Không phải ai khác, chính là Karl Marx, vị lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản toàn thế giới, đã đánh giá Goethe là “người Đức vĩ đại nhất”. Và Walter Vicktor, một nhà nghiên cứu văn học Đức xuất sắc, nhận định rằng: “Trong số những thi phẩm tuyệt diệu của nước Đức mà chúng ta vui mừng thừa kế của ông cha mình, Goethe đã để lại cho chúng ta cả một kho báu rực rỡ nhất”.

Kho báu ấy, cho đến hôm nay, và mãi mãi về sau, vẫn là niềm tự hào của cả một dân tộc. Goethe, với sự nghiệp sáng tạo khổng lổ, qua cuộc đời 83 năm (1749-1832), đã làm nên một tượng đài vĩ đại cho nền văn học – nghệ thuật của nước Đức, góp cho văn đàn thế giới một gương mặt mà nhân loại tiến bộ đời đời ghi nhớ.

Nói đến Goethe, chúng ta cần nhớ lại thế kỷ XVIII ở Đức, “một thế kỷ thảm hại về chính trị và xã hội”, trong đó chứa chất cả “một khối sinh động duy nhất những thối nát, những tàn tích ghê tởm” (Engels)… Thế nhưng, về mặt văn học, đó lại là “một thế kỷ vĩ đại” của nước Đức, nếu tính từ những năm 50 trở đi. Các nhà tư tưởng ánh sáng Đức đã mở ra mặt trận đấu tranh trên lĩnh vực mỹ học và phê bình văn học nghệ thuật. Đó là yêu cầu khách quan của thời đại – “một thời đại cần có những người khổng lồ – những người khổng lồ về tư duy, về niềm say mê”. Những “người khổng lồ” đó, trước hết phải nói tới Lessing (1729-1781), người có công đặt nền móng cho nền văn học của dân tộc về cả hai phương diện lý luận và sáng tác; Klopstock (1724-1803) – nhà thơ đầu tiên của giai cấp tư sản Đức có ý thức chống lại thế lực quý tộc thống trị và bằng tác phẩm của mình, đã tạo cơ sở cho nền thi ca hiện thực chủ nghĩa ở Đức tiếp tục phát triển; Herder (1744-1803), với những quan điểm tiến bộ về triết học, ngôn ngữ, văn học – nghệ thuật đã tạo cơ sở cho hoạt động của phong trào Bão táp và xung kích, tạo tiền đề cho chủ nghĩa cổ điển Đức… Đó là ba trong những ngọn cờ tiên phong đã phấp phới bay trong suốt nửa sau của thế kỷ XVIII. Và dưới những ngọn cờ ấy, Goethe đã tiếp thu, học hỏi, trưởng thành. Ông thừa hưởng của những người lớp trước các tinh hoa về tư tưởng và mỹ học. Có thể nói, không có tình bạn gắn bó như “anh em ruột” với Herder, thật khó tưởng tượng về sự chuyển biến tư tưởng của Goethe.

Quả vậy, từ bản tính một con người thông minh, trí tuệ phi thường, ham hiểu biết, vô cùng năng động, giàu tài năng, Goethe đã trở thành “đại úy” của các nhà văn trẻ, lãnh tụ của phong trào Bão táp và xung kích, trở thành “ông Thánh trên núi Olympia”.

Nói đến sự nghiệp sáng tạo khổng lổ của ông, thật ra, chúng ta không chỉ dừng lại ở những cống hiến vĩ đại và phong phú của ông trên lĩnh vực văn học – nghệ thuật mà còn liên tưởng tới những thành tựu về nghiên cứu, dịch thuật, báo chí, sưu tầm… trên các lĩnh vực khoa học xã hội và tự nhiên, trong các hoạt động xã hội với tư cách một vị thượng thư của triều đình Weimar, góp phần phát triển và đổi mới công nghiệp, nông nghiệp, thuế vụ, quân sự, hải quan… Ở ông chung đúc một khối kiến thức đồ sộ về lịch sử, triết học, nghệ thuật cổ đại, âm nhạc, toán học, địa lý học, cơ thể học, luật viễn cận, lý thuyết về màu, thực vật học, địa chất học… Và, điều lạ lùng nhất chính là sự kết hợp kỳ diệu ở một con người ông cái chất bay bổng, dào dạt của thi ca với sự tinh vi, chính xác, trừu tượng của khoa học tự nhiên; cái khôn khéo của nhà chính khách với năng lực tổng kết, thống kê của nhà sưu tập, nghiên cứu cần mẫn; ông vừa là nhà triết gia, vừa là thi sĩ, vừa là họa sĩ tài hoa, mà cũng là một diễn viên, một đạo diễn tài ba, một giám đốc sân khấu hết sức nghiêm túc…

Ở Goethe, ít nhất có hai điều quan trọng mà mỗi chúng ta cần lưu ý.

Điều thứ nhất: ông là nhân chứng của những biến động lịch sử lớn lao. Ông đã chứng kiến nỗi khốn cùng của tư tưởng tôn giáo trung cổ, và của nông nô, sự tan nát của các tiểu quốc Đức và sự thiết lập nền quân chủ chuyên chế ở Đức, sự lạc hậu và bước tiến như vũ bão của công nghiệp và giai cấp công nhân Đức, giờ phút vinh hiển của nền dân chủ tư sản và những ung nhọt của nó. Từ trung cổ, qua thời kỳ khai sáng và cách mạng tư sản, tới những cuộc đấu tranh có tổ chức đầu tiên của giai cấp công nhân đòi thiết lập xã hội mới – tất cả đó là quãng đường lịch sử sôi động mà Goethe có may mắn và đau khổ trải qua. Ông cũng đã chứng kiến cuộc “chiến tranh 7 năm” giữa các thế lực phong kiến quân chủ châu Âu (1756-1763), những cuộc tranh giành thuộc địa giữa Pháp và Anh, cuộc nổi dậy của Bắc Mỹ và sự ra đời của Hoa Kỳ (1776), ba lần chia cắt Ba Lan, cuộc cách mạng Pháp (1789) với khẩu hiệu vang dội “Tự do – Bình đẳng – Bác ái”, chiến tranh xâm lược của Napoleon và chiến tranh giải phóng của các dân tộc châu Âu (1805-1813)… Cùng thời với ông, có biết bao bộ óc vĩ đại ở Đức và châu Âu, đó là Hegel và Kant, Lomonosow và Adam Smit, Beethoven và Mozart, Lessing và Herder, Humboldt và Heine, Puskin và Mickie wicz, các nhà bách khoa toàn thư ở Pháp và các danh họa hiện thực ở Tây Ban Nha, Italia… Napoleon từng đến thăm ông ở Weimar. Và cũng tại Weimar, ông kết bạn với Schiller, Liszt, Wieland… Có thể khẳng định rằng, trong tư duy ông, trong thơ ca và tác phẩm của ông đã phản ảnh toàn bộ các biến đổi lịch sử ấy của tư tưởng tư sản. Đó là cả một chặng đường dài dằng dặc về nhận thức của Goethe, từ những năm đầu tiên có tính chất bản năng về một vài quy luật quan trọng trong thiên nhiên và xã hội cho đến tập II tác phẩm Faust của Goethe là “sáng tạo lớn nhất của tinh thần thi ca, là anh hùng ca Iliat của thời đại mới”, mà Heine khẳng định là cuốn “Kinh Thánh cuộc đời của dân tộc Đức”.

Điều thứ hai: mọi suy nghĩ, sáng tạo, hành động của Goethe đều xuất phát từ con người. Ông cho rằng: “chúng ta không biết đến một thế giới nào lại không liên quan đến con người”. Đó là nhân sinh quan, là thế giới quan của Goethe. Tư tưởng nhân văn là sợi chỉ đỏ xuyên qua toàn bộ tác phẩm của ông, toàn bộ hoạt động phong phú của đời ông. 83 năm dằng dặc của cuộc đời vĩ đại đó, dù ở đâu, tại thành phố Frankfurt bên sông Main hay Leipzig, Strassburg hay Wesla, Weimar hay Italia…, là cả một quá trình học tập, nghiên cứu, rèn luyện, phấn đâu, sáng tạo vì con người. Dưới ngòi bút của Goethe tuôn trào những vần thơ trữ tình ca ngợi con người, mở ra một thời đại cho nền thi ca Đức với những nội dung hoàn toàn mới mẻ. Đặc biệt, với tập thơ Những bài ca xứ Sesenheim, Goethe cất lên những tiếng reo vui, nồng nhiệt của cả một thế hệ trước cuộc đời, trước thiên nhiên. Thời Trung cổ, về cơ bản, là thù địch với thiên nhiên. Những người bình dân vốn sợ hãi trước thiên nhiên, coi đó là quê hương của ma quỷ, các thế lực bí ẩn, siêu nhiên trồng rừng sâu., trên đồng cỏ… Giờ đây, giai cấp tư sản trẻ trung đã nhìn thấy ở thiên nhiên một hình ảnh mới, đẹp tươi và hữu ích. Thiên nhiên là thần thánh, thì con người – trong sự sáng tạo của mình – cũng là thần thánh. Ông cho rằng, con người cao hơn mọi thần thánh, là kẻ sáng tạo ra thần thánh. Những bài thơ như Promete, Con người và thần thánh… khẳng định mạnh mẽ cái tôi chủ thể của con người. Và tình yêu, theo ông, cũng là thiên nhiên, đó là quy luật giữa nhận và cho. So với các nhà thơ Đức trong các thế kỷ trước ông, Goethe đã có những bước tiên kỳ diệu về nội dung tư tưởng và hình thức, trong đó có những cống hiến lớn về ngôn ngữ thi ca, một thứ ngôn ngữ trong sáng, phong phú, tràn đầy chất dân ca.

Về tiểu thuyết cũng vậy. Vốn là một thể loại bị coi là nôm na, dông dài, tiểu thuyết Đức đã được Goethe mở ra một nguồn sáng tạo mới. Với Những nỗi đau của chàng Werther, lần đầu tiên tiểu thuyết Đức có nhân vật trung tâm, có hình tượng nghệ thuật điển hình, có sự phát triển nội tâm. Nếu tác phẩm Goetz von Berlichingen đưa vị trí của Goethe lên “nhà văn của nước Đức” thì Những nỗi đau của chàng Werther đưa ông lên ngang hàng với các nhà văn của châu Âu. Bao nhiêu thanh niên Đức đã khóc thương Werther. Ở nước ngoài, Werther cũng gây những chấn động sâu sắc. Tại Trung Quốc, người ta vẽ hình ảnh Werther lên sứ. Napoleon đã nhiều lần đọc Werther… Tuy nhiên, Goethe chưa yên tâm với hình tượng này. Sau đó, ông làm một số bài thơ nhắc nhở bạn trẻ không nên sống như Werther. Ông ân hận vì đã không mở cho nhân vật một lối thoát lạc quan, đã làm cho nhân vật sụp đổ. Goetz cũng tương tự như vậy: về cuối đời, anh ta đã chết dần chết mòn trong lặng lẽ và cô đơn.

Nhưng, cũng không thể khác được. Hạn chế ấy bị quy định bởi tình hình lịch sử cụ thể. Chế độ phong kiến quân chủ còn quá mạnh; tầng lớp thứ ba – nhất là ở Đức, còn quá yếu ớt, chưa thể thắng thế. Goethe vẫn nung nấu, ấp ủ những dự định lớn về đề tài con người. Ngày 13/9/1774, nhà văn Heinze viết cho bạn mình về Goethe như sau: “Đó là một chàng thanh niên 25 tuổi khá điển trai, từ đốt xương sống đến ngón chân đều bộc lộ thiên tài, sức mạnh và nghị lực; một trái tim đầy cảm xúc, một tinh thần đầy lửa với đôi cánh đại bàng”.

Trái tim ấy, tinh thần ấy sẽ tạo ra những nhân vật mạnh mẽ, đầy chiến thắng: Promete, Mahomet và cuối cùng là Faust. Trước hết, Goethe đã sống và sáng tạo như một tấm gương lao động vĩ đại. 60 năm tại thành phố Weimar, Goethe đêm đêm làm thơ dưới ánh trăng, dưới ánh sáng của ngọn nến, ngày ngày say mê hoạt động xã hội và nghiên cứu khoa học. Có những ngày dài một mình tha thẩn trên núi Harz nghiên cứu địa chất (sau khi từ trần, Goethe để lại bộ sưu tập gồm 1.800 khoáng chất giá trị).

Ành Internet

Ca ngợi con người, khẳng định con người, phục vụ con người – đó là công việc Goethe làm trong suốt cả đời mình. Riêng trên lĩnh vực văn học – nghệ thuật, ngoài hàng trăm bức họa tài hoa, Goethe đã để lại cho hậu thế những tác phẩm lẫy lừng thuộc nhiều thể loại: thơ trữ tình, kịch thơ, bi kịch, tiểu thuyết, tiểu luận, dịch thuật… Có thể kể đến: Iphigemie, Egmont, Tasso, Thơ ca và chân lý, Hành trình qua nước Ý, Cuộc vây hãm thành Mainz, Những năm du lịch của Wilhelm Meister, Tập thơ Đông – Tây, Bi ca La Mã và đặc biệt là Faust, tác phẩm vĩ đại nhất của ông – một bài ca về sự nỗ lực vươn lên không ngừng của con người – không hề biến đổi mà ngày một sâu sắc thêm, hoàn thiện thêm.

Với Goethe, nền văn học Đức đã đạt tới đỉnh cao chưa từng có. Và, cho đến nay, trên tiến trình phát triển của nền văn học ấy, Goethe vẫn là đỉnh cao mà chưa một ai trong các thi nhân Đức có thể sánh kịp. Nhân dân Đức tự hào có ông như một trong những ngôi sao rực rỡ nhất trên bầu trời văn học của nhân loại chúng ta. Ông trở thành gương mẫu cho nhiều nghệ sĩ Đức và châu Âu noi theo, về phương diện nhiệt tình lao động sáng tạo nghệ thuật vì lợi ích của con người, vì hạnh phúc của nhân dân.

Sự nghiệp khổng lồ mà ông để lại không chỉ ở số lượng tác phẩm, ở những gì ông đã cống hiến cho đời, trên mọi lĩnh vực, mà trước hết, trên hết, ông nêu cao một tâm gương hành động – “khởi thủy là hành động”, hành động để “cây đời vàng bạc mãi mãi xanh tươi”. Chỉ bằng hành động, con người tự khẳng định mình. “Hành động tuyệt đối của vĩnh hằng”, đó là bản chất của vũ trụ Goethe. Sự vận động tuyệt đối sáng tạo này gồm các khía cạnh chủ yếu: lao động tạo nên sản phẩm vật chất và tinh thần, tri thức khoa học và tình yêu con người. Cả ba mặt: hành động, tri thức và cảm xúc hòa quyện nhau trong một con người. Goethe là kiểu mẫu cho sự kết hợp hài hòa của ba mặt đó. Toàn bộ cuộc đời Goethe đã phấn đấu không ngừng nhằm thực hiện “miền đất tự do cho nhân dân tự do”. Ông sung sướng hay đau buồn, ông cháy lòng khao khát hay đôi lúc ưu phiền, chán nản – xét cho cùng, đều vì con người, đều vì chúng ta. Chính vì vậy, Becher nêu rõ: “Cuộc đời Goethe là bài ca vĩ đại của nhân dân Đức, do chính thi sĩ tự hát lên, bằng ngôn ngữ của chúng ta”.

Nguồn Văn nghệ số 32/2019