Anton Chekhov (1860-1904)

Bác Pyotr Demyanitch là thành viên hội đồng nhà trường của một trường cao đẳng, nhưng điều đó chẳng giúp ông bác hay cáu bẳn của tôi mập nên chút nào. Thay vào đó, ông có thân hình của một con cá mắm hun khói bị xiên một chiếc que từ miệng cho tới tận đuôi. Một hôm, bác Pyotr Demyanitch đang chuẩn bị tới trường để dạy tiếng La-tinh thì bỗng phát hiện ra rằng tập sách ngữ pháp của ông đã bị lũ chuột gặm mất một góc.

Ngay lập tức ông chạy đi bảo với người đầu bếp: “Bà Praskovya này, sao ở đây lại có chuột nhỉ? Thề có Chúa, hôm qua chúng gặm mũ của tôi, còn hôm nay thì đến lượt tập sách ngữ pháp… Cứ thế này thì chúng sẽ xơi hết cả đống quần áo của tôi chứ chả chơi!”

Praskovya đáp lời: “Tôi thì làm được gì chứ? Có ai mang chúng đến đâu?”

“Chúng ta phải làm điều gì đó! Tốt hơn hết là bà mang một con mèo đến đây”.

“Có mèo rồi đấy chứ, nhưng chẳng ích gì”.

Nói rồi, bà Praskovya đưa tay chỉ vào góc nhà. Một con mèo trắng, gầy tong teo đang nằm cuộn tròn ngủ bên cây chổi.

“Sao lại chẳng ích gì?” Bác Pyotr Demyanitch hỏi.

“Nó còn nhỏ quá, còn chưa được hai tháng tuổi. Chưa biết bắt chuột gì cả”.

“Hừm… Vậy thì phải huấn luyện ngay cho nó. Tốt hơn hết là nó phải được học cách bắt chuột thay vì cứ nằm ườn ra đó”.

Với cái giọng rõ ra là lo lắng đó, bác Pyotr Demyanitch thở dài và bước ra khỏi nhà bếp. Còn con mèo thì chỉ nghếch cái đầu lên một chút nhìn theo bác tôi một cách lười biếng trước khi tiếp tục nhắm mắt chìm vào mơ tưởng.

Con mèo nằm đó, hoàn toàn tỉnh táo mà thả cho tâm trí nghĩ về… về điều gì nhỉ? Không quen gì hiện thực cuộc sống, chưa có chút cảm giác tích lũy nào từ cuộc sống, trí óc con mèo chỉ đơn thuần gồm những gì thuộc về bản năng. Nó chỉ có thể hình dung ra cuộc sống theo những gì được di truyền lại từ tổ tiên, cũng giống như da thịt và máu chảy trong huyết quả nó vậy. Đấy là nói theo thuyết tiến hóa của Darwin. Còn thì ý nghĩ của nó là hết sức mơ hồ. Trí tưởng tượng loài mèo trong nó cho thấy một ảo ảnh giống như ở sa mạc Ả-rập, ở đó có những bóng đen trông giống bà Praskovya, cái bếp lò, và cái chổi. Rồi nó thấy giữa những bóng đen đó đột nhiên xuất hiện chiếc đĩa đựng sữa. Chiếc đĩa dường như vừa mới mọc chân, bắt đầu di chuyển và rõ ràng là đang định chạy biến đi. Con mèo vội nhảy vọt lên, và với bản năng của một kẻ ăn thịt, nó cắm mạnh vuốt mình vào chiếc đĩa.

 

Minh họa của PHẠM HÀ HẢI

Chiếc đĩa biến mất, thay vào đó là một miếng thịt mà rõ là bà Praskovya vừa mới thả xuống. Miếng thịt dường như cũng có ý định chạy trốn, nhưng con mèo đã chồm lên vồ chặt lấy nó… Tất cả những gì hiện ra trong sự tưởng tượng mơ hồ của con mèo con đều đem lại phản ứng là nhảy vồ, chụp vuốt, và thọc răng vào vật hiển hiện ra đó… Rõ ràng là nó được sinh ra là để bắt chuột, nó xứng đáng thừa hưởng những gì được di truyền lại từ tổ tiên của mình. Định mệnh là thế! Nó sẽ là nỗi kinh hoàng nơi bóng tối hầm rượu, nhà kho, nơi chứa ngô mà không cần phải huấn luyện… Điều này chúng ta cũng còn lâu mới biết được.

Trên đường từ trường học về nhà, bác Pyotr Demyanitch ghé cửa hàng bách hóa, mua một chiếc bẫy chuột giá mười lăm cô-pếch. Lúc ăn tối, ông đặt một ít chả viên vào chiếc móc và đặt cái bẫy dưới ghế sofa, nơi có mấy cuốn sách bài tập cũ dành cho học sinh mà Praskovya vẫn thường sử dụng cho “những mục đích khác”. Sáu giờ tối, khi ông thầy ngôn ngữ La-tinh đáng kính đang ngồi sửa bài cho học sinh thì có tiếng bẫy chuột kêu đánh “cạch”; to và đột ngột đến độ bác Pyotr Demyanitch giật mình, đánh rơi cả bút. Ngay lập tức ông chạy đến bên chiếc sofa, lấy cái bẫy ra. Một con chuột nhắt cỡ hai đầu ngón tay đang run rẩy đánh hơi mấy sợi dây của chiếc bẫy.

“À há, mày đây rồi!” – bác Pyotr Demyanitch reo lên, lừ mắt nhìn con chuột như thể ông sắp cho nó điểm dưới trung bình. – “Được lắm, tao sẽ dạy cho mày biết thế nào là ăn vụng sách ngữ pháp của tao!”

Hả hê với tên tù binh của mình, bác Pyotr Demyanitch đặt chiếc bẫy chuột trên nền nhà, gọi lớn: “Bà Praskovya, một con chuột đã sập bẫy. Mang ngay con mèo lên đây!”

Chỉ một phút sau, bà Praskovya đã vội vã chạy lên với thứ “hậu duệ” họ nhà “ông ba mươi” trên tay.

Bác Pyotr Demyanitch xoa xoa hai bàn tay: “Hết sảy! Giờ thì chúng ta sẽ cho nó một bài học… Đặt nó xuống, quay mặt vào chiếc bẫy ấy… thế… thế. Để nó đánh hơi và nhìn thấy con chuột… Thế, đúng rồi…”

Con mèo chăm chú nhìn bác tôi, hoang mang đánh hơi cái bẫy chuột và rồi có lẽ quá sợ hãi vì ánh đèn chớp nhoang nhoáng và mọi sự chú ý đang đổ dồn về phía nó, nó hoảng sợ chạy vụt về phía cửa.

Bác tôi túm vội lấy đuôi nó quát: “Đứng lại! Mày chạy đi đâu, đồ quỷ? Xem này, một con mèo sợ chuột sao! Nhìn đi! Chuột đấy! Nhận diện cho kỹ nhé. Được chứ hả? Tao đã bảo rồi, nhìn con chuột kia cơ mà!”

Bác tôi túm gáy con mèo, gí mũi nó vào chiếc bẫy chuột.

“Nhìn con chuột kia đi nào, đồ thối tha! Bà Praskovya, giữ lấy nó… Giữ nó ở trước cửa của chiếc bẫy ấy… Khi nào tôi mở cửa cho con chuột chạy ra thì bà cũng thả con mèo ra nhé… Được chưa? Nào… Thả ra!”

Bác tôi nhấc cửa bẫy… Con chuột rụt rè bò ra, hít hít mấy cái rồi vụt chạy nhanh như tên bắn vào dưới gầm sofa. Trong khi đó, ngay sau khi được thả ra, con mèo đã chạy biến vào dưới gầm bàn, lông đuôi dựng đứng.

Bác Pyotr Demyanitch kêu lên giận dữ: “Thôi, thế là nó chạy mất rồi, chạy mất rồi! Mày đâu rồi, tên lừa đảo họ mèo? Lén lút ở dưới gầm bàn ấy hả? Cứ chờ đấy…”

Bác tôi lôi con mèo ra khỏi gầm bàn, lắc thật lực.

“Con quái vật khốn khổ này!” – Bác Pyotr lẩm bẩm, tay búng lia lịa vào hai tai con mèo. “Chạy này, chạy này. Lần sau có dám chạy nữa thôi? Đồ quỷ…”

 

Cho đến tận bây giờ, mỗi khi nhớ lại những bài học về động từ bất quy tắc, ngữ pháp La-tinh và khuôn mặt xám xịt của bác Pyotr Demyanitch, tôi vẫn còn nguyên cái cảm giác muốn bỏ chạy bất chấp mọi thứ như con mèo kia khốn khổ kia.

Ngày hôm sau, bà Praskovya lại nghe tiếng bác tôi gọi.

“Bà Praskovya, lại có một con chuột sập bẫy! Mang con mèo lên đây!”

Sau cơn thịnh nộ hôm trước của bác Pyotr Demyanitch, con mèo trốn biệt vào dưới bếp lò, ở đó cả đêm không dám thò mặt ra ngoài. Khi bà Praskovya tóm gáy kéo ra, đặt nó trước chiếc bẫy chuột, con mèo đã run như cầy sấy, kêu gào thảm thiết.

Bác Pyotr Demyanitch bảo: “Đưa nó đến đây, từ từ cho nó quen đã. Để nó nhìn và tự đánh hơi. Nào nhìn và học tập đi!”

Bác Pyotr Demyanitch thét lên khi thấy con mèo đang muốn bỏ chạy: “Dừng lại, đồ khốn! Tao sẽ cho mày một trận. Bà Praskovya, hãy tóm lấy tai nó! Thế… Giờ thì đặt nó xuống trước cái bẫy đi…”

Bác tôi từ từ nhấc cửa bẫy… Con chuột vụt ngay qua trước mũi con mèo con, lao cả vào tay bà Praskovya trước khi lẩn vào gầm tủ. Còn con mèo thì vừa được thả ra đã vội điên cuồng lao vào dưới gầm sofa.

Bác Pyotr Demyanitch la lên: “Nó lại để xổng thêm một con chuột nữa rồi! Thế này mà bà gọi nó là mèo sao, cái con quái vật xấu xí ấy? Phải cho nó một trận, bằng chính cái bẫy chuột này ấy chứ!”

Khi con chuột thứ ba sập bẫy và con mèo con được điệu đến thì nó chỉ cần nhìn thấy chiếc bẫy và kẻ tù binh bên trong là đã run rẩy khắp toàn thân. Nó cào xước cả tay bà Praskovya. Đến con chuột thứ tư thì bác tôi không thể chịu nổi nữa. Ông nổi cơn lôi đình, đá cho con mèo một phát và bảo:

“Con mèo vô dụng. Tốt hơn hết là tống khứ nó đi! Cuốn xéo cái đồ vô tích sự!”
***

Một năm sau, con mèo con gầy yếu đã trở thành một chàng mèo đang trổ mã, khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Một ngày nọ, anh chàng đang lững thững trên đường đi tán tỉnh một nàng mèo nào đó thì bỗng nghe có tiếng xột xoạt. Ngay khi nhìn thấy một con chuột nhắt chạy dọc máng nước về phía chuồng ngựa, lông tóc kẻ anh hùng của chúng ta bỗng dựng đứng lên, lưng cong lại, miệng bật khè lên một tiếng, toàn thân run rẩy và vụt bỏ chạy bất chấp cái giá của sự ô nhục.

Than ôi! Nghĩ lại thì chính bản thân tôi đây cũng đôi lúc rơi vào tình trạng như con mèo ấy. Cũng như con mèo con ngày đó, tôi từng có diễm phúc được bác tôi dạy vài bài học ngôn ngữ La-tinh. Cho đến tận bây giờ, mỗi khi nhớ lại những bài học về động từ bất quy tắc, ngữ pháp La-tinh và khuôn mặt xám xịt của bác Pyotr Demyanitch, tôi vẫn còn nguyên cái cảm giác muốn bỏ chạy bất chấp mọi thứ như con mèo kia khốn khổ kia.

HỮU DƯƠNG (dịch)

Văn nghệ Quân đội

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài