Phần 13

Lưỡi dao cứa vào tim

Thứ ba ngày mùng 2 tháng Năm năm 2000.

Jansen Morati dậy rất sớm. Chưa đến sáu giờ sáng. Ông liếc nhìn bức ảnh chụp mẹ. Bà vẫn đó. Ông cảm giác mẹ như đang hiện ra trước mắt mình chứ không phải là một tấm ảnh chụp thông thường. Ông mỉm cười với bà đầy trìu mến. “Hẹn lát nữa gặp lại mẹ” – ông nói.

Hôm nay là một ngày trọng đại đối với ông. Hôm nay ông sẽ lần đầu liên hệ với mẹ sau khi đã bặt tin bà từ tuổi lên ba. Lần đầu tiên hai mẹ con sẽ nói chuyện với nhau sau bốn nhăm năm xa cách. Sẽ là một thời điểm mấu chốt đối với cả hai mẹ con. Với mẹ, vì mẹ không hình dung được một ngày kia sẽ gặp lại con trai mình. Với ông, vì ông thật sự không còn nhớ gì về mẹ. Sẽ là một ngày tim đập dồn dập trong lồng ngực. Ông muốn nhìn thấy bà bằng xương bằng thịt hơn. Nhưng Chúa đã quyết định khác, Jansen Morati tin chắc Chúa đã sắp đặt vậy là để tránh cho hai người quá nhạy cảm không vì quá xúc động mà lên cơn đau tim đột ngột. Cuộc gặp mặt giữa hai mẹ con trước sau gì cũng diễn ra trong một tương lai gần, được chia làm bốn chặng để họ có thể chịu đựng cơn đại hồng thủy cảm xúc đã lên tới đỉnh điểm.

Chặng thứ nhất là người này biết đến sự tồn tại của người kia. Chặng thứ hai, Jansen nhận được ảnh của mẹ. Chặng ba, hai mẹ con sẽ nói chuyện qua điện thoại, chính là ngày hôm nay, chỉ lát nữa thôi. Chặng thứ tư, hai mẹ con sẽ được gặp nhau, chắc chỉ trong khoảng bảy mươi hai tiếng đồng hồ tới. Kéo dài hạnh phúc với cường độ tăng dần thế này cũng không phải là điều xấu, và những điều xảy đến với Jansen thật kỳ lạ.

Trong gần bốn tiếng nữa thôi, một ngày mới bắt đầu cho riêng ông. Một vầng thái dương đặc biệt tỏa sáng rực rỡ cho riêng ông. Nhưng từ bây giờ đến lúc đó, bốn tiếng đồng hồ nhỏ nhoi với ông như kéo dài vô tận. Thật khó kiên nhẫn khi người ta biết trước một sự kiện quan trọng đến thế sắp xảy ra, ông kết luận. Cần dốc hết thể lực và trí lực để đối đầu với nỗi chờ đợi tưởng như kéo dài không dứt này. Đây là cách trường đời tôi luyện phẩm cách và tính khí của con người. Ngay cả khi đứng dưới vòi sen nước chảy ào ào ông vẫn không thể dứt ra khỏi chuyện đó. Ông chỉ nghĩ đến cuộc hẹn sắp tới với mẹ. Ngồi trước màn hình tivi ông cũng không thể tập trung theo dõi chương trình đang phát sóng. Ông đến ngồi vào ghế bành để mặc những ý nghĩ lẩn quẩn trong đầu và những hình ảnh choán hết tâm trí cuốn theo.

Ông hình dung mẹ cũng đang nóng ruột như mình. Đêm qua chắc bà cũng không chợp mắt được là bao. Chắc bà cũng đang nóng lòng chờ đến 10h để nói chuyện điện thoại với con trai. Hẳn bà đang tự đặt ra cho bản thân rất nhiều câu hỏi về con trai, ông nghĩ vậy. Nó trông thế nào? Trông giống ai? Vóc dáng, thân hình ra sao? Nó cao hay thấp, có vạm vỡ không? Làm thế nào nó lần hỏi được tin tức về bà? Có tốn kém lắm không? Nó có gặp nhiều trở ngại không? Nó làm nghề gì tại Bờ Biển Ngà? Nó còn đi làm không? Làm trong ngành nào? Nó đã lấy vợ, có con chưa? Sinh được mấy đứa? Nó có chấp nhận để bà cùng về Bờ Biển Ngà không? Liệu bà có thể tạm xa chồng con, xa gia đình một thời gian không? Bao giờ nó mới đến gặp bà? Nên chọn thời điểm nào để tổ chức cuộc gặp mặt này? Bà sẽ chuẩn bị đón nó thế nào đây?

Jansen Morati không ngừng đặt ra một loạt các câu hỏi. Sức khỏe mẹ có được tốt không? Mẹ đã sống thế nào sau khi chia tay cha? Bà đã phải chịu đau khổ, thậm chí tủi nhục đến mức nào? Và nếu bà hỏi về em gái ông? Biết nói sao đây? Trả lời bà thế nào? Nếu bà đòi nhìn ảnh con gái? Jansen quyết định sẽ thú thật tất cả với mẹ lúc gặp trực tiếp chứ không phải qua điện thoại.

Nhắc đến những kỷ niệm về em gái Làn, nước mắt lại giàn giụa trên má ông. Ông rất muốn hôm nay em gái cũng có mặt để chung vui, vì hai anh em đều cùng một mẹ sinh ra. Làn luôn chiếm một vị trí quan trọng trong lòng ông. Nó vẫn sống mãi trong tâm trí ông. Nhất là từ ngày còn theo học trong khu nội trú Viện Thiên chúa giáo Taloa ông suy ra em gái đã đánh thức mình dậy ba đêm liên tiếp để chuyện trò. Hồi đó do còn quá nhỏ ông sợ phải nói chuyện với em gái thì đúng hơn. Thậm chí ông còn từ chối không nghe những lời nó nói. Lớn lên rồi, ông rất muốn chuyện đó lại diễn ra. Nhưng than ôi! Kể từ đó ông tin chắc rằng em gái luôn ở bên ông. Ông hưởng quá nhiều hạnh phúc bất ngờ đến mức khó có thể nói chỉ là nhờ may mắn, ngẫu nhiên hay do năng lực của ông. Một bàn tay đầy lượng khoan dung đã thường xuyên che chở cho ông và những người thân. Ông tin như thế. Chính vì vậy, không ngày nào là ông không nghĩ đến em gái, vừa trìu mến, yêu thương, vừa biết ơn. Ông vẫn thường nói chuyện với em gái khoảng nửa tiếng đồng hồ trước khi đi ngủ. Đó là thời gian ông tập trung cao độ, mỗi lần như thế ông lại trò chuyện như thể nó đang ở ngay trước mặt ông. Ông thường xuyên tâm sự với em, chia sẻ với nó niềm vui, cả những nỗi buồn, đau khổ, thất vọng và cả những hy vọng. Ông tin là nó đang lắng nghe những lời ông nói. Ông cảm nhận rất rõ sự hiện diện của em gái trong khoảng tranh tối tranh sáng của căn phòng, dù ông đang ở đâu đi nữa. Ông không ngần ngại bảo nó cùng chinh phục thử thách, tham khảo ý kiến nó trước khi đưa ra một quyết định quan trọng. Ông coi nó như một nơi trú ẩn an toàn. Ông tỏ ý biết ơn nó vì những điều tốt đẹp xảy đến với mình mà ông chắc chắn nó đã biết rõ. Cách giao tiếp này với cô em gái luôn khiến ông thấy dễ chịu trong người. Ông không bao giờ bỏ qua cuộc trò chuyện này cả. Chính vì vậy mà hình ảnh về em gái ông lưu giữ trong tim rất đậm nét. Tình cảm ông dành cho em gái cũng rất sâu đậm.

Chính vì lý do này mà ông đặc biệt gắn bó với hai cô con gái Chamie và Loan Fatim, vì mỗi lần nhìn chúng ông như gặp lại gương mặt người em gái thân thương của mình. Ông rất khổ tâm khi chỉ có một thân một mình đến gặp mẹ, buồn vì em gái không có mặt. Nhưng ông tự nhủ từ trong thế giới phi vật chất của mình, Làn sẽ góp mặt trong cuộc gặp này. Làn sẽ hãnh diện vì anh trai mình đã giữ trọn lời thề sẽ tìm lại mẹ.

Dòng suy nghĩ của Jansen Morati gián đoạn bởi lễ tân khách sạn mang bữa sáng lên phòng đang gọi cửa. Ông vội lau dòng nước mắt đang chảy trên má. Mình phải ăn thật nhiều, ông nghĩ, để đủ sức khỏe chống lại cơn sốc tình cảm, nếu không muốn nói là cơn địa chấn cảm xúc đang chờ đợi ông. Chỉ còn hai tiếng nữa thôi là ông sẽ được sống trong một niềm hạnh phúc vô biên.

Ông nhìn về phía ảnh mẹ để ra dấu cho bà biết rằng thời gian đã gần kề, không thể thay đổi được. Ông cẩn thận cho bức ảnh vào một phong bì cỡ lớn.

Ông Văn Kim đến khách sạn đón ông cùng đi đến xứ đạo Phương Liệt để gặp ông Nguyễn. Bà Nguyễn vẫn tiếp đón họ niềm nở và thanh lịch như lần trước. Ông Nguyễn xin lỗi vì bận việc đột xuất nên không thể đi cùng họ đến Phương Liệt. Ông báo cho biết Tiêu và trưởng thôn Ngọc đang chờ họ ở làng, ông vừa nói chuyện với họ qua điện thoại. Ông Văn Kim và Jansen Morati lên xe thẳng hướng làng Phương Liệt. Họ gặp ngay Tiêu và ông Ngọc.

– Hy vọng những ngày lưu lại Hà Nội cậu thấy dễ chịu. Đêm qua ngủ ngon chứ? – trưởng thôn Ngọc hỏi Jansen.

– Tôi hầu như đã sẵn sàng cho cuộc gặp đáng nhớ này rồi.

Tiêu chia sẻ:

– Cô sẽ rất mừng được gặp con trai, Jansen ạ. Chắc cô đang nóng lòng được nói chuyện điện thoại với cậu đấy.

– Tôi không biết cảm ơn anh thế nào vì những việc anh đã giúp.

– Tôi làm thế cũng vì tôi và vì cô Quang thôi. Ba chúng ta là người trong một nhà cơ mà. Lẽ đương nhiên tôi phải dồn tâm trí để sắp xếp cuộc điện thoại này, để hai mẹ con cậu được gặp nhau.

– Đã gần 10h rồi – ông Ngọc thông báo – Chúng ta ra bốt điện thoại công cộng ở gần đây, mất khoảng năm phút đi bộ thôi.

Cả bốn người cùng đi.

Tim Jansen Morati đập dồn. Giờ phút biết bao mong đợi suốt bốn nhăm năm qua cuối cùng cũng đến rồi. Mặc dù nỗi xúc động đã bắt đầu bủa vây ông, xâm chiếm ông, Jansen vẫn cố gắng bước đi thật vững. Đối với ông đây là những bước chân để đến với hạnh phúc. Có cái gì đó khiến ông ngây ngất. Ông quay đầu qua lại một cách vui vẻ để chứng tỏ ông đang thật sự đến với cuộc gặp mang tính lịch sử này. Ông quay sang nhìn ông Văn Kim và cười với ông Văn Kim. Ông trao đổi vài lời với ông Văn Kim.

– Sáng nay tôi là người hạnh phúc nhất.

– Tôi cũng tin chắc như vậy. Chúng tôi rất vui được chia sẻ cùng cậu niềm hạnh phúc này. Mấy người chúng tôi đều hãnh diện được chứng kiến cảnh tượng hiếm có này, cuộc sặp này sẽ khắc sâu vào tâm tưởng và trong tim chúng tôi. Tôi có thể dễ dàng hình dung ra niềm vui của bà Quang, tức bà Tâm, mẹ kính yêu của cậu. Bà ấy hẳn rất nóng lòng được nói chuyện với con trai, cũng giống như cậu đang nóng lòng được nghe giọng mẹ vậy.

– Tôi hy vọng mẹ sẽ kìm nén được tình cảm của mình với cuộc điện thoại đầu tiên này, sau khi đã mất hết hy vọng một ngày kia sẽ tìm thấy con trai.

– Bà ấy là một người yêu nước đã làm cách mạng suốt ngần ấy năm trời. Tâm lý bà ấy rất vững. Đừng lo cho mẹ cậu. Chúng tôi lo cho cậu thì đúng hơn. Hãy trấn tĩnh ngay khi cậu nghe thấy giọng bà ấy. Nhất là phải chế ngự cảm xúc. Dù thế nào đi nữa tôi vẫn ở bên cậu để đỡ cậu, nếu có lúc nào đó cậu bị cuốn theo cảm xúc.

– Tôi đã chuẩn bị tâm lý rồi.

– Chúng ta đã đến nơi rồi. Cậu hãy ngồi trên ghế này đợi cậu Tiêu quay số. Tôi sẽ ra hiệu cho cậu cầm máy ngay khi thông báo với mẹ cậu là con trai bà đã có mặt.

Jansen Morati ngồi lên ghế. “Còn vài giây ngắn ngủi nữa thôi” – ông tự nhủ. Sẽ là hồi kết của một hành trình ông đã đem ra so sánh với “Cuộc dạo chơi ảo tưởng” nổi tiếng trong phim của John Ford, với sự góp mặt của John Wayne. Từ chỗ ngồi ông đưa mắt quan sát người anh họ, đang đứng giữa ông Văn Kim và ông Ngọc. Tiêu bấm số điện thoại liên lạc với cô mình. Anh bấm đi bấm lại nhiều lần.

– Bình tĩnh nào, bình tĩnh nào – Jansen Morati thì thầm.

Chắc lại là một thử thách khó chịu nữa là chờ đợi nhưng lần chờ đợi này còn lâu mới là thử thách dễ vượt qua. Đây là cái giá cuối cùng để hưởng trọn vẹn hạnh phúc lớn lao.

Cuối cùng thì điện thoại cũng được kết nối.

Nhịp thở của Jansen Morati trở nên mỗi lúc một gấp gáp. Ông cảm thấy bứt rứt như có kiến bò trong chân. Lòng bàn tay ẩm ướt. Ông những muốn nhảy khỏi ghế giật lấy ống nghe từ tay họ và gào lên với mẹ rằng con đang ở đây. Bà chắc cũng đang căng thẳng lắm. Nghĩ đến đây ông lại ước gì bà không phải là người nhấc máy đầu tiên ở đầu dây bên kia – ông nghĩ. Lẽ ra họ phải để ông bấm số điện thoại liên lạc. Ông sẽ nói chuyện trực tiếp với mẹ, không cần màn chen ngang vô ích này.

“Bình tĩnh nào” – ông tự nhủ. Mình phải ngồi ngoan ngoãn chờ hiệu lệnh của ông Văn Kim. Mẹ ông có thể đang hỏi thăm Tiêu xem con trai Jansen của bà đã ở đó, chờ gặp mẹ chưa. Jansen càng lúc càng giận run người. Hai mắt ông mở to. Ông cứ cựa quậy mãi trên ghế mà vẫn không thấy thoải mái. Cổ ông vươn ra chờ đợi mãi một dấu hiệu mà chẳng thấy tăm hơi. Ông Văn Kim bảo ông hãy bình tĩnh.

Cuộc trò chuyện giữa Tiêu và người cô bắt đầu dài lê thê, Tiêu chuyển máy cho trưởng thôn Ngọc. Jansen Morati ngồi phịch xuống ghế. Ông vẫn luôn luôn phải trấn tĩnh. Lại thêm một nỗi khổ sở dằng dai nữa.

– Sao ông ấy không ra hiệu cho mình tới gần nhỉ? – ông giận dữ tự nhủ.

Rốt cuộc thì họ có hiểu cho rằng đó là mẹ của ông, chứ không phải mẹ của ai khác không? Ông phải nói chuyện với mẹ ngay không chậm trễ thêm một phút và cũng không cần đến trung gian nào cả. Vì ông mà họ mới có mặt tại đây. Vậy nên ông phải được ưu tiên nói chuyện với mẹ.

Bỗng nhiên, ông nhận ra âm điệu và sắc thái trong giọng nói của ông Ngọc có vẻ bực bội: “Tại sao vậy?” – ông đâm ra lo lắng. Ông tìm câu trả lời trong mắt Tiêu, anh ấy đang có vẻ bối rối và lẩn tránh ánh mắt dò hỏi của ông. Jansen Morati đứng dậy, tiến về phía bọn họ. Đúng lúc đó ông Văn Kim cầm máy. Ông nói bằng một giọng không thể giấu được sự giận dữ và bất mãn.

Jansen Morati đứng sững lại như trời trồng. Mẹ không đến nghe điện thoại sao? Chắc chắn người ở đầu dây bên kia không phải là mẹ. Ông khó mà hiểu được nếu như vì sao ông Văn Kim lại nặng lời với bà thế kia. Đó có thể là một ai đó khác, ông nghĩ. Nhưng ai kia chứ? Và tại sao lại có thay đổi vào phút chót? Tại sao không ai trong số họ báo ngay cho ông biết?

Tại sao mẹ không thay đổi giờ hẹn nếu có việc đột xuất? Người chồng sau của bà đang nói chuyện với họ chăng? Ông ta có thể nói gì khiến ông Văn Kim trông rõ là đang nổi xung thế kia? Jansen Morati tự nhiên thấy bực vì không hiểu được tiếng Việt. Ông bước nhẹ nhàng về phía ông Văn Kim. Vừa tới nơi thì ông Văn Kim bực bội gác máy. Hai người nhìn nhau chăm chăm. Ông Ngọc và Tiêu dìu Jansen Morati trở lại chỗ ngồi ban nãy.

Mặc dù đang thở rất khó khăn, Jansen Morati vẫn muốn biết ngay lập tức đã xảy ra chuyện gì?

– Có chuyện gì vậy? – ông hỏi ông Văn Kim – Đã xảy ra chuyện gì? Tại sao bác và người ở đầu dây bên kia lại nói với nhau bằng giọng giận dữ như thế?

– Về khách sạn thôi. Tôi sẽ kể cậu nghe.

– Không! Với tất cả lòng tôn trọng vẫn dành cho bác, tôi muốn nghe giải thích ngay tại đây và ngay bây giờ. Mẹ tôi gặp trở ngại gì chăng? Bà đã ủy quyền cho ai đến nghe điện thoại thế? Và tại sao cuộc trò chuyện lại thành căng thẳng?

– Cậu cứ ngồi xuống đã. Đúng là bà Quang nhấc máy.

– Ông muốn nói là mẹ tôi, Quang – Tâm.

– Tôi cũng không biết trả lời cậu thế nào nữa.

Jansen Morati đưa hai tay ôm lấy đầu.

– Tại sao cứ mỗi lần tôi đến rất gần mục tiêu rồi thì lại xảy ra sự cố đưa tất cả trở lại điểm xuất phát chứ? – ông than vãn.

Tại sao mẹ ông, người ông yêu thương và đã vì bà thực hiện cả chuyến đi dài này lại không muốn nói chuyện với ông? Tại sao? Tại sao vậy? Ông bị hạ gục hoàn toàn, khắp người mỏi mệt, rụng rời. Trong một thoáng tự ái bộc phát, Jansen Morati quyết định không để những dòng thác xáo động của thất vọng, nản lòng và cay đắng này cuốn theo nữa. “Gặp mẹ ở Việt Nam, mẹ ơi” – ông thầm kêu lên thật to để tỏ thái độ vững vàng. Ông ngẩng đầu lên. Ông đã quyết tâm đối diện với sự thật. Ông sẽ tiếp tục chiến đấu, tiến dần từng bước đến đích cuối cùng.

Ông Văn Kim đưa ông một chiếc khăn tay để lau mặt. Jansen nhìn quanh, mỉm cười với những người cùng hội cùng thuyền. Ông Ngọc và Tiêu đành ra về.

– Bác Văn Kim, tôi nghe bác nói đây.

– Đúng là lần lượt ba người chúng tôi đã nói chuyện điện thoại với bà Quang.

– Thế tại sao mẹ lại từ chối không nói chuyện với tôi?

– Bà ấy đảm bảo rằng Quang và Tâm là hai người khác nhau.

– Trời ạ! Không thể thế được! Chúng ta lại quay trở lại vạch xuất phát. Tại sao cậu Tiêu đã đảm bảo rằng hai người chỉ là một kia mà. Không phải chính cháu ruột của bà đã làm sáng tỏ điều này với chúng ta sao? Bao nhiêu điểm trùng hợp trong quá khứ của hai người chỉ là do tôi bịa ra hay sao? Anh cả của mẹ tôi, bố của Tiêu thật sự có tồn tại. Tại sao bà lại nhờ chị dâu chuyển cho tôi bức ảnh mà tôi đã phóng to và vẫn mang theo bên người đây? Không! Chuyện mẹ nói vừa nãy tôi không tin một lời nào hết.

– Tôi hiểu nỗi khổ của cậu và rất hiểu tâm trạng cậu đang rối bời. Tôi đồng ý với phân tích cậu đưa ra. Tôi vẫn tin bà Quang hay còn gọi là Tâm đó chính là mẹ cậu.

– Vậy thì tại sao lại có thái độ quay ngoắt này? Mẹ đã đưa ra lý lẽ gì để biện minh cho mình?

– Bà ấy khẳng định rằng, hoặc là cậu Tiêu và bạn thân Mai đã không giải thích rõ những bước tìm kiếm của cậu là hướng đến bà ấy, hoặc là bà ấy hiểu nhầm những gì họ đã kể lại với bà ấy.

– Tôi chưa hiểu lắm.

– Bà ấy nhận rằng mình có sinh một đứa con trai cho một quân nhân phục vụ trong quân đội Pháp. Bà ấy khẳng định đó là một lính người Pháp chứ không phải người Phi. Bà ấy đã nhầm lẫn khi suy luận rằng cậu là con trai bà ấy và bà ấy là mẹ cậu. Bà ấy xin lỗi vì sự khinh suất không hề cố ý này.

– Lập luận của bà ấy hoàn toàn không có cơ sở. Một người da đen, tôi cho rằng chi tiết ấy đã khá thu hút sự chú ý của cậu Tiêu và bà Mai. Họ chắc cũng đã nhắc với bà ấy rất nhiều lần rằng tôi đến từ châu Phi. Tôi không tin họ lại bỏ qua khía cạnh này. Ông còn nhớ cuộc trò chuyện giữa mẹ tôi và bà Mai mà ông Nguyễn đã thuật lại với chúng ta hôm qua chứ?

– Tôi hoàn toàn nhất trí với cậu. Tôi chỉ nhắc lại với cậu những điều bà ấy đã nói với chúng tôi thôi.

– Tôi sẵn sàng lo tiền vé máy bay để ngay hôm nay chúng ta có thể bay vào thành phố Hồ Chí Minh gặp mẹ.

– Tôi hiểu quyết tâm làm sáng tỏ chuyện này của cậu. Nhưng tính đến một chuyến đi như thế là hơi sớm. Hãy cho tôi thời gian để tìm hiểu rõ nhất động cơ đã đẩy mẹ cậu đến chỗ thay đổi ý kiến đột ngột như vậy.

– Tôi luôn sẵn sàng khi bác thấy cần thiết. Bất cứ lúc nào tôi cũng sẵn sàng thực hiện chuyến đi này vào niềm Nam Việt Nam. Tôi muốn hiểu tường tận mọi việc trước khi quay về Bờ Biển Ngà.

– Để nắm chắc cơ may làm sáng tỏ sự việc, cậu hãy cứ tin ở tôi. Chúng tôi trưởng thành trong một xã hội truyền thống có những nguyên tắc mà chưa hề có khái niệm. Đừng thất vọng. Nếu bà Quang chính là mẹ Tâm của cậu, cậu sẽ biết chắc điều đó, tôi cam đoan như vậy. Tôi nghĩ bây giờ là lúc nên quay về khách sạn thôi.

– Chúng ta có nên ghé qua nhà bác Nguyễn để thông báo tình hình không?

– Tôi sẽ lo chuyện đó.

Lái xe đưa Jansen Morati về khách sạn rồi tiếp tục chở ông Văn Kim đến nhà trưởng giáo xứ Phương Liệt.

Lên đến phòng rồi, Jansen lại mang tấm ảnh mẹ phóng to ra khỏi phong bì. Ông nhìn bức ảnh, nhưng không phải với thái độ như trước nữa. Ông cầm bức ảnh trong tay, mong muốn xé nó ra thành nghìn mảnh thoáng qua trong tâm trí ông. Ông trấn tĩnh kịp thời. Ông đặt lại nó lên đầu giường, không phải theo cách dễ nhìn thấy nữa. Đúng ra là ông lật úp nó xuống, để không phải nhìn thấy hình ảnh mà cách đây chưa đầy hai tiếng đồng hồ, ông vẫn còn yêu mến biết bao.

Ông nằm dài trên giường. Ruột gan ông nóng như có lửa đốt, giận sôi lên. Ông nóng nảy với người ông vẫn xem như mẹ. Thật bạc bẽo! Thật tàn nhẫn! Thật vô liêm sỉ! Thật ô nhục! Những từ này vẫn chưa đủ mạnh, không đủ đanh thép để diễn đạt những gì ông đang cảm nhận từ thẳm sâu lòng mình. Ông muốn rũ bỏ tất cả để quay lại Abidjan ngay ngày mai. Ông nhận thấy mình đã tròn bổn phận làm con không chút gượng gạo ép buộc, tất cả vì tình yêu dành cho mẹ, một tình yêu thương đặc biệt thuần khiết. Ông nghĩ mình đã làm cho mẹ hơn cả những gì một người con trai trong cùng hoàn cảnh có thể và phải làm cho mẹ mình. Từ giờ trở đi ông có thể bình tâm, dù có xảy ra chuyện gì đi nữa. Bóng bây giờ đang ở phần sân của mẹ ông, nếu bà đúng là đấng sinh thành ra ông. Nếu không thì sẽ phải hiểu phản ứng này như thế nào? Đây không phải là một phản ứng đáng lên án đấy chứ? Một người mẹ từ chối không nhận con trai mình thì thật xấu xa, nhất là trong hoàn cảnh mẹ con gặp lại nhau sau bốn nhăm năm xa cách. Bà đã chối bỏ ông trong khi một người mẹ không thể nào đẩy lùi, cũng không thể làm ngơ trước tiếng gọi của tình máu mủ. Sự thật này không phổ biến trên thế giới đấy chứ? Hẳn bà phải có lý do để nói rằng bà không phải mẹ của ông – Jansen kết luận. Nếu sau này bà lại đổi ý thì bà phải đưa ra được bằng chứng chính thức và thỏa đáng.

Bây giờ đã là 1h chiều. Nhân viên khách sạn mang bữa trưa lên phòng ông. Ông không thấy đói bụng nên chỉ ăn phần tráng miệng.

Ít phút sau, con trai cả Arnaud gọi đến. Nó háo hức muốn biết tình hình.

– Thế nào hả cha? Chắc cha đang vui lắm phải không?

Ông thấy cổ họng mình khô rát, ông buồn bã bảo con trai rằng hiện giờ ông đang giận điên người thì đúng hơn.

– Nội con không đến hẹn hay sao?

– Nếu được như vậy thì vẫn còn hy vọng.

– Người chồng sau đã xử tệ với bà nội vì cha sao?

– Không hề.

– Vậy thì là chuyện gì hả cha?

– Bà ấy không phải mẹ của cha, chấm hết! Cha đã chọn đi nhầm đường. Thậm chí trong giả thuyết cuối cùng thì cha đã đến Việt Nam chẳng để làm gì cả.

– Không thể có chuyện đó được. Cha đang đùa hay sao?

– Cha nói nghiêm túc đấy.

– Vừa phút trước, người ấy vẫn còn là nội con, rồi bỗng nhiên cha bảo rằng không phải thế.

– Chính nội con thông báo chuyện đó. Cha không nói sai. Nội con đã nói rõ với ông Văn Kim. Bà ấy khẳng định chắc chắn là Quang và Tâm là hai người khác biệt.

– Nhưng bác Tiêu đã đưa ra bằng chứng không thể chối cãi được rằng Quang và Tâm là cùng một người kia mà.

– Bà ấy khẳng định đã nhầm lẫn về cha. Bà ấy nghĩ đã phạm phải một sai lầm lớn về nhân thân của cha. Theo bá ấy đó là một lỗi do sơ suất.

– Cha đã nói chuyện với nội rồi sao?

– Không, bà ấy đã nói chuyện với Tiêu, ông Ngọc và ông Văn Kim. Lúc bấy giờ, cuộc nói chuyện xem ra rất căng thẳng.

– Hãy nói con biết không phải con đang gặp ác mộng đấy chứ? Chuyện này là thật sao? Và nội có giải thích tại sao lại có sự thay đổi này không cha? Dù thế nào đi nữa, dù động cơ của cách xử sự này là gì đi nữa, con cũng không chấp nhận được.

– Con phải chấp nhận sự thật hiển nhiên này thôi. Con không thể bảo hoàng hơn nhà vua được. Bà ấy nhận là có một đứa con trai trạc tuổi cha. Nhưng bà ấy nhấn mạnh rằng cha của đứa trẻ đó là một người Pháp, một người da trắng. Bà ấy dám chắc chưa từng có mối quan hệ gắn bó với người gốc Phi nào cả. Vậy nên không thể có con với một người da đen được.

– Cha ơi! Con cũng không thể tin những lời bà nói. Bà phải tỏ thái độ này để bảo vệ cha. Chắc là mạng sống của cha đang bị đe dọa ngay trên đất Việt Nam. Cha đừng quên ông nội con đã từng chiến đâu trong quân đội Pháp chống lại Việt Minh.

– Cha không nghĩ bà nội tìm cách bảo vệ cha. Về Việt Nam đi tới đâu cha cũng được đón tiếp nồng hậu. Bà ấy tỏ ra khinh rẻ con trai mình, chính là cha đây, thì đúng hơn.

– Cha nghĩ mau đi. Bây giờ cha tính làm gì?

– Cha mất phương hướng rồi. Cha bắt đầu chán ngán câu chuyện này rồi – Jansen nói tiếp, giọng giận dữ – Bà ấy không còn xứng đáng để cha lại tìm cách bắt liên lạc sau này nữa. Nội con thật tàn nhẫn, bà ấy không phải và mãi mãi không bao giờ là mẹ của cha. Cha không phải và cũng không bao giờ là con trai bà ấy. Cha sẽ lật hẳn sang trang khác. Cha sẽ tìm kiếm theo một hướng khác. Bà ấy cũng nên xem lại bản thân mình đi!

Jansen Morati đang bị kích thích cao độ và rất giận mẹ mình.

– Cha bình tĩnh đã. Hãy bình tâm lại. Cha bực mình cũng đúng thôi. Nhưng cha cứ bình tĩnh đã.

– Con có thấy lưỡi dao bà ấy đâm ngay giữa tim cha không?

– Con biết điều đó chứ. Con lấy làm tiếc cho cha. Nhưng con xin cha hãy gắng giữ bình tĩnh. Trong mắt chúng con, cha luôn là một người đàn ông cá tính và đĩnh đạc, không dễ để cơn giận dữ cuốn theo.

– Lẽ ra cha nên ở yên ở Abidjan cùng với cả nhà. Cha sẽ không có mặt ở đây mà chích máu thêm nữa vết thương sâu trong da thịt mà bà ấy đã gây ra cho cha. Tự cha đã đẩy mình vào cảnh tai ương này.

– Không đâu, cha ơi. Cha đã hành động đúng. Tất cả chúng con đều tự hào về cha. Con cái những người Phi, thậm chí cả con cái những người Mỹ, Nhật, Trung Hoa và công dân những nước khác đã sinh ra trên đất Việt Nam. Nhưng có mấy người quay lại đó để tìm mẹ của mình? Rất ít cha ạ. Không, cha ơi, cha không nên tự kết tội mình. Ngược lại là khác, hành động của cha là hành động nhân bản sâu sắc.

– Cha chóng mặt quá rồi. Đầu cha như muốn vỡ tung ra, người cha như sắp nổ tung. Giờ cha thấy cuộc sống quanh mình thật kinh khủng. Cha mất hết niềm tin và hoàn toàn suy sụp. Cha không biết mình đang ở đâu nữa. Cha mệt mỏi quá rồi.

– Cha ạ, con biết lúc này cha đang rất mệt và cha chỉ có một mình ở Hà Nội, không họ hàng thân thích bên cạnh để an ủi động viên tinh thần cha. Lúc này đây cha cũng chỉ nghe giọng con từ xa gọi về đang cố làm cha nguôi ngoai. Con hiểu nỗi thất vọng và cay đắng không gì đo đếm của cha. Cả nhà đều ủng hộ và cổ vũ cha trong nghĩa cử cao đẹp này. Cuộc phiêu lưu của cha cũng là của cả gia đình mình. Cha xem này, bây giờ ở Mỹ mới là hơn 1h sáng. Con chưa thể chợp mắt chừng nào chưa biết phần sau của cuộc gặp gỡ sáng nay. Con không thể hình dung dù chỉ một giây ra cảnh trớ trêu này.

– Bà ấy không có quyền hành hạ đọa đầy cha như thế. Nếu cha không chịu nổi cú sốc ấy thì sao? Bây giờ thì tất cả đều khiến cha bực bội, tất thảy đều làm cha nổi xung lên, đều do bà ấy cả. Cha chán lắm, chán ngấy rồi. Con nghe rồi đấy! Cha đã ngấy đến tận cổ. Còn hơn cả bực mình nữa. Cha có cảm giác mình điên mất rồi. Con nghĩ cha phải làm gì để xóa đi những đau khổ tột cùng mình đang phải chịu đựng? Cha chán ngán cuộc sống này cũng vì bà nội con. Tất cả những điểm tựa của cha đều lần lượt nối nhau sụp đổ.

– Cha ơi, con biết cha đang bức bối, xót xa trong lòng. Con biết cha đang đau khổ, đau khổ tột cùng. Con chỉ mong được bên cha để chia sẻ phần nào nỗi buồn khổ vô hạn của cha. Con muốn làm cha đỡ phải khổ sở hơn, dù chỉ là chút ít. Con yêu cha.

Cậu con trai bật khóc nức nở. Cha cậu cũng không dằn lòng được nữa. Arnaud nói tiếp giọng vẫn nghẹn ngào.

– Cha à! Con luôn hướng về cha. Tất cả chúng con đều hướng về cha. Nhưng con xin cha một điều, đừng bao giờ làm chuyện gì khiến chúng con phải tiếc thương, chuyện mà chính mẹ và chúng con mới là người gánh chịu hậu quả. Hãy nghĩ đến chúng con, lũ con của cha. Tất cả chúng con đều cần có cha ở bên cạnh. Cha biết mỗi đứa trong chúng con yêu cha nhường nào. Cha là một người cha tuyệt vời mà chúng con không muốn mất đi chút nào. Cha hãy bình tâm lại. Đừng để nỗi buồn phiền xâm chiếm lòng cha. Vì cha vẫn đang là một chiến binh. Chúng con sẽ ra sao nếu không có cha? Hãy lắng nghe mẹ. Lắng nghe Chamie. Lắng nghe Nina và Boris. Lắng nghe Kaity. Lắng nghe Fatim và Rayane nữa. Cha đã thua trận này nhưng cha không thua trong cả cuộc chiến. Bỏ cuộc không phải tính cách của cha. Gặp trở ngại là buông tay cũng không giống cha chút nào. Cha ơi, cha phải tiếp tục lao vào cuộc chiến của cha, của chúng ta. Cha phải đứng dậy. Cuộc chiến chỉ mới bắt đầu. Cha phải thắng. Cha có thể giành phần thắng. Cha sẽ thắng. Chỉ cần cha chấp nhận trở lại vị trí chiến đâu và tĩnh tâm lại.

– Cảm ơn Arnaud. Cám ơn những lời khuyên của con. Nhất là vì con đã lắng nghe tâm sự của cha. Nói chuyện với con cha cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhiều. Cám ơn con. Cha như đang được tái sinh. Cha sẽ theo đuổi cuộc chiến này kỳ đến thắng lợi cuối cùng. Cha sẽ không nhượng bộ nữa. Cuộc chiến sẽ còn tiếp diễn, đến lúc nào một ngày mới bắt đầu. Một lần nữa, cảm ơn con trai.

– Con nghĩ cha không nên trách nội. Tốt hơn là cha nên tìm hiểu động cơ tại sao nội lại có thái độ như vậy. Một người mẹ không bao giờ bỏ rơi con mình. Con tin là nội có một lý do chính đáng để làm vậy. Hãy hình dung nếu cha hiểu nhầm chủ ý của nội thì thật tai hại. Nếu giả thiết này đúng, hẳn là lúc này nội cũng đang hết sức đau khổ. Cha hãy tìm cách liên lạc với nội. Con tin là ông Văn Kim sẽ sẵn sàng giúp cha việc này.

– Con nói có lý. Tuy nhiên, từ nay về sau, cha sẽ cố gắng kiềm chế cảm xúc của mình. Dù xảy ra chuyện gì chăng nữa, cha cũng sẽ đối mặt với thực tại và chấp nhận sự thật, không để ảnh hưởng đến tinh thần nữa.

– Con chúc cha can đảm và may mắn. Con sẽ gọi lại khoảng 8h tối mai, giờ Hà Nội.

– Con không phải gọi đâu. Con đã thiếu ngủ rồi. Mai cha sẽ gọi lại cho con. Nghỉ ngơi cho lại sức đi. Và nhất là đừng lo cho cha. Cha đã vững tâm lại rồi. Cha gửi lời chào Paker. Hẹn con ngày mai.

Sau cuộc nói chuyện dài với con trai, Jansen Morati lại cầm ảnh mẹ lên. Ông thấy dễ chịu hơn nhiều. Dù bà không thừa nhận, ông vẫn tin chắc người phụ nữ trên tấm hình ông đang cầm trên tay đây là mẹ Quang của ông.

Huân chương kháng chiến của Nguyễn Thị Quang

Jansen cười với mẹ mình. Ông ngắm bức ảnh lần nữa và bắt đầu nói một mình.

– Con không giận mẹ nữa đâu. Arnaud có lý. Hẳn là mẹ có lý do chính đáng để tuyên bố mẹ đã nhầm lẫn về con, rằng con không phải con trai mẹ, rằng mẹ không phải là mẹ con. Nhưng đó là những lời nói không thật lòng mẹ. Con tin là mẹ cũng đang khổ sở. Tâm mẹ không được yên. Con ước sao có thể nhắn đến mẹ để mẹ yên lòng rằng con hiểu tình cảnh của mẹ. Con không nhẫn tâm mà giận mẹ lâu hơn được. Con cho rằng nỗi đau trong tâm can mẹ phải nhân đôi khi mẹ nghĩ rằng con đang suy sụp. Con chắc chắn như vậy. Bây giờ thì con thấy dễ chịu rồi. Chỉ cần mẹ biết được điều đó thì mặc cảm tội lỗi sẽ giảm đi nhiều. Và mẹ sẽ không trách giận bản thân vì đã nói dối con nữa. Con sẽ giải thích để bác Văn Kim thôi không buộc tội mẹ nữa. Con sẽ bảo bác ấy chấp nhận những lý lẽ mẹ đưa ra và không làm tổn thương mẹ nữa. Con tôn trọng ý muốn của mẹ, ngay cả khi không hề ủng hộ phương cách mẹ thực hiện ý muốn đó. Con hứa sẽ chấp nhận lý do mẹ đưa ra, ngay cả khi chúng không hề thuyết phục và khiến con buồn nản. Nếu buộc phải trở về Bờ Biển Ngà mà không có cơ hội nói chuyện với mẹ, nhìn mẹ hay ôm mẹ trong tay, con cũng đành chấp nhận. Con sẽ lên đường, lòng con sẽ rất buồn nhưng không vì thế mà con bỏ cuộc. Con sẽ lại đi tìm mẹ. Điều duy nhất con trăn trở vào lúc này là biết chắc chắn mẹ đúng là mẹ của con, bất chấp những chuyện khác. Mong ước này, điều con đang cố coi như một sự thật không thể phủ nhận này, rất cần được chính mẹ xác nhận. Thậm chí khi mẹ nói mình không sinh ra con, con cũng chưa tin. Từ nay nếu con đúng là con trai mẹ, thì chính mẹ sẽ công nhận điều ấy. Đó là cách duy nhất để tháo gỡ những khúc mắc cuối cùng. Để con biết được con vẫn còn là con trai mẹ, mẹ phải đặt ra với con một câu hỏi mà con đã chọn riêng cho lần đầu hai mẹ con ta gặp lại. Từ giây phút ấy, mẹ sẽ có thể xóa sạch nỗi nghi ngờ trong tâm trí con, sau câu chuyện mơ hồ về Quang, người không phải là Tâm kia.

Jansen Morati đặt lại bức ảnh lên đầu giường, chỗ thật dễ nhìn. Giờ thì ông đói ngấu. Thật may, phần ăn của ông vẫn chưa dọn đi. Ông mới chỉ dùng món tráng miệng. Ông ngồi vào bàn ăn ngon lành. Một lát sau, lễ tân báo có ông Văn Kim đến.

Jansen Morati mời ông Văn Kim lên phòng.

– Cậu thấy trong người sao rồi?

– Ban nãy tôi rất choáng và sốc. Giờ thì tôi đã túm được phao cứu nạn rồi. Tôi đã cập được bến bình yên sau khi vượt qua trận sóng thần cảm xúc kinh hoàng. Giờ thì tôi thấy khá hơn nhiều.

– Tôi mừng cho cậu. Cậu đã giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ rồi đó. Tôi đã nghĩ hẳn cậu phải suy sụp lắm và tôi sẽ phải lựa lời động viên cậu. Bây giờ tôi mới nhận thấy cậu có tâm lý vững vàng và cũng lãng mạn ra trò. Cậu biết đấy, lúc ở làng về, tôi cũng khổ tâm không kém cậu. Tôi đâu có mong xảy ra cảnh trớ trêu như vậy. Tôi đặt mình vào địa vị của cậu và rất buồn về chuyện đó. Tôi sợ cậu sẽ không tin tưởng tôi nữa.

– Bác đâu có lỗi gì trong chuyện này.

– Tôi cũng rất giận bà Quang mẹ cậu.

– Bác vẫn tin đó là mẹ tôi sao?

– Nhất định là thế. Không nghi ngờ gì nữa.

– Dựa vào đâu bác lại tin chắc như vậy?

– Chỉ dựa vào lời nói bà Quang không phải là Tâm thì không thể xóa sạch những điểm trùng hợp giữa hai người phụ nữ này. Cả hai đều có chung một quá khứ.

– Điều đó không đủ đánh tan những băn khoăn tai hại trong đầu tôi.

– Nếu cậu vẫn nghi ngờ thì cậu lầm rồi. Tôi đã gặp cậu Tiêu trước khi đến đây gặp cậu. Cậu ấy vẫn trả lời dứt khoát bà Quang cậu ta gọi bằng cô chính là mẹ Tâm của cậu.

– Tại sao anh ấy dám quả quyết như vậy?

– Cậu ấy chắc chắn bà cô ruột Quang, tức là Tâm, chưa từng có con với một người Pháp. Cậu ấy đã hỏi mẹ mình lần nữa, bà ấy vẫn khẳng định bà Quang không hề có con lai người Pháp.

– Anh ấy có hỏi mẹ xem cô mình đã có con với một người Phi không?

– Mẹ cậu Tiêu đáp rằng thậm chí Quang còn có đến hai đứa con với người chồng gốc Phi này, một trai, một gái. Nhưng bà ấy không chắc lắm.

Jansen Morati vừa phát hiện thêm một bằng chứng nữa chứng minh bà Quang chính là mẹ Tâm của ông. Mẹ của Tiêu hẳn đã ám chỉ đến em gái Làn của ông. Tuy vậy ông không chia sẻ với ông Văn Kim tinh thần lạc quan của mình.

– Bác thấy tôi vẫn luôn có đủ lý do để ngờ vực đôi chút chứ?

– Tôi đồng ý. Nhưng phải tiến hành phương pháp loại trừ. Trước tiên cậu phải tin chắc Quang và Tâm là cùng một người đã. Chuyện này phải rõ ràng, không lập lờ nước đôi gì hết. Vấn đề chính là xác định xem liệu Quang – Tâm này có đúng là Tâm mẹ cậu không thôi. Đây chính là điểm mấu chốt của vấn đề. Tất cả những điểm trùng khớp đến mức gây lúng túng giữa bà Quang, Tâm và mẹ Tâm của cậu chỉ ra rằng ba người đó chỉ là một mà thôi. Nếu không có đứa con, chính là cậu đây, thì giữa ba người phụ nữ này, người ta chỉ có thể dừng lại ở kết luận Quang và Tâm là cùng một người. Khi mẹ cậu khẳng định bà không phải mẹ cậu thì nhân vật thứ ba xuất hiện, cho nên cậu tìm cách chắc chắn mẹ cậu cùng lúc là cả ba người này.

– Chuyện này với tôi phức tạp quá. Chúng ta đang đối mặt với một phương trình có đến ba ẩn số. Bác cũng là người có học, bác hẳn biết phương trình ấy khó mà giải được.

– Để tôi trình bày tiếp. Vẫn dùng phương pháp loại trừ, ta nhận thấy Quang – Tâm quả thật đã sinh được một đứa con lai. Đứa trẻ này không phải lai Pháp như lời bà ấy nói. Những người đáng tin cậy và thực tâm có thể đứng ra làm chứng trong chuyện này. Vậy thì ai là cha của đứa trẻ? Trong quân đội Pháp, ngoài những người Việt Nam theo Pháp làm tay sai, còn có ba tộc người khác bị xung lính: người Pháp, người Arập và người Phi. Cha của con trai Quang – Tâm chỉ có thể là hoặc một người Arập – Maghreb, hoặc một người gốc Phi.

– Bác suy diễn nhanh quá.

– Cậu Tiêu khẳng định với tôi là cô ruột cậu ta, bà Quang – Tâm đã biết chuyện một đứa con lai người Phi tìm mẹ. Cậu ấy đã nói rõ những đặc điểm cho thấy mẹ người này có những điểm rất giống với cô Quang của mình. Bà ấy liền thú thực mình cũng sinh được một đứa con trai với một lính người Phi, điều này thì ít nhiều cậu Tiêu cũng đã biết qua rồi. Đến đây thì đến lượt khả năng người Arập cũng bị loại trừ, giống như người Pháp.

– Vậy tại sao sáng nay mẹ tôi lại nhờ bác báo tôi biết bà không phải là mẹ tôi?

– Chính ông Nguyễn, trưởng xứ đạo Phương Liệt sẽ giải đáp cho câu hỏi này.

– Bác ấy biết sao?

– Ông ấy biết nguyên do. Nhưng ông ấy không nghĩ mẹ cậu lại đưa ra lý do như sáng nay đã nói với chúng tôi.

– Vì vậy mà bác ấy cáo bận không đưa chúng ta đến làng Phương Liệt?

– Có thể. Tóm lại, theo ông Nguyễn, mẹ cậu đã tái hôn với một người Việt Nam. Khi bà ấy giải ngũ, bà Quang – Tâm ấy, tuổi cũng đã cao. Bà ấy đã ngoài năm nhăm, sức khỏe suy sút không cho phép bà ấy làm việc để kiếm tiền sinh sống nữa. Bà ấy phải tìm một nơi nương tựa mới, một gia đình mới có người đàn ông làm chỗ dựa. Bà ấy đã gặp người chồng hiện tại. Ông ấy trẻ hơn mẹ cậu đến mười hai hay mười lăm tuổi. Vậy nên mẹ cậu mới tự nguyện chấp nhận một cuộc hôn nhân với một người trẻ hơn mình. Đó là cách duy nhất giúp bà ấy thoát cảnh sống một mình, không gia sản, không lương bổng và không cả khả năng nuôi sống bản thân.

– Tôi vẫn chưa thấy có gì liên quan đến câu chuyện hồi sáng.

– Liên quan chứ. Cưới người đàn ông này rồi, bà ấy vẫn chưa hề thú nhận trước đây đã từng có con với một người khác, hơn nữa lại là với một người da đen. Đó không phải điều xấu. Nhưng chồng bà ấy là một người thuộc tầng lớp bình dân, có sẵn định kiến về người gốc Phi. Bà Quang – Tâm mẹ cậu vẫn giấu không cho chồng biết thời trẻ mình đã kết hôn với một người gốc Phi. Chuyện có con lại càng phải giấu, mà bằng cách nào đó rốt cuộc bà cũng đã quên rồi.

– Tôi hiểu rồi. Tôi đoán chắc bây giờ ông ấy đã rõ mọi chuyện.

– Ông ấy ngờ ngợ đoán ra. Làm thế nào mà biết được thì tôi cũng không rõ. Tôi đang tiến hành tìm hiểu việc này. Ông ấy giận điên lên, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với bà ấy. Thậm chí còn đòi ly dị ngay tức khắc. Vào tuổi này rồi mẹ cậu biết đi đâu? Tôi ước đoán năm nay bà ấy ít nhất cũng bảy nhăm rồi, lại còn đau ốm, thể trạng suy yếu và chẳng có nguồn thu nhập nào cả. Cậu cũng đã thấy trong bức ảnh mẹ cậu đưa rồi chứ? Bà ấy rất nghèo. Để không bị đuổi khỏi nhà, bà ấy đã phải giấu sự thật bằng cách nói tránh là có con với một người Pháp. Nếu không thì cậu đúng là con trai Jansen Morati của bà ấy.

– Và mẹ tôi đã thuyết phục được cha dượng với phiên bản mới của câu chuyện này.

– Chắc chắn, vì ông ta đã ngồi cạnh mẹ cậu sáng nay và theo dõi cuộc trò chuyện với chúng tôi qua điện thoại từ đầu đến cuối. Tôi nghĩ nghe vậy thì ông ta đã yên tâm rồi.

– Ông ta yên tâm hơn khi thấy vợ mình có con với một người Pháp, chứ không phải với một người Phi.

– Cậu kết luận thế thì nặng nề quá.

– Tôi xin lỗi. Tôi không biết phải nói bóng gió xa xôi thế nào, nhất là từ khi đến Việt Nam, tôi chưa hề phải chịu một hành động phân biệt chủng tộc hay thù địch nào.

– Còn một nguyên nhân khác từ phía mẹ cậu. Bà ấy vừa mới biết mình sẽ nhận một phần thưởng danh dự cho lòng quả cảm kiên trung của mình trong chiến tranh. Đó là một huân chương kháng chiến. Cậu tìm đến đây, và nhất là sự tồn tại của cậu trên đời này có thể làm mọi chuyện rối tung. Hẳn ai đó biết chuyện cậu đang có mặt ở Hà Nội đã cảnh báo bà ấy. Mẹ cậu thấy sợ.

– Ai làm chuyện đó? Và tại sao?

– Lúc này tôi không thể trả lời câu hỏi của cậu. Chiếc huân chương đó đối với bà ấy vô cùng quan trọng. Tổ quốc ghi nhận những hy sinh, cống hiến, tham gia các tổ chức cứu quốc của bà ấy trong thời chiến tranh. Đây là phần thưởng cho hai mươi nhăm năm hoạt động cho Việt Minh. Cậu xuất hiện bây giờ có thể không có lợi cho việc xét duyệt huân chương của bà ấy. Bây giờ số người có thể làm chứng về vai trò của mẹ cậu trong trại lính Pháp tại Hà Nội, nơi cha mẹ cậu gặp nhau, còn rất ít. Bà ấy đã từ chối nhiều loại huân, huy chương khác, riêng cái này thì lại giữ gìn nó như con ngươi trong mắt mình vậy.

– Giờ tôi đã hiểu phản ứng của mẹ sáng nay rồi.

– Vì hai lý do chính này mẹ cậu nhất thời chối không nhận cậu là con trai. Tôi xin cậu độ lượng đừng kết tội bà ấy. Tôi biết tự đáy lòng mình, bà ấy rất yêu thương cậu, tự hào về cậu. Nhưng sự xuất hiện đột ngột của cậu trong đời bà ấy rất có thể sẽ làm phát sinh những vấn đề nan giải.

– Tôi không chắc lắm về điều đó. Nhưng tôi tôn trọng ý muốn của mẹ. Nhưng chính vấn đề huân chương khiến tôi băn khoăn. Tôi công nhận nó rất quan trọng đối với mẹ, và cả với những thế hệ con cháu trong gia đình nếu được trọng vọng như thế. Vậy bác bảo tôi nên làm thế nào?

– Cậu nên đi du lịch, và chờ đợi một giải pháp thỏa đáng. Ngày hôm nay đã căng thẳng rồi, sáng sớm mai tôi sẽ ghé qua thăm cậu. Tôi sẽ gọi điện trước. Chúc cậu một buổi tối tốt lành. Hẹn cậu ngày mai.

– Cho tôi gửi lời thăm bác gái.

Jansen Morati quyết định đi nghỉ. Sau một buổi sáng đầy biến cố, ông rất cần được nghỉ ngơi cho lại sức. Ông nhìn ảnh mẹ đặt nơi đầu giường và nói với bà: “Mẹ thật bướng bỉnh. Cuộc chiến mới chỉ bắt đầu thôi. Và con nhất định sẽ thắng được tính bướng bỉnh của mẹ”.

Giờ thì ông đã hiểu tại sao mẹ lại xử sự như vậy, cần phải tiếp cận từng bước một. Chiến lược phải thay đổi để lường trước những khó khăn trước mắt. Jansen Morati tin chắc trong những lý do nhận huân chương có cả lý do tài chính. Đây mới là trở ngại khó vượt qua nhất. Phải đề cập tế nhị, không được coi thường tấm huân chương. Đầu tiên phải thuyết phục ông Văn Kim rằng so với mức sống trung bình trong xã hội, ông không phải người nghèo khó, thuyết phục làm sao để không bị quy kết là huênh hoang, khoe của. Thông tin này có thể khiến ông Văn Kim nghi hoặc, thậm chí gây sốc. Nhưng một khi đã tin, ông Văn Kim sẽ cho mẹ ông và những người thân của bà biết rằng dù có hay không có huân chương thì ông vẫn có thể hỗ trợ tài chính cho họ ngoại. Chắc họ vẫn khăng khăng nghĩ kinh tế châu Phi rất kém phát triển. Có thể tấm huân chương còn mang lại một giá trị tinh thần lớn lao cho mẹ. Việc quan trọng nhất bây giờ là thiết lập liên lạc tại Việt Nam. Mẹ ông sẽ sớm biết làm thế nào để gặp ông ở Bờ Biển Ngà và địa chỉ chính xác. Sau đó bà sẽ có ảnh của ông và tất cả các thành viên trong gia đình. Bà sẽ biết số điện thoại của ông, cả số nhà lẫn số văn phòng. Đó là những thông tin thiết yếu nhất. Giờ thì ông sẽ sảng khoái hơn nếu chợp mắt được một lúc.

Vài tiếng đồng hồ sau, chuông điện thoại reo vang đánh thức ông.

Đã gần 6h tối. Vợ ông đang chờ máy.

– Anh và mẹ nói những chuyện gì thế? Chắc là cả hai mẹ con đều rất phẩn khởi phải không anh?

– Không may là nảy sinh vấn đề vào phút chót nên anh không được nói chuyện với mẹ. Cha dượng không thích để mẹ nói chuyện với anh.

Jansen Morati thuật lại những câu chuyện dẫn đến việc mình lỡ mất dịp trò chuyện với mẹ. Ông cũng nói luôn những lời ông Văn Kim vừa giải thích với mình ban nãy.

– Khổ thân mẹ! Chắc mẹ đang khổ tâm lắm. Anh cũng vậy, em có thể đoán ngay là anh đang rất buồn và hoang mang.

– Thoạt tiên thì anh buồn và hoang mang thật. Giờ thì khá hơn rồi. Anh chấp nhận những gì đang tiến đến với mình. Vận may của anh chưa tới, mà mỗi việc đều có thời điểm của nó. Anh không thất vọng đâu.

– Em hiểu tâm trạng của anh bây giờ. Cả nhà đều ủng hộ anh. Giờ anh định thế nào?

– Khách quan mà nói thì thái độ của mẹ không phải là đáng trách. Anh đến hơi bất ngờ, giống như sợi tóc rơi giữa nồi súp. Cái huân chương này là cơ may của đời mẹ. Anh không thể làm hỏng việc. Với mẹ, huân chương này thể hiện sự ghi công của Tổ quốc và sẽ trường tồn qua các thế hệ con cháu. Anh không có quyền tước đi phần thưởng danh dự này. Vậy nên anh sẽ rút lui. Anh không làm gì khiến bà phải khó xử nữa.

– Anh khoanh tay đứng nhìn sau ngần ấy năm tìm kiếm và nhất là sau khi đã vượt cả một quãng đường dài để tìm thấy mẹ sao?

– Đó là việc anh buộc phải làm. Đặt lợi ích của mẹ lên trên lợi ích của mình.

– Nếu anh không có cơ hội nói chuyện với mẹ hay gặp mặt mẹ, có nghĩa là anh sẽ quay về Abidjan mà không thể liên lạc với mẹ sao?

– Anh cũng nghĩ đến rồi, nhưng anh sẵn sàng đón nhận, không oán thán.

– Thế thì thật buồn và đáng tiếc, đúng lúc anh sắp hoàn thành tâm nguyện rồi mà.

– Nếu tình hình không biến chuyển gì, chuyến này coi như anh đi du lịch chứ không còn lựa chọn nào khác. Anh sẽ rời Việt Nam thứ bảy, mùng 6 tháng Năm, tức là bốn ngày nữa, và về đến Abidjan vào chiều chủ nhật, mùng 7. Em báo Alix giúp anh nhé.

Việc Jansen cần làm bây giờ chỉ là báo cho bà Hortense ở Luxembourg biết tin. Ông kể lại cho bà nghe chi tiết những sự việc xảy ra hồi sáng. Bà rất buồn, nhưng giữ yên lặng. Bà chia sẻ nỗi thất vọng lớn lao thể hiện ngay qua giọng nói của Jansen Morati. Bà đề nghị ông khi quá cảnh ở Paris hãy bay qua Luxembourg để nghỉ ngơi ít nhất là một tuần lễ. Bay thẳng về Abidjan không phải là giải pháp tốt cho ông khi vừa bị sốc nặng như vậy. Jansen nhận lời. Nhân tiện ông sẽ được gặp hai đứa con nuôi Nina và Boris đang ở Luxembourg.

Gác máy rồi, ông quyết định đi nằm.