Ảnh đính kèm

Khắc họa chân dung “Thiên tài đã trở thành thú nhồi bông”


Nói đến bút danh Lee-sang người ta nhớ tới một con người tài hoa bạc mệnh. Lee-sang tên thật là Kim Hae-kyeong, bút danh của ông mang nghĩa là “gàn dở”, là “khác thường” hoặc còn có nghĩa là “lý tưởng” nhưng độc giả vẫn ấn tượng và nhớ tới ông với nghĩa thứ nhất. Phải chăng vì văn của ông rất lạ, chẳng giống ai, đọc là nhận ra ngay của Lee-sang. Ông qua đời khi còn rất trẻ, mới ở tuổi 28 (1910-1937) vì bệnh lao phổi. Học kiến trúc mà lại đam mê văn chương, viết tùy bút, làm thơ nhưng hơn hết ông vẫn có duyên với truyện ngắn. Sự độc đáo, tinh thần thời đại và giá trị nhân văn là những ngôn từ ngắn gọn để nói về truyện ngắn của ông. Truyện ngắn của ông là những câu chuyện hiện thực hóa con người ông trong các mối quan hệ gia đình, bạn bè và luyến ái trong đó chủ đạo là quan hệ của ông với người là nhân tình, là vợ của Lee-sang vốn xuất thân từ kỹ nữ.

Sáng tác của Lee-sang được thể hiện dưới 3 lối viết tiêu biểu. Một là viết tự truyện thông qua ngôn ngữ đời thường, hai là viết trong trạng thái vô thức thông qua ngôn ngữ tầng sâu, và ba là viết kiểu giải thể và khác biệt tương quan bằng một thứ “siêu ngôn ngữ” (meta-language). Càng đọc càng tò mò, hứng thú và phải ngẫm ngợi… là những cảm nhận chung của những ai đã từng đọc tác phẩm của ông. Nó lạ và hay khiến người ta phải tự hỏi ông là “gã gàn dở” hay “thiên tài” hay giống như Lee-sang vẫn tự gọi mình “Thiên tài đã trở thành thú nhồi bông”. Nhà văn Kim Yen-soo ([1]) đã nói trừu tượng mà rất chính xác rằng dường như Lee-sang không phải là con người của tồn tại thực mà ông là một tồn tại trong truyền thuyết.
Nét độc đáo của Lee-sang bộc lộ trong từng sáng tác của ông dưới một hình thức hoàn toàn mới mẻ, chưa từng xuất hiện trong văn học Hàn Quốc trước đó. Thời kỳ đầu những năm 30 của thế kỷ XX trong bối cảnh Hàn Quốc bị thống trị thực dân thì ngòi bút của giới văn nghệ sĩ dường như không thể có khả năng liên kết và thay đổi ý chí hay ước vọng về xã hội với tư cách là chủ thể của xã hội. Chính vì thế, những truyện ngắn thời kỳ đầu của Lee-sang đã bị ý thức chính trị chi phối. Đó là lý do giải thích cho việc ông đã ký hiệu hóa các hình tượng trong những tác phẩm đầu tay. Ngay cả với người Hàn Quốc, hiếm ai hiểu rõ văn của ông nếu không đọc kèm những chú giải, chú thích của các nhà chuyên môn, các nhà nghiên cứu. Thậm chí giữa các nhà nghiên cứu cũng có những cách lý giải khác nhau với mỗi từ, mỗi câu hay mỗi ý, thậm chí là mỗi tiêu đề tác phẩm. Vì chúng luôn được sử dụng bởi những từ đa nghĩa, những từ do Lee-sang lắp ghép sáng tạo không theo quy chuẩn với hàm ý do chính nhà văn tưởng tượng khiến người đọc phải tưởng tượng theo. Và đến tận bây giờ không ít nhà nghiên cứu vẫn cho rằng văn chương và con người Lee-sang dường như vẫn còn là một ẩn số.


Truyện ngắn của Lee-sang, người đặt nền móng cho văn xuôi hiện đại Hàn Quốc những năm 30 được viết theo lối tự truyện cùng hình thức mỹ học mới với văn phong độc đáo nên rất khó hiểu. Chính vì thế vẫn không ngừng có những cách hiểu mới tiếp tục xuất hiện. Đã có nhiều phương pháp nghiên cứu đa dạng giải minh cho văn học Lee-sang và tác phẩm của ông luôn được lấy làm đối tượng phân tích, minh chứng mỗi khi có một lý luận mới được ra đời. Kiến giải về văn chương của Lee-sang ở mỗi thời kỳ tuy có những khác biệt nhất định nhưng đều có điểm chung là khẳng định sự mới mẻ và lôi cuốn không ngừng.
Với Lee-sang, hình thức tự truyện được thể hiện trong cả thơ, tiểu thuyết và tuỳ bút. Chúng bổ sung cho nhau, tạo thành nền tảng cấu thành nên văn học Lee-sang. Những người yêu mến Lee-sang chắc sẽ dễ nhận ra rằng khi sáng tác thơ ông không chỉ dừng lại là một nhà thơ, khi viết truyện ông không chỉ dừng lại là một nhà văn. Hiện thực cuộc sống được Lee-sang biểu hiện bằng ngôn ngữ của riêng ông, chỉ ông mới có và độc giả thì cứ mặc nhiên yêu mến mà “đổ thừa” cho sự “ngoắt ngoéo” và “lơ ngơ” ấy, “đổ thừa” cho lý do bị lôi cuốn vào thế giới tưởng tượng của tác giả rằng “vì đó là Lee-sang, vì đó là văn của Lee-sang”. Từ thơ đến tiểu thuyết, rồi lại từ tiểu thuyết tới thơ Lee-sang đã tạo nên sự “thiếu hụt hoàn chỉnh” về hình ảnh tự họa của mình trong văn chương.


Trong mỗi tự truyện Lee-sang đều tìm kiếm nguyên nhân của bất hạnh mà mình hứng chịu ở xã hội thực dân ẩn dưới hình thức khai phá văn minh để rồi không cam chịu với những hình ảnh tượng trưng cho xã hội cận hiện đại như đường sắt, ximăng, bê tông cốt thép của những công trình kiến trúc. Tâm hồn và ý chí của một nghệ sĩ nhạy cảm luôn mâu thuẫn, vừa phó mặc buông xuôi vừa âm ỉ nổi loạn trong mỗi câu từ, đặt ra rồi lại phủ định xung đột nội tâm trong chính con người mình. Được coi là tác phẩm đưa tên tuổi của Lee-sang lên đỉnh cao trong văn đàn Hàn Quốc, Đôi cánh (1936) (in trong Tuyển tập truyện ngắn Lee-sang([2])) đã làm nên giá trị rất riêng không thể phủ nhận tài năng của Lee-sang. Như một bản lề trong sáng tác, qua Đôi cánh Lee-sang đã đưa mắt nhìn ra ngoài xã hội mà vốn dĩ trước đó chỉ ngủ vùi trong nội tâm. Ông đã đứng ở vị trí ngước nhìn xã hội và thống nhất bản ngã vốn bị chia biệt giữa sự tưởng tượng về thế kỷ 20 và hoài niệm về thế kỷ 19 cùng những khám phá về hiện thực.


Tuyển tập truyện ngắn của Lee-sang là sự tái hiện sự thật về con người ông những mỗi tác phẩm lại mang một tính cách riêng. Điều đó thể hiện sự khác biệt trong từng thời điểm sáng tác cũng như biến đổi tâm lý, nội tâm trong con người ông. Nếu như Đôi cánh được bắt đầu với câu hỏi “Ngươi có biết chuyện nhân tài trở thành thú nhồi bông không?” và sau đó là lời giải đáp với cấu trúc và văn phong độc đáo tạo hứng thú cho người đọc. Nếu như Đôi cánh là khát vọng thoát khỏi hiện thực xã hội, thoát khỏi chính con người bất lực trước nhân tình thế thái thì tác phẩm đầu tay Ngày 12 tháng 12 (1930) lại mang một phong cách khác. Vẫn là những nội dung hiện thực hóa con người Lee-sang, xuyên suốt trong Ngày 12 tháng 12 là hình ảnh ngọn lửa thiêu rụi đồ vật, nhà cửa, bệnh viện… trong đó bao gồm cả hy vọng và dường như cả thế gian này. Đó là ngọn lửa của bất tín và căm hờn, phản bội và phục thù. Để tránh bị thiêu đốt bởi ngọn lửa ấy mà nhân vật chính đã lao mình đâm vào đường tàu. Đó chính là cảm giác muốn chạy thoát ra khỏi sự phẫn nộ, sự oán hờn với cuộc sống từ khi lên 3 đã bị bố mẹ gửi cho làm con nuôi nhà người bác của chính Lee-sang.


Căn bệnh phổi là “nỗi kinh hãi” đã tìm tới chàng lãng tử Lee-sang khiến anh rơi vào tuyệt vọng và điều đó được thể hiện rõ trong Ghi chép kinh hãi (1937). Lao phổi và đói nghèo dường như luôn song hành và một thời đã là nỗi kinh hãi, ám ảnh không chỉ của riêng Lee-sang mà còn của rất nhiều các văn nghệ sĩ trẻ đương thời. Lao phổi là sự dự báo về cái chết đang đến gần với ông. Dường như cùng lúc cả bệnh tật, nghèo đói và mối bất hoà với gia đình, người yêu bủa vây lấy Lee-sang nên không ít lần ông đề cập tới cái chết. Đúng như tên gọi thì tác phẩm được sáng tác khi mà nỗi sợ hãi về cuộc sống đã lên tới đỉnh điểm, thúc giục ông tìm tới cái chết. Vì thế ông còn sáng tác tiếp luôn  Tống sinh ký(1937) như một bản di chúc trước lúc ra đi.


Có một điều dễ nhận thấy rằng Lee-sang nhấn mạnh và bộc lộ rõ trong sáng tác của mình đó là thế giới vô thức của mình, nói một cách khác chính là thế giới được trìu tượng bằng bản năng. Tính chất của chủ nghĩa siêu hiện thực và chủ nghĩa đa đa được ông đưa vào trong văn xuôi tạo nên sự mới lạ mà dường như chỉ ông mới làm được. Hơn thế còn rất hàm xúc và tượng trưng, biểu thị dưới ngòi bút hiện đại của sự liên tưởng tự do, bí pháp tự nhiên và độc thoại nội tâm. Nên dù Lee-sang có hài hước mà tự trào rằng mình là “Thiên tài đã trở thành thú nhồi bông” thì ông cũng đã, đang và sẽ là thiên tài trong văn đàn Hàn Quốc.

2. Hình ảnh người phụ nữ trong sáng tác của Lee-sang


Hình ảnh người phụ nữ tự lúc nào đã trở thành mối quan tâm đặc biệt khi nghiên cứu về con người và văn chương Lee-sang. Thời kỳ đầu sáng tác, truyện ngắn của Lee-sang bộc lộ tâm lý thông qua sức tưởng tượng ở thế giới quan của riêng ông. Nhưng từ khi xuất hiện cô nàng Kum-hong như một ký hiệu mang tính hoán dụ của cuộc sống thế kỳ 20 thì phụ nữ trở thành hình ảnh chủ đạo trong văn học của Lee-sang. Hoặc ít hoặc nhiều họ đều được khắc họa hay biến hình từ những người con gái đã từng bước chân vào cuộc đời ông. Sớm mắc phải bệnh lao phổi, chàng lãng tử gặp gỡ Kum-hong như định mệnh và nàng đã trở thành tâm điểm, là hình ảnh lúc mờ lúc tỏ xuất hiện trong hầu hết các truyện ngắn của Lee-sang. Sau khi nàng bỏ Lee-sang mà đi, Lee-sang đã gặp gỡ những cô nàng tiếp theo nhưng mất mát là cảm xúc đau lớn nhất mà các nàng đã để lại cho ông. Khi tiểu thuyết hóa những người phụ nữ trong cuộc đời thực giờ không thuộc về mình nữa, Lee-sang đã dựng lên hình ảnh người phụ nữ độc đáo của riêng ông. Họ xuất hiện là “vợ hờ”, là “người tình” của “Ta”, là những nhân vật được khu biệt trong tâm lý của nhân vật “Ta” ngôi thứ nhất.


Để hiểu được truyện của Lee-sang, người đọc cần tìm hiểu thái độ của chủ thể mang tính mỹ học cùng với những thủ pháp hay những ẩn ý chứa đựng trong những mâu thuẫn, nghịch biến và dí dỏm. Chủ thể tự sự xuất hiện là nhân vật “Ta” ngôi thứ nhất trong truyện ngắn của Lee-sang cũng có nhiều trường hợp lấy đúng tên hiệu “Lee-sang”. Chủ thể ấy hầu hết đều tự lôi cuốn theo cách bộc lộ ý thức của mình hơn là điều khiển hành động. Thái độ với những nhân vật nữ mà chủ thể tự sự với tư cách là một chủ thể của cái đẹp cũng đã cho thấy nhận thức về thế giới của nhà văn.


Chủ thể tự sự trong Nhện heo hội thị (1936) và Đôi cánh có điểm chung là người chồng không có năng lực và rất “ngây thơ trong trắng”, sống tách biệt với không gian và thời gian, chỉ biết ngủ và ngủ. Hình ảnh của chủ thể được miêu tả qua cảm nhận của “nàng” rằng: “Sao chàng lại sống như thế nhỉ? Nếu sống là một việc kỳ lạ thì nghĩ tiếp sẽ thấy ngủ còn là việc kỳ lạ hơn. Làm sao lại ngủ như thế kia được nhỉ? Ngủ nhiều tới mức kia sao? Mọi việc đều hy hữu. Từ đâu đến đâu được gọi là vợ chồng? Chồng! – Dù không phải là vợ thì vẫn cứ là vợ. Nhưng chồng đã làm gì cho vợ? Là bức tường chắn gió ư?…” (trang 62~63).


Người phụ nữ xuất hiện trong truyện ngắn của Lee-sang được chia thành hai tuyến. Một là những cô nàng thiếu nữ tóc ô van trong Hài đồng (1937), Thất hoa (1939), Tống sinh ký (1937) và hai là cô vợ hoặc vợ hờ trongNhện heo hội thị, Đôi cánh,Bồng biệt ký (1936). Tuyến nhân vật thứ hai thường được gắn chặt với hình ảnh về nàng Kum-hong. Có thể nói quãng thời gian Lee-sang sống cùng Kum-hong là “bình an” và “hạnh phúc” nhất. Điều đó được bộc lộ rõ rệt trong kiệt tác Đôi cánh của ông. Tuy nhiên thái độ của Lee-sang với Kum-hong không phải ngay từ đầu đã tràn đầy “cảm giác thoải mái hay sự viên mãn và bằng lòng”. Chủ thể tự sự trong chuỗi những truyện ngắn viết về nàng Kum-hong, càng về sau lại càng cho thấy tình yêu và lòng trắc ẩn của tác giả với người gọi là vợ ấy. Và nhất là nếu đặt song song với Ghi chép kinh hãi (1937) cùng hình ảnh cô vợ bỏ nhà ra đi thì điều này lại càng trở nên rõ ràng. Trong Ghi chép kinh hãi nhân vật “Ta” không thể nén nỗi oán hờn với người vợ đã bỏ nhà ra đi rồi lại trở về mà thổ lộ rằng: “Nàng đã bỏ ta đi. Ta không có cách nào tìm được vợ”. Dù sau này có gặp gỡ người đàn bà khác thì với Lee-sang ký ức về nàng Kum-hong không khi nào phai nhạt. Điều này được thể hiện rõ trong hầu hết các tác phẩm khi thường xuyên đề cập tới những khoảng thời gian đã từng sống với Kum-hong, thấy bóng dáng của Kum-hong. Hình ảnh của người con gái khác nếu xuất hiện cũng chỉ rất thoáng qua, chỉ nhắc đến mà không bộc lộ tình cảm của tác giả.


Đôi cánh ra đời đánh dấu sự chuyển đổi khuynh hướng sáng tác của Lee-sang. Nhân vật “Ta” vờ như không biết gì để quan sát hết thảy mọi việc đang diễn ra xung quanh với cô vợ đang bán thân mỗi ngày. Mỗi khi khách của nàng ra về hoặc nàng đi ra ngoài trở về thì nàng cười tươi và cho “Ta” những tờ bạc. “Ta” chẳng nghi ngờ và cũng không vui mừng với số tiền được nhận ấy. Nhưng rồi “Ta” muốn thử cảm giác vui như nàng khi cho “Ta” tiền. Một hôm “Ta” ra ngoài, ngỡ ngàng, lạ lẫm với phố phường rồi đêm khuya trở về nhà đi qua phòng nàng đang tiếp khách để vào phòng của “Ta”, thế là nàng không bằng lòng. Rồi “Ta” lại tiếp tục ra ngoài và ngủ lại ở phòng nàng. Sau lần ấy “Ta” lại ra ngoài, trở về gặp hôm trời mưa khi khách của nàng vẫn chưa về. “Ta” ốm, nàng cho “Ta” uống thuốc rồi “Ta” ngủ liên miên. Cứ suốt một tháng trời uống thuốc nàng đưa và ngủ như vậy thì một hôm bỗng “Ta” phát hiện ra đó không phải là thuốc cảm mà là thuốc ngủ. Hoang mang, “Ta” không biết phải đi đâu, trong đầu chỉ nhớ đến thuốc cảm và thuốc ngủ. “Ta” ngẫm ngợi liệu có nên trở về với nàng, chuông chính ngọ báo và “Ta” bỗng ngứa nách, muốn mọc cánh và bay lên.


Việc cho vợ tiền và được ngủ chung phòng với nàng đã khiến “Ta” mở mắt trước sức mạnh của đồng tiền. Vợ đã chủ động cho “Ta” thâm nhập vào chủ nghĩa tư bản nhưng lại đã chặn đường không cho “Ta” đi vào bản chất của xã hội ấy thêm nữa bằng cách cho “Ta” uống thuốc ngủ. Tuy nhiên vấn đề kịch tính là ở chỗ “Ta” đã không thấy sự bội bạc của nàng mà trái lại tình yêu của nàng đối với “Ta” còn được minh chứng. Nàng đã tức giận với việc “Ta” ra ngoài vào ban đêm, thậm chí đã đánh “ta” nhưng khi khách của nàng ra về thì nàng không nói gì mà dã ôm ta vào lòng. Việc nàng tức giận với “Ta” là thể hiện nàng yêu “Ta”. Nàng phải bán thân mặc dù không muốn đó là vì cuộc sống.


Khi Đôi cánh là ký hiệu mang tính hoán dụ của cuộc sống thế kỷ 20 thì không chỉ kết thúc ở sự đối lập mang tính nội tại với Kum-hong, “Ta” vừa thăm dò về người vợ vừa làm ra vẻ không biết gì khi chung sống với nàng. Ở đây cô vợ hờ này được ví von giống như một tồn tại đại diện tiêu biểu cho chủ nghĩa tư bản. Suy cho cùng thì nàng cũng là kẻ bị hại của chế độ. Nếu như nàng Kum-hong trước đó là thế kỷ 20 mà Lee-sang, một tồn tại của thế kỷ 19 không thể hiểu được thì sau Đôi cánh là quá trình không thể hiểu Kum-hong và nảy nở lòng trắc ẩn. Một cách rất tự nhiên, ý thức đối đầu cũng yếu đi và vì điều đó đã ảnh hưởng đến việc gặp gỡ với người phụ nữ khác.

3. Nỗi tuyệt vọng thời thế và tinh thần thời đại


Năm 1910 đế quốc Nhật chính thức tiến hành chế độ thống trị thực dân lên bán đảo Hàn Quốc. Việc đầu tiên là Nhật Bản thay đổi quốc hiệu của Joseon (Triều Tiên) thành Đại Hàn Đế Quốc, sau đó là chính sách bóc lột kinh tế và gia tăng chính sách phân biệt đối xử với dân tộc Hàn. Thành lập phủ thống đốc Joseon và các nhà máy để tận dụng sức lao động của người dân, tịch thu ruộng đất thuộc sở hữu của người dân nhằm làm cho nền kinh tế Hàn Quốc rơi vào kiệt quệ. Nhật bộc lộ rõ âm mưu biến xã hội Hàn Quốc trở nên bần cùng hoá rồi lấy danh nghĩa cận đại hoá để thống trị, đã tiến hành khống chế tư tưởng, tự đặt ra quy chế về ngôn luận, hạn chế giáo dục, phân biệt đối xử… bằng chính sách ngu dân. Bằng các chính sách như vậy, Nhật đã hòng triệt tiêu lịch sử và văn hóa, phủ định sự tồn tại của dân tộc Hàn, biến Joseon thành một phần của mình.


Càng ngày Nhật gia tăng mức độ phụ thuộc kinh tế của Joseon vào chính quốc, tăng cường kiểm duyệt gắt gao mọi hoạt động văn hóa nghệ thuật. Các chính sách cai trị thực dân của Nhật đã làm cho chính trị, kinh tế, xã hội và dĩ nhiên bao gồm cả văn hóa đều bị kìm hãm triệt để. Tự do ngôn luận vốn trước đây được cho phép ở chừng mực nào đó giờ hoàn toàn bị kiểm duyệt và hạn chế gắt gao, sự đàn áp về mặt tư tưởng mạnh hơn hẳn một tầng bậc nên các phong trào dân tộc chủ nghĩa, phong trào xã hội chủ nghĩa đều bị giáng những đòn mạnh. Không những thế, tự do hội họp, thành lập các tổ chức hay xuất bản đều bị triệt phá. Với các chính sách đàn áp và biện pháp khống chế như vậy, hoạt động văn học đã không thể bình ổn. Văn học theo khuynh hướng chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa tư bản vốn tiếp nối trào lưu của văn học Hàn Quốc sau những năm 1920 bị chững lại. Để tồn tại và phát triển, văn học Hàn Quốc thời ấy không thể không có những bước chuyển mình và kết quả của sự chuyển mình ấy chính là sự ra đời của văn học thuần túy những năm 1930. Văn học thuần tuý có khoảng cách với hiện thực chính trị, xã hội, chỉ có văn học thoát ra khỏi hệ tư tưởng, ý thức hệ mới có thể tồn tại trong tình hình đóng băng ấy.


Trước hiện thực xã hội, Lee-sang viết: “Dù ở thời đại nào thì người hiện đại cũng tuyệt vọng. Tuyệt vọng sinh ra nghệ thuật và vì nghệ thuật mà lại tuyệt vọng” ([3]). Ông gửi gắm vào trong những con chữ chính cuộc sống và tâm tư của mình chứ không phải hiện thực tàn nhẫn. Để thoát ra khỏi cái chết tự sát ông đã chọn văn chương.Viết là cách biểu hiện khác của nỗi tuyệt vọng của chính bản thân chống chọi với cái chết không thể cưỡng lại được số phận. Trong Ngày 12 tháng 12, tự sát hối thúc ông, nó mang tính bản chất và định mệnh, là tiếng than mà “nỗi tuyệt vọng không thể chết” đã chi phối cuộc đời ông. Vì thế ông đang hô hấp sự sống trong “cơn tuyệt vọng không thể chết và sự phục thù không thể sống”. Ông thổ lộ rằng văn chương là “lời nói sau cùng” và “những ghi chép kinh hãi”. Với Lee-sang thì cái chết, nỗi tuyệt vọng và nghệ thuật tạo nên sự tương quan lẫn nhau, trọng tâm văn học của ông là những ghi chép sợ hãi và theo hướng chủ nghĩa hiện đại. Nói một cách khác con người hiện đại tuyệt vọng, sự tuyệt vọng ấy sinh ra nghệ thuật và rồi lại tuyệt vọng bởi nghệ thuật, thông qua vòng liên kết ấy để kết hợp hiện đại với tuyệt vọng và nghệ thuật. Văn học là phương pháp có thể chạy trốn khỏi cái chết, là cái mà trò chơi của nghệ thuật chói loà có thể chống lại cái chết.


Ngày 12 tháng 12 khắc họa nên hình ảnh nhân vật “Ta”, khóc với nỗi bất hạnh 10 năm trước không thắng nổi nỗi cơ cực nghèo đói mà rời khỏi quê hương đất nước lên đường tha hương và cho đến nay thì cuộc sống bất hạnh ấy vẫn không hề đổi thay. Tác phẩm như một bản mở về phép tắc nhân sinh. Nhân vật chính có một mẹ già cùng vợ chồng người em, đứa cháu tên gọi là Op là toàn bộ những người thân thích. Nhằm thoát ra khỏi nỗi bất hạnh đói nghèo nên đưa mẹ đến Nhật và sống cuộc đời lang bạt tha hương. Sau khi mẹ chết anh cũng đã nếm đủ mùi vất vả khó khăn và còn bị tật nguyền một bên chân nhưng cũng có đôi chút may mắn là đã thi đậu làm bác sĩ rồi trở về nước xây bệnh viện, định giúp đỡ người em nghèo khó nhưng cũng không được như ý muốn. Định chăm chút cho Op – đứa cháu giỏi giang từ nhỏ bị cái nghèo và bất hạnh cuốn lấy thì cuối cùng lại chứng kiến cái chết của nó. Số mệnh bất hạnh dù muốn cũng không thể né tránh. Càng về phần cuối, truyện bộc lộ tâm tình của tác giả. Xuất phát điểm cho tác phẩm văn xuôi của Lee-sang có thể coi là những ghi chép đáng sợ, thúc giục tự sát. Điều này cũng được thể hiện rõ trong Ghi chép kinh hãi. Trong Ghi chép kinh hãi đã đặt xuất phát điểm vào những ghi chép đáng sợ. Nói một cách khác, việc đặt bút ở tận cùng của tuyệt vọng chính là nỗ lực cần thiết để tác giả thoát ra khỏi tuyệt vọng.


Sau đó trong văn học của Lee-sang, Đông Kinh (Nhật Bản) xuất hiện với bối cảnh là cuộc sống tha hương mới. Lee-sang muốn thế kỷ 20 quy định hoàn toàn cuộc sống của mình và định bộc lộ tình cảm về điều đó. Những người phụ nữ mờ nhạt trong quan niệm về trinh tiết của Lee-sang là ký hiệu cho thế kỷ mới nhưng cái mà Lee-sang nhận được từ họ không gì khác ngoài sự bất hạnh và đó cũng là sự bất hạnh mang tính thế kỷ 20. Trong các tác phẩm của Lee-sang, dù có đối lập với các cô nàng tên Im, Yen, Seon, Jeong-hee thế nào thì cuối cùng ông cũng tự hiểu và biện hộ cho các nàng. Khi không còn đối lập được với các nàng nữa thì Lee-sang liên tiếp bộc lộ ý định sẽ đi Đông Kinh. Ông định đương đầu với thế kỷ 20 mới ở Đông Kinh một nơi vốn được Hàn Quốc coi là điểm xuất phát của cận hiện đại. Cuối tháng 10 năm 1936 Lee-sang chính thức lên đường đi Đông Kinh. Và sau khi tới Đông Kinh thì văn học Lee-sang lại một lần nữa có những thay đổi. Lee-sang thất vọng về một Đông Kinh lạc hậu hơn mình đã tưởng tượng. Tâm tưởng ông lại bắt đầu tới New York, London. Đồng thời cũng tự ôm trong mình suy nghĩ rằng mình dù có tới đó cũng chẳng thể thấy được văn minh như vốn tưởng tượng. Như vậy, Lee-sang chủ yếu đã cảm nhận về thế kỷ 20, về tính cận đại qua tưởng tượng chứ không hẳn từ thực tế trải nghiệm. Không chỉ có vậy ngay cả Đông Kinh mà Lee-sang vốn cho là lạc hậu hơn với tưởng tượng của mình thì ông cũng cảm nhận được sự đô thị hoá, văn mình hoá mà mình không sao hoà nhập nổi. Vì thế những truyện ngắn ông viết ở Đông Kinh là nỗi nhớ về những điều đã qua.


Tựu chung lại có thể đánh giá rằng Lee-sang là một tài năng độc đáo và văn chương của ông là thứ nghệ thuật khác biệt trong từng câu chữ, từng hình ảnh ở mỗi tác phẩm. Đặc biệt, truyện ngắn của Lee-sang có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong lịch sử văn học hiện đại những năm 30. Vì nó không chỉ tiên phong mà còn làm nên một đặc trưng lớn trong văn học hiện đại Hàn Quốc với văn phong độc nhất vô nhị còn giữ nguyên tinh thần thời đại.

V.T.H – H.M.T


[1] Kim Yen-soo – Goodbye Lee-sang – Tạp chí Làng văn học. 2002.

[2] Tuyển tập truyện ngắn Lee-sang – Hà Minh Thành dịch – Nxb Hội Nhà văn. 2010. Trang 9-44.

[3] Lee-sang. Đăng trên tạp chí Thơ và tiểu thuyết. 1936.

Nguồn tin: TCNV 12-2011