Ngô Hương Sen

Chân dung họa sĩ Thành Chương của họa sĩ Phạm An Hải.

Vừa ngồi xuống ghế giữa cái tê tái mưa của Hà Nội ngày chớm rét đậm rét hại, chiêu được ngụm cafe, điện thoại reo, nghe máy, họa sĩ Thành Chương đã bối rối: Tôi xin lỗi, ở nhà gọi rồi, tôi phải về đưa vợ đi cấp cứu. Cuống quýt vội vã, người đàn ông suýt soát tuổi “cổ lai hy”, một trong những họa sĩ tài năng, thành đạt và nổi tiếng bậc nhất… lật đật lao theo tình yêu và bổn phận của mình trong liêu xiêu hồ Gươm lạnh…

1 Tháng mười hai năm hai nghìn không trăm mười bẩy, thi hào Hàn Quốc Ko un giao lưu ra mắt sách ở Việt Nam, được hoa tiêu thăm Việt phủ Thành Chương… Cảm xúc của ứng viên giải thưởng Nô-ben qua lời kể lại từ nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là một nỗi choáng ngợp và khâm phục, ở Việt Nam có hai nơi đặt chân đến mà Ko un muốn chắp tay vái: Vịnh Hạ Long và Việt phủ Thành Chương… Quá quen với những xưng tụng kiểu này, họa sĩ Thành Chương vẫn không khỏi phấn khích khi dẫn lại nhận xét của “báu vật Hàn Quốc” Ko un, dù Việt phủ lâu nay, đã là chốn tham quan của những ông hoàng bà chúa đích thực, những nhà lãnh đạo cấp cao khắp thế giới… Hơn 15 năm dồn sức khai khẩn, dựng xây, đắp bồi, biến quả đồi cỗi cằn vùng bán sơn địa thành một trong bốn địa chỉ mà du khách nước ngoài buộc phải “check in” khi tới Hà Nội theo đánh giá của báo Mỹ The New York Times, gần trọn cuộc đời tích lũy, “năng nhặt chặt bị” cả tài sản vật thể và phi vật thể, điều họa sĩ Thành Chương đúc kết, lại đơn giản là: “Tạo dựng được Việt phủ, nhiều người nói phải có tài, đúng thế, nhưng tài thì nhiều người có. Phải có tiền, tất nhiên, và tiền chắc chắn đầy đại gia còn sẵn hơn tôi. Phải có tâm, nếu không có tâm thì cứ để tiền đấy mà ăn tiêu phục vụ gia đình… Tuy nhiên, điều khiến tôi phục mình nhất, khen mình nhất không phải ở những yếu tố đó, mà mình đã khôn ngoan, đã làm được, xây dựng được một không gian văn hóa thuần Việt giữa bối cảnh này, giữa sự bủa vây của những quan liêu máy móc cơ chế, thủ tục hành chính”…

Không cần tự nhận, họa sĩ Thành Chương đã là một cá nhân đặc biệt gắn kết cùng tháng năm đất nước trong những thời khắc đáng nhớ nhất. Và ngược lại, ông – rất ngoạn mục, cũng viết cuộc đời mình thành một chương đầy dấu ấn song hành cùng tiến trình lịch sử, giúp nhìn vào đó, soi rọi được rộng ra bể dâu thời cuộc… Sự ưu ái của số phận đã ban cho Thành Chương tài năng hội họa thiên bẩm, khi mà chưa đầy 10 tuổi đã đĩnh đạc vẽ bức tranh Đôi gà tồ được giải thưởng quốc tế. Số phận cũng may mắn để Thành Chương làm con nhà văn Kim Lân, và những tinh tường cởi mở của người cha nhân hậu là lời động viên hữu hiệu nhất, khiến người con trai tự tin lựa chọn đường đi của mình và theo suốt hành trình đó. Sống trong gia đình nghệ thuật tôn trọng cái tôi, Thành Chương hội tụ tư tưởng tự do từ tuổi hoa niên, luôn phá cách, luôn vượt thoát khỏi những chuẩn mực thông thường, đến nỗi ngay thuở còn học trường mỹ thuật đã là một thách thức với các thầy, một đối trọng của những khuôn phép, giáo điều máy móc. Phản kháng lại hiện thực bị “cho thôi học”, thể hiện tinh thần nhiệt huyết tuổi trẻ, như nhiều thanh niên hồi đó, Thành Chương lấy máu mình viết đơn xung phong đi bộ đội giữa lúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ vô cùng cam go ác liệt, trở thành người lính công binh, rồi đất nước hòa bình, thống nhất, về lại đời thường, bổ sung vào cơ quan dân sự tòa soạn báo Văn nghệ với dòng lý lịch ghi rõ: Nghề nghiệp: công binh, chuyên môn: hội họa…

Mẹ tôi – sơn mài – 90×70 – 2017 – Thành Chương.

2 Sự nổi tiếng và phổ cập của Thành Chương khiến nhiều người khó có thể hình dung, ông từng là một công chức, là họa sĩ phụ trách mỹ thuật của báo Văn nghệ cho đến khi cầm sổ hưu. Tài vẽ từ sớm, thành danh từ sớm, bán được tranh cũng từ sớm, Thành Chương hội tụ trong hội họa của mình bản sắc Việt thuần khiết, thơ trẻ, nhưng lại được biểu hiện bằng tinh thần phương tây văn minh, mô đéc. Có lẽ thế, hòa trộn được cả cái ngộ nghĩnh tinh khôn Việt lẫn rành mạch khúc triết phương tây, nên tranh của ông từng rất được các nhà sưu tập nước ngoài ưu ái, và một trong số đó, tác phẩm Tình yêu đã được Liên hiệp quốc chọn phát hành tem nhân năm quốc tế về tình yêu 2001. Dù vẽ gì, sơn mài, sơn dầu, bột mầu, tự họa, tĩnh vật, hay chân dung… hay minh họa cho báo, dù đầu tư tâm sức thời gian hay nguệch ngoạc vui đùa vài nét, thì những bức vẽ đó vẫn là Thành Chương, ra Thành Chương, đích thị Thành Chương không lẫn lộn. Thành Chương chính là một điển hình của trường phái dân gian đương đại, ông luôn tiên phong, vượt thoát và đào thoát khỏi bối cảnh lẫn những ràng buộc chung quanh mình… Cấp tiến, nên có tác phẩm của ông, ra đời từ hơn 40 năm trước, tầm 1970-1971, bức Trừu tượng đã được một nhà sưu tập gắn tên họa sĩ Tạ Tỵ để mang ra trưng trong triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu tai tiếng một dạo…

Có một sự nghiệp hội họa đồ sộ, nhưng dường như, thành công cùng sức phổ quát của Việt phủ lại đang dậy sóng hơn, lấn lướt chính người khai sinh và tác thành ra nó. Thành Chương đã quần quật lao động nhiều năm ròng, cả dùng sức cơ học như lão nông thực thụ, cả tư duy về chốn bình yên còn sót lại của người Việt được giữ gìn nguyên nghĩa, sau nhiều những mưa bom bão đạn vật đổi sao dời, tỉ mẩn, nâng giấc, tốn kém không biết cơ man thời gian và tiền bạc, Việt phủ giờ dường như không chỉ là tài sản cá nhân của Thành Chương, của gia đình ông, mà trở thành một địa chỉ văn hóa lưu giữ truyền thống Việt, kiêu hãnh về những tinh tế đơn sơ nhỏ bé, mà tránh đi nỗi mặc cảm thường trực về sự ảnh hưởng, lai căng sao chép…

Thành Chương ngoài đời giản dị, dễ gần, nhiệt tâm hòa đồng vào đời sống, vào những xô bồ náo nhiệt của cái thường ngày bụi bặm. Sinh năm dương lịch một chín bốn chín, ẩn tuổi ta Mậu Tí cầm tinh con chuột, Thành Chương luôn trẻ, luôn phong độ, luôn xe máy ào ào giữa mọi nơi chốn của Hà Nội, luôn đi về giữa nhà riêng ở một khu căn hộ cao cấp đón gió sông Hồng lẫn Việt phủ Sóc Sơn mà chưa hề có dấu hiệu ngơi nghỉ. Vẫn làm việc như điên, cày cuốc như điên gồng mình cùng mọi áp lực cuộc sống, cận Tết con gà năm ngoái ông còn nhốt mình trong nhà tháng ròng để vẽ cả trăm bức tranh gà, sau chọn 60 bức cho triển lãm Tranh gà Thành Chương kỷ niệm tròn một vòng lục thập hoa giáp bức tranh Đôi gà tồ. Làm việc để giải tỏa bớt năng lượng, vẽ cũng là cách giúp Thành Chương khuây khỏa bớt những ngột ngạt tâm tư và thẳm sâu nỗi cô đơn mà ở thời điểm nào, bối cảnh xã hội nào, những văn nghệ sĩ cũng nặng mang, đeo đẳng. Người đàn ông của công chúng, người đàn ông thuộc về công chúng lại cũng đích thực người đàn ông của gia đình, tận tâm tận tụy với gia đình…

Họa sĩ Thành Chương đi qua dặm dài lịch sử, đi qua thời gian bão bùng, đang sung sức, hưng phấn, dồi dào sức sáng tạo hơn bao giờ hết bởi ông yên tâm vì có gia đình làm nền tảng, có người vợ nhan sắc và học thức làm trợ thủ đắc lực lẫn điểm tựa để ông ngả đầu…

Nguồn: Nhandan.com.vn

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài