Nhà văn Hoàng Chính

Quê quán Hải Phòng. Tốt nghiệp Y khoa Sài Gòn năm 1978.

Định cư tại Canada từ năm 1983.

Đã xuất bản một tập thơ và mười một tập văn xuôi trong số đó có truyện dài “Thư Tình Viết Muộn” in tại Việt Nam năm 2012. (Nhà văn Võ Thị Xuân Hà biên tập)

Là một trong hai dịch giả bộ truyện “Ngôi nhà nhỏ trong thảo nguyên”, NXB Kim Đồng

Cộng tác thường xuyên với nhiều tạp chí văn học ở hải ngoại.

Có kênh YouTube “Truyện Hoàng Chính”:

https://www.youtube.com/channel/UC4Pc1_2rl5zGA6SfJzMg6DQ/featured

gồm những truyện ngắn do chính tác giả diễn đọc. Nhà văn hiện là thông dịch viên tòa án liên bang Canada

facebook: https://www.facebook.com/hoang.chinh.39

CHUYỆN LÀNG VĂN

LỬNG LƠ GIỮA DÒNG

Nhà văn HOÀNG CHÍNH

Ba giờ chiều ngày 23 tháng Ba năm 1983, chúng tôi đáp xuống phi trường Pearson ở Toronto. Thứ tôi thấy đầu tiên ở vùng đất mới này là tuyết. Chung quanh toàn là tuyết. Trắng xóa không gian. Chiếc áo khoác Cao Ủy Xã Hội cấp ở trại tỵ nạn Mã Lai mặc không đủ ấm, nhưng tôi không thấy lạnh. Bởi tôi cảm nhận được sự ấm áp. Hồi đó, thuyền nhân Việt đến Canada còn lưa thưa. Và chưa có nhiều tội phạm mang những cái họ Đinh, Lý, Lê, Trần (và nhất là Nguyễn) nên tình người Canada còn ấm. Những nụ cười niềm nở, những câu chào tíu tít của những người không quen nở rộ như hoa mùa xuân khắp chung quanh. Welcome to Canada! Tôi mơ được sống hồn nhiên và mở rộng cõi lòng như họ. Tôi muốn chìm vào cuộc sống bình yên của họ. Tôi phải lòng ngay với đất nước và con người Xứ Tuyết.

Và bắt đầu từ giây phút ấy, tôi muốn bơi ngay vào “dòng chính”.

Hai chữ “Dòng Chính” mà tiếng Anh là main stream gợi nên niềm ước mơ trong lòng những kẻ mới đến định cư ở xứ người. Tôi không là ngoại lệ. Khi còn ở trại tỵ nạn, tôi ngồi mòn những chiếc ghế gầy gò, vênh vẹo ở căn nhà nhỏ bé trên Đồi Tôn Giáo mà hôm có linh mục làm lễ thì là nhà nguyện Công Giáo, khi có mục sư thì thành hội thánh Tin Lành; tôi lên chùa Từ Bi khi có vị sư ghé đảo thuyết giảng cho bá tánh. Thiên hạ xì xào, chỉ trỏ: Ông này đạo nào cũng theo, đúng là “bá đạo”, nhưng họ không biết tôi đến những nơi chốn linh thiêng ấy một phần rất nhỏ là tìm sự bình yên còn phần lớn là để nghe tiếng Anh cho quen, dù đôi khi giọng nói của ông cha người Pháp, ông mục sư người Hoa, ông thày chùa người Mã Lai nghe muốn nứt toang hộp sọ.

Những năm đầu định cư ở Xứ Tuyết, tôi nhắm dòng chính mà bơi tới. Quyết tâm tới mức dù đã có gia đình, đã “mồ yên mả đẹp”, tôi vẫn thầm ước phải chi mình còn độc thân để tìm một cô gái da trắng mà yêu đương và thực tập Anh ngữ. Tôi học Anh Văn một cách say mê. Tôi mượn tất cả những băng học Anh ngữ trong ba bốn thư viện của những thành phố quanh nơi tôi cư trú để thâu lại và để dành học dần. Đi đâu tôi cũng mang theo cuốn sách học. Sau một ngày quần quật làm việc trong hãng, tối vào giường, tôi mang theo cuộn băng Anh Văn và chiếc máy cát sét nhỏ để ở đầu giường, headphone gắn chặt vào hai lỗ tai. Những bài học, những câu chuyện, những từ ngữ quấn quyện lấy nhau và theo tôi vào giấc ngủ. Sáng ra tôi chẳng nhớ mình đã học được những gì. Tuy vậy, tôi tự trấn an rằng khi ngủ thì cái phần vô thức làm việc tích cực để thu nhận những gì mà tai mình không nghe được vì đã ngủ say. Rồi những gì mà vô thức níu kéo được sẽ được xếp gọn vào trong trí nhớ.

Một ông đồng nghiệp cổ xanh cũng là dân tỵ nạn, trên đường đi định cư, lúc đổi chuyến bay ở phi trường quốc tế Haneda, Nhật Bản, mua được cái máy cát sét nhỏ vừa gọn một cuốn băng, nhét vào túi áo ngực vừa vặn. Tôi thích cái máy ấy, chỉ muốn hỏi mua lại để trong lúc đứng chạy máy thì nghe băng bài học. Được chữ nào hay chữ ấy. Nhưng ông bạn cũng quý cái máy ấy hơn bất cứ thứ gì. Bởi nó nhỏ, gọn, âm thanh phát ra nghe như lọc qua chiếc bình pha lê trong vắt, và nhất là nó là thứ made in Japan. Có nó những lúc đứng mòn chân trong hãng, tay liên tục đo, đếm, đục, cắt; tai nghe Linda Trang Đài hát, ông ấy thấy đời còn đáng sống.

Tôi ghi tên học lớp tối chuẩn bị thi TOEFL. Bà giáo tên Pomes, đọc lên nghe như trái bôm, trái táo ở quê nhà. Và điều làm tôi nhớ mãi là bà giáo này có tật ưu ái một thằng học trò người Iran. Dạo ấy Iran vừa mới gây gổ với nước Mỹ qua việc bọn sinh viên tấn công tòa Đại Sứ Mỹ ở Tehran và bắt nhân viên tòa Đại Sứ làm con tin. Chẳng biết có phải vì vậy mà bà ta nhắc tên thằng Sahih mỗi buổi học hàng chục lần.

Đã đến Canada rồi mà tôi vẫn “bá đạo” như hồi ở trại tỵ nạn. Tôi đi nhà thờ cả Tin Lành lẫn Công Giáo một phần rất nhỏ vì đã lỡ ngoan đạo từ thuở bé, nhưng cái phần khổng lồ kia là để có dịp nghe tiếng Anh cho quen. Tôi lùng kiếm mua sách truyện tiếng Anh về để đọc. Ban đầu, phần vì chưa có xe để đi lại, phần vì những nhà sách độc lập thưa thớt. Tôi thường lựa sách ở những quầy tính tiền siêu thị và sau này khám phá ra rằng những sách mình mua toàn là những thứ ngôn tình ướt át. Như một cuốn mà mấy mươi năm sau tôi còn nhớ cái tựa và bức tranh ướt nhẹp trên bìa: “Thy Brother’s Wife”. Tôi mở cửa đón nhận tất cả những người gõ cửa truyền giáo. “Tôi có thể xin ông một phút để rao giảng một tin mừng cứu rỗi không?” Đại loại những câu mở đầu như thế, và tôi nhanh chóng mời họ vào. Dạo đó có hai cô gái tóc vàng mắt xanh, mỗi tuần lại gõ cửa một lần để rao giảng Tin Mừng. Tôi ngồi ngoan ngoãn lắng nghe và cố ghi nhận những từ ngữ mới. Thường những buổi ấy ở nhà chỉ có hai cha con, tôi và thằng con trai gần hai tuổi. Thằng bé không mấy quan tâm đến Tin Mừng Cứu Rỗi mà cứ đem Batman, Superman với He-man… lại đòi bố chơi chung. Một cô truyền giáo gạt thằng bé ra và bảo tôi bắt nó im lặng để cô tiếp tục rao giảng. Tôi ngẩn người ra suy nghĩ bởi tôi nhớ trong Kinh Thánh có câu chuyện bọn trẻ xúm lại bên Chúa, các môn đệ đuổi chúng đi, Chúa đã bảo “Hãy để con trẻ đến cùng ta vì nước Trời là của chúng.”

Thử nghĩ mà xem, mới chào đời chưa được sáu tháng, thằng bé đã cùng xuống ghe với bố mẹ, trải qua một cơn bão biển người ta gọi là “thừa sống thiếu chết” và nhịn đói nhịn khát cho tới khi được tàu của dàn khoan kéo vào đảo tỵ nạn. Khật khừ, thiếu nước, lên đến bờ môi miệng nứt nẻ tươm máu. Nhưng rồi – nhờ ơn trên – vẫn sống. Qua đến xứ sở bình yên, ngày này qua ngày khác, mẹ làm tám tiếng trong hãng, bố vừa học thi để mong bơi được vào dòng chính vừa chơi với con. Đang học bài nhưng con nói gì bố cũng nghiêng đầu lắng nghe, vậy mà có kẻ dám bắt nó im miệng, đi chỗ khác chơi, để họ cầu nguyện. Chuyện không thể nào chấp nhận được.

Thế là từ đó tôi không mở cửa cho hai nhà truyền giáo tóc vàng mắt xanh ấy vào nhà nữa.

Trong cố gắng bơi vào dòng chính, tôi cũng thường gặp một ông hàng xóm người Canada, là giáo viên trung học. Mỗi tuần có một buổi tối đưa con gái đi học ở hội trường nhà thờ, ông chở tôi đi cùng. Trong khi chờ, ông với tôi nói đủ thứ chuyện. Khi tôi phát âm sai chữ nào thì ông bắt đọc lại cho đến khi đúng mới chịu. Có một chữ vô cùng đơn giản mà tôi uốn lưỡi, bẻ cổ đọc mãi ông vẫn lắc đầu. Ấy là chữ “bus”. Tới bây giờ mỗi lần dùng chữ này tôi lại ngần ngừ, nhìn vào mắt người đối thoại xem họ có hiểu mình nói gì không. Ông già này ở trong nhóm có tên đơn giản là “Man’s Group”, mỗi tuần họp một lần, và nói đủ thứ chuyện, từ chuyện chính trị đảng phái, đến chuyện vì sao những ngọn đèn ở khúc đường kia không còn được mở lên đúng giờ. Cái hay là trong suốt mấy năm trời tham gia họp nhóm, tôi chưa bao giờ thấy các ông xì xào nói xấu phái nữ dù thời điểm ấy thiên hạ lao xao chuyện bà thủ tướng ngắn ngày Kim Campbell, nguyên là luật sư và cũng là nhà văn đã ủng hộ phong trào nữ quyền bằng cách khoác áo choàng luật sư bên ngoài mà bên trong không mặc gì hết. Và dù với bất cứ đề tài thảo luận nào, tôi cũng chẳng bao giờ tham gia bởi cái tật sợ nói sai. Cũng tại th ói quen đặt câu sẵn trong đầu rồi mới nói. Vì vậy khi tôi nói ra câu gì thì chắc chắn câu ấy đúng văn phạm và từ ngữ sử dụng trong câu nói ấy thuộc loại “cao cấp” (tôi tin chắc như thế), nhưng khi đặt được câu suôn sẻ sẵn sàng phát biểu thì cái ý của mình đã có người nói ra rồi và cuộc thảo luận đã chuyển qua đề tài khác. Vì vậy tôi thành kẻ ít nói. Đã bao nhiêu lần trong những phiên họp, người ta hay thắc mắc sao tôi không nói gì hết, tôi phải chữa chạy rằng, phòng họp cũng cần người ngồi nghe nữa. Bởi mọi người tranh nhau nói (như những cái máy) thế kia, không có tôi trong phòng họp, ai sẽ là người lắng nghe?

Làm công nhân cổ xanh, gặp anh chàng kỹ sư cơ khí đến từ Romania, tôi mừng lắm, giờ nghỉ giải lao, đem chuyện văn chương ra nói. Mê Constantin Virgil Gheorghiu của đất nước anh, tôi hỏi anh có thích cuốn “Giờ Thứ Hai Mươi Lăm” không? Anh ta hỏi lại, “Phải sách kỹ thuật không?” Tôi ngỡ ngàng như thí sinh nghe tin mình thi rớt. Và tôi nhận ra rằng Gheorghiu nổi tiếng ở Việt Nam không có nghĩa là ông hẳn nhiên sẽ nổi tiếng ở nước ông. Và tôi thôi lân la chuyện văn chương với anh bạn đồng nghiệp ấy.

Ấy là nói về cuộc sống đời thường, với những người sống chết với văn chương thì văn chương chữ nghĩa chính là quê hương của họ. Là người viết (không mấy chuyên nghiệp) Canada gốc Việt tôi thấy mình lơ lửng giữa hai dòng nước. Dòng Canada và dòng Việt Nam. Viết văn bằng tiếng Việt, tôi chắc chắn mình không (và sẽ không bao giờ) thuộc về dòng chính văn chương tiếng Anh ở Canada, và vì sống ở hải ngoại, tôi cũng không thuộc dòng chính của văn chương tiếng Việt ở Việt Nam.

Tôi lửng lơ giữa dòng.

Khi đã quen cách sử dụng phương tiện di chuyển công cộng, cứ có thời gian là tôi vào thư viện mượn đến mức tối đa số lượng sách mỗi lần được phép mượn. Toàn những sách văn học cổ điển tiếng Anh bởi bao nhiêu năm trời lo áo cơm, hộ khẩu, đào kinh, cuốc đất… tôi chẳng những đã câm mà còn mù lòa và điếc đặc. Cánh cửa căn phòng kiến thức về khoa học cũng như văn học của tôi đã đóng sập lại sau cái ngày tháng Tư u ám. Vì vậy, để bù lại thời gian đã mất, tôi đọc đủ thứ, đủ mọi tác giả. Đọc một cách vô trật tự. Chỉ để tìm hiểu xem những tác giả tên tuổi ấy nói gì trong tác phẩm của họ. Tôi tháo tung cuốn tự điển Anh-Việt thành những xấp giấy nhỏ để học dần. Hai cuốn sách dạo ấy tôi cả gan mầy mò để bị ác mộng cho tới giờ là Chiến Tranh và Hòa Bình của Tolstoy (dĩ nhiên là bản Anh ngữ) và Ulysses của James Joyce. Cuốn sách tôi yêu thích và đọc đi đọc lại không chán là The Twenty-fifth Hour của C.V. Gheorghiu. Sau này, tôi xoay qua những tác giả hiện đại và choáng ngợp với cả một rừng tác phẩm văn chương Anh ngữ. Cảm giác ấy tôi cũng bắt gặp khi lần đầu đọc được những cây bút sáng giá ở Việt Nam lúc tác phẩm của họ lọt được ra nước ngoài thập niên 80 thế kỷ trước. Tiếc là lần này cảm giác ấy chết non.

Tôi “chính thức” có tác phẩm xuất bản ở hải ngoại từ 1991, nhưng mới đây, khi đăng truyện lên Trang Văn Chương Miền Nam, một diễn đàn có hơn một trăm ngàn thành viên theo dõi trên Facebook, tôi đã buồn cười bởi khi đọc xong cái truyện ngắn, một độc giả ghi nhận, “Cái tên lạ hoắc mà viết hay quá vậy!” (làm như đã viết hay thì bắt buộc phải là tác giả quen tên). Tôi có ba mươi giây để vui vì được khen và ba ngày để tự hỏi bấy lâu nay mình bơi ở đâu mà người đọc không thấy, phải chăng mình vẫn bì bõm ở khúc ao chật hẹp sau vườn nhà mà ngỡ đã tung tăng trên dòng sông cuồn cuộn sóng nước. 

Hơn mười năm trước, tôi có cuốn truyện in ở hải ngoại và tái bản ở Việt Nam. Tôi phải giữ cả hai ấn bản. Độc giả ở Việt Nam hỏi mua, tôi gửi bản in ở Việt Nam để khỏi bị (bưu điện hay ai khác) làm khó dễ hay tịch thu, với độc giả ở hải ngoại tôi gửi bản in ở Hoa Kỳ để khỏi bị dị nghị hay thắc mắc. Một lần hấp tấp sao đó tôi gửi nhầm bản in ở Việt Nam cho một độc giả ở Canada. Khi phát hiện cuốn sách của tôi được tái bản trong nước, vị độc giả đã hỏi bằng giọng sửng sốt, “Ôi, thế ra Việt Cộng in sách cho anh à?”

Người ta suy nghĩ một cách đơn giản là cứ ở trong nước không nhiều thì ít, cũng có hơi hám – hay nói thẳng ra là – Việt Cộng.

“Ngôi Nhà Nhỏ Trên Thảo Nguyên” nguyên tác “Little House on the Prairie” của Laura Ingalls Wilder là bộ sách gồm chín cuốn, kể lại cuộc sống vô cùng vất vả nhưng cũng đầy màu sắc của một gia đình ở nước Mỹ buổi sơ khai. Tôi và nhà thơ Lưu Diệu Vân chia nhau dịch cho nhà xuất bản Kim Đồng trong nước. Vừa cặm cụi làm việc, hai chúng tôi vừa hình dung những con mắt trẻ thơ Việt Nam chăm chú theo bước chân của những người khai phá đất đai qua những dòng chữ Việt trải dài trên trang giấy. Ấy là phần quà lớn nhất mà chúng tôi nhận được. Ngoài ra còn có nhuận bút rất sòng phẳng, và những bộ sách tặng gửi từ Việt Nam qua Bắc Mỹ. Bộ sách có nhiều tập nên mỗi lần nhà xuất bản gửi qua, là một lần khệ nệ đến bưu điện ôm cả thùng sách về. “Ngôi Nhà Nhỏ Trên Thảo Nguyên” là bộ truyện hay, đã làm thành phim truyền hình được rất nhiều người yêu thích. Nhiều khi chúng tôi muốn gửi một bộ để tặng cho lớp học Việt ngữ nơi những em bé người Canada gốc Việt trong thành phố loay hoay đánh vần và nắn nót hai chữ “Việt Nam” nhưng không dám, chỉ vì dòng chữ “Nhà xuất bản Kim Đồng” ở bìa sách.

Ở bên này mà lại nhảy xuống ao bên kia mà bơi dĩ nhiên nhiều người không thích.

Những tác giả viết thuần bằng ngoại ngữ thì xem như bơi được trong dòng chính gọi cho chính xác là main stream ở hải ngoại. Tuy nhiên họ cũng không bơi được ở dòng chính trong nước. Tác phẩm của họ có thể bị – hay được – dịch ra tiếng Việt và phổ biến vì nó là tác phẩm viết bằng Anh hay Pháp ngữ – một thứ của lạ – chỉ vậy thôi. Hơn nữa, họ không cạnh tranh lại được với những tác giả Tây, Mỹ (cao ráo, đẹp trai, nói năng ngọt ngào, cử chỉ lịch lãm) mà tác phẩm được đám đông ưa chuộng, được dịch ra tiếng Việt, và tác giả được “giao lưu” rầm rộ với những độc giả Việt Nam yêu cái hơi hướm “nước ngoài”.

Văn học Việt trong nước hiện nay rõ ràng là chia thành hai nhánh: lề phải và lề trái. Những người viết tôi quen hầu như chỉ chơi chung với nhóm của riêng họ. Chẳng biết họ có đọc nhau không nhưng điều tôi nhận ra rõ ràng là họ chỉ nhắc tới nhau khi có điều gì đó không vừa ý và trong tư thế sẵn sàng nhắm vào đối phương mà lên đạn.

Thì ra nhiều người viết tiếng Việt trong nước cũng lửng lơ giữa dòng hệt như tôi.

Nhiều người viết không (đủ khả năng) ra báo nhưng mở trang mạng riêng như mở cửa hàng để phổ biến tác phẩm của mình và đăng thêm bài của bạn bè cho cửa hàng đỡ vắng vẻ. Lâu lâu họ gom góp làm thành tuyển tập “Tác Giả Việt Nam Hải Ngoại” chỉ gồm những tác giả đã giao tiếp với họ. Lẽ ra tuyển tập ấy nên có tựa đề “Tuyển Tập Những Tác Giả Góp Mặt Trên Trang Mạng Của Tôi” mới phải. Mai này, người nào muốn có danh sách chính thức những người viết hải ngoại, nếu chỉ dựa vào danh sách do các trang văn học trên mạng liệt kê, chắc chắn phải tổng hợp tất cả những trang mạng cá nhân trên toàn thế giới thì may ra mới có được một danh sách – hy vọng là – đầy đủ và trung thực.

Những tác giả viết tiếng Việt và được dịch ra tiếng nước ngoài cũng chưa hẳn là họ bơi được ở hai dòng nước. Tôi ngờ rằng tác phẩm họ được ca ngợi theo cái cách thực khách ca ngợi tô phở Bắc hay cuộn chả giò lạ lẫm với khẩu vị phương Tây. Chỉ có vậy.

Nói về tiếng Việt không thôi thì cũng có không ít tác giả bơi lội tung tăng được ở cả hai dòng tiếng Việt trong lẫn ngoài nước. Họ thân thiết với cả người đọc lẫn người viết ở hai phương trời. Sách in ở Việt Nam, ra mắt ồn ào trong nước, rồi phổ biến rình rang ở hải ngoại. Sách in ngoài nước cũng rầm rộ ra mắt cả trong lẫn ngoài nước. Tôi bái phục họ, họ có thể mở lớp đào tạo chính trị gia bởi ngoài năng khiếu văn chương, họ còn là những nhà ngoại giao đại tài!

Văn chương Anh Mỹ 50 năm sau khi tác giả qua đời tác quyền mới tan biến, tác phẩm trở thành tài sản chung, thành public domain nếu con cháu tác giả – người thừa kế – không gia hạn, văn chương tiếng Việt của những kẻ lửng lơ giữa dòng là public domain ngay từ khi bản thảo vừa hoàn tất. Thỉnh thoảng, trên văn đàn (hay đúng hơn là trên trang Facebook của những người viết văn, làm thơ tiếng Việt lại lao xao vì chuyện tác phẩm bị “sử dụng trái phép” hay dùng đúng từ ngữ mà chủ nhân của món hàng bị sử dụng trái phép hay dùng là “bị ăn cắp”. Một người đọc nhiều, thơ văn thiên hạ thấm vào máu, vào tủy, một ngày kia xuất khẩu thành thơ, vần với điệu nằm sẵn trong đầu, tuôn ra, và người viết không nhớ được rằng những chữ ấy nằm trong một bài thơ nào đó của một tác giả nào đó. Thế là có ngay một vụ lùm xùm về chuyện “chôm” văn, trộm ý. Nhiều bài cóp “trọn gói” rồi ghi là “sưu tầm” một cách vô tội vạ.

Mới đây tôi gặp một hài kịch ngắn trên video. Anh chàng diễn viên kết luận mọi sự rối ren trong thế giới ngày nay là do lỗi của internet. Khi chưa có internet, thế giới đã có những đứa ngu nhưng chúng ở rải rác khắp nơi, bây giờ qua internet, chúng tụ tập lại thành một lực lượng khổng lồ, khuynh đảo mọi thứ. Những đứa ấy lại hay phát biểu. Chúng ta bị nghe hoài những điều ngu xuẩn, đầu óc chúng ta cũng bị nhiễm không nhiều thì ít.

Tôi hoàn toàn đồng ý với anh chàng diễn viên hài ấy. Về phương diện văn chương hay chữ nghĩa nói chung, mạng xã hội là chốn người ta ẩn vào để làm trò trộm cắp và ngụy trang bằng mấy chữ “sưu tầm” hoặc “Nguồn: internet.” Trên YouTube, người ta lấy tác phẩm người khác để trình diễn và thu lợi nhuận. Bạn thử lên internet và bấm những chữ “Truyện Nguyễn Ngọc Ngạn” mà xem. Một lần tôi nêu thắc mắc với nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn về chuyện này, ông bảo, “Chúng nó đông như ruồi, mình chẳng có thì giờ đâu mà đuổi bắt!”

Nhiều tác giả còn cẩn thận ghi Copyright by (tên tác giả) và dán cái nhãn © bên dưới bài viết để ngăn ngừa tình trạng “cầm nhầm”. Điều đáng nhắc tới là những tác phẩm ấy thường ít bị cầm nhầm, không biết nhờ cái điều cảnh báo về bản quyền của tác giả hay vì tác phẩm không có gì đáng để thiên hạ cầm nhầm. 

Từ lâu tôi đã không tin rằng những tác giả nổi tiếng – xưa thì được nhắc tới, được khen tặng, được trích dẫn, được phỏng vấn; nay thì được “like”, được “thả tim”, được “sưu tầm”, được ca ngợi trong những “dòng tâm trạng”… – đương nhiên là những tác giả xuất sắc.

Dòng văn chương Việt ở trong hay ngoài nước – như dòng sông – luôn có vô số phụ lưu. Ngày trước văn chương Việt hải ngoại có dòng “chiến đấu”, dòng “nhìn về cố hương”, dòng “hướng về tương lai” … cũng như mỗi tờ báo cũng có một “băng” người viết riêng. Băng Làng Văn, băng Văn Học, băng Thế Kỷ 21, băng Văn, băng Tiền Vệ, băng Talawas, băng Da Màu, băng Gió-O, băng Văn Việt… Khác “băng” thì hiếm khi nói chuyện với nhau; Ít khi đăng bài của kẻ không cùng băng; và trong đầu luôn cho rằng người viết hay nhất thuộc về băng mình. Tôi vẫn đọc được hoài những tuyên dương của một chủ báo mạng dành cho một cây bút gà nhà rằng đây là tác giả Việt Nam xuất sắc nhất hải ngoại. Trời đất ơi!

Viết tiếng Anh. Một cái truyện ngắn cho Chương Trình Truyện Ngắn Quốc Tế của đài BBC, phải ký hợp đồng 6 trang giấy, trong đó liệt kê đủ thứ, nhưng rõ nhất là chi tiết họ chỉ được phép sử dụng truyện ngắn ấy một lần. Và nhuận bút 250 Anh Kim. Ấy mới chỉ là chuyện hơn ba mươi năm trước.

Viết tiếng Việt – dù xưa hay nay – thì miễn bàn. Ở hải ngoại sau khi hầu như tất cả những tạp chí văn chương đều đã mồ yên mả đẹp thì có sự ra đời của hai tạp chí văn chương khác cách đây không lâu. Tôi cộng tác với cả hai. Không nhuận bút là lẽ đương nhiên. Điều kiện chính là truyện phải mới viết, chưa đăng ở đâu. Và cứ mỗi năm một lần, người chủ biên khi gửi email nhắc gửi bài (cho kịp dàn trang) thì (luôn tiện) nhắc đóng tiền gia hạn báo. Một tờ còn ghi rõ ưu tiên đăng bài cho tác giả nào mua báo dài hạn. Vì vậy mà mỗi lần gửi tiền mua báo dài hạn tôi không khỏi áy náy mà nghĩ rằng mình có đang hối lộ chủ báo để họ đăng truyện của mình không. Cuối cùng thì tôi can đảm thông báo ngưng mua báo dài hạn. Và thấy nhẹ lòng.

Những kẻ lửng lơ giữa dòng không có lỗi. Họ đâu muốn như thế. Nhiều khi họ bị những kẻ đã bơi trong dòng chính đẩy họ ra xa. Sự đố kỵ là thuộc tính của con người. Giới làm văn chương thường không ưa nhau và ít khi (hoặc không bao giờ) đọc nhau. Một ví dụ nhỏ thôi. Nếu bạn “chơi” Facebook, bạn thử theo sát một ông (hay bà) nhà văn viết tiếng Việt (tạm coi như) nổi tiếng nào đó, bạn sẽ thấy ông ta chỉ “like” (một hình thức ôm vai bá cổ, hít hà trên mạng xã hội) những cú hắt hơi hoặc ho khan của đồng nghiệp trong băng nhậu của ông (hay bà) ta, và luôn luôn “thả tim”, “thả thính” hoặc “phản hồi” bằng những lời bướm hoa với “các em gái” có hình gợi cảm dù em ấy chỉ hắt hơi hay ho điệu trong cái dòng tâm trạng vớ vẩn của em ấy. Những người viết cùng thời với ông (hay bà) ấy gần như không được ông (hay bà) ta nhìn nhận. Họ vô hình; họ không được phép ngồi chung chiếu với ông (hoặc bà) ta; họ không được phép nhập vào “dòng chính”.    

Đấy, ngay cái cộng đồng nhỏ bé là nhóm bạn facebook, cũng có không biết bao nhiêu kẻ lửng lơ giữa dòng, nói gì tới cả cõi văn chương, chữ nghĩa.

Lửng lơ vậy đó. Mà sao tôi – và vô số người viết khác – vẫn thức khuya, dậy sớm, cắm cúi, mê man gõ bàn phím gửi bài “cho kịp dàn trang”. Tại sao vậy? Tôi không có câu trả lời. Có thể vì đó là cái nợ ở đời kiếp nào đó mà bây giờ phải trả. Và tôi tiếp tục lửng lơ giữa dòng như vậy, chẳng cần biết là dòng chính hay dòng phụ. Lửng lơ giữa dòng không biết được bao lâu. Và chừng nào thì đuối sức, buông cho chìm xuống đáy, tan rữa hình hài, làm bùn đất, phù sa vun đắp hai bờ. Mà vẫn không biết cái bờ mình đang đắp là bờ của dòng chính hay dòng phụ. 

Bốn mươi năm sống ở Xứ Tuyết, cuộc sống cả tinh thần lẫn vật chất được xem như ổn định, chẳng những tôi không còn phải đi nhà thờ nghe kinh, học từ ngữ mới; và thẳng thừng từ chối những nhà truyền giáo gõ cửa xin một phút gieo rắc niềm tin, mà còn tìm mọi cách tránh né những buổi họp, nơi chữ nghĩa tuôn ra từ những cái miệng “không kịp kéo da non” của cả người liến thoắng tiếng Anh lẫn người lao xao tiếng Việt. Thế nhưng về phương diện văn chương, tôi vẫn lửng lơ, thấy tội!

Ơ, nhưng mà tôi đang thở than cái gì đây? “Lửng lơ giữa dòng” nghe thuận tai nhưng thực sự tôi có đang lửng lơ giữa dòng không? Tôi không thuộc dòng nào thì làm sao có thể nói rằng mình đang bơi giữa dòng, cho dù bơi lơ lửng. Chắc phải sửa lại đề tựa cho bài viết này, nhưng mà cái tựa nghe xuôi tai và văn vẻ, thôi thì cứ lửng lơ mà giữ lại vậy.