Bài và ảnh:Đức Hòa, Đào Hiệp

Nhóm múa Tắc Xình luyện tập.

Đó là người góp công phục dựng điệu múa cổ gần nghìn năm tuổi của đồng bào Sán Chay, sử dụng thành thạo các bộ gõ, có thể nhảy Tắc Xình, hát Sấng Cọ: ông Bùi Quang Sơn, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Từ lâu ông đã được bà con gọi thân mật là “người phục dựng điệu múa cổ của bản”.

Rộn ràng điệu múa cổ

Những ngày đầu xuân, chúng tôi theo chân ông Bùi Quang Sơn về xóm Đồng Tâm (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) xem múa Tắc Xình. Thời gian này, khi nhiều dân tộc sinh sống trong cả nước tưng bừng mở hội, cũng là lúc người Sán Chay bước vào lễ hội cầu mùa. Điệu múa Tắc Xình trong lễ hội cầu mùa để cầu thời tiết thuận lợi, muôn loài sinh sôi, ngô lúa được mùa, cầu cho bản làng bình yên, hạnh phúc. Đó cũng là vũ điệu thể hiện đạo lý tưởng nhớ tổ tiên, là cầu nối tâm linh giữa đất trời và lòng người, cõi sống và cõi chết, thế hệ trước và thế hệ sau, thắp lên niềm tin, khát vọng chinh phục thiên nhiên của người dân lao động.

Tại nhà văn hóa xóm Đồng Tâm, để chuẩn bị cho lễ hội, nghệ nhân ưu tú Hầu Thanh Tĩnh cùng đội múa của xóm luyện tập các động tác. Tiếng nhạc vang lên rộn ràng “tắc tắc xình, tắc tắc xình, tắc xình…”. Qua giới thiệu của ông Bùi Quang Sơn, chúng tôi được biết, nhạc cụ chính của múa Tắc Xình là bộ gõ bằng tre, nứa. Ngoài ra, đồng bào Sán Chay còn làm một chiếc trống đất đặc biệt sử dụng trong điệu múa. Trống đất được tạo ra từ chiếc hố sâu, bên trên phủ miếng vỏ từ cây trẹo vừa kín miệng hố. Người ta căng một sợi dây rừng ngang mặt hố rồi lấy que nhỏ chống lên tại trung tâm. Người đánh trống chỉ cần dùng chiếc que gõ vào sợi dây tạo nên những âm thanh thâm trầm. Giữa không gian núi rừng, âm thanh lách cách của bộ gõ, trầm trầm của trống đất, tiếng vang rền của kèn Pó lè tạo nên tiết tấu rộn ràng cho điệu múa cổ.

Đội múa đang luyện tập điệu thứ sáu trong tổng số chín điệu mô phỏng là “phát nương dọn rẫy”. Bốn cặp nam nữ trong trang phục truyền thống của đồng bào Sán Chay thực hiện động tác một cách thuần thục. Theo nhịp gõ, người đi trước chân nhảy, tay cầm một đoạn gậy được đẽo tượng trưng như con dao dài vung lên rồi phạt chéo xuống như đang phát cỏ. Người đi sau cũng thực hiện động tác nhảy, theo nhịp cúi xuống, hai tay vơ cỏ rồi bỏ sang hai bên. Cứ thế thành hàng ngang đến hết chiều ngang khu vực hành lễ.

Khi dừng tập, nhận ra ông Sơn, các thành viên trong nhóm múa tiến đến, mọi người trò chuyện thân mật như chào đón người con của bản. Nghệ nhân ưu tú Hầu Thanh Tĩnh chia sẻ với chúng tôi: “Với 20 thành viên, chúng tôi vẫn duy trì luyện tập cuối mỗi tháng. Những nghệ nhân cao tuổi vừa chỉnh bộ gõ, vừa góp ý cho lớp trẻ luyện múa Tắc Xình. Để có được như ngày hôm nay đều nhờ công ông Sơn cả. Nếu không có sự quan tâm, vận động từ ông Sơn có lẽ điệu múa cổ của đồng bào Sán Chay đã không còn ai nối nghiệp”.

Ông Bùi Quang Sơn tìm hiểu động tác múa với nghệ nhân Hầu Văn Đạo.

“Bám bản” để bảo tồn di sản

Những năm đầu của thập niên 90, từ khi còn là giáo viên dạy văn hóa trên địa bàn huyện Phú Lương, ông Bùi Quang Sơn đã có duyên tiếp xúc với điệu múa Tắc Xình. Ông nhớ lại: “Ngày đầu xuân, nhận lời mời của người bạn, tôi về Đồng Tâm dự lễ hội của xóm. Ngay lần đầu được xem điệu múa cổ, tôi đã bị cuốn hút và nhập cuộc bằng cách chơi trống, gõ nhạc và nhảy múa như người con của bản. Vui cùng bà con nhưng tôi chợt nhận ra tham gia trình diễn đều là nghệ nhân lớn tuổi, những động tác không còn nhanh và bài bản nữa. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ thật đáng tiếc nếu sau này thế hệ trẻ của đồng bào Sán Chay không còn biết đến điệu múa cổ của dân tộc mình”.

Năm 1996, ngay khi nhận công tác ở Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Lương, ông Bùi Quang Sơn có thêm quyết tâm thực hiện việc bảo tồn điệu múa cổ của dân tộc Sán Chay. Chuẩn bị kỹ lưỡng từ máy ghi âm, máy quay, ông đến gõ cửa từng nhà nghệ nhân. Từ nghệ nhân Hầu Văn Đạo, Chạc Thị Hậu, Hầu Thanh Tĩnh (xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh), Trần Văn Tài (xóm Đồng Tiền, xã Yên Lạc), Vi Văn Cài (xóm Pháng 3, xã Phú Đô) đến nghệ nhân Trần Kim Phúc (xóm Khe Thương, xã Yên Đổ), La Ngọc Phẩm (xóm Đồng Danh, xã Yên Ninh)…

Những ngày cùng ăn, cùng làm việc với các nghệ nhân giúp ông Bùi Quang Sơn bổ sung được nhiều kiến thức vào kho tàng hồ sơ múa Tắc Xình. Ông Sơn nhớ nhất là lần được tiếp cận với bộ sách quý bằng chữ Hán về nghi thức tiến hành lễ hội cầu mùa và điệu múa cổ Tắc Xình đang được lưu giữ tại gia đình nghệ nhân Hầu Thanh Tĩnh. Ông nhớ lại: “Có được bộ sách quý, tôi say mê lắm! Bằng vốn liếng ít ỏi về chữ Hán và sự giúp đỡ của đồng nghiệp, tôi đã chuyển ngữ nội dung của bộ sách. Đây là những tư liệu quan trọng trong việc phục dựng điệu múa đúng nghi thức cổ của đồng bào Sán Chay”.

Sau khi tổng hợp thông tin, tư liệu, ông Sơn trở về xóm Đồng Tâm để phục dựng điệu múa cổ. Khó nhất với ông lúc này là tập hợp được nhóm múa trẻ làm hạt nhân cho việc bảo tồn. Ông Sơn cùng ông Bế Văn Tiến, trưởng xóm Đồng Tâm gõ cửa từng gia đình thuyết phục thanh niên đi học múa. Cuối cùng, tập hợp lại cũng được 15 người. Nhiều người dù làm việc xa nhà nhưng vẫn nhận lời theo tập. Điển hình như anh Hầu Văn Tuân, sinh năm 1988, đang làm việc trên thành phố Thái Nguyên, cuối tuần vẫn tranh thủ về nhà học múa Tắc Xình. Anh Tuân tâm sự: “Ban đầu, tôi nghĩ con trai mà đi nhảy, múa thì xấu hổ lắm. Nhưng khi nghe bác Sơn nói về cái hay, cái đẹp của điệu múa cổ truyền dân tộc mình, tôi thích lắm! Chính vì vậy, tôi theo học với mong muốn hiểu hơn và giới thiệu cho các bạn mình”.

Không chỉ xây dựng đội múa trong các bản làng, ông Bùi Quang Sơn còn đề xuất với UBND huyện Phú Lương đưa múa Tắc Xình vào chương trình hoạt động ngoại khóa trong các nhà trường trên địa bàn huyện. Các nghệ nhân sẽ trực tiếp truyền dạy cho các em những kỹ thuật cơ bản của điệu múa, đồng thời giúp các em cảm nhận được vẻ đẹp văn hóa trong từng động tác.

Trước khi chia tay xóm Đồng Tâm, chúng tôi còn được ông Bùi Quang Sơn chia sẻ về những dự định lớn của mình: “Tôi và các cộng sự đang xây dựng ý tưởng hình thành mô hình du lịch trải nghiệm ở Đồng Tâm: du khách được ăn, ở, mặc, múa Tắc Xình, hát Sấng Cọ… Điều này, nếu thành công không chỉ phát triển du lịch địa phương mà còn giúp nghệ nhân yên tâm gắn bó với quá trình bảo tồn di sản”.

Đánh giá cao những hoạt động của ông Bùi Quang Sơn, ông Phạm Thái Hanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Dưới sự quản lý của ông Bùi Quang Sơn, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Lương là đơn vị đi đầu trong công tác bảo tồn di sản văn hóa của tỉnh. Hiện nay, huyện có 66 nghệ nhân thường xuyên truyền dạy điệu múa cổ tại các xóm bản. Đã có sáu trường học trên địa bàn huyện Phú Lương thành lập câu lạc bộ nhảy múa Tắc Xình với 126 học sinh đang tham gia luyện tập múa định kỳ”.

Theo Báo Thời Nay

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài