâm, tắm gội rửa tội cho mẹ con đứa nhỏ. Cây Đăng Tâm đã tiệt chủng từ rất lâu, và tộc trưởng cũng không thể nào chấp nhận đứa trẻ khác màu da của tộc. Vậy là mẹ phải rời bản ra đi, trong lúc không biết phải làm gì để nuôi được đứa nhỏ, mẹ đã bỏ tôi lại ngôi trường.

Tối ấy khi đi theo tiếng khóc và tìm thấy tôi, thầy hoang mang đem đứa nhỏ vào phòng, đốt lửa hơ cho ấm lại. Trong sự bối rối vô cùng, thầy quấn tôi lại bằng mấy lớp áo bông. Bận áo mưa thầy băng lên đỉnh núi nơi ngôi chùa vẫn còn thoảng bay mùi nhang công phu.

Sư thầy và những người ở núi đã cưu mang lấy tôi ở chùa cùng đám trẻ mồ côi. Đến khi tôi biết ăn thì thầy đón tôi về lại trường. Năm ấy vẫn chưa có giáo viên nào lên núi thay thế, thầy cũng không nộp đơn xin về quê. Vậy là số phận của tôi lại gắn thầy lại nơi này, tưởng vài ba năm thôi, đâu ngờ đến hơn chục năm mà thầy vẫn chưa “xuống núi”.

Tôi đem câu chuyện về hỏi thầy có đúng như vậy hay không, trong những giọt nước mắt rơi như không bao giờ cạn được. Thầy ôm tôi vào lòng, “con có thầy, có ông bà, con không phải mồ côi, Hiếu!”. Lòng tôi dịu lại, những giọt nước mắt ngừng rơi, tôi mệt sau cơn khóc như mưa nên đã thiếp đi tự bao giờ.

Tôi thường có nỗi nhớ ông bà như những đứa trẻ khác nhớ thương nội ngoại. Thầy nói, ông bà cũng là ông bà nội của con đó thôi. Tôi thấy rất đúng như vậy. Từ những năm ấu thơ, cứ vài tuần ông bà lại từ quê lên núi thăm thầy và tôi. Ông mang theo khô mắm, gạo muối và những quyển sách đầy màu sắc. Bà mang cho tôi những bộ quần áo bông dày và những món đồ chơi đâu phải đứa trẻ nào cũng có.

Có đoạn ông bà lên thăm thầy và tôi, đêm ngủ lại, tôi nghe bà và thầy nói chuyện. Câu chuyện có lúc sôi nổi, có lúc lại lặng im như cả hai đã chìm vào giấc ngủ lãng quên, nhưng tôi biết làm sao bà và thầy quên đi được những trằn trọc trong lòng. Lớn hơn tôi mới hiểu, những lần thầy gửi tôi ở chùa để về quê, là những lần thầy nghe lời mẹ cha, đi hỏi vợ. Nhưng rồi dẫu người ta có thương thầy đến đâu thì cũng không ai chịu theo thầy lên vùng núi hoang sơ hẻo lánh này để ở. Cũng không ai chấp nhận có một người chồng, mà thời gian ở trên núi nhiều hơn ở nhà. Tôi chỉ biết cụ thể  như vậy, dẫu biết rằng còn nhiều điều khác nữa, níu chân thầy lại nơi đây. Có đôi lần tôi hỏi, sao thầy không lấy vợ cho con có cô? Thầy cười nói, chừng nào cây thuốc Đăng Tâm ra trái, thì thầy mới cưới vợ!

Tôi vẫn thường tò mò hỏi thầy bao điều thắc mắc, khi đêm về thầy thắp những ngọn đèn ở phía vườn thuốc bên hông trường. Người ta nói rằng, cây phải hấp thụ nhiều ánh sáng hơn bóng tối thì mới ra hoa. Thầy đã phải vào bản làm quen và chịu nhiều thách thức để được tộc trưởng hài lòng cho lui tới. Thầy truy tìm suốt mười mấy năm qua mới ra được cây Đăng Tâm cứ tưởng rằng đã tuyệt chủng lâu rồi. Thầy đem cây về mày mò nghiên cứu, thì ra đây là một giống thuốc quý của ngọn núi này, thuốc có công dụng làm người ta mở lòng và yêu thương nhau hơn. Thầy đã dốc lòng trồng cho cây Đăng Tâm sống, bước đầu thành công ấy đã giúp thầy thuyết phục được tộc trưởng cho những đứa trẻ xuống trường học chữ. Thầy hay nói với tôi rằng, khi nào cây Đăng Tâm ra trái, thì thầy mới yên tâm trở về quê.

Nhưng những người ở xóm núi nói rằng, thầy chờ mẹ tôi đến rước, thì thầy mới chịu về. Người ta thổi nên những đồn đoán về mối quan hệ của thầy và một người nào đó được gọi là mẹ tôi. Họ nói tôi chắc chắn là con ruột của thầy. Bao điều thị phi dưới chân núi, thầy bỏ hết ngoài tai. Thầy miệt mài với miền núi này, với tôi, những đứa trẻ mồ côi trên chùa, những đứa trẻ đen đúa chân trần ở bản và cả những cây thuốc Đăng Tâm chỉ duy nhất vùng này có được.

Những ngày hè, tôi thường được thầy dắt về quê chơi, nhưng cũng không lâu lại lục đục trở về khi nghe tin thằng Tịnh bị té núi bởi ở nhà chơi, để cha mẹ lên nương. Từ đó thầy ít khi về quê những dịp hè. Thầy ở lại núi, mở lớp dạy đám trẻ rèn chữ, rèn toán, rồi tổ chức cho chơi đùa. Những trò chơi tuổi thơ bên cây lá và đá núi không bao giờ tắt ở mảnh sân trường nhỏ. Để rồi khi chúng tôi qua năm lớp học tiểu học của thầy, xuống núi vào trung học, vẫn không thua chúng bạn chút nào. Người ta không tin rằng ở ngọn núi thiếu thốn trăm bề, những đứa trẻ vẫn làm toán rất nhanh và tả về buổi khai giảng vô cùng sinh động. Đâu ai biết rằng thầy đã vẽ cho chúng tôi rất nhiều bức tranh, thầy đóng vai thầy hiệu trưởng, phụ huynh, đại biểu; thầy vẽ ra cái trống và tả âm thanh cái trống “tùng tùng”. Để những đứa học trò chưa bao giờ biết ngày khai giảng, vẫn thuộc lào lào bài hát quốc ca và hình dung buổi lễ đầu tiên của năm học như thế nào.

Thấm thoát, tôi sắp bước vào kỳ thi phổ thông của đời mình. Thầy hỏi, con thích thi vào ngành gì. Tôi trả lời rằng con thích ngành y. Con muốn học để đem kiến thức có được về lại núi, mở trạm xá như thầy năm xưa đã đến đây dạy học. Thầy vừa mừng vừa lo, mừng bởi tôi yêu ngọn núi như yêu quê hương ruột thịt, nhưng lo vì đồng lương nhà giáo và thu nhập từ những bó rau của thầy, khó mà nuôi tôi học đủ đầy đến nơi đến chốn. Tôi thấy sự lo âu ấy trong mắt, dẫu thầy chưa bao giờ nói ra điều ấy.

Những ngày thi gần đến, tôi lại thấy thương thầy hơn. Tôi vừa muốn học y mà cũng vừa muốn sẽ học sư phạm để về đây thay thầy giữ lửa ngôi trường. Những lần thấy ông bà ngày một già nua mà vẫn phải hàng tháng từ quê khăn gói lên thăm thầy, lòng tôi vừa buồn vừa thấy mình cần làm gì đó để thầy và ông bà đỡ cực khổ hơn. Không biết, những ngày ở núi, với thầy có cực khổ như tôi nghĩ hay không?

Tôi thi tốt nghiệp vừa xong, kết quả tất cả những đứa trẻ ở núi đều đỗ điểm cao. Thầy mừng vui gọi điện về khoe với ông bà, như những đứa con ruột của thầy vừa trải qua một chặng đường gian nan và thắng lợi. Niềm vui ấy vẫn sẽ không bao giờ gián đoạn, nếu không có chuyện người đàn bà xa lạ tìm đến gặp thầy.

Hôm ấy trời chập choạng tối, tôi vừa đi ôn tập trở về. Đang trong niềm vui khoe với thầy những bài toán khó tôi vừa giải xong một cách nhanh như chớp, thì người đàn bà xuất hiện ở trường làm tôi sựng lại. Xưa nay vào những buổi chiều tối, hầu như ít ai đến trường ngoài những đứa trẻ. Tôi bước vào căn phòng, gật đầu chào người đàn bà, bà ta nhìn tôi đôi mắt bà ứa lệ. Thầy nói:

– Thằng Hiếu năm nay mười tám tuổi.

Người đàn bà bỗng ôm tôi vào lòng, bà khóc như mưa:

– Con ơi, con ơi, mẹ nè con ơi!

Tôi không quen cảnh này, nên vùng ra. Bà bất ngờ, rồi hai tay ôm mặt khóc:

– Đến con tôi nó cũng không nhận ra tôi, trời ơi, quả báo này tôi phải chịu hay sao?

Thầy đứng dậy lại gần tôi, giấu nỗi xúc động trong lòng, thầy nói:

– Mẹ của con nè Hiếu, con gọi mẹ, để mẹ đừng buồn, con!

Tôi vẫn đứng yên trong cảm xúc trắng xóa vô cùng, không nói gì cả, tôi bước ra sau bếp với niềm suy nghĩ mông lung.

Đêm ấy người đàn bà xuống núi. Trước khi đi, bà vẫn nói với thầy, “mong thầy suy nghĩ cho thật kỹ”. Bà đi. Thầy nhìn theo bà rồi nhìn vào ngôi trường có những nhánh cây Đăng Tâm vẫy theo gió, lác đác vài chiếc lá rơi về cội, mông lung!

Thầy trằn trọc không ngủ cả đêm, sáng ra mắt thầy mệt rõ. Thầy gọi tôi lại rồi nói:

– Hiếu này, ai cũng phải có cha có mẹ. Công ơn sinh thành không có gì sánh bằng đâu con. Mẹ đã đến tìm con, con hãy nhận mẹ, để mẹ đừng buồn.

Tôi lặng im rất lâu, thầy cũng lặng im, tôi nghe mũi thầy nghèn nghẹn. Tôi: “Dạ thầy”. Thầy ngước mặt nhìn tôi rồi nói tiếp:

– Con theo mẹ về phố nha, ở đó con sẽ tiện bề học ngành nghề con yêu thích, con sẽ có tương lai tươi sáng.

Nghe thầy nói tới đây, không hiểu sao tôi bỗng buồn rười rượi. Tôi không chịu, nhất quyết không chịu. Tôi vừa khóc vừa bỏ đi về phía chân núi, thầy chạy theo, tôi nghe tiếng thầy càng lúc càng xa. Bất giác có tiếng cành cây rơi, quay lại nhìn, thầy trợt trên con lộ ướt đẫm mưa và gió. Tôi chạy lại đỡ thầy lên, thầy trầy trụa, máu thấm cả chiếc áo dài tay. Thầy gượng ngồi dậy rồi cố cười, “thầy không sao, Hiếu”.

Trong mắt thầy chở nhiều nỗi niềm lặng im không nói. Tôi dìu thầy về, lòng bỗng đau như cắt. Thầy nói, “Hiếu à, con nghe lời thầy nha con”. Giọng thầy chùn xuống thấp. Tôi bỗng thấy sợ, tôi sợ một ngày thầy già đi, thầy ở ngọn núi này trong sự cô độc.

Người đàn bà vẫn đến trường trong ngày hôm đó và hôm sau. Tôi và thầy không nhắc đến chuyện về phố nữa nhưng tôi biết ai trong chúng tôi cũng có những nghĩ suy rất mênh mông. Hôm thứ ba, người đàn bà ít khóc hơn, nhưng mắt bà vẫn đỏ. Bà đi những bước khó khăn mệt nhọc bước vào phòng. Tôi lấy chiếc ghế mời bà:

– Mẹ ngồi đi mẹ.

Bà òa khóc ôm chầm lấy tôi, “con về phố với mẹ nghen con, nghen con”. Tôi dụi nước mắt gật đầu. Thầy nhìn tôi xúc động, nỗi buồn vui lẫn lộn không nói nên lời. Mẹ ôm tôi khóc mừng như mong ước cả đời của bà đã thành hiện thực.

Tôi theo mẹ xuống núi, thầy đứng ở cổng trường cùng đám bạn nhìn theo không ngớt. Điều lạ, hôm ấy tộc trưởng và nhiều đứa trẻ của bản cũng đến tiễn đưa tôi. Thầy dúi vào tay tôi một cái túi nhỏ, “cây Đăng Tâm đã ra trái rồi đó con”.

Tôi vẫn giữ cái túi hạt Đăng Tâm khi về phố, mỗi khi yếu lòng tôi mở túi ra xem, lòng bỗng thấy ấm lại vô cùng. Cái ấm như những ngọn đèn soi cho cây Đăng Tâm trổ hoa nơi ngọn núi phía xa, lan tỏa và sưởi ấm. Nơi ấy có thầy và bè bạn của tôi, họ vẫn không thôi thắp đèn, thắp lòng mình cho cây Đăng Tâm nở mãi…