PHÚ KHANG

Tân Nhân – nữ nghệ sĩ với giọng hát tuyệt vời được nhắc nhớ trong hồi ký của nhà thơ Tố Hữu là niềm yêu mến lớn của hàng triệu cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta, thời kỳ cả nước dồn sức đấu tranh cho thống nhất đất nước và cả cho đến hôm nay.
Trong hồi ký Nhớ lại một thời, nhà thơ Tố Hữu đã nhắc về giai đoạn đất nước bị chia cắt hai miền sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 và nỗi đau đớn, uất hận của những người con miền nam tập kết ra bắc khi nghe tin tức cập nhật hằng ngày, hằng giờ về đồng chí, đồng bào bị kẻ thù đàn áp, hành hạ, giết chóc nơi quê nhà. Từ nỗi đau xé lòng ấy, trên đài phát thanh Trung ương bật lên giọng hát vô cùng thiết tha của chị Tân Nhân với Câu hò bên bờ Hiền Lương (nhạc của Hoàng Hiệp) cùng Xa khơi (nhạc của Nguyễn Tài Tuệ). Hai bài hát ấy cùng vang lên, giục giã mọi người gắng sức làm việc và chiến đấu vì miền nam ruột thịt.

Tân Nhân – nữ nghệ sĩ với giọng hát tuyệt vời được nhắc nhớ trong hồi ký của nhà thơ Tố Hữu lúc ấy là niềm yêu mến lớn của hàng triệu cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta, thời kỳ cả nước dồn sức đấu tranh cho thống nhất đất nước và cả cho đến hôm nay. Từ một cô nữ sinh Ðồng Khánh quê hương Quảng Trị, Tân Nhân sớm tham gia cách mạng, và khi kháng chiến bùng nổ, chị đã mang tuổi trẻ và tiếng hát của mình tham gia Ðoàn văn công Bình Trị Thiên – Trung Lào đi phục vụ cán bộ và chiến sĩ Bình Trị Thiên anh dũng.

Sau năm 1954, chị trở thành một giọng hát xuất sắc của Ðoàn ca múa Trung ương, của Nhà hát Giao hưởng hợp xướng nhạc vũ kịch Việt Nam. Tiếng hát của chị ngày ấy không chỉ làm nức lòng quân và dân ta, mà còn làm kẻ thù bên kia giới tuyến điên đảo bởi sức nặng lan tỏa, truyền cảm và lay động ghê gớm. Nhất là trong những thời điểm ấy, mọi con tim đều dồn yêu thương cho mối tình bắc – nam ruột thịt.

Và đặc biệt hơn nữa, tiếng hát của chị đã đi khắp năm châu bốn biển, kể cho bạn bè thế giới nghe về cuộc chiến tranh chính nghĩa và anh dũng của quân, dân Việt Nam để giải phóng dân tộc và thống nhất nước nhà. Trong hồi ký của mình, Tân Nhân cũng đã ghi lại cảm xúc khi tham dự và hát cho hàng nghìn người đủ các mầu da, dân tộc tại Ðại hội Thanh niên Sinh viên Thế giới thời ấy. Nữ nghệ sĩ đã xúc động trước những tình cảm của chính những sinh viên Mỹ khi nghe họ hô to tại đại hội: “Việt Nam phải tự do, Việt Nam phải thống nhất!”, sau khi họ được nghe giải thích nội dung bài hát và giai điệu Câu hò bên bờ Hiền Lương qua giọng hát của chị.

Nghệ sĩ Ưu tú Tân Nhân đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng nhất. Cuộc đời và chân dung của nữ nghệ sĩ mới đây đã được Nhà xuất bản Văn học tái hiện một cách trung thực và sắc nét qua tập sách Nghệ sĩ Tân Nhân và Xa khơi (trong ảnh) mới được xuất bản.

Cuốn sách bao gồm ba phần: Phần một là hồi ký nghệ thuật do chính nghệ sĩ Tân Nhân viết, phần hai bao gồm 80 bài thơ do bà sáng tác, và phần ba là những bài viết của lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và các đồng chí, đồng nghiệp về cuộc đời và tiếng hát của Tân Nhân. Ðó là các tác giả Tố Hữu, Trần Hoàn, Ðình Quang, Phan Quang, Phạm Ngọc Cảnh, Nam Hà, Khắc Tuế, Dân Huyền, Ðỗ Chu, Ðặng Anh Ðào… và các nhà báo Nguyễn Thụy Kha, Tân Linh, Vĩnh Linh, Nguyễn Ðình San, Trần Hoàng Thiên Kim, Nguyễn Minh Ngọc, Nguyễn Thông, Trương Nguyên Việt…

Nhà báo – Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha gọi tiếng hát Tân Nhân là “Một giọng nữ cao thánh thiện và vĩnh cửu”. Và cũng chính ông đã viết về bà: “Nhưng người nghệ sĩ tài sắc ấy lại có cuộc sống hết sức bình dị, đạm bạc và chan hòa với mọi người, sự bình dị và khiêm nhường của một tầm vóc lớn được hun đúc nên bởi những tháng năm chiến tranh, thăng hoa thành một sức mạnh phi thường”. Ðạo diễn Khắc Tuế, nguyên Trưởng đoàn Ca múa Quân đội nói về đồng nghiệp của mình: “Tân Nhân hát Xa khơi, thật ra không phải là hát mà lời hiệu triệu được chị thể hiện bằng lời ca”.

Cái lợi thế của Tân Nhân ở bài Xa khơi là những âm điệu miền trung ngọt ngào, sâu lắng. Sự trọn vẹn trong Xa khơi với giọng ca Tân Nhân là mối tình quê tha thiết. Nữ nghệ sĩ cất lên tiếng hát ở vào thời điểm cả nước đang hướng về miền nam ruột thịt trong nỗi đau chia cắt và khát vọng thống nhất đất nước. Nhà văn lão thành Ðỗ Chu kể về một kỷ niệm với nữ nghệ sĩ: “Lại đến cuối năm đó, vào dịp Hà Nội sắp sửa bước vào cái Tết nữa của thời chiến, trong Phủ Chủ tịch tổ chức một cuộc gặp gỡ có rất đông văn nghệ sĩ được mời tới dự. Lần ấy, tôi đã gặp chị Tân Nhân, một gương mặt sáng của nền âm nhạc ta. Lúc đó, chị còn rất trẻ trung và đang rất nổi tiếng. Theo yêu cầu của Thủ tướng Phạm Văn Ðồng, chị bước lên hát Xa khơi của Nguyễn Tài Tuệ. Hát như rút ruột mà hát. Tất cả mọi người đều lặng phắc lắng nghe. Ðồng chí Thủ tướng đã đi đến đặt vào tay chị một bông hồng thắm. Chỉ thế thôi và thế là quá đủ…”.

Vâng, tất cả những kỷ niệm, những tình cảm yêu mến này được gói trọn trong một tập sách dày dặn có tên Nghệ sĩ Tân Nhân và Xa khơi, kể về nữ nghệ sĩ tài danh có hành trình đi lên cùng cách mạng, có số phận gắn bó với Tổ quốc, và đã nửa thế kỷ trôi qua mà tiếng hát đẹp và hình ảnh của bà vẫn ngân vang trong lòng bao thế hệ…

Nguồn: Báo Nhân Dân điện tử

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài