Tản văn nơi ta từng qua, người ta từng thấy của Nguyễn Hội

Sách bìa cứng, dày 220 trang, khổ 13×20,5

Nhà xuất bản Văn học 2022

Liên kết: Trung tâm TÔN VINH VĂN HÓA ĐỌC

Giá bìa: 139.000đ

Nước nổi về ôm ấp cả Miền Tây

Ăm ắp phù sa ngọt ngào như sữa mẹ

Điên điển tới dịu dàng khoe sắc nắng

Gió hát trên đồng tôm cá quẫy đùa vui

(Trích Làm rể Miền Tây)

Có một Miền Tây đẹp vô cùng, vô kể. Có một Miền Tây ấm áp trữ tình. Nơi có những con người hiền hòa, khí hậu ấm áp cùng mùa nước nổi đặc trưng. Nơi khởi đầu những câu chuyện văn hóa đa sắc màu với hồn điệu trao duyên làm người ta thổn thức nên đôi. Nơi có biên cương tím lịm đồng hành trong  bước chân anh bộ đội biên phòng. Đó là những nét đẹp được tác giả Nguyễn Hội khắc họa trong tập tản văn LÀM RỂ MIỀN TÂY ra mắt những ngày cuối cùng năm 2022 của NXB Hội Nhà văn. Cuốn sách là tập hợp những nơi tác giả từng sống, người tác giả từng gắn bó luôn gợi lên những kỷ niệm trong cuộc sống thực tiễn không thể nào quên.

    Mặc dù là tập tản văn. Nhưng đọc Làm rể Miền Tây bạn đọc vẫn có thể thấy nội dung xuyên toàn cuốn sách là một chàng trai miền châu thổ sông Hồng. Anh biết đến và yêu thích những chú bộ đội biên phòng qua những tờ lịch từ rất nhỏ. Lớn lên, anh thi, học và tốt nghiệp trường đại học Biên phòng, vào biên giới Tây Nam công tác. Những tưởng cuộc đời binh nghiệp cũng chỉ gắn bó với miền đất này ít năm rồi trở ra Bắc ổn định cuộc sống lâu dài, nhưng tình đất, tình người và đặc biệt là tình yêu lứa đôi đã gắn bó cuộc đời tôi với xứ sở miền Tây giàu đẹp mà chan chứa tình yêu thương này.” Trích – Làm rể Miền Tây.  Qua đời sống thực tế đó, Nguyễn Hội viết lại cảm nhận về mọi điều anh có thể cảm nhận bao gồm lịch sử, quá khứ, hiện tại, tự nhiên, xã hội, nhân sinh, tình cảm, cảnh vật, tinh thần,… ở quê hương sinh thành và quê hương thứ hai – Miền Tây quê vợ.

Nơi Nguyễn Hội từng sống có miền châu thổ sông Hồng – nơi anh sinh ra và lớn lên. Nơi quê hương có những khói cơm chiều mẹ nấu; những bữa cơm đạm bạc thơm ngon mà nhớ mãi. Nơi có khu vườn của mẹ, mẹ làm việc, mẹ cày, mẹ cấy, mẹ chăm bẵm hàng ngày bằng cả sức lực tuổi già… Tất cả đều chân chất, mộc mạc mà lại lưu luyến không quên.

Nơi Nguyễn Hội từng sống có những bông lục bình biêng biếc gắn liền với thân phận những người nông dân mộc mạc, chân thành. Có ba má vợ tảo tần, vất vả nuôi đàn con. Có mùa nước nổi, có cây đậu bắp nối hàng thẳng tắp. Có mùa vịt chạy đồng; có tình có nghĩa, có biên giới Tây Nam với công việc của anh mỗi ngày. Có chiều biên cương tím dịu hiền như những cây hoa chiều tím mong manh nhưng chứa đựng sức sống dẻo dai bền bỉ. Dù thân có bị lìa khỏi gốc vẫn mạnh mẽ vươn hoa vào mỗi sớm mai. Mùa thu, các loài cây khác chuyển úa vàng, chiều tím vẫn xanh ngát và đều nở hoa mỗi sáng, tàn mỗi tối trong Mênh mang chiều tím.

Trong khung cảnh nghĩa tình ấy, tác giả hồi tưởng lại những kỷ niệm tuổi thơ, những trang sách cũ, những tiếng trống trường; rồi những hồi hộp mong chờ ngày tết trung thu,… ngày xưa ấy.

Đọc Làm rể Miền Tây, bạn đọc sẽ thấy đâu đó hình ảnh người dân Bắc bộ, hình ảnh người dân Nam bộ; một số hoạt động khiến bạn nhớ lại kỷ niệm tuổi thơ mà thế hệ 9x về trước vùng quê Bắc bộ đều đã từng tham gia như những kỳ cắm trại, những hoạt động đoàn đội của cả làng, cả xã.

Cuốn sách là sự kết hợp, đan xen độc đáo giữa khung cảnh, sinh hoạt, con người, lối sống, nghề nghiệp, mưu sinh, văn hóa,… giữa Nam bộ, tại vùng đồng bằng sông Cửu Long với Bắc Bộ tại đồng bằng sông Hồng. Sự tài tình của Nguyễn Hội được bộc lộ rõ hơn trong Làm rể Miền Tây khi thành công khơi gợi cảm xúc của người đọc. Nếu bạn là một người con Bắc Bộ, khi đọc tác phẩm bạn sẽ mơ hồ nhớ lại hình ảnh sinh hoạt nơi đây và cảm giác chờ mong, hồi hộp của chính mình trong những hoạt động đoàn, đội tập thể qua nhiều thế hệ. Nếu bạn là một người dân Nam bộ, đọc tác phẩm bạn sẽ thấy thật quá gần gũi, thân thương. Những con người, những cảnh tượng hàng năm người dân đều tiếp xúc, gắn bó thật khiến người ta phải tưởng tượng nhớ về.

Mọi thứ dường như hiển hiện, dường như đang thấy, dường như đã qua mà lại hằn sâu trong ký ức tới quen thuộc của hai vùng quê. Quê hương sinh thành và quê hương vợ, nơi Nguyễn Hội công tác, sinh hoạt, xây dựng gia đình bao năm ấy thật khiến người ta nhớ đến lời thơ Chế Lan Viên từng viết:

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”

HỒNG NHUNG