Văn Hà thực hiện

Hồ sơ lửa được xác lập kỷ lục bộ tiểu thuyết hình sự nhiều tập nhất Việt Nam được thực hiện trong 30 năm (1992-2022).

Báo Pháp Luật TP.HCM đã có buổi trò chuyện với nhà văn Lại Văn Long, tác giả bộ tiểu thuyết Hồ sơ lửa.

Hồ sơ lửa là tâm huyết một đời

.Phóng viên: Gần 30 năm để viết bộ tiểu thuyết Hồ sơ lửa, cảm xúc của anh hiện tại thế nào?

+ Nhà văn Lại Văn Long: Thật sự mà nói thì bao nhiêu lo toan suốt mấy chục năm trong tôi như được trút hết, giống như được “quẳng” gánh lo đi, người nhẹ hẳn, suốt mấy tuần rồi nhưng cảm xúc vẫn lâng lâng hạnh phúc.

Nhà văn Lại Văn Long. Ảnh: VĂN HÀ

Tôi có chút tự hào về bản thân vì đã đủ ý chí để vượt qua hành trình dài, đầy gian khó để hoàn thành được mơ ước từ thuở thiếu niên.

. Nói như nhà văn Trần Thanh Hà, anh đã đi ngược lại hành trình quen thuộc khi chuyển kịch bản phim sang tiểu thuyết. Vậy hành trình ngược này có khó khăn gì không, thưa anh?

+ Thật ra tôi chỉ chuyển ngược kịch bản phim sang tiểu thuyết là ở phần 1 của phim. Năm 2016, đạo diễn Châu Thổ đặt tôi viết kịch bản để quay thành phim 30 tập.

Dù thù lao 8 triệu đồng cho một tập kịch bản vào thời điểm đó nhưng tôi nghĩ cứ viết theo kiểu này thì sẽ không hoàn thành được ước mơ. Bên cạnh đó, kịch bản cũng không phải sở trường của tôi, dù vẫn có thể viết nhưng nó không hay như người chuyên nghiệp và tốn rất nhiều thời gian vì áp lực mỗi đêm phải chiếu một tập.

. Dù đã hoàn thành kịch bản cho đạo diễn biên kịch Châu Thổ nhưng anh quyết định giữ lại mà không bán. Sau đó lại tiếp tục được đề nghị thực hiện kịch bản cho 1.000 tập phim, anh đã lấy cảm hứng từ đâu?

+ Năm 1998, tôi được đi điều tra loạt bài Tội ác sau sân khấu cải lương theo đơn tố cáo của một nữ ca sĩ bị “xã hội đen” cho vay lãi nặng bắt ra Vũng Tàu đánh đập. Thủ phạm đó trong tác phẩm của tôi được đặt tên là Bảy Sún – nguyên mẫu đời thực là chủ một quán bar ngoài Vũng Tàu.

Hôm đưa tội phạm về, ngồi sau xe, anh cảnh sát hình sự mới hỏi túi của tội phạm có gì. Đó là một tờ giấy, anh còn đùa đó là giấy hẹn rủ nhau trốn trại, rồi anh đưa tôi đọc. Đây là thư của con gái người tội phạm. Thư viết: “Ba ơi, ba nói đi nuôi gà sao ba không về. Ông bà nội và con nhớ ba lắm. Đêm nằm ngủ nhớ ba không ngủ được, con lấy áo cũ của ba để ôm ngủ”.

Bộ tiểu thuyết Hồ sơ lửa của nhà văn Lại Văn Long. Ảnh: VĂN HÀ

Khi di lý về tới nhà, thấy cha mẹ của anh ấy mù lòa, ngồi bơm bánh xe ở trước đường Hậu Giang, nhà nằm sâu trong hẻm… rất tội nghiệp. Gia đình đón đứa bé đang đi học để hai cha con gặp nhau. Tôi vẫn nhớ đứa bé mặc áo màu vàng chạy đến ôm cha khóc rất nhiều khiến mọi người cũng xúc động theo. Tôi mới đề nghị chú công an mở còng để hai cha con ôm nhau.

Hồ sơ lửa viết lại từ các phóng sự

Tôi viết năm năm và đăng ký kỷ lục Việt Nam là 30 năm nhưng thực ra cả cuộc đời tôi đã nằm trong đó. Những câu chuyện trong Hồ sơ lửa toàn là viết lại từ các phóng sự tôi đã thực hiện nhiều kỳ, như loạt phóng sự Thế giới ngầm đăng trên báo Công An TP.HCM hơn 30 kỳ…

Nhà văn LẠI VĂN LONG

.Có lẽ “liều lĩnh” là hai từ hợp nhất với anh khi đó?

+ Đúng rồi. Lúc nhà đầu tư hỏi tôi “Anh Long có đủ sức viết 1.000 tập kịch bản trong năm năm không?”, tôi đã nhìn thấy cơ hội ngàn năm có một để bộ tiểu thuyết Hồ sơ lửa ra đời nên ham muốn đã lấn át hết cả lý trí khiến bản thân gật đầu “Tôi viết nổi”.

.Phim được công chiếu đến tập 138 thì dừng lại, điều gì thôi thúc anh tiếp tục thực hiện bộ tiểu thuyết?

+ Như đã nói đây là ước mơ tôi đã ấp ủ từ nhỏ nên khi phim “đứt gánh giữa đường” dù rất buồn, tiếc nuối nhưng đó là sự việc khách quan ngoài ý muốn. Để giảm đi sự buồn bã, hụt hẫng tôi đã lao đầu vào viết để hoàn thành ước mơ của chính tôi thôi.

Ngòi bút hướng về chính nghĩa

.Hồ sơ lửa viết về cuộc đấu tranh chống tội phạm của lực lượng công an, anh có ngại khi “đụng chạm”?

+ Nói chung, tôi viết bằng cái tâm, tâm của mình là tâm hướng thiện, muốn làm cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn nên bản thân viết ra tôi tin là chính nghĩa.

Bên cạnh đó, trong tiểu thuyết hoặc kịch bản phim mà không có những mâu thuẫn và đẩy những xung đột lên cao trào thì đó không phải là một tác phẩm văn học hoặc điện ảnh. Truyện hình sự là dồn nén để bùng nổ và bên cạnh sự bùng nổ tác giả gửi gắm thông điệp qua các nhân vật, sự kiện…

.Trong sáu tập của bộ tiểu thuyết đâu là tập khiến anh đầu tư về mọi mặt cho nó nhất?

+ Đó là Gia tộc tướng cướp. Nguyên bản của nó là một cuốn gồm tập 3 và tập 4 hiện tại là Gia tộc tướng cướp và Phát súng chính nghĩa. Tác phẩm được viết dựa trên một câu chuyện có thật về một gia đình nữ tướng cướp khét tiếng của miền Đông Nam Bộ.

Lúc đầu tôi xuống gặp công an khu vực sưu tập một số thông tin rồi tôi trực tiếp gặp nữ tướng cướp và chồng của bà. Tôi và ông đã ngồi uống rượu suốt đêm để nghe kể chuyện. Sau đó, tôi gặp những nhân chứng rồi đi đến những trại giam ngoài Phú Yên, Xuân Lộc… để đi tìm con cháu của nữ tướng cướp đang chịu án chung thân… Cả quá trình như thế tôi mất đến 18 năm (2000-2018) để thực hiện.

Tôi chỉ có thể nói một điều là lao động văn chương là một thứ lao động cao quý rất đáng tự hào để chúng ta dồn hết tâm trí, ý chí về nó.

.Xin cảm ơn anh.

Nhà văn Lại Văn Long sinh năm 1964 tại TP Đà Lạt, quê cha Thừa Thiên-Huế, quê mẹ Tuy Phước, Bình Định. Anh tốt nghiệp khoa Triết Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM vào năm 1988, công tác tại báo Công An TP.HCM từ đầu năm 1992 đến nay. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.
Sau giải nhất cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ 1990-1991 với tác phẩm Kẻ sát nhân lương thiện, nhà văn Lại Văn Long tiếp tục gây ấn tượng với độc giả qua các tác phẩm: Đứa con thời hậu chiến, Mật danh Đ9, Thạch đế, Thủy Cơ, Đường lên trời xa lắm, Gia tộc tướng cướp, Người khổng lồ đội mồ kể chuyện…

Nguồn: Báo Pháp Luật