Viết về tập thơ CÓ MỘT MIỀN NHƯ THẾ ĐỢI ANH

của Đinh Thị Thúy Hằng

 

 

Đinh Thị Thúy Hằng khiến tôi bất ngờ ngay từ những câu thơ ở bài thơ đầu tiên trong tập CÓ MỘT MIỀN NHƯ THẾ ĐỢI ANH.

 

Hãy đọc chị trong tâm thế thiền:

Linh thiêng hồn nước, quân vương tĩnh tọa

Nghiệp trần gian nặng vòng luân lý

Chuông cầu khiêm nhu giũ giải ưu phiền…

(Về đất Phật Yên Tử)

 

Nếu mấy câu thơ này là của một nhà thơ tên tuổi, có lẽ người bình thơ sẽ có những nhận xét về câu từ, về cách gieo vần khá chắt lọc, ngọt và sắc. Nhưng đây là câu từ của một doanh nhân làm thơ. Các kí tự sắp xếp theo đúng niêm luật thơ, lại cũng phá cách rất hợp lí. Cho thấy một tâm hồn thơ đích thực, không cố ý mà vẫn ý, không phô diễn câu từ mà người đọc thấm từng câu chữ đầy hình ảnh, âm thanh, màu sắc Cửa Phật.

 

Đặc biệt ấn tượng về cách gieo vần, về câu chữ và việc chọn lựa ngữ điệu cho thơ là bài Viết cho cha:

Đêm nay Cha nơi biên cương

Gió đông bắc về lạnh giá

Đồn trú trên rừng cây, đá

Nhiệt độ thành tuyết thành băng.

 

Tình cảm của người con gửi đến cha nơi xa ấm áp, tràn ngập, len lỏi, hiện hữu:

Có khi nào Cha chợt thấy

Một chiếc lá nhỏ trên dòng

Là thuyền của con thơ ấu

Chở về Cha nỗi nhớ mong.

Đây là bài thơ thuyết phục tôi nhất trong tập thơ. Có lẽ tình cảm của chị dành cho cha sâu sắc và hồn hậu đến độ đã lặn sâu, thấm vào từng con chữ. Để người đọc như được dự phần vào khoảng không gian rộng mở. Nơi CON nối mạch nguồn với CHA bằng tình cảm linh thiêng, bằng tạo vật thiên nhiên kết nối từ nơi con đến nơi cha.

 

Chị không ngại ngần thổ lộ tình cảm của mình với người mình yêu thương. Nhưng cách thổ lộ thật mộc mạc hồn nhiên, như chính sự mộc mạc hồ nhiên của rừng núi làng bản.

Em đi lễ đầu xuân

Vạt váy gió tung, bạc vòng cổ ngấn

Tới Lào Cai vịn sông Hồng đi ngược

Đường dốc quanh qua bản thắm hoa đào

Những vệt cải vàng như nắng ngậm sao

(Đi lễ đầu xuân)

 

Đột ngột, như một sự thú nhận đáng yêu:

Những cặp đôi dập dìu xuân tình tứ

Em đi lễ cầu Phật Trời phù hộ

Đôi chúng mình bên nhau độ trăm năm.

 

Thơ chỉ cần vậy. Thơ vốn là vậy. Tất cả những xảo ngữ, sáo ngữ, ngụy ngữ… đều không tạo nên thơ. Thơ là mạch nguồn tâm hồn con người. Vậy nên Đinh Thị Thúy Hằng đã neo vào chính tâm hồn mình, vượt qua những gian nan khó khăn trong nghiệp kinh doanh, chị trở nên trong trẻo trước thơ.

 

Khi cần, Thúy Hằng cũng biết rắc những tia óng ánh tuyệt đẹp cho thơ:

Ta là ai mà mang đêm chia nửa

Em là ai mà vi vút điệu mùa

Lạnh như em, sao xa ta lại nhớ

Em mùa đông khua lá rụng hong khô!

(Em mùa đông)

 

Bài thơ lấy tên cho cả tập Có một miền như thế đợi anh, bài thơ đã được phổ nhạc. Và bài hát mới này đã vang lên trên núi rừng Yên Bái. Dường như khi nhả chữ ra thơ, tác giả nghe thấy tiếng nhạc rừng reo trên triền núi cao, tiếng cỏ cây ra chồi ra lộc, tiếng thủ thỉ tỏ tình của trai gái nơi miền yêu thương của Thúy Hằng.

Có một miền như thế đợi anh

Vương đáy mắt nhau cánh thắm lộc vừng

Hòa điệu sáo tình có người lối vắng

Yêu thương nhau rồi lên núi tỏ tình

 

Ngoài những bài thơ Đinh Thị Thúy Hằng viết dành cho vùng đất Yên Bái, hay những vùng đất chị đặt chân đến trong từng quãng đời doanh nhân của mình; những bài thơ dành cho thầy cô bạn bè trường lớp; những bài thơ dành cho những người thân mà chị yêu thương… là niềm tôn quý những sản vật thiên nhiên ban tặng. Trong đó đặc biệt là những viên đá quý mà cuộc đời doanh nhân của chị gắn bó.

Thắm đỏ tượng trưng tình yêu son sắt

Là đá RuBy chúa tể muôn loài

Tế nhị màu hồng tựa cánh đào phai

RuBy tình yêu dịu dàng sâu lắng

Xa Phia đá vua quyền uy chiến thắng

Màu của niềm tin hy vọng tình yêu…

(Hồn của đá)

Đọc thơ Đinh Thị Thúy Hằng, cảm giác như được uống một gáo nước nguồn ngọt mát. Nước ào ạt chảy xuống ngực, rơi xuống mặt đất những giọt trong vắt, long lanh như ngọc, tươi tắn như những chiếc lá xanh của núi rừng, khe khẽ vẫy gọi ta trở về với cội nguồn.

Mong nguồn thơ của Thúy Hằng cứ mãi nồng thắm và mộc mạc như nước như lá rừng; óng ánh muôn màu như những viên ruby, xaphia, spinen, tumalin hay thạch anh… mà cả cuộc đời doanh nhân của chị và gia đình chị gắn bó.

 

– 20.6.2018 –

 

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà