Trong Hội thảo “Nhà văn Mai Phương với văn học về thợ mỏ và Quảng Ninh”, hầu hết các tham luận đều đánh giá cao những đóng góp về văn học của nhà văn Mai Phương đối với công nhân mỏ và tỉnh Quảng Ninh; chỉ ra dấu ấn hiện thực cuộc sống vùng mỏ trong sáng tác Mai Phương. Tuy nhiên, có một vấn đề học thuật được đặt ra nhưng chưa được giải quyết, đó là ký của Mai Phương là ký báo chí hay ký văn học?


Nhà văn Mai Phương


Ký được hiểu là một thể văn tự sự viết về người thật, việc thật, có tính thời sự và trung thành với hiện thực đến mức cao nhất. Người ta xếp ký vào thể loại báo chí chính luận – nghệ thuật, gồm ký, phóng sự, tiểu phẩm, ghi nhanh, điều tra, câu chuyện báo chí. Ký lại được chia ra thành ký báo chí và ký văn học. Ranh giới phân định ký báo chí và ký văn học vẫn còn đang được tranh luận nhưng rõ ràng, có một điều mà ai cũng thấy là nhà văn viết ký phải khác với một nhà báo viết ký. Riêng Mai Phương vừa đóng vai một nhà văn lại là một nhà báo. Vậy ký của Mai Phương thuộc loại nào?

Ký là thể loại cho phép người viết thể hiện cái tôi. Cùng đứng trước hiện thực nhưng ký báo chí phản ánh hiện thực thông qua vai trò của cái tôi trần thuật còn ký văn học lại tái tạo hiện thực thông qua cái tôi thẩm mỹ.Về khía cạnh cái tôi, trong ký Mai Phương vừa tồn tại cái tôi trần thuật lại vừa tồn tại cái tôi thẩm mỹ. Tiêu đề các bài ký của Mai Phương mang đậm dấu ấn cá nhân; thường rất gợi cảm và gây tò mò: Cọc Sáu khúc tráng ca của người thợ mỏ, Mông Dương chiều sâu lòng người, Cao Sơn người cao hơn núi, Hòn than và cây đào ngày Tết, Ở nơi hòn than lấp lánh sắc màu v.v… Tít các bài ký của Mai Phương chứa đựng nhiều thông tin, nó nghiêng nhiều về chất báo chí. Tuy nhiên, không phải vì thế mà những cái tít của Mai Phương không sinh động, giàu hình ảnh và cuốn hút người đọc. Ký Mai Phương giàu tính thông tấn ở chỗ nó phản ánh sinh động đời sống Vùng mỏ và thợ mỏ. Trong ký của ông, người đọc nhận ra sự vất vả hiểm nguy của người thợ dưới hầm lò, những giằng kéo giữa vật chất và tinh thần, hiện thực và ước mơ của mỗi người thợ. Ký Mai Phương lại giàu cảm xúc bởi ông viết ra bằng tấm lòng và tâm huyết của mình. Ông cùng ăn, cùng ở, cùng sống, cùng làm việc với người thợ mỏ nên mỗi trang ông viết ra như còn lấm lem bụi than lẫn mồ hôi và cả nước mắt của người thợ. Đoạn ông viết về nhân vật Nguyễn Văn Kiểm trong Cọc Sáu khúc tráng ca của người thợ mỏ làm người đọc tưởng như đang đọc một truyện ngắn: “Nhiều đêm tối trời cũng như sáng trăng, ông thường ngồi một mình đốt thuốc liên tục trên bờ moong hay trên những tầng than mới vừa khai phá để nghe… đá rơi. Ông có đôi tai thính nhạy và đôi mắt tinh tường. Nghe tiếng đá rơi giữa cái yên ắng của ban đêm ông có thể đoán biết được đường đi của than, nơi nằm của than. Chỗ nhiều chỗ ít chỗ mỏng chỗ dày…”. Qua ngòi bút Mai Phương, những trang văn luôn nồng nàn và lấp lánh chất thơ.

Hư cấu là đặc điểm quan trọng nhất để người ta phân định đâu là ký báo chí, đâu là ký văn học. Thông tin trong ký báo chí phải trung thực tối đa, không cho phép hư cấu như trong ký văn học. Ký của Mai Phương chân thực như cuộc sống, không hư cấu nhưng người đọc vẫn thấy nó như một truyện ngắn đậm tính văn học. Trong bút ký Chiến công của Cúc, ông thể hiện một cái nhìn xúc động và trân trọng trước nhân vật Cấn Thị Cúc, người đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về đề tài nghiên cứu phân người để tìm ra phác đồ điều trị bênh giun sán: – “Hạnh phúc vô cùng phải không em?” Khóc ư? Hình như đôi dòng lệ ứa trên hai gò má còn hằn sâu bao khắc khổ của em kìa. Cứ để cho nó tuôn chảy. Nước mắt của sung sướng vinh quang mà em. Cứ để cho dòng nước mắt mãn nguyện ấy trào ra”. Mai Phương luôn viết về các nhân vật của mình bằng sự nâng niu với một giọng văn đầy ấm áp.

Ngôn ngữ trong ký văn học là ngôn ngữ được sử dụng với phong cách ngôn ngữ nghệ thuật. Trong khi đó, ngôn ngữ trong ký báo chí được sử dụng linh hoạt đa phong cách. Ngôn ngữ trong ký Mai Phương được sử dụng đa dạng, uyển chuyển. Có khi văn Mai Phương dềnh dàng: “Nha Trang mùa này dịu nắng. Hoa ô môi vẫn lả lướt vàng, như rơi trong không trung những giọt sáng. Không hiểu sao tôi cứ nghĩ màu vàng rực của hoa ô môi là ánh sáng lung linh của ngọn điện về đêm ở làng…”(Điện về làng). Mai Phương là vậy, dềnh dàng nhưng không lê thê; dềnh dàng một chút để cho người đọc phải kiên nhẫn đợi chờ, rồi bất ngờ bung ra điều mà mình cần nói. Do đó, đọc ký Mai Phương dù có dài đến mấy người ta vẫn không cảm thấy chán, vẫn bị cuốn hút bởi những câu văn khi dài khi ngắn, khi nhẩn nha, lúc lại huỵch toẹt thẳng thắn. Cái thẳng thắn theo kiểu miền Trung thể hiện nhiều trong sáng tác Mai Phương: “Lúc đầu, tao cũng vậy, mới nhìn ngoài tưởng hắn chậm nhưng nhanh lắm mày hè. Cái chậm của thằng cha này trộn nhuyễn với nhanh nên chậm chắc. Ít người nghĩ ra điều này nên nhầm. Mày cũng rứa… Để rồi mày xem” (Độc đáo ông Bình).

Như vậy, có thể thấy, Mai Phương đi chênh vênh trên đường ranh giới giữa ký văn học và ký báo chí. Và phải có tài thì mới vững chân trên cái ranh giới mong manh ấy. Đó là lối đi riêng làm nên giá trị của các tác phẩm ký Mai Phương…

Phạm Học

Nhà văn Mai Phương

Mai Phương tên thật là Lê Viết Thuận, ông sinh năm 1933, tại Tuy An, Phú Yên. Ông là bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc, năm 1958 thì chuyển ngành ra Vùng mỏ công tác, rồi làm báo chuyên nghiệp. Vào những năm 1958-1959, Mai Phương đã “nổi tiếng” với một số bài thơ đăng ở các báo, tạp chí văn nghệ Trung ương, địa phương.

Ngoài tập truyện ký: Người cao hơn núi, NXB Hội Nhà văn – 2006, Truyện và Ký Mai Phương, NXB Hội Nhà văn, 2012, ông đã xuất bản các tập thơ của riêng:

Sắc hoa vàng, NXB Văn học – 1997

Đi trong cõi người, NXB Văn học – 2002, tái bản năm 2003

Trái tim nhân ái, NXB Hội nhà văn – 10-2006.

Bài thơ tặng vợ, NXB Văn học – 2008

Mai Phương được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam khi ông đã bước sang tuổi 75. Hiện ông là Chi hội Trưởng Chi Hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Ninh.

Nguồn: Toquoc