Ở Việt Nam, phê bình văn học chỉ thực sự xuất hiện cùng với quá trình hiện đại hóa văn học ở nửa đầu thế kỉ XX. Trong hơn một thế kỉ văn học vừa qua, phê bình văn học đã là một bộ phận không thể thiếu của lịch sử văn học. Đặc biệt, phê bình văn học có vai trò nổi bật trong những thời kì diễn ra sự biến đổi mạnh mẽ của xã hội cũng như trong đời sống văn học, như giai đoạn 1930 – 1945, và thời kì đổi mới vừa qua. Từ sau tháng 4 năm 1975, cùng với sự biến đổi của hoàn cảnh lịch sử – xã hội, nền văn học Việt Nam cũng chuyển sang một giai đoạn mới với nhiều biến đổi ngày càng sâu sắc và toàn diện, đặc biệt là từ khi có công cuộc đổi mới. Nghiên cứu văn học Việt Nam từ sau 1975 không thể không tìm hiểu bộ phận phê bình văn học. Trong hơn 30 năm qua, nhất là từ thời kì đổi mới, phê bình văn học không chỉ song hành cùng sáng tác mà còn góp phần quan trọng hình thành ý thức thẩm mĩ mới, tác động đáng kể đến người viết và người đọc. Dưới đây là sự khái quát bước đầu về những thành tựu và hạn chế của phê bình văn học trong hơn 30 năm qua.

1. Những thành tựu chính

Sự hiện diện và những tác động của lí luận phê bình văn học trong đời sống văn học mấy chục năm vừa qua, đặc biệt trong thời kì đổi mới, là điều hiển nhiên không thể phủ nhận. Mặc dù còn có tình trạng phân tán, mâu thuẫn chưa đáp ứng đòi hỏi của đời sống văn học, nhưng lí luận và phê bình văn học những năm qua cũng đã có nhiều thành tựu đáng kể, góp phần thúc đẩy tiến trình văn học và tạo được sự chuyển biến trong ý thức nghệ thuật của công chúng.

1.1. Góp phần làm chuyển biến ý thức nghệ thuật, hình thành những quan niệm văn học mới

Cùng với sự đổi mới trong quan điểm và sự lãnh đạo, chỉ đạo văn nghệ của Đảng được thể hiện tập trung trong Nghị quyết 5 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng khóa VI, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VIII, hoạt động lí luận, phê bình đã góp phần tích cực tạo sự chuyển biến trong quan niệm văn học trên nhiều bình diện và không chỉ ở giới nghiên cứu mà còn ở cả người sáng tác và công chúng tiếp nhận.

Không bao lâu sau khi cuộc kháng chiến chống Mĩ kết thúc, ngay từ cuối những năm 70 và đầu thập niên 80, cùng với một số sáng tác của những cây bút mẫn cảm với sự chuyển biến của đời sống và đòi hỏi mới của công chúng, nhu cầu đổi mới văn học cũng đã được nêu lên trong một số ý kiến có tính tiên phong trong phê bình văn học đương thời, mà tiêu biểu là bài báo Viết về chiến tranh của Nguyễn Minh Châu, Về một đặc điểm của văn học nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua của Hoàng Ngọc Hiến, Báo cáo đề dẫn của Đảng – Đoàn Hội Nhà văn trong Hội nghị nhà văn đảng viên, tháng 6 năm 1979. Hoàn cảnh lịch sử, tình thế chính trị và môi trường văn hóa – tư tưởng lúc ấy chưa tạo được những điều kiện để có thể khai mở một cuộc đổi mới văn học, mà trước hết là đổi mới trong quan niệm của cả giới văn học và những người lãnh đạo văn nghệ. Mặc dù những ý kiến đổi mới chỉ vừa được nhen nhóm đã gặp phải sự phê phán mạnh mẽ của những quan điểm chính thống, nhưng sự tác động của nó đến người cầm bút và công chúng vẫn là điều không thể không thừa nhận.

Từ sau 1986, trong không khí dân chủ hóa của xã hội và trong đời sống tư tưởng những năm cuối thập niên 80 và đầu 90, hàng loạt vấn đề cốt yếu của lí luận và thực tiễn văn học đã được đưa ra bàn thảo tranh luận sôi nổi, như các vấn đề văn nghệ và chính trị, văn học phản ánh hiện thực, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, các chức năng của văn học, đánh giá nền văn học cách mạng thời kì vừa qua… trong đó, có những vấn đề trước đây dường như là nguyên tắc bất di bất dịch, không thể nghi ngờ hay bàn cãi, thì nay cũng được đặt lên bàn tròn tranh luận. Tuy chưa có vấn đề nào trong các vấn đề nói trên được giải quyết triệt để nhưng tác động của việc đưa ra thảo luận những vấn đề ấy rất đáng kể.

Trước thời kì đổi mới, trong một thời gian dài, ở nước ta văn học phản ánh hiện thực được xem là một nguyên lí căn bản, nhưng lại thường được hiểu một cách giản đơn, máy móc, có khi dung tục, đưa đến sự tuyệt đối hóa hiện thực khách quan, không nhận thức đúng bản chất sáng tạo của nghệ thuật và hạ thấp vai trò chủ quan của nghệ sĩ, đề cao quá mức thể ký và việc viết về người thực việc thực. Phê bình văn học trong thời kì ấy quan tâm chủ yếu đến giá trị phản ánh hiện thực của tác phẩm (mà nói đúng hơn, chỉ là cái hiện thực bị giới hạn trong một phạm vi nhất định và theo cách nhìn, cách lí giải đã định trước). Sau năm 1975, một số nhà văn, nhà nghiên cứu đã nhận ra những giới hạn của quan niệm và cách phản ánh hiện thực như thế trong văn học ta. Lê Ngọc Trà là người đầu tiên nêu vấn đề này trên bình diện lí luận, trong bài Về vấn đề văn học phản ánh hiện thực (báo Văn nghệ, số 20, năm 1988). Tác giả đã nêu sự cần thiết phải phân biệt lí luận phản ánh trên bình diện triết học với lí luận văn nghệ. Theo ông, phản ánh hiện thực là thuộc tính chứ không phải chức năng của văn học. Trên bình diện lí luận nghệ thuật, thì văn học trước hết không phản ánh hiện thực mà là nghiền ngẫm về hiện thực; giữa phản ánh và sáng tạo, không nên đề cao quá mức đặc tính phản ánh và nhiệm vụ mô tả hiện thực mà xem nhẹ sự tìm tòi tư tưởng, sáng tạo của nghệ sĩ. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác cũng không đề cao nhiệm vụ phản ánh hiện thực như nhiệm vụ quan trọng nhất của văn học. Bài báo của Lê Ngọc Trà đã đặt trúng vấn đề có tính bức thiết của cả sáng tác và lí luận văn học đương thời, nên đã mở ra cuộc thảo luận rộng rãi, đặc biệt là trong giới lí luận, suốt trong những năm 1988 – 1989 và cả những năm 1991 – 1992, cả trên báo chí và trong một số cuộc hội thảo. Nhiều người tham gia thảo luận đã tán thành về cơ bản với ý kiến của Lê Ngọc Trà và làm rõ thêm những hạn chế của quan niệm văn học phản ánh hiện thực lâu nay trong giới văn nghệ, vẫn thường bị hiểu và vận dụng một cách thô thiển, dung tục hóa. Nhưng cũng có những người từ đó lại đi đến phủ nhận lí luận về phản ánh kể cả phản ánh luận của các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác, coi phản ánh chỉ là sao chép, chụp ảnh thực tại, không có vai trò tích cực và chủ động của chủ thể. Mặc dù cuộc thảo luận về vấn đề văn học phản ánh hiện thực không đi đến kết luận cuối cùng, nhưng tác động của nó đến ý thức nghệ thuật của cả giới văn học và công chúng là điều đã rõ ràng: nhiều hiện tượng văn học trong thời kì này đã được phê bình văn học tiếp cận và đánh giá không còn theo những cách thức và tiêu chí của quan niệm phản ánh hiện thực có tính giản đơn, dung tục như trước đó; vai trò sáng tạo và tính tích cực, chủ động của chủ thể nhà văn đã được coi trọng; sự đánh giá tác phẩm theo cách đối chiếu giản đơn giữa hiện thực trong tác phẩm và hiện thực đời sống theo một quan niệm định trước, cũng đã dần không còn phổ biến trong các bài phê bình và cả trong sự tiếp nhận của bạn đọc.

Một trong những vấn đề trung tâm và có ý nghĩa bao trùm mọi mặt của đời sống văn học nghệ thuật nước ta suốt mấy chục năm từ sau Cách mạng tháng Tám, là vấn đề quan hệ văn nghệ và chính trị. Trong lịch sử văn học Việt Nam thời kì từ sau 1945 đã không chỉ một lần vấn đề ấy được nêu ra, trở thành nội dung tranh luận (như cuộc tranh luận văn nghệ và tuyên truyền trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, vấn đề văn nghệ phục vụ chính trị trong cuộc đấu tranh văn học những năm 1955 – 1958, vẫn thường được gọi là cuộc đấu tranh chống nhóm Nhân văn – Giai phẩm). Lúc này khi bước vào công cuộc đổi mới, với tinh thần dân chủ hóa, đổi mới tư duy, nhìn thẳng vào sự thật, quan hệ văn nghệ và chính trị lại được nêu ra như một vấn đề bức xúc, và đã tạo nên một cuộc thảo luận rộng rãi trên báo chí và các hội thảo văn học. Trong cuộc gặp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với đại diện giới văn nghệ (tháng 10 năm 1987), nhiều ý kiến phát biểu đã chỉ ra những hạn chế, lệch lạc của công tác lãnh đạo văn nghệ, của sự thiếu tự do trong văn nghệ nước ta. Chính Tổng Bí thư trong bài phát biểu tại cuộc gặp đó đã kêu gọi văn nghệ sĩ hãy “tự cởi trói”. Bài báo của Nguyễn Minh Châu Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa (báo Văn nghệ, số 49 – 50, tháng 12 năm 1987) đã vạch rõ thực trạng trong suốt một thời kì dài, văn nghệ chỉ được giao phó nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương chính sách bằng phương tiện nghệ thuật, dẫn đến tình trạng “nhà văn đánh mất cái đầu, còn tác phẩm thiếu tính tư tưởng, hoặc chỉ có tư tưởng do nhà nước bao cấp”. Bài báo Cần giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị của Hồ Ngọc (báo Văn nghệ, số 47 – 48, năm 1987) và bài viết của Lê Ngọc Trà Về vấn đề văn nghệ và chính trị (báo Văn nghệ, số 51 – 52, năm 1987) đã mở đầu cho những cuộc thảo luận về vấn đề này trong những năm 1988 – 1989. Những người tham gia thảo luận không phủ nhận mối quan hệ giữa chính trị và văn nghệ, cũng như sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản với văn nghệ trong thời kì cách mạng và kháng chiến vừa qua. Nhưng đồng thời, nhiều ý kiến đã chỉ rõ hạn chế của khẩu hiệu “Văn nghệ phục vụ chính trị” đã dẫn đến trình trạng đồng nhất văn nghệ với chính trị, coi văn nghệ chỉ là công cụ phục vụ các nhiệm vụ chính trị cụ thể, các chủ trương, chính sách. Mặt khác, do đề cao tiêu chuẩn chính trị là hàng đầu nên có tình trạng xem nhẹ giá trị nghệ thuật, quy giá trị tư tưởng của tác phẩm chỉ vào nội dung chính trị; trong việc đánh giá nhà văn thì cố truy tìm tư tưởng chính trị, xem đó là tiêu chí hàng đầu (như đối với các nhà văn trong Tự lực văn đoàn, phong trào Thơ mới, trường hợp Vũ Trọng Phụng). Tuy chưa có được những kiến giải thật triệt để và toàn diện, nhưng cuộc thảo luận đã tác động tích cực đến nhận thức của cả những người quản lí lãnh đạo văn nghệ cũng như giới sáng tác và phê bình. Tuy nhiên, để thực sự thay đổi trong cả nhận thức và hành động, đối với một quan niệm đã định hình trong một thời gian dài, không thể là chuyện dễ dàng nhanh chóng.

Thảo luận về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa cũng thu hút được sự chú ý của nhiều người trong giới nghiên cứu lí luận. Phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa được nêu ra tại Đại hội lần thứ I của Hội Nhà văn Liên Xô (1934), đã được xem là phương pháp sáng tác chủ đạo của nền văn học xã hội chủ nghĩa. Ở nước ta, Hải Triều và một số cây bút cách mạng khác đã giới thiệu về phương pháp sáng tác này ngay từ thời kì Mặt trận dân chủ. Nhưng phải tới sau cuộc kháng chiến chống Pháp, tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ II (1957) và tiếp đó là Đại hội lần thứ III (1962), phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa mới chính thức được nêu lên như là phương pháp sáng tác ưu việt nhất, tốt nhất, mà văn nghệ sĩ nước ta phải phấn đấu đạt được. Trong những năm 70, 80 ở Liên Xô, người ta đã nhận thấy những hạn chế, bất cập của phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, đã mở ra những cuộc thảo luận sôi nổi về vấn đề này. Trong không khí đổi mới ở nước ta, sau khi các vấn đề văn học phản ánh hiện thực, văn nghệ và chính trị đã được xem xét lại, thì vấn đề phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa cũng không thể không đặt ra, nhất là từ khi phương pháp ấy đã kết thúc vai trò lịch sử của nó cùng với sự kiện Liên Xô sụp đổ. Những ý kiến (chủ yếu là ý kiến phê phán) trong các cuộc thảo luận ở Liên Xô đã được giới thiệu vận dụng để chỉ ra những hạn chế, bất cập của lí luận về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Có người đề nghị chỉ nên xem chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa như một khẩu hiệu, một ngọn cờ định hướng tư tưởng, chứ không phải là phương pháp sáng tác. Thậm chí, có nhà nghiên cứu còn hoài nghi cả khái niệm “phương pháp sáng tác”, hoặc ít ra thì cũng không thể có phương pháp sáng tác chung của một thời đại hay trào lưu văn học, mà đó chỉ là những kiểu sáng tác. Một số nhà lí luận vẫn cố gắng bảo vệ những nguyên tắc chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, chỉ cải biến nó theo hướng là một hệ thống “mở” (theo quan điểm của Markov), để hấp thu vào trong nó những yếu tố tiến bộ của nhiều trào lưu nghệ thuật khác, kể cả của chủ nghĩa hiện đại. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy sự kết thúc của trào lưu và phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, cả trên thế giới và ở nước ta, khi mà các điều kiện xã hội – lịch sử và môi trường văn hóa tư tưởng đã thay đổi.

Góp phần làm thay đổi ý thức nghệ thuật từ thời kì đổi mới, phê bình văn học còn tập trung vào việc đánh giá lại nền văn học cách mạng và kháng chiến thời kì 1945 – 1975, một số hiện tượng văn học ở thời kì trước 1945. Với tinh thần mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật, nhiều người đã chỉ ra những yếu kém, thiếu sót của văn học ta trước đổi mới. Truy tìm những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó, từ đó khẳng định đổi mới là con đường để văn học nước nhà vượt qua chính mình, để vươn lên phát triển và hội nhập với thế giới. Sự đổi mới ý thức nghệ thuật không thể diễn ra nhanh chóng một sớm một chiều, mà phải qua hàng chục năm. Sự đổi mới ấy cũng không đồng bộ trên mọi bình diện của quan niệm văn học và mọi bộ phận, thế hệ trong giới văn học – cả sáng tác và phê bình, nghiên cứu; nhất là càng không thể giống nhau trong công chúng văn học, khi công chúng thời nay đã phân hóa thành nhiều bộ phận tầng lớp, với nhu cầu và thị hiếu rất khác nhau. Nhưng nhìn một cách bao quát, có thể nhận ra sự chuyển biến ý thức nghệ thuật được thể hiện ở nhiều bình diện cơ bản: quan niệm về văn học, từ bản chất, chức năng, vai trò của văn học đối với xã hội và con người; quan niệm về nhà văn và vấn đề tự do sáng tác của nghệ sĩ; quan niệm về hiện thực và con người như là đối tượng khám phá và sáng tạo của văn học; quan niệm về sáng tạo trong nghệ thuật, bao gồm ý thức về sự cách tân lối viết, cách tân thể loại… Nhìn lại hành trình văn học sau hơn 20 năm đổi mới có thể có những ý kiến khác nhau về thành tựu và hạn chế của văn học giai đoạn này, nhưng có lẽ không ai không thừa nhận đã có sự biến đổi toàn diện và căn bản của quan niệm văn học, hình thành được ý thức nghệ thuật mới của giai đoạn khởi đầu cho một thời kì văn học mới. Góp vào sự đổi mới đó, có vai trò đáng kể của hoạt động phê bình văn học.

1.2. Thúc đẩy những hướng nghiên cứu mới và đa dạng hóa phương pháp phê bình

Một trong những thành tựu đáng kể nhất của phê bình văn học giai đoạn này là sự tự thay đổi của chính phê bình và nhà phê bình, từ nhận thức lại những hạn chế, sai lệch của phê bình văn học thời kì trước đến việc xác định lại vị trí chức năng, vai trò của phê bình và mở ra những hướng tiếp cận mới với văn học, vận dụng đa dạng các phương pháp phê bình. Ngay ở chặng đầu đổi mới, cùng với việc nhận thức lại nhiều vấn đề cơ bản trong quan niệm văn học, thì giới phê bình, lí luận cũng đã sớm tự nhận thức lại về hoạt động phê bình văn học thời kì trước đó, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật. Nhiều ý kiến đã thẳng thắn chỉ ra rằng, trong một thời kì dài, do yêu cầu phục vụ cách mạng và kháng chiến, phê bình đã được sử dụng là công cụ chỉ đạo nền văn học, từ đó nó chủ yếu làm vai trò “gác cổng” và phán truyền đối với cả người sáng tác và công chúng tiếp nhận. Việc xác định lại cho đúng đắn và toàn diện về vị trí chức năng, đặc trưng của phê bình văn học còn được tiếp tục trong cả quá trình vận động của phê bình văn học hơn 20 năm qua, từ đầu thời kì đổi mới cho đến gần đây.

Đổi mới phê bình văn học không thể chỉ dừng ở sự đổi mới quan niệm phê bình, mà quan trọng và cốt yếu chính là sự đổi mới phương pháp phê bình, mở ra những hướng tiếp cận mới để khám phá mọi bình diện và tầng bậc của văn học. Nhất là với nhiều hiện tượng văn học đổi mới, những cách tiếp cận cũ, những công cụ khái niệm quen thuộc đã có của lí luận, phê bình tỏ ra bất cập. Do đó bản thân lí luận phê bình cũng phải tự đổi mới, tìm đến những lí thuyết và phương pháp mới, sử dụng những công cụ và khái niệm mới, và dần trở nên quen thuộc với giới nghiên cứu và công chúng văn học.

Có thể dẫn ra đây nhận định bao quát của nhà nghiên cứu Trần Đình Sử về sự thay đổi lí luận văn học và phương pháp nghiên cứu, phê bình từ thời kì đổi mới đến nay: “Nếu trước kia do lí luận văn học chủ yếu nghiên cứu văn học từ quan hệ văn học phản ánh hiện thực, theo sự tác động của hiện thực khách quan, vốn sống, chức năng giáo dục, các khái niệm đề tài, điển hình hóa miêu tả nguyên mẫu, thế giới quan giai cấp,… có vị trí hàng đầu, thì nay tính chủ thể của người sáng tác được coi trọng. Các khái niệm biểu hiện nội dung này như quan niệm về con người và thế giới, tư duy nghệ thuật, cái nhìn nghệ thuật, giọng điệu nhà văn được quan tâm. Nhờ khắc phục xã hội học dung tục mà các quan niệm như tính người, tính nhân loại, bản năng con người được thừa nhận, do đặc trưng văn học được ý thức nên các hình thức tưởng tượng, kì ảo, hoang đường, ước lệ, các yếu tố trực giác, vô thức được thừa nhận theo. Lí luận văn học trước đây chỉ quan tâm khâu sáng tác để giáo dục tư tưởng, chưa quan tâm đến chủ thể tiếp nhận của người đọc, thì nay tính tích cực của người tiếp nhận được khẳng định, các phạm trù tiếp nhận như đọc, tầm đón nhận, ngữ cảnh, các loại người đọc được chú ý. Nếu trước đây quan niệm tác phẩm là bất biến, cụ thể, xác định, thì nay người ta hiểu tác phẩm văn học là quá trình, văn bản có tính lược đồ, chờ đợi sự cụ thể hóa của người đọc, văn bản có tính mơ hồ, đa nghĩa, không ai là người duy nhất và cuối cùng hiểu được văn học. Nếu trước đây ít nói tới hình thức sợ rơi vào cái hố hình thức chủ nghĩa thì nay hình thức nghệ thuật được quan tâm. Lí thuyết cấu trúc, các yếu tố mẫu gốc, môtíp, biểu tượng trừu tượng như một ký hiệu thẩm mĩ… được thừa nhận, khái niệm văn học được mở rộng, các tác phẩm văn học thiên về giải trí như võ hiệp, trinh thám, sách bán chạy được dịch, giới thiệu. Các khái niệm về “loại hình nội dung thể tài như sử thi, thế sự, đời tư trở nên thông dụng” (Văn học Việt Nam thế kỷ XX, Nxb Giáo dục, 2004, tr. 784).

Góp phần quan trọng làm đổi mới tư duy lí luận và phương pháp nghiên cứu văn học có đóng góp của hoạt động dịch thuật, giới thiệu. Nhờ chủ trương mở cửa, tăng cường giao lưu mà nhiều lí thuyết, trường phái của văn học thế giới, nhất là ở các nước phương Tây, đã được dịch và giới thiệu ở nước ta. Thi pháp học đã được giới thiệu và vận dụng rất sớm, từ những năm 80 và đẩy mạnh trong những năm 90, với các công trình của Trần Đình Sử (Thi pháp thơ Tố Hữu, Dẫn luận thi pháp học, Thi pháp văn học trung đại, Thi pháp “Truyện Kiều”), Đỗ Đức Hiểu (Đổi mới phê bình văn học, Thi pháp hiện đại). Đến nay, các khái niệm và phạm trù của thi pháp học đã trở nên khá quen thuộc với người nghiên cứu, phê bình, cả với sinh viên khoa văn các trường đại học, mà kết quả dễ nhận thấy của điều đó là sự quan tâm nhiều hơn đến phương diện hình thức nghệ thuật và tính quan niệm của hình thức trong việc nghiên cứu, phân tích tác phẩm. Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi cách hiểu và vận dụng các khái niệm thuật ngữ của thi pháp học một cách hời hợt, hình thức mà không nắm vững thực chất của lí thuyết này, cũng như những chỗ mạnh và giới hạn tất yếu của nó. Ký hiệu học được Hoàng Trinh giới thiệu và vận dụng vào việc phân tích ca dao và thơ (Ký hiệu học và phê bình văn học). Trương Đăng Dung giới thiệu về lí thuyết tiếp nhận, Nguyễn Văn Dân dịch và giới thiệu văn học “phi lí” phương Tây, Đỗ Lai Thúy dịch và giới thiệu trường phái hình thức Nga, Trịnh Bá Đĩnh tìm hiểu chủ nghĩa cấu trúc và văn học. Nhà lí luận Phương Lựu giới thiệu Lí luận – phê bình văn học phương Tây thế kỷ XX, cùng với lí luận văn học cổ Trung Quốc. Lí luận về tiểu thuyết của M. Bakhtin, của M. Cundra đã đến với giới nghiên cứu và công chúng văn học Việt Nam qua các bản dịch công phu, đáng tin cậy của Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Phạm Vĩnh Cư, Nguyên Ngọc. Gần đây, một số công trình về chủ nghĩa hậu hiện đại đã được dịch và giới thiệu khá kịp thời.

Với sự mở rộng tầm nhìn, sự tiếp cận những lí thuyết mới, phương pháp phê bình, nghiên cứu văn học đã có sự đổi mới rõ rệt và trở nên đa dạng. Phương pháp xã hội học vẫn được vận dụng, nhất là trong việc nghiên cứu văn học sử, nhưng đã hầu như không còn lối vận dụng máy móc dung tục. Thi pháp học, như trên đã nói trở nên một hướng khá phổ biến và đã có không ít sự vận dụng thành công. Ký hiệu học, phân tâm học, cấu trúc luận tuy chưa thực sự được biết đến rộng rãi, nhưng cũng đã có những công trình vận dụng, thể nghiệm đáng chú ý. Phê bình mĩ học, phê bình tiểu sử đóng góp những thành tựu đáng kể. Gần đây, hướng nghiên cứu văn học từ văn hóa học, nhân học đã bắt đầu được quan tâm.

1.3. Khẳng định những thành tựu và nhận diện những hướng tìm tòi mới trong văn học sau 1975

Hướng vào những tác phẩm và hiện tượng văn học đương đại để thẩm định vẫn là nhiệm vụ trọng tâm của phê bình văn học ở mọi giai đoạn. Trong thời kì đổi mới văn học, công việc đó vừa có nhiều sức thu hút, lại vừa là một thử thách với các cây bút phê bình. Nếu như ở cuối những năm 70 và nửa đầu thập kỷ 80, việc khẳng định những thành tựu của sáng tác mới không gặp nhiều trở ngại, vì những quan niệm và chuẩn mực quen thuộc vẫn còn tỏ ra thích hợp khi những tìm tòi đổi mới trong sáng tác chưa tạo ra những thay đổi cơ bản, ngoại trừ trường hợp Nguyễn Minh Châu với hướng tìm tòi trong các truyện ngắn đã gây lúng túng, ngỡ ngàng cho nhiều nhà phê bình và cả một số nhà văn. Bước sang thời kì đổi mới, phê bình văn học đã sớm phát hiện và khẳng định nhiều hiện tượng mới có giá trị tiêu biểu, như một số truyện ngắn và tiểu thuyết của Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Nguyễn Khắc Trường, Phạm Thị Hoài, kịch của Lưu Quang Vũ… Nếu với những hiện tượng vừa nêu, hầu như không có các ý kiến đối lập và sự đánh giá của giới phê bình cũng gặp gỡ sự đón nhận của công chúng, thì với một số hiện tượng khác lại có sự phân hóa rõ rệt, thậm chí là đối lập gay gắt giữa các loại ý kiến đánh giá, như một số truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, những thi phẩm theo hướng hiện đại chủ nghĩa của Lê Đạt, Trần Dần, Hoàng Hưng, Dương Tường, Đặng Đình Hưng, thơ của những nhà thơ trẻ (Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Nguyễn Hữu Hồng Minh…).

Một số nhà lí luận, phê bình đã từ những hiện tượng mới trong sáng tác và tiếp nhận văn học kịp thời nêu lên những vấn đề lí luận nhằm kiến giải cho thực tiễn của đời sống văn học như vấn đề cách đọc và tiếp nhận của người đọc, huyền thoại và giải huyền thoại, cái kì ảo và văn học kì ảo, tính đa âm, tính đa nghĩa của biểu tượng, vai trò của vô thức trong sáng tạo nghệ thuật.

2. Những hạn chế của phê bình văn học

Mặc dù những thành tựu và sự đổi mới của lí luận, phê bình văn học trong thời kì sau 1975 là điều rõ ràng, không thể phủ nhận, nhưng những hạn chế của nó cũng là điều dễ thấy. Nhiều lí thuyết, trường phái nghiên cứu, phê bình văn học trên thế giới đã được giới thiệu ở nước ta, song nhìn chung việc dịch thuật và giới thiệu ở nhiều trường hợp còn khá sơ sài, chưa đầy đủ, nhất là việc vận dụng các lí thuyết và phương pháp nghiên cứu mới vẫn còn ở bước đầu, chưa có mấy thành tựu đáng kể (ngoại trừ thi pháp học), các bộ sách lí luận văn học hiện có thì về cơ bản vẫn dựa trên những quan niệm, tư tưởng lí luận chưa thực sự đổi mới, chưa cập nhật với lí luận văn học hiện đại thế giới. Trong những cuộc hội thảo gần đây về đổi mới lí luận văn học, đã có một số ý kiến đề xuất những định hướng xây dựng một hệ thống lí luận văn học tiên tiến, hiện đại, nhưng chưa có phương hướng nào thực sự được triển khai một cách có bài bản, khoa học. Trước đòi hỏi của thực tiễn sáng tác và phê bình, lí luận văn học còn bộc lộ sự thiếu hụt chậm trễ, đồng thời chính điều đó cũng tác động tiêu cực đến hoạt động sáng tác và phê bình.

Phê bình văn học sau những hoạt động khá sôi nổi ở chặng đầu thời kì đổi mới thì gần đây có vẻ mờ nhạt, ít nêu được những vấn đề thực sự đáng chú ý của đời sống văn học. Một số cuộc tranh luận lại rơi vào tình trạng vụn vặt, thổi phồng những chi tiết, hoặc đao to búa lớn, quy chụp, lên án người khác một cách thiếu căn cứ. Lối phê bình “phe cánh”, phê bình quảng cáo thương mại hóa vẫn tồn tại, nhiều bài phê bình, giới thiệu lại chỉ thấy người viết đưa đẩy ngôn từ chung chung, hoa mĩ mà không có ý tưởng rõ ràng. Nhiều người đã nêu vấn đề đáng báo động về văn hóa phê bình, về tầm tư tưởng và tri thức của người làm phê bình văn học. Đội ngũ phê bình tuy không phải là quá ít ỏi, nhưng phần đông lại thiếu tính chuyên nghiệp và những tài năng phê bình thì thực sự hiếm hoi. Lớp người viết phê bình già giặn kinh nghiệm, thì sau giai đoạn sôi nổi ở đầu thời kì đổi mới, hầu hết đã chuyển sang công việc nghiên cứu, giảng dạy, ít hoặc không viết phê bình nữa.

Từ cuối những năm 90 cho đến gần đây, trong những cuộc hội thảo về lí luận phê bình văn học và nhiều bài báo bàn về phê bình văn học hiện nay, người ta thường thấy một nhận định khá phổ biến của nhiều người là sự yếu kém của phê bình văn học. Nhưng nhận thức về sự yếu kém ấy cũng có nhiều khác biệt. Có người cho rằng phê bình chưa đủ mạnh để khẳng định những thành tựu của văn học cách mạng, của những sáng tác lành mạnh tiến bộ, chưa mạnh dạn phê phán những lệch lạc chệch hướng đường lối “xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Đảng; có người lại cho rằng cái yếu cơ bản của phê bình văn học vừa qua và hiện nay là không nhạy bén phát hiện, khẳng định những tìm tòi cách tân đem lại cái mới thực sự trong văn học, nhiều khi phê bình còn bộc lộ những quan niệm thẩm mĩ cũ, lỗi thời, gây cản trở cho sự tìm tòi cái mới trong văn học. Có người lại nhấn mạnh đến hiện tượng phê bình quy chụp, áp đặt ý kiến vẫn còn tồn tại dẫn đến tình trạng thiếu dân chủ trong tranh luận, thảo luận. Báo cáo đề dẫn của Thường trực Hội đồng Lí luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tại cuộc hội thảo về phê bình văn học năm 2004 đã nhận định: “Trước sự phát triển của văn nghệ, phê bình tỏ ra lúng túng, nhiều bài phê bình không xác định rõ chuẩn mực khách quan, khoa học, vô tư để đánh giá, khen chê, khẳng định hay phủ định. Những biểu hiện chủ quan, tùy tiện, cảm tính bộc lộ ngày càng nhiều trong hoạt động phê bình. Đã xuất hiện trong quần chúng tiếp nhận văn nghệ thái độ thiếu tin tưởng một số ý kiến của các nhà phê bình. Cả người đọc, cả người sáng tác có dấu hiệu “quay lưng” lại với phê bình văn nghệ”. Nhận định trên đây có thể chưa bao quát hết những nhược điểm, thiếu sót nhưng cũng đã chỉ ra những chỗ yếu cơ bản cần được khắc phục trong hoạt động phê bình văn học hiện thời.

Đi tìm nguyên nhân của những yếu kém trong phê bình văn học vừa qua và hiện thời là công việc không dễ. Báo cáo đề dẫn của Hội đồng Lí luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương đã bước đầu nêu lên một số nguyên nhân cả khách quan và chủ quan. Về nguyên nhân khách quan, đó là tình hình đặc biệt của giai đoạn chuyển tiếp, giao thời trong đời sống xã hội, văn hóa tư tưởng ở nước ta từ sau 1975, nhất là từ khi đổi mới: “Xã hội chúng ta đang ở thời kì chuyển đổi về mọi mặt, trong đó xuất hiện những đặc điểm, hiện tượng, xu hướng hoàn toàn mới mà chúng ta đã không lường hết được những diễn biến phức tạp, mau lẹ của nó, đặc biệt trong lĩnh vực tinh thần, tư tưởng, tâm lí, đạo đức, văn hóa. Sự thay đổi cơ cấu kinh tế, kết cấu xã hội, nhu cầu tăng nhanh về văn hóa của các tầng lớp dân cư, quá trình dân chủ hóa… là những yếu tố làm thay đổi nhiều mặt đời sống văn hóa dân tộc” (Nghị quyết Trung ương 5). Cả nhận thức và hoạt động thực tiễn, những giá trị truyền thống đang được đánh giá, nhận thức lại, những giá trị mới xuất hiện nhưng chưa có đầy đủ cơ sở để khẳng định. Biến động, giao thoa, đấu tranh và cả sự trộn lẫn, đảo lộn các giá trị đang diễn ra gay gắt, sâu sắc. Trong tình hình “quá độ” và “giao thời” đó đã dẫn tới, như là một đặc điểm khó tránh, sự tìm kiếm, sự lúng túng, sự bị động trong quan niệm và khuynh hướng lựa chọn các giá trị. Lí luận – phê bình văn nghệ thời gian qua đã rơi vào tình trạng này. Một số quan niệm, luận cứ lí luận văn nghệ, mĩ học truyền thống đang được cuộc sống kiểm nghiệm, đánh giá lại và lựa chọn. Một số quan niệm, trào lưu, khuynh hướng mới trong phê bình văn nghệ của nước ngoài nảy sinh trong đời sống văn nghệ trong nước có cơ hội thâm nhập và phát triển nhưng lại chưa được kiểm chứng cái hay, cái dở, sự đúng sai của nó trong thực tiễn.

Còn nguyên nhân chủ quan là ở công tác chỉ đạo, quản lí phê bình văn nghệ và trong

công tác chỉ đạo, quản lí phê bình văn nghệ và trong đội ngũ những người hoạt động phê bình. Cũng theo báo cáo đề dẫn nói trên, thì đó là: “Từ những quan điểm cơ bản được Đảng xác định đối với nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, các cơ quan chỉ đạo, hướng dẫn, quản lí hoạt động tư tưởng và văn nghệ các cấp chưa có được những định hướng cụ thể, khoa học, sát hợp với chức năng, đặc trưng của hoạt động phê bình văn nghệ. Trong quá trình tìm kiếm, đổi mới thuộc lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật đã xuất hiện không ít sự mơ hồ, ngộ nhận về quan điểm sáng tác và phê bình, chẳng hạn xu hướng hạ thấp chức năng vai trò giáo dục của nghệ thuật, tách rời văn nghệ với đời sống xã hội, đề cao quá đáng hình thức biểu hiện nghệ thuật, nhấn mạnh một chiều vai trò chủ quan của nghệ sĩ… từ đó có xu hướng coi thường các giá trị văn nghệ cách mạng, những tìm tòi của nghệ thuật dân tộc, chạy theo các trào lưu hiện đại không cân nhắc”. Báo chí có vai trò quan trọng trong việc tổ chức, định hướng cho hoạt động phê bình, nhưng trong thời gian qua, công việc đó còn bộc lộ những yếu kém, thiếu trách nhiệm, chưa tạo được không khí phê bình tranh luận thực sự dân chủ, khoa học: “Tại sao, thời gian qua xuất hiện nhiều bài phê bình không được sự đồng tình của dư luận, làm xấu đi diện mạo của phê bình, thiếu văn hóa tranh luận nhiều đến vậy? Ở đây có phần trách nhiệm trực tiếp và không nhỏ của cơ quan quản lí, lãnh đạo các tờ báo, tạp chí đã đăng tải những bài phê bình kém chất lượng cả về chuyên môn và thái độ ứng xử”.

Ngoài những nguyên nhân nói trên cần lưu ý thêm một lí do dẫn tới sự bất cập của phê bình văn học ở chính đội ngũ những người hoạt động phê bình. Trong khi các cây bút phê bình già giặn kinh nghiệm nay đã ít tham gia vào hoạt động phê bình mà chuyển sang những công việc khác có tính ổn định hơn, thì đội ngũ phê bình lại chưa được bổ sung kịp thời, còn quá ít những cây bút phê bình trẻ có tài năng và tâm huyết. Điều đáng quan tâm hơn nữa là tính chất thiếu chuyên nghiệp của đa số các cây bút phê bình, phần lớn người viết phê bình chỉ xem hoạt động này như một công việc “tay trái”, không mấy ai thực sự chuyên tâm gắn bó lâu dài với phê bình văn học. Điều đó cũng dễ hiểu vì phê bình đòi hỏi ở người ta sự tinh nhạy để kịp thời nắm bắt, phát hiện các giá trị mới và những vấn đề thực sự có ý nghĩa trong đời sống văn học, nhưng đó cũng là một công việc đòi hỏi phải có bản lĩnh cả trong tư tưởng và học thuật để có chủ kiến và dám bảo vệ quan điểm của mình, không e ngại sự va chạm, mà những điều kiện để bảo hiểm cho người phê bình trong xã hội ta lại còn rất thiếu. Một khi không thực sự mang tính chuyên nghiệp thì người phê bình thường làm việc một cách tùy hứng, ít chú ý việc trau dồi cho mình vốn tri thức chuyên ngành đầy đủ, vốn văn hóa sâu rộng để đi được xa và bền trong công việc phê bình.

Mặc dù có những hạn chế như đã nêu ở trên và có cả những điều khác nữa, nhưng phê bình văn học vẫn là một phần không thể thiếu để làm nên diện mạo của nền văn học Việt Nam trong hơn 30 năm qua, nhất là từ khi có công cuộc đổi mới. Nó đã góp phần tạo nên sự chuyển biến trong ý thức nghệ thuật, quan niệm văn học, phần nào đã tác động tích cực đến cả sáng tác và tiếp nhận, tuy không phải lúc nào cũng có được vai trò gợi mở, định hướng và là nhân tố tổ chức quá trình văn học

N.V.L

Nguồn: Vannghequandoi