Nhà thơ Hữu Việt.(VNT phỏng vấn nhà thơ Hữu Việt)

Giải thưởng của Hội nhà văn hai năm 2010-2011 đem đến những tín hiệu vui cho người làm thơ vì đã 5 năm nay giải thưởng cho thơ bị để trống. Cho dù chưa phải là tiêu chí cuối cùng và duy nhất thì giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam hàng năm vẫn được mặc định là chính thống và “danh giá” nhất.

 

Những góc nhìn và cảm xúc nhân văn mới về Tây Nguyên

Anh đã đọc tập thơ “Ngày linh hương nở sáng” của tác giả Đinh Thị Như Thúy. Xin anh nhận xét đôi điều về tập thơ này (về ngôn ngữ, về thi pháp…)?

Tập thơ hơn một trăm trang, gần 60 bài, xuất hiện theo trình tự thời gian, chủ yếu được làm trong khoảng 4 năm (từ 2007-2010). Những bài thơ văn xuôi chiếm một tỉ lệ khá lớn trong tập sách, còn lại là các bài thơ viết theo lối tự do. Có cảm giác Đinh Thị Như Thúy không đầu tư nhiều vào vần điệu mà tập trung vào cấu tứ của bài thơ. Những khi cần lưu ý người đọc về nhịp điệu thì thủ pháp được chị lặp đi lặp lại nhiều lần là dùng những điệp chữ: Một cái cây đứng chờ ngọn gió/Một cái cây đứng chờ ngọn lửa/Một cái cây chờ được reo lên/Một cái cây chờ được ngùn ngụt cháy (Có phải tất cả kiếm tìm đều như thế), hoặc Buổi sáng buổi trưa buổi chiều buổi xế/Buổi buồn buổi vui/Buổi gió nhẹ/Buổi ong ong u u thiêu đốt (Mùa bướm) hay Thị trấn ấy xanh xao mùa đông/Và đêm tối/Và thời khắc ấy/Và bản nhạc ấy/Và cánh cửa ấy/Đã mở (Và bản nhạc ấy) v.v… Thủ pháp này không mới, nhiều người làm thơ gọi đây là thủ pháp “lười”. Nó phù hợp với những bài thơ quảng trường, đọc trước đám đông, nhưng khi xem bằng mắt thì khó thấy sự dụng công về ngôn ngữ. Tuy nhiên, trong tập thơ này tác giả đã sử dụng khá hợp lý và nhuần nhuyễn trong từng trường hợp cụ thể, tạo nên những câu thơ miên man và giàu suy tưởng. Ngoại trừ đôi chỗ thủ pháp này hơi bị lạm dụng khiến nó trở nên rậm lời, cầu kỳ và hơi rườm rà, đặc biệt trong các bài thơ văn xuôi.

Với anh thì “Ngày linh hương nở sáng” “sáng” nhất ở điểm nào?

Đất, trời, cỏ cây, mùa, mưa, nắng trong Ngày linh hương nở sáng đẹp một cách khác biệt. Nó vừa cô đơn, khắc khoải, vừa hoang dại, non tơ và lộng lẫy (chữ Đinh Thị Như Thúy hay dùng trong khá nhiều câu thơ). Chị viết khá nhiều về tháng Tư, khoảng thời gian giao mùa đặc biệt ở Tây Nguyên. Cái mùa vừa bí mật phô bày/vừa đắm say hờ hững; cơn mưa đầu mùa luôn vật vã như người đàn bà sinh con so chuyển dạ… mùa sinh sôi nảy nở của côn trùng, từ đất ấm bao sinh vật lạ quen ùn ùn tuôn dậy (Chuyện tháng Tư). Và cũng chính tháng Tư ấy đã làm nên những ám ảnh bất động, cơn nhức đầu và những hoảng loạn .

Phải chăng là phụ nữ nên Đinh Thị Như Thúy dành nhiều sự chú ý đến thời gian như vậy? Khá nhiều bài thơ mang tên ngày tháng: Krông Pắc, tháng 11 ngày 13, Chuyện tháng Tư, Tháng Bảy, Diệp những ngày tháng Chạp!… thậm chí còn chi tiết đến mức Bay lúc 18h20, 45’ điện thoại đường dài buổi trưa… Cho đến nay, thách thức lớn nhất và điều khiến loài người bất lực nhất vẫn là khi phải đối mặt với thời gian. Có thể nói, đa phần nỗ lực của con người chính là cưỡng lại những quy luật khắc nghiệt mà thời gian đặt ra. Một điều khá đặc biệt là hầu hết các bài thơ trong tập đều khi rõ ngày, tháng nó ra đời. Thời gian dường như đang truy đuổi tác giả, lấy đi của chị người thân, những lầm lỡ, hoang mang, những cái bẫy… để người ta luôn khát khao có cái ngày linh hương nở sáng một khu vườn.

Trong mặt bằng thơ Việt hiện nay, “Ngày linh hương nở sáng” có khiến anh bất ngờ?

Không. Cá nhân tôi cho rằng, cùng với mặt bằng tri thức trong thời đại công nghệ thông tin và toàn cầu hóa thì mặt bằng thơ hiện nay của chúng ta khá cao. Người đọc ngày càng có nhiều lựa chọn. Nếu ngày xưa, các nhà thơ có thể là những vị thánh còn độc giả là những tín đồ, thì bây giờ mối quan hệ này đã hoàn toàn bình đẳng cả về trình độ tri thức và trình độ thẩm mỹ. Có một nhà văn đã nói với tôi rằng, điều anh sợ nhất chính là nhiều lúc cảm thấy mình “thấp” hơn người đọc.

Đinh Thị Như Thúy đã là một cây bút thơ khá quen thuộc, với phong cách có thể nói đã được định hình. Trong Ngày linh hương nở sáng không có nhiều đột phá về thi pháp, ngôn ngữ, sự cách tân… nhưng Đinh Thị Như Thúy đã mang đến những góc nhìn và cảm xúc nhân văn mới về Tây Nguyên. Với những dấu ấn cá nhân của mình, chị đã làm nở sáng một vùng đất mà lâu nay dường như được biết đến nhiều qua văn xuôi..


Không thể bằng lòng với “tư duy giai đoạn”

Thế nhưng trên một bài báo đăng tải gần đây anh cho rằng: Thơ trẻ nói chung và thơ VN nói riêng mấy năm gần đây khá đuối. Kết luận này dựa trên những tiêu chí nào thưa anh?

Tác phẩm và công chúng.

Cũng trong bài báo trên, anh cho rằng thơ trẻ trong thời gian vừa rồi không được đánh giá cao chính vì không có những đỉnh cao. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, mỗi giai đoạn đều có một cái đỉnh của nó. Và không nên lấy (đỉnh của) giai đoạn này làm thước đo cho (đỉnh của) giai đoạn khác. Anh nghĩ sao?

Chỗ này cần phải nói rõ thêm một chút. Việc thơ trẻ thời gian vừa qua không được đánh giá cao vì chưa có những đỉnh cao theo tôi chỉ là một trong khá nhiều những nguyên nhân khác nhau thôi. Nói rộng ra thì nhiều lắm. Lấy ví dụ đơn giản thế này: Một vụ mùa bội thu đâu có phải chỉ do người gieo trồng? Cho dù đây là yếu tố quyết định thì vẫn còn đất, nước, giống cây, thời tiết, thời điểm, cơ hội và cả những cơ may nữa!

Không nên lấy đỉnh của giai đoạn này làm thước đo của giai đoạn khác? Theo quan điểm cá nhân thì tôi đó chỉ là một cách tự an ủi mà thôi. Ở đây không thể dùng phép uyển ngữ, bởi vì đỉnh (cao) phải là đỉnh và chưa có là chưa có! Tôi thành thật không có ý xúc phạm hoặc làm nản lòng ai đó, bởi vì tôi cũng chính là một người trong số ấy. Nhưng nếu chúng ta bằng lòng với tư duy giai đoạn (trong trường hợp này nó giống với tư duy nhiệm kỳ), không thẳng thắn nhìn vào sự thật, thì biết bao giờ thơ trẻ mới có đỉnh (thật sự) đây?

Năm 2010 – 2011, giải thưởng Hội nhà văn đã trao cho nhiều tác giả thơ, trong đó có những tác giả còn trẻ. Anh nhìn nhận như thế nào về những tác phẩm được nhận giải kì này?

Giải thưởng của Hội nhà văn hai năm 2010-2011 đem đến những tín hiệu vui cho người làm thơ vì đã 5 năm nay giải thưởng cho thơ bị để trống. Cho dù chưa phải là tiêu chí cuối cùng và duy nhất thì giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam hàng năm vẫn được mặc định là chính thống và “danh giá” nhất.

Còn nói về tác giả đoạt giải thì chỉ có nhà thơ Đỗ Doãn Phương là trẻ thôi (Đinh Thị Như Thúy sinh năm 1965). Có lẽ cũng khá lâu rồi Hội nhà văn mới tìm thấy tác giả chưa phải là hội viên của Hội để trao giải. Trước đó thì khá hiếm. Năm 2007, Đoàn Minh Phượng được trao giải cho tiểu thuyết Và khi tro bụi, và mãi đến năm nay mới có Hoan ca của Đỗ Doãn Phương. Đinh Thị Như Thúy được kết nạp vào Hội cùng với thời điểm nhận giải cho Ngày linh hương nở sáng nên có thể coi như hội viên rồi. Giải thưởng năm nay chứng tỏ sự cởi mở và con mắt tinh đời của những người thẩm định. Cá nhân tôi nghĩ rằng các tác giả được giải đều xứng đáng, chỉ có hơi tiếc một chút cho tập thơ Những kỷ niệm tưởng tượng của Trương Đăng Dung. Nhưng cuối cùng thì tập thơ này cũng đoạt giải thưởng của Hội nhà văn Hà Nội năm nay. Theo tôi, đây là một cái kết đẹp.


Sự lặp lại và nhàm chán sẽ giết chết sáng tạo

Là một nhà thơ, anh nghĩ gì về cách tân?

Sự lặp lại và nhàm chán sẽ giết chết sáng tạo. Thơ – với tư cách là một sản phẩm của sáng tạo nếu không luôn tự làm mới mình thì liệu có còn thu hút được công chúng hay không? Hay chỉ được dùng để ngâm vịnh, xướng họa, thù tạc? Cứ đó mà suy thì cách tân là sự sống còn của thi ca. Lâu nay chúng ta đã bàn nhiều về cách tân hình thức và cách tân tư duy sáng tạo. Tôi không phải người làm lý luận, không thật sự am hiểu các lý thuyết, nhưng tôi nghĩ rằng cái gọi là cách tân chỉ thành công khi sản phẩm của sự cách tân ấy được công chúng đón nhận. Còn cách tân thế nào thì mỗi người tùy theo cái tạng của mình và những mục tiêu mà mình theo đuổi để chọn lấy cách thức phù hợp.

Anh nhìn nhận như thế nào về sức ép từ việc cách tân đến khá nhiều nhà thơ trẻ của chúng ta?

Ở khía cạnh tích cực thì sức ép sẽ tạo thành động lực, cảm ứng (điều này đặc biệt cần thiết với thơ) sáng tạo, vươn tới những giá trị đích thực. Còn ở khía cạnh tiêu cực thì sẽ khiến người ta sốt ruột, lệ thuộc vào hình thức, ảo tưởng về hiệu ứng đám đông – những thuốc độc của thơ.

Theo anh điểm hạn chế lớn nhất của các tác giả trẻ hiện nay là gì?

Sức ép đến từ việc cách tân và việc thiếu thời gian để đọc sách một cách thật bình tĩnh.

Những người trẻ là những người có khả năng tạo nên bất ngờ? Anh có nghĩ rằng thơ 2012 tiếp tục tạo được bất ngờ như Đỗ Doãn Phương vừa tạo nên với tập Hoan ca vừa qua?

Luôn luôn là như vậy. Tuy nhiên, thơ không phải là thể thao thành tích cao và sức trẻ vật chất khác hẳn sức trẻ sáng tạo. Nếu coi Đinh Thị Như Thúy và Đỗ Doãn Phương là những tác giả trẻ gây bất ngờ trong giải thưởng văn học năm nay thì đó là những bất ngờ đã được báo trước. Phía bên kia cây cầu của Đinh Thị Như Thúy đã lọt vào vòng chung khảo giải thưởng Hội nhà văn năm 2008; còn Đỗ Doãn Phương đã từng đoạt giải đồng hạng ở giải thưởng Bách Việt với tập Những ngọn triều nhục cảm năm 2009.

Với cách thức trao giải mới cho những tác phẩm văn học xuất bản trong năm của Hội nhà văn Việt Nam thì bây giờ mới là đầu năm nên còn hơi sớm để đưa ra những dự đoán. Chúng ta có nhiều người viết trẻ tiềm năng chưa công bố tác phẩm. (Tôi xin phép không gọi ra những cái tên cụ thể mà mình kỳ vọng). Nhưng cứ nhìn vào tình hình thực tế thì để lặp lại một Đỗ Doãn Phương của năm 2011 trong năm 2012, có lẽ hơi… khó.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.

PVVNT thực hiện

Nguồn: Văn nghệ Trẻ.