Trương Hiền Lượng

Từ đó, tối tối, sau khi ăn xong suất ăn của nhà bếp, tôi cắp nách quyển Tư bản đến nhà cô để đọc. Tay “Chủ nhiệm kinh doanh” chắc là vừa lòng. Cô lấy cái đèn treo trên tường xuống, để trên chiếc ống bơ ở bệ đất. “Đèn cao thì sáng xa”, cô bảo thế. Quả nhiên, căn buồng sáng hơn nhiều. Xá là đứa bé ngoan, đôi khi có vòi vĩnh hoặc đòi mẹ hát, nhưng ngoài những lúc đó, cháu không làm ồn. Cô chưa bao giờ hỏi tôi đọc sách gì, vì sao phải đọc, và cũng chưa lần nào giải thích câu “Anh hãy đọc sách của anh” mà hôm vùng ra khỏi tay tôi, cô đã nói. Hình như cô cho rằng đọc sách là một việc tốt, một việc cao cả, là việc đàn ông nên làm, thậm chí nhất thiết phải làm. Khi nói vậy, hẳn cô không hề suy đi tính lại, và về điểm này, không giống hoàn toàn lời dạy của anh cán bộ dạy triết.

–         Ông em cũng đọc sách – cô nói – Em còn nhớ hồi nhỏ lúc nào cũng thấy ông đọc, cũng hai tay cầm sách như anh. Sách thì dầy như thế này – Lát sau cô lại nói – Anh Hỉ là đồ bỏ đi! Bỏ học đi lang thang! Em không mong gì ở anh ấy!

Tôi thoáng nhận ra, cô không “mong đợi” gì ở Hỉ, nhưng mong đợi bí mật của tôi. Nhìn cô hình dung quyển sách mà ông cô đọc, tôi đoán là sách Kinh Thánh. Nhưng tư tưởng cô không hề nhiễm màu sắc tôn giáo. Một con người lạc quan, rộng rãi, lanh lợi và nhiệt tình, sau khi cọ xát với đời, không bao giờ nhìn cuộc sống một cách thân bí.

Tôi ôm đầu xem sách dưới ánh đèn. Cô và bé Xá nói chuyện rủ rỉ trên giường. ánh đèn hắt bóng cái đầu của tôi lên hai mẹ con. Bé Xá hình như bị lây cái không khí trang nghiêm ấy, tiếng cười của bé cứ nhỏ dần. Thỉnh thoảng tôi ngừng đọc, lắng nghe tiếng cười của hai mẹ con, cảm nhận niềm yêu thương gần gũi của cô và bé Xá ban phát cho tôi. Căn buồng nhỏ bé hình như chứa không hết tình cảm nồng nàn giữa chúng tôi, khiến tôi liên tưởng đến chuyện thần thoại, một con thuyền xinh xắn nhẹ nhàng lướt trên mặt biển lặng như tờ.

Khi bé Xá ngủ, cô quỳ trên giường cắt cái quần “như dân thành phố”. Tiếng kéo lướt soàn soạt. Cái tiếng soàn soạt ấy cũng kỳ diệu, nhẹ nhàng như tiếng mưa phùn rơi trên lùm cây xanh. Khi cô bắt đầu khâu thì tôi không nói chuyện nữa. Thi thoảng tôi nhìn lại, bắt gặp đôi mắt đẹp đang nhìn tôi kèm theo một nụ cười ý tứ và duyên dáng. Khuôn mặt rạng rỡ chứng tỏ trong bầu không khí này, cô đang được bù đắp về tinh thần, hưởng thụ quyền lợi của người phụ nữ. Sau này tôi mới hiểu, cô cho rằng một người đàn ông chăm chỉ đọc sách bên cạnh cô, cộng với ấn tượng thời niên thiếu, thành một giấc mơ đẹp, và cũng là giấc mơ có truyền thống lâu đời của người phụ nữ Trung Quốc.

Suốt một ngày trời, chiếc quần đã được may xong. Mảnh nhung mỗi đầu có ba đường chỉ đỏ, giờ đây, ba đường chỉ của một đầu nằm vắt ngang hai bắp chân tôi. Mặc cái quần “như dân thành phố”, tôi giống hệt như anh hề ở rạp xiếc. Bé Xá thấy tôi ăn mặc như vậy, vỗ tay reo:

–         Búp bê! Búp bê!

–         Không được gọi thế! Gọi là “bố”! – cô khẽ củng vào đầu bé Xá rồi ngồi xuống kéo dãn ống quần cho tôi và miết phẳng đường khâu. Tôi không nhìn rõ mặt cô. Câu nói làm tôi giật mình, nhưng nó thoảng qua như một làn gió, chìm trong động tác hối hả của cô, vì vậy tôi chưa hiểu được ý tứ bóng bẩy của nó.

–         Được, vừa đấy! – cô đứng dậy, che miệng cười – em còn may cho anh một chiếc mũ.

Cô bảo tôi, cái mũ may bằng chỗ vải còn thừa, theo kiểu của ông già nằm kề bên tôi – lão kế toán. Tôi cầm lên xem. Đó là kiểu mũ La Tống, người Thượng Hải hay đội về mùa đông. Chỏm mũ đính một quả cầu màu đỏ có hai giải buông xuống.

–         Hoa chịu khó quá – tôi cười, đội mũ lên đầu – Hồi còn nhỏ, tôi vẫn đội kiểu mũ này đi học.

Buổi tối tôi mặc cái quần “búp bê” – cô đã đem giặt cái quần bông của tôi – đầu đội mũ La Tống, đọc Chương Ba “Sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối”. Tôi ấm từ đầu đến chân, bụng no căng. Tôi nhớ mang máng Engel nói rằng, trước hết con người cần ăn, ở, mặc sau đó mới làm chính trị, khoa học, nghệ thuật, tôn giáo…Marx đã tìm ra quy luật phát triển của lịch sử qua sự thật đơn giản đó. Lời Engel là một chân lý đanh thép xét từ cái nhìn tổng quát cũng như từng chi tiết cụ thể. Lúc này đây, quả thật tôi đang cảm thấy một sức mạnh tinh thần thôi thúc tôi tìm hiểu những bí mật kỳ ảo, trong đầu những muốn thử sức. Khi tôi đọc đến đoạn văn dưới đây, tôi sung sướng  tột độ, vì rằng trạng thái tinh thần lúc này của tôi khiến tư tưởng tôi loé lên như một ánh chớp khi đọc những câu chữ tưởng rằng không liên quan đến mình, tôi hiểu phải nhìn nhận được cuộc sống trước mắt như thế nào và phải đặt mục tiêu cho cuộc sống sau này của tôi ra sao.

Marx viết:

“Con người đóng vai trò một thế lực tự nhiên đối với tự nhiên. Con người sử dụng những sức lực sẵn có trong cơ thể, cánh tay và chân, đầu và bàn tay, để chiếm hữu những vật chất bằng cách tạo cho những vật chất đó một hình thái có ích cho đời sống của mình. Do sự vận động đó, con người tác động vào tự nhiên, đồng thời cũng thay đổi bản tính của chính mình và phát triển những năng khiếu tiềm tàng trong bản thân mình”.

Như vậy cái gọi là cải tạo con người, thì trước hết con người ấy phải cải tạo tự nhiên, cải tạo cái tồn tại bên ngoài anh ta. Cải tạo con người chẳng qua là trong quá trình cải tạo tự nhiên và hoàn cảnh xã hội, khắc phục cái tác dụng ngược lại của tự nhiên và hoàn cảnh xã hội đối với con người. Đồng thời với việc cải tạo tự nhiên và hoàn cảnh xã hội, bản thân con người mới được cải tạo. Con người không có hành động gì đối với ngoại giới, không cải tạo tự nhiên và hoàn cảnh xã hội, thì bản thân cũng không được cải tạo. Bốn năm qua, tôi liên tục cải tạo tự nhiên, do đó, tôi cũng được cải tạo, nhưng là cải tạo không tự giác, thậm chí có thể gọi là hoang đường. Cưỡng chế tôi bằng những biện pháp nguyên thủy, thô bạo và dã man để cải tạo tự nhiên, do vậy, tôi bị cải tạo thành con người nguyên thuỷ, thô bạo và dã man. Chỉ có tự giác, dùng phương pháp với quy luật để cải tạo tự nhiên và hoàn cảnh xã hội, thì việc cải tạo bản thân mới đạt tính mục đích một cách tự giác. Muốn tự giác, muốn sử dụng được những phương pháp hợp với quy luật, thì phải học, liên hệ chặt chẽ với trí tuệ nhân loại. một người cải tạo đến mức hoàn hảo là do mức độ anh ta cải tạo tự nhiên và hoàn cảnh xã hội cả bề rộng lẫn bề sâu quyết định. Đến đây tôi nhớ lại Fauster trong Kết luận cuối cùng của trí tuệ “Phải ngày ngày xây dựng cuộc sống và tự do rồi mới hưởng tự do và cuộc sống”.

Như vậy, tôi không đến nỗi phải than thở cho số phận của mình, không  cần phải rên rỉ vì sao tôi lại lạc bước đến đồng đất này. Vì rằng nỗi đau và niềm vui trong cuộc sống đều có thể thay chân nhau bất cứ lúc nào. Tôi nhớ lời Đan Đinh “Sự vật càng hoàn chỉnh, thì sự cảm nhận đau khổ và sung sướng  càng nhiều”. nếu như có tính tự giác, thì nó nta càng trong hoàn cảnh gian khổ, sức mạnh vùng lên càng lớn. Kinh nghiệm của tôi đã chứng minh, tiềm lực của con người là kinh khủng, chỉ có cái chết mới giới hạn được nó. Tiếc là, khi đó tôi chưa có tính tự giác, tôi chỉ toát ra bản năng kiếm sống. con người ta một khi có đủ tính tự giác, tôi tin rằng để ứng phó với các điều kiện gian khổ, phải “triển khai tiềm năng vẫn ngủ say trong bản tính”, anh ta sẽ phát triển, “nâng tầm của mình lên”, niềm vui cũng do dó mà có, nhân sinh cũng “hoàn chỉnh”.

Dòng suy tư của tôi chuyển động vun vút, tôi chưa thể nói chính xác những suy nghĩ chợt đến chợt đi, nhưng tư tưởng thì cảm nhận được một tia sáng loé lên như làn chớp. Tôi tin rằng, khi nói “chợt giác ngộ” là có cơ sở khoa học nào đó. Nó chỉ cho ta thấy sự mau lẹ của lượng biến thành chất trong quá trình tư duy. Tôi run lên khi cảm thụ được tia sáng thiêng liêng đó. Mt tôi đầy lệ, tôi như Fauster thét lên trong Kết luận cuối cùng của trí tuệ.

Người đẹp sao, xin hãy dừng chân!

Giữa lúc đó cô nhẹ nhàng đến sau lưng, một tay đặt trên đầu tôi, và nhìn qua vai tôi, cô như muốn tìm hiểu những câu chữ kỳ lạ nào đã khiến tôi xúc động đến thế. Nhưng tôi không muốn qua sách vở mà cô thấy được cái khoảng cách khó mà san bằng giữa chúng tôi. Không rõ  vì sao, tôi cảm thấy sự chênh lệch đó sẽ làm hỏng niềm vui của cô, và cũng phá tan niềm say mê của tôi lúc này. Tôi chợt cảm thấy giờ đây tôi đang trong một trạng thái kỳ diệu như ảo giác, cả đời người chưa chắc đã gặp. Những khái niệm kinh tế học và nhân sinh, lý tính và cảm tính, kêt tinh của trí tuệ và xung đột của tình cảm, hiện thực nghiêm ngặt và giấc mơ vượt cả thời gian và không gian, cuộc sống bần hàn và tưởng tượng hoa lệ, một chuỗi những phạm trù trừu tượng và một cô bạn gái xinh đẹp…quyện vào nhau, do đó, tất cả đều mờ ảo, lung linh, chập chờn, không hình khối. Nưng tất cả lại đang rất thực, như hòn cuội trong dòng nước, vầng trăng tròn sau tầng mây trôi, chiếc cầu nhỏ trong màn sương mù.

Tôi chậm rãi cầm lấy bàn tay đang để trên đầu tôi. Bàn tay vừa nhúng kiềm đỏ ửng, chai tay trắng bọt, nếu nói lao đông làm cho bàn tay của cô thô đi sẽ không bằng nói rằng bàn tay cô đầy đặn, rắn chắc, ấm áp và sáng sủa, các đường chỉ trong lòng bàn tay đơn giản, rõ ràng, rạng rỡ và lạc quan như con người của cô. Tôi ngắm từng cái vân tay. Quả nhiên ngón giữa có vân tròn. Tôi sững sờ, sự xúc động do lý trí đem lại đã chuyển thành tình yêu dịu dàng,đằm thắm. Tôi chợt nhớ lại câu thơ của Byron:

Tôi thích mái tóc xoăn buông thả,

Mỗi đợt âm thanh lại gợn sóng vàng.

Tôi thích mắt em với làn mi cong vút,

Như đang hôn đôi gò má đỏ căng.

Cặp mắt nai như hò như hẹn

Em là cuộc đời tôi!

Tôi yêu em!

Tình yêu ấy đã vượt lên những ham muốn tình dục. Như những dòng suối ào ạt chảy vào sông lớn, tôi vượt trên tầm của tôi, lồng ngực mở rộng hơn để đón nhận những ham muốn của tuổi xuân. Tôi áp bàn tay cô vào môi tôi, như dòng nước xoáy giữa sông gấp khúc, trong lòng tôi dâng lên một tình cảm dịu dàng như nước, bồng bềnh như trôi trong mộng. Tôi hôn nhẹ ngón cái, ngón trỏ, ngón vô danh và ngón út, rồi dùng bàn tay cô bịt miệng tôi lại. Khi buông bàn tay cô ra, một giọt nước mắt tôi rơi xuống. Trong lòng tôi  xúc động dạt dào, xúc động vì co6, vì yêu, vì tôi đã “nâng tầm của mình lên”. Tôi buột miệng nói:

–         Em yêu, em yêu của anh!

Cô vẫn đứng sau lưng tôi, bộ ngực căng và mềm mại áp sát lưng tôi. một tay cô vẫn ngoan ngoãn và tình tứ để cho tôi nắm, còn tay kia xoa xoa bờ vai tôi. Khi tôi hôn những ngón tay, thì tất cả những ngón trên hai bàn tay của cô trở nên ngập ngừng, e thẹn và thận trọng. Sự ngạc nhiên đến ngỡ ngàng và nỗi e lệ làm cho cô run rẩy. Tôi cảm thấy cô cũng như tôi, đang hưởng thụ hạnh phúc của tình yêu với một tâm trạng vừa trầm lắng với lạ lùng bỡ ngỡ. nghe tôi nói câu ấy, cô rụt phắt tay lại ,cả nửa người đè lên vai tôi, cô hỏi bằng một giọng vui sướng pha lẫn ngạc nhiên:

–         Anh vừa gọi em là gì cơ?

–         Anh gọi là “em yêu”.

–         Gọi thế không hay – cô cười khúc khích.

–         Vậy gọi em như thế nào? – tôi kinh ngạc hỏi.

–         Anh phải gọi em là “cục cưng” – cô dí đầu ngón tay vào thái dương tôi, lên giọng dạy bảo.

Tôi nhớ lại bài dân ca của Hỉ, bất giác mỉm cười. Tôi hỏi với vẻ hài hước:

–         Vậy em gọi anh là gì?

–         Em gọi anh là “Cún”.

Gọi “cún” là tỏ ra yêu tha thiết. Tôi rất thán phục, khen cách gọi đó là tuyệt, nhưng hiển nhiên nó khác với cách gọi của loại “tình yêu phong nhã” mà tôi hằng mơ tưởng. Dù tôi đã là con người bình thường đã nối tiếp được dòng hồi ức với quá khứ, nhưng cái cách tỏ tình và ngôn ngữ dùng trong tình yêu của cô vẫn làm tôi ngượng nghịu. Tuy tôi không muốn cô phát hiện ra khoảng cách không thể san bằng giữa tôi và cô, nhưng bản thân tôi thì tỉnh táo nhận ra cái khoảng cách đó.

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài