Mấy hôm nay làng văn tiễn LÊ LỰU về Cõi.
Bạn bè văn chương, mỗi người tiễn mỗi người mỗi cách.
Nhiều người có nhiều kỷ niệm với Ông. Mọi người cũng viết nhiều bài khá xúc động.
Tôi thì không rõ mình có nhiều hay ít những kỷ niệm với Lê Lựu, nhưng cũng đủ để cái chiều cuối tuần này, ngẫm ngợi đôi dòng.

Nhà văn Lê Lựu

Vào Khóa 4 Trường Viết văn Nguyễn Du, ai cũng có kỷ niệm với những nhà văn như nhà văn Lê Lựu.
(Khóa 4 này là cái khóa học chính quy hay chuyên tu gì đó, với nhà văn, nên quên cái danh hão này đi – Và còn rất nhiều lớp bồi dưỡng vài tuần vài ngày cũng gọi theo cái tên cụ Nguyễn Du)
Có kỷ niệm với ông, là vì ông là 1 trong số các nhà văn tên tuổi được mời vào làm thầy hướng dẫn sáng tác cho các học viên mới. Ngoài các thầy có mác Giáo sư hay Phó GS (chúng tôi không quan trọng chuyện này lắm, quan trọng tài năng và phẩm cách của thầy, sự truyền lửa truyền chất xúc tác sáng tác của thầy), như Huỳnh Khái Vinh, Hoàng Ngọc Hiến, Phạm Vĩnh Cư… Thì có các nhà văn nhà thơ: Nguyên Ngọc, Lê Lựu, Ma Văn Kháng, Lê Minh, Thúy Bắc,…
Tôi thì được phân công vào nhóm của nhà văn Ma Văn Kháng, nhà văn Lê Minh (cô Lê Minh là con gái nhà văn Nguyễn Công Hoan). Tôi rất cảm ơn các thầy đã cho tôi được học hỏi ý chí, tài năng và phẩm cách của các nhà văn luôn mong cho tôi và các nhà văn nhà thơ khác bền gan vững chí rèn giũa văn bút.
Lúc ấy nhà văn Lê Lựu là hình ảnh một cái cây cao lớn. Chúng tôi đều được lần lượt các thầy các nhà văn bậc thầy nói chuyện, dành cho những lời khuyên chân tình.


Ra trường, tôi phải đi qua nhiều cung bậc.
Cung bậc ở báo Điện ảnh, khi bộ phim Sóng ở đáy sông ra đời phát rầm rộ, thì phải phân công phóng viên tìm Lê Lựu để phỏng vấn. Khán giả viết thư rầm rầm về báo, hỏi địa chỉ Lê Lựu ở đâu để gửi tặng ông cái này cái nọ, sao ông tài tình quá, biết được những mảnh đời đau khổ… Hỏi cái anh nhân vật Núi ấy ở đâu, xem phim, thấy nhà văn kể cuộc đời cậu Núi khổ quá, muốn giúp…


Có cung bậc tôi mở quán cafe. Không hiểu sao, ở chỗ nào tôi đậu cái quán, cũng có khách hỏi: “Em ở Hội Nhà văn có hay gặp ông Lê Lựu không?”. “Hôm ông ấy đến cửa hàng nhà chị mua áo, chị nhận ra ngay. Thế là chị tặng luôn không lấy tiền”


Chả riêng gì chị bán áo kia tặng Lê Lựu không lấy tiền.
Thành phố còn tặng nhiều hơn gấp nhiều lần. Tặng cả chỗ cho Trung tâm Văn hóa của ông đậu. Có mạnh thường quân còn tặng nào bàn nào ghế, cả bộ tràng kỷ gỗ đẹp long lanh…
Ông liền quy tụ nhiều bạn văn nhân đến. Tôi cũng được mời đến. Ông hồ hởi dẫn đi tham quan toàn bộ Trung tâm, bảo: “Về đây xúm tay vào với tao đi. Mấy đứa chúng mày cứ lang thang kiếm cơm những đâu, bao giờ cho có thời gian mà viết. Về đây đi…”
Có một thời gian truyện gửi đăng ở tờ Văn hóa doanh nhân (Không biết tôi có nhớ nhầm tên hay không?) thì được trả nhuận bút cũng không kém gì báo trung ương khác.
Tôi không biết lắm về quá trình hoạt động điều hành của nhà văn Lê Lựu ra sao. Nhưng cứ cảm thấy ái ngại cho ông, khi phải lo toan nhiều quá chuyện xây dựng một Trung tâm Văn hóa cho bạn bè anh em. Lúc ấy tên tuổi ông vang lừng, ông hỏi gì cũng có thể được hơn nhiều sự tưởng tượng của mọi người.


Cung bậc tôi làm công tác ở Văn phòng Hội, thì nhiều việc liên quan đến Lê Lựu, nếu kể có khi cả nửa cuốn sách. Mà tôi có xu hướng quên những gì đã qua khi làm gì đó ở nơi này…


Một cung bậc sau cùng về chuyện mở quán, thì lại gặp 1 khách hàng bên Bộ Giáo dục sang ngồi cafe. Anh ấy bảo, là cháu của Lê Lựu. Và kể cho tôi nghe khá nhiều chuyện liên quan họ hàng làng xóm quê nhà của ông với ông.
Kỳ lạ. Một người danh vang lừng lẫy, nhiều người mong ước được gặp dù chỉ một lần; lại vụng về nhiều chuyện trong cuộc sống thực.


Duyên cuối cùng của tôi với Lê Lựu, đó là năm ngoái 2021, khi dịch covid19 đang hoành hành, chúng tôi vẫn làm sách. Lúc đó tôi làm cố vấn sách văn học cho Sbooks. Tôi trực tiếp biên tập chỉnh sửa morat, chỉ đạo khâu kỹ thuật dàn trang… từ A đến Z cho tới khi vào nhà in cả bộ sách lừng lẫy của ông: Thời xa vắng, Sóng ở đáy sông…
Bao năm biết ông, ở những mối quan tâm khác; bấy giờ tôi thực sự biết bản thảo gốc của ông. Những bản thảo này ông viết đã từ rất lâu, khi máy tính chưa phát triển, có lẽ là viết tay và sau này thuê đánh máy lại. Bản đánh máy lỗi chi chít. Trình bày văn bản không rõ ràng từng trường đoạn. Có lẽ do đánh máy đã không hiểu hết và trình bày đúng ý nhà văn. Nhưng câu từ và ý tưởng, bút pháp xây dựng cốt truyện thì có một hấp lực lôi cuốn, nổi bật nhất là sự giản dị mộc mạc câu từ.
Hình như cách đi để đạt đến một cái mốc giới nào đó, lại chính là sự giản dị.


Ông đã nằm rất lâu rồi. Rất lâu trong miên man cõi mộng khác.
Chuyện ra đi sẽ là nhẹ như tơ vàng như tơ và đẹp cũng như sợi tơ ấy…
Giã biệt nhà văn Lê Lựu!


Nhà văn Võ Thị Xuân Hà kính tiễn!