Câu chuyện khu ấp Thái Hà – một di tích đang trở thành phế tích giữa Thủ đô đã từng được báo chí nhắc đến nhiều bấy lâu nay. Điều đáng nói là chính quyền địa phương cũng như ngành văn hóa đã có những kế hoạch để “giải cứu” di tích kiến trúc bằng đá lớn nhất nhì Việt Nam nói trên. Nhưng cho đến nay mọi chuyện vẫn án binh bất động.

Khu lăng mộ nằm lọt giữa khu dân cư đông đúc. Ảnh: Vũ Trần.

Trong khu ấp có lăng mộ của hai cha con ông Hoàng Cao Khải và Hoàng Trọng Phu. Ông Hoàng Cao Khải (1850-1933) tên thật là Hoàng Văn Khải, quê làng Đông Thái, thuộc xã Tùng Ảnh, huyện La Sơn (nay là Đức Thọ), tỉnh Hà Tĩnh. Ông đỗ cử nhân năm Tự Đức thứ 21 (1868).

Ông là nhà văn, nhà sử học, là đại thần dưới triều vua Thành Thái. Ông Hoàng Cao Khải về hưu ở ấp Thái Hà, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông, thuộc phường Trung Liệt, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

Để chuẩn bị cho hậu sự của mình ông Hoàng Cao Khải đã mời thầy địa lí từ bên Tàu sang chọn thế đất đặt mộ cho mình. Thầy Tàu đã cắm mảnh đất ở ấp Thái Hà, nằm ở phía Tây gò Đống Đa này là chỗ đặt lăng mộ yên nghỉ cuối cùng.

Năm 1893, khu lăng mộ được khởi công xây dựng. Hiện những dấu tích của  khu Lăng mộ Hoàng Cao Khải tọa lạc tại ngõ 252, phố Tây Sơn, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội.

Ngược dòng lịch sử, với những giá trị của quần thể di tích kiến trúc này, từ hơn 70 năm trước ngày 25/11/1945, trong Sắc lệnh bảo vệ di tích cổ vật, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương giữ nguyên hiện trạng khu ấp Hoàng Cao Khải. Năm 1962, di tích đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ VHTT&DL) xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa.

Bộ Văn hóa đánh giá: “Đây là chứng tích duy nhất của nước ta về một quần thể các công trình lăng tẩm, dinh thự của một phó vương”. Nhưng do việc quản lý không khoa học, thiếu sự quan tâm của các ngành chức năng nên nhiều chục năm qua, di tích gần như bị lãng quên.

Theo đánh giá của các chuyên gia nghiên cứu, khu lăng mộ có kiến trúc độc đáo, nhiều công trình tinh xảo, đạt đến trình độ kĩ thuật cao trong nghệ thuật điêu khắc đá của người Việt, là một di tích kiến trúc bằng đá lớn nhất nhì Việt Nam.

Họa tiết chủ yếu được chạm khắc trên đá là hoa sen, lá thông, đầu rồng đặc trưng của thời Nguyễn mang vẻ uy lực. Đôi rồng đá chầu trước cửa lăng dù đã bị thời gian bào mòn làm hư hại nhưng vẫn giữ được được vẻ đẹp uy nghi của một tác phẩm nghệ thuật hiếm có ở đất Kinh kỳ.

Trong quá trình tìm hiểu khu di tích này, người dân sinh sống quanh đây cho biết, khoảng hơn 30 năm về trước nơi đây vẫn còn hoang vắng, ít người qua lại. Nhưng lâu dần, người dân đã “nhảy dù” vào bên trong lăng mộ  và sinh sống tự nhiên thoải mái.  Không bị quản lý, nên khu nghĩa địa với hàng trăm ngôi mộ của nhà họ Hoàng dần bị cắt xén, có mộ bị nhà xây đè chồng lên…

Cụ Nguyễn Văn Hùng, 80 tuổi, đã nhiều năm sống tại khu vực này cho biết, ngôi mộ lớn của người con ông Hoàng Cao Khải là Hoàng Trọng Phu từng bị một gia đình do nợ nần chồng chất nên phải bán nhà rồi chiếm dụng làm chỗ ở. Sau này con cái họ lớn lên, chia ra làm bốn hộ gia đình, tiếp tục sống trong khu mộ bên cạnh những chiếc quách đá khổng lồ. Bao năm qua người ta đã từng ngủ luôn ở bên trên phần mộ, nằm ngủ trên đầu người chết.

Nay khu mộ này được tận dụng làm nơi khai báo nhân khẩu của địa phương; Trụ sở tuần tra nhân dân cụm 9 – Công an phường Trung Liệt. Và cách đây mấy năm, chính quyền địa phương đã tiến hành giải tỏa các hộ dân, có dự án đền bù thỏa đáng, hỗ trợ họ mua nhà chung cư cho người thu nhập thấp để có thể ổn định cuộc sống.

Nhưng bao năm qua mọi chuyện cũng vẫn án binh bất động. Do đó nguy cơ di tích Lăng mộ Hoàng Cao Khải trở thành phế tích là có thực. Bây giờ xung quanh khu vực này là hàng quán, rác thải ngập ngụa… Thiết nghĩ cần phải có sự quan tâm thỏa đáng để giữ lấy một công trình mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc cổ kính giữa lòng Hà Nội.

Minh Phúc – Đại đoàn kết