Tuyết Loan

Sách “Cơ Bản là Cơ Bản”. (Ảnh: NXB Kim Đồng)

Cơ Bản là Cơ Bản”, cuốn truyện mới của Nhà xuất bản Kim Đồng vừa ấn hành, là một cuộc phiêu lưu nho nhỏ của một cậu bé 13 tuổi khi được về quê nội ở Thanh Hóa trong những ngày dịch Covid-19 diễn ra căng thẳng ở Hà Nội.

Trần Cơ Bản, con của bố Trần Cơ Sở, một cậu bé 13 tuổi giống như mọi cậu bé khác trên đời. Cậu sống cùng bố mẹ trong căn hộ chung cư 80m ở thành phố, trong một lớp học mà có cả những điều dễ chịu và những điều khó chịu. Nhưng cậu ghét nhất là Kiên, anh chàng ngồi cạnh, một công tử con nhà giàu, học kém và dùng mánh khóe để “mua” các bạn học giỏi làm bài cho mình. Cậu chỉ mong một ngày nào đó không phải đến lớp để đỡ phải nhìn bộ mặt “đáng ghét” của Kiên. Và mong ước rất viển vông đó của cậu bất ngờ trở thành sự thật khi dịch Covid-19 xảy ra, bùng phát trên diện rộng và toàn bộ học sinh được lệnh học online ở nhà.

Ban đầu, những ngày học online ở nhà đối với Cơ Bản là vô cùng sung sướng, vì cậu có thể dùng những mẹo nhỏ của mình để ăn, ngủ hoặc qua mắt cô giáo ở lớp trên camera. Ngoài ra, những ngày nghỉ dịch cậu còn phát hiện một năng khiếu là làm vè, làm thơ. Cơ Bản đã dùng năng khiếu ấy để giúp mẹ bán hàng online, để nói về những vấn đề của mình, của bạn bè ở lớp. Nhưng niềm vui ấy nhanh chóng bị bao phủ bởi sự bức bối của bốn bức tường, của nỗi nhớ bạn bè, trường lớp.

Đoán được tâm trạng của con, bố của Cơ Bản đã quyết định đưa cậu về quê nội ở Ngọc Lặc, Thanh Hóa, vùng núi còn giữ được nhiều nét hoang sơ của thiên nhiên cũng như những nét văn hóa đặc sắc, thú vị được truyền lại từ nhiều đời trước. Và từ đây, một khung cửa mới mở ra trước mắt Cơ Bản, giúp cậu biết thêm được nhiều điều thú vị, và có thêm được những người anh em, bạn bè, cùng một sự kiện mà cậu không thể ngờ tới được…

Tập truyện nhỏ xinh, chỉ chừng hơn 200 trang, vừa tầm với độc giả ở lứa tuổi học sinh cấp 2. Cách kể chuyện tưng tửng, nhưng không giấu được sự hóm hỉnh, hài hước, lại được kể thông qua con mắt của một cậu bé 13 tuổi, cho nên ngôn ngữ và cách suy nghĩ rất gần gũi với lứa tuổi này.

Tác giả Huy Thông cho biết, cuốn sách được anh viết rất nhanh, chỉ trong vài tuần. Những câu chuyện, nhân vật trong ảnh đều là những mẫu người có thật ở ngoài đời. Thí dụ, nhân vật Cơ Bản được xây dựng từ cậu cháu trai của anh, từ một cậu bé mà anh quen, thầy giáo cũng là thầy giáo thật của anh ngoài đời, và một cô cháu gái rất thích rap, sống ở Sài Gòn. “Đó là cháu tôi, rất mê rap, bố mẹ không cho, chỉ có bác là ủng hộ đam mê của cháu”. Điều đặc biệt, những phong tục tập quán trong cuốn truyện như trò rối Chuộc, tục chèo ma…, đều là anh khai thác từ đời sống thật của người Mường vùng Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Với công việc là phóng viên văn hóa, nay là Trưởng phòng Văn hóa, Báo Thể thao và Văn hóa, anh có thể chuyển tải những thông tin, kiến thức mà mình có được trong quá trình làm nghề vào câu chuyện của trẻ nhỏ hết sức ngọt, bằng giọng văn hóm hỉnh, dễ gần, như thể chính lũ trẻ kể cho nhau nghe.

Những câu chuyện của anh chàng Cơ Bản trong tập truyện là những câu chuyện thật thời Covid-19 mà tác giả được chứng kiến, khi bọn trẻ học online ở nhà thay vì đến trường. Từ những “mánh” qua mắt thầy cô, cho đến nỗi nhớ trường, nhớ lớp, nhớ bạn của các cô cậu học trò.

Tác giả Huy Thông cho biết, câu chuyện ghi lại những trải nghiệm của bản thân anh qua những lễ hội, phong tục của người Mường. “Hồi cháu trai tôi còn nhỏ, đi đâu tôi cũng đưa cháu đi, bây giờ cháu đã học đại học, và những trải nghiệm ngày đó trở thành những kỷ niệm khó quên trong cuộc đời của cháu”.

Đối với các chuyên gia, hành trình lớn khôn của con trẻ không thể thiếu được vai trò đồng hành của người lớn. Câu chuyện “Cơ Bản là Cơ Bản” chỉ đề cập đến một giai đoạn trong cuộc đời của Cơ Bản, nhưng đó lại là giai đoạn quan trọng, và có sự đồng hành hiệu quả của phụ huynh. Nhà nghiên cứu văn học thiếu nhi Trịnh Đặng Nguyên Hương (Viện Văn học) cho rằng, câu chuyện kể về một người cha tuyệt vời, không bao giờ bắt con phải làm theo ý mình, không so sánh, thúc ép, khen động viên con từ những điểu rất nhỏ bé, không đặt lên vai con áp lực thành tích. Khi con gặp khó khăn, người cha đó cũng sẵn sàng chia sẻ, lắng nghe, có những câu hỏi gợi dẫn để con tìm được câu trả lời của mình.

Nhà báo Hoàng Minh Trí cho rằng, cuốn sách là một gợi mở để cha mẹ theo dõi, hướng cho con sở thích, xây dựng cho con đam mê, đó là điều quan trọng. Phụ huynh cũng cần hướng con mình đọc sách nhiều hơn, từ đó xây đắp một trí tưởng tượng phong phú.

Nhà nghiên cứu Trịnh Đặng Nguyên Hương chia sẻ, “Cơ Bản là Cơ Bản” là cuốn sách viết cho thiếu nhi đầu tiên ghi lại bối cảnh thiếu nhi thành phố trong đại dịch. Câu chuyện cậu học sinh trong đại dịch hiện ra rất sinh động, với lối viết hóm hỉnh, nhẹ nhàng. Tác phẩm đặt ra vấn đề rất nhân văn, phụ huynh nên cho trẻ một không gian để trải nghiệm. “Có hai thứ chúng ta có thể tặng các con là gốc rễ và đôi cánh. Gốc rễ là tình yêu gia đình, còn đôi cánh là kiến thức”, chị Nguyên Hương nói.

Theo báo Nhân Dân