VŨ LÂM

Tác phẩm “Trẻ em và ngựa”.

Được tin họa sĩ Việt Hải triển lãm các bức tranh ký họa, phác thảo trong suốt mấy chục năm của ông. Tôi vội chạy đến Mai Gallery 113 Hàng Bông, Hà Nội để thưởng lãm. Ông là người họa sĩ tài hoa một thời ở Báo Nhân Dân, mà cả cuộc đời hội họa của ông song hành với hai cuộc kháng chiến của đất nước cùng với sự đóng góp không nhỏ cho Mỹ thuật thời đổi mới.

Tôi được biết ông từ khi ông là một trong các họa sĩ cao niên nhất tham dự triển lãm “Nam Cao và hội họa” từ năm 2006 cùng với các họa sĩ cao niên khác như Trần Lưu Hậu, Vũ Duy Nghĩa, Mai Long. Bức họa Lão Hạc của ông được vẽ rất hoạt, mà đầy tình cảm đến ám ảnh.

Nhà nghiên cứu nghệ thuật Phan Cẩm Thượng khi bình về triển lãm với gần 100 tác phẩm của hơn 60 họa sĩ, nhà điêu khắc tham gia này đã viết: “Lão Hạc của Việt Hải là hình ảnh một người nông dân nghèo nhưng rất tình cảm và cô độc. Hình tượng Lão Hạc cũng được vẽ rất nhiều, và tôi cảm thấy cũng nhiều họa sĩ muốn hóa thân mình vào nhân vật này, hay nhìn thấy nỗi cô đơn của mình qua nhân vật của Nam Cao”. Các họa sĩ trong triển lãm đều đồng ý cho rằng đó là một hình ảnh hội họa đầy nhân văn khác, không kém gì kiệt tác văn học của nhà văn Nam Cao.

Trong thời gian triển lãm, một lần trò chuyện riêng, ông đã tâm sự với tôi, rằng ông là người từ Báo Nhân Dân mà trưởng thành, và thời gian ông công tác ở đây, thật có nhiều ý nghĩa. Câu chuyện này cũng là một uẩn khúc không nhỏ trong cuộc đời ông…

Họa sĩ Việt Hải sinh năm 1934 tại Huế, trong một gia đình cách mạng, cha ông gốc ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Năm 1947, khi mới 13 tuổi, ông tham gia học lớp vẽ “Văn nghệ Quần Tín” do hai họa sĩ Trường Đông Dương là Nguyễn Văn Tỵ và Sỹ Ngọc giảng dạy tại Liên khu 4. Nhà văn Đặng Thai Mai từ Thanh Hóa lên chiến khu Việt Bắc nhận công tác, đem theo một số tranh thiếu nhi của lớp vẽ tặng Bác Hồ. Bức tranh “Toàn dân kháng chiến” của ông đã được Bác Hồ gửi giấy khen, giờ ông vẫn còn giữ. Sau đó, ông nhập ngũ, học trường thiếu sinh quân, trở thành phóng viên và họa sĩ trẻ trong quân đội. Năm 1956, sau giải phóng, ông theo học Khóa trung cấp mỹ thuật Tô Ngọc Vân từ 1956 – 1958. Sau khi tốt nghiệp, ông về Báo Nhân Dân làm họa sĩ minh họa và trình bày báo cho tới năm 1960. Rồi ông tiếp tục đi học tiếp lên đại học từ 1960 cho đến 1965 và trở thành họa sĩ chính thức của Báo Nhân Dân 11 năm tiếp theo, tới năm 1976. Trong thời gian này, ngoài việc minh họa và dàn trang báo, ông còn có mặt không mệt mỏi như một người họa sĩ chiến trường ở những điểm nóng chiến tranh như Hàm Rồng, Thạch Hãn, mà những ký họa chiến sĩ của ông vẫn còn treo ở triển lãm đang trưng bày.

Sau giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, ông luân chuyển công tác sang Viện Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, rồi Xưởng Mỹ thuật quốc gia. Tới năm 1986, ông được Công ty Mỹ thuật Trung ương giao phụ trách Gallery số 7 Hàng Khay, là địa chỉ trưng bày và bán tranh tự do đầu tiên của Hà Nội. Ông góp phần không nhỏ trong việc giới thiệu những triển lãm của Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, và các họa sĩ trẻ của thời Đổi Mới với bạn bè quốc tế và khu vực. Có thể nói, ông là một trong những “nhà hộ sinh” của các tài năng hội họa thời Đổi Mới từ trước những năm 1990.

Là một tài năng hội họa từ thời thiếu niên, được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tập tranh “Lớp học bình dân” ngay từ thời tốt nghiệp trung cấp năm 1958, họa sĩ Việt Hải được tất cả bạn hữu đồng nghiệp các thế hệ trước, cùng thời và sau ông hết lời khen tặng trìu mến. Nhưng họ cũng hơi tiếc cho tài hoa của ông không chín ở nhiều số tác phẩm hơn nữa (ông chỉ có bốn tranh được Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia sưu tập qua nhiều thời kỳ). Một số người nhận định rằng ông là người cầu toàn, dựng tác phẩm lớn từ các phác thảo – ký họa, khi ông không ưng ý thường hủy bỏ. Còn lại gia tài của ông là hàng trăm bức ký họa, phác thảo lớn nhỏ, vẽ công nhân, nông dân, chiến sĩ, chân dung bạn bè, tranh thiếu nữ áo dài, tranh nude… Bức nào cũng vô cùng đẹp và “đặc biệt là dư thừa cảm xúc” như lời họa sĩ Đặng Xuân Hòa nhận xét. Nhân cách nghệ sĩ cùng gia tài nghệ thuật của đời ông, của một họa sĩ lớn lên từ Báo Nhân Dân, xứng đáng để lại rất nhiều điều cho các thế hệ sau học tập.

Họa sĩ Trần Lưu Hậu, Nguyễn Tư Nghiêm, Việt Hải.

Nguồn: Báo Thời Nay

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài