TCNV-Với Hồ Anh Thái, dấu ấn HHĐ trong sáng tác của anh khá dễ nhận biết. Tinh thần HHĐ đi vào trong truyện của anh khá tự nhiên, xuất phát từ điều kiện sống, sự hiểu biết về văn hóa, văn học dân tộc và thế giới.


Nhà văn Hồ Anh Thái

“Thế giới là một văn bản” được xem là một trong những chính đề của chủ nghĩa hậu hiện đại. Các lý thuyết gia của chủ nghĩa hậu hiện đại (HHĐ) cho rằng: cái được gọi là hiện thực khách quan chẳng qua là một văn bản, một diễn ngôn và “tính văn bản”, “liên văn bản”… được xem là những từ vựng cơ bản trong ngôn ngữ của chủ nghĩa HHĐ (Lã Nguyên)(1). Họ quan niệm: phải đặt mọi thứ vào trường diễn ngôn của văn học mới có thể hiểu được các văn bản, muốn hiểu văn bản này phải đặt nó trong mối liên hệ với các văn bản khác, chứ không phải trong những mối quan hệ với những “nghĩa đen” hay sự thật tuyệt đối, một quy phạm nào đó.

Lý thuyết liên văn bản mở ra cho văn bản hậu hiện đại một ”kích thước mới”. Theo Nguyễn Hưng Quốc thì trong một tác phẩm HHĐ, bất kỳ chữ nào cũng có hai mối quan hệ, một là mối quan hệ nội tại với những chữ khác trong văn bản (để tạo ý nghĩa) và hai là mối quan hệ ngoại tại với chính những chữ ấy trong các văn bản khác. Văn bản HHĐ, vì vậy, là những văn bản khổng lồ…, là “một quần thể giả định của các văn bản khác”, là sự đan dệt bởi rất nhiều những mảng màu của những nền văn hóa khác nhau, trong đó mọi việc đã được nói đến vào một lúc nào đó, trong một ngữ cảnh nào đó, một văn bản nào đó… Cá nhân xét về xuất xứ của mình, là một yếu tố của tấm dệt văn hóa đó… Các yếu tố trong văn bản đều ít nhiều có quan hệ với một hệ thống liên văn bản rộng lớn vượt ra ngoài tầm kiểm soát của tác giả. Một hệ quả tất yếu được sinh ra từ mệnh đề này: sự lên ngôi – sự tự do của độc giả. Tùy thuộc vào phông văn hóa, vào năng lực nắm bắt và giải mã các ký hiệu, tùy thuộc vào những gì đã thu nhận trong quá trình sống, trong môi trường văn hóa sinh thành và nuôi dưỡng anh ta, theo kiểu tư duy mà anh ta được thừa hưởng của dân tộc và cả những tiếp nhận từ bên ngoài để từ đó chọn lựa cho mình một cách đọc thích hợp, tìm những kết luận cho tác phẩm, kiến giải tác phẩm theo quan niệm riêng của mình và đặc biệt là mở rộng thêm chiều kích cho các văn bản ấy.

2. Với Hồ Anh Thái, dấu ấn HHĐ trong sáng tác của anh khá dễ nhận biết. Tinh thần HHĐ đi vào trong truyện của anh khá tự nhiên, xuất phát từ điều kiện sống, sự hiểu biết về văn hóa, văn học dân tộc và thế giới. Tuy nhiên, cái chính là xuất phát từ nhu cầu đổi thay cách viết, từ khao khát vươn tới những thể nghiệm nghệ thuật, nhiều nhà văn hiện đại Việt Nam sau 1975, trong đó có Hồ Anh Thái, đã táo bạo mở ra cho mình con đường riêng trong điều kiện thuận lợi của bối cảnh hội nhập, giao lưu quốc tế, trên một cái nền tư tưởng và một bản lĩnh văn hóa vững vàng. Việc tiếp nhận ảnh hưởng của chủ nghĩa HHĐ trong văn học Việt Nam đương đại là điều không còn phải nghi ngờ, bàn cãi. Sự thể nghiệm của các nhà văn trên nhiều phương diện cả khi chỉ là vô tình, không tự giác song đã bắt gặp dòng mạch văn chương HHĐ đang diễn ra sôi nổi trên thế giới.

Đứng trước cánh cửa của thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn Hồ Anh Thái (cái thế giới đã được mã hóa, được xem như những ký hiệu của văn bản khổng lồ nói trên) thì việc tiếp cận chính là giải mã nó mà chìa khóa phần nào nằm trong sự soi chiếu bằng lý thuyết liên văn bản dù đây không phải là trường hợp ngoại lệ. Liên văn bản là vấn đề đối với toàn bộ sáng tác của nhà văn cũng như với bất kỳ tác giả nào theo quan điểm của chủ nghĩa hậu hiện đại. Nhưng trong phạm vi bài viết nhỏ này chúng tôi chỉ giới hạn sự khảo sát của mình ở mảng truyện ngắn của nhà văn. Và việc tiếp cận truyện ngắn Hồ Anh Thái dưới góc nhìn liên văn bản không phải là điều mới lạ song thiết nghĩ là cần thiết vì nó như sự kiểm nghiệm lại lý thuyết này và hẳn mang đến cho việc nghiên cứu truyện ngắn của nhà văn thêm một cách thức khả thủ với những ghi nhận thú vị.

Đọc các tập truyện ngắn của Hồ Anh Thái (đặc biệt là những tập gần đây: Tự sự 265 ngày, Bốn lối vào nhà cười, Sắp đặt và Diễn) có thể thấy mọi yếu tố của văn bản, từ ngôn từ, chi tiết, hình tượng cho đến giọng điệu… đều đã, đang và sẽ có thể trở thành đầu mối của một quan hệ giao tiếp nghệ thuật rộng lớn. Từ đó, cần có một nền tri thức về văn bản (hiểu theo nghĩa rộng) để mà lĩnh hội.

Có thể quy mối quan hệ văn bản ở đây (liên văn bản) về hai diện giao tiếp nghệ thuật cơ bản: một là mối quan hệ giữa những văn bản (tác phẩm) của Hồ Anh Thái với nhau, hai là mối quan hệ giữa những văn bản này với sáng tạo nghệ thuật của các tác giả khác.

Ở mối quan hệ thứ nhất, trước hết, có thể xem mỗi văn bản truyện ngắn Hồ Anh Thái đóng vai trò là một yếu tố, một mắt xích trong tấm dệt ngôn từ của một “liên văn bản” do chính nhà văn tạo ra (tạm gọi là trường diễn ngôn của Hồ Anh Thái). Mỗi truyện ngắn được coi như một đầu mối trong chuỗi các truyện ngắn được gom cùng một tuyển tập: Tiếng thở dài qua rừng kim tước, Tự sự 265 ngày, Bốn lối vào nhà cười… Xin dừng lại với tập Tự sự 265 ngày. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là cuốn tiểu thuyết 11 chương, người khác lại cho rằng đây là 11 truyện ngắn liên hoàn, một kiểu “phân mảnh” của cấu trúc tiểu thuyết? Giả sử 11 truyện ngắn này được nhà văn dựng thành tiểu thuyết chắc chắn vấn đề sẽ khác đi nhiều.

Sự sắp xếp các truyện ngắn trong tuyển tập không phải là ngẫu nhiên, mà cho dù có xáo trộn thì người đọc vẫn lần ra được trật tự của nó, cái trật tự được coi là hợp lý về đời sống, quá trình tiến thân của anh công chức. Từ lò luyện ở phòng khách của một vị quyền thế giành cơ hội gặp giới ngoại giao (hay ngoại quốc cũng được) mới có được chuyến xuất ngoại (Phòng khách) đến việc bước vào được đại sứ quán là vào được cửa ngõ một nước lớn, nhẫn nại khai cho đủ 35 điều trong tờ khai visa để đi Mỹ (Tờ khai visa), mất thêm mấy tháng trời lao đao, chạy chọt qua nhiều cửa ải, giờ ngồi trong phòng chờ sân bay vẫn còn nơm nớp sợ có đứa phá ngang, sợ bị trục trặc phải quay về. Chỉ vì việc mót đi nước ngoài, đến một nước “chiến bại” mà những kẻ “chiến thắng” sẵn sàng giẫm đạp lên nhau để giành cho được phút thảnh thơi ngồi chờ máy bay cất cánh (Sân bay). Sang đến sứ quán rồi mà vẫn không thôi hầm hè, chơi xấu nhau (Bóng ma trên hành lang)… Rồi vì hấp thụ quá nhiều đồ ngoại, ăn quá nhiều đồ ngoại, nghe quá nhiều nhạc ngoại mà một anh chàng Việt đã hóa Mỹ. Thói hám giàu, vọng ngoại của một gia đình Việt biến anh thành một cái mỏ vàng chạy đâu cho thoát khỏi họ. Đáng cười hơn khi nhờ cái vẻ ngoài mũi lõ, mắt xanh của anh chàng Mỹ gật đầu quả quyết công trình này là kiến trúc kiểu Pháp thì cả hội đồng giám thị ngủ gật mới nhất loạt lên tiếng: Đúng là kiến trúc kiểu Pháp! (Vẫn tin vào chuyện thần tiên). Thật là một tiếng Tây bằng một bồ đầy tiếng Ta (!) Đây phải chăng cũng là lời cảnh báo về cái gọi là nguy cơ “vong bản” trong một bộ phận người Việt sống ở nước ngoài hoặc tiếp xúc nhiều với ngoại quốc?

Cũng trên diện giao tiếp này, liên văn bản bao gồm cả hiện tượng một số truyện ngắn Hồ Anh Thái là cái “vốn” để sinh thành nên tiểu thuyết (tất nhiên truyện ngắn và tiểu thuyết đều khởi phát từ vốn liếng văn hóa của nhà văn). Từ truyện tích Phật, Hồ Anh Thái viết nên những câu chuyện về cuộc đời Đức Phật: Chuyện cuộc đời đức Phật, Đến muộn, Kiếp người đi qua… Và người đọc gặp lại những câu chuyện này trong cuốn tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi. Cũng có thể coi đây là việc cùng khai thác những đề tài tương tự trong những thể loại khác nhau.

Sự lặp lại của những mô tip ám ảnh cũng là một ghi nhận khác về tính liên văn bản trong truyện Hồ Anh Thái. Những chi tiết, những vấn đề đặt ra của Mây mưa mau tạnh, Chạy quanh công viên mất một tháng đã trở lại, được trải nghiệm lại trong Cõi người rung chuông tận thế (một tiểu thuyết của HAT). Đó là điểm giống nhau giữa các nhân vật như Rú, Phập, Bạo và Bóp, Cốc, Phũ với những chuyện ăn chơi, thác loạn của giới trẻ; những chuyện nhà nghỉ, đua xe, ăn miếng trả miếng một cách lạnh lùng, tàn nhẫn không khỏi làm người ta suy nghĩ nhiều. Hay hồi chuông kết thúc truyện ngắn Tin thật lòng cũng gợi liên tưởng tới ngày tận thế của cõi người nhưng lại ở một khía cạnh khác: cái nhố nhăng, nhốn nháo, tạp nham, mục ruỗng, sự xuống cấp trầm trọng của các giá trị trong đó có văn hóa, nghệ thuật… tất yếu phải dẫn đến một thay đổi.

Ở diện giao tiếp thứ hai, văn bản được xem là sự hấp thu và biến hóa của một văn bản khác. Cũng cần nói thêm rằng; thuật ngữ liên văn bản do Julia Kristéva tạo ra ít lâu sau khi đến Paris vào 1966, trong khuôn khổ nhóm nghiên cứu do Barthes hướng dẫn, để trình bày các công trình của nhà lý luận phê bình người Nga M. Bakhtin và dịch chuyển điểm nhấn của lý thuyết văn chương sang sức sinh sôi của văn bản. Theo sự tiếp nhận tĩnh của thuyết hình thức Pháp thì: “Bất kỳ văn bản nào cũng tự kiến tạo như một bức khảm ghép các điều viện dẫn, bất kỳ văn bản nào cũng là sự hấp thu và biến hóa một văn bản khác” (Antoine Compagnon)(2).

Sự ghép bện, đan dệt văn bản biểu hiện rõ ở những chỗ nhại trong truyện ngắn Hồ Anh Thái. Từ vấn đề liên văn bản, trở lại lý thuyết về sự quy chiếu, ta nhận thấy; tức là quan hệ giữa nó – văn bản thực thi – với một văn bản có trước nó (S/Z. Barthes – Dẫn theo Antoine Compagnon). Vậy có thể hiểu liên văn bản chính là mạng lưới nối kết các yếu tố của văn chương nghệ thuật, là cách mở văn bản, nếu không mở ra thế giới thì cũng mở ra cuốn sách, tác phẩm âm nhạc, hội họa…

Truyện ngắn Hồ Anh Thái quả là có khả năng dồi dào trong việc mở ra cho người ta thấy những văn bản thuộc loại hình nghệ thuật khác, trong đó nổi lên là lĩnh vực âm nhạc cũng mang những lợi thế của ngôn từ bên cạnh yếu tố giai điệu, âm thanh. Sự giễu nhại của nhà văn gợi nhiều suy nghĩ chuyện đạo nhạc, đạo văn; giễu cợt lối sáng tác theo kiểu mì ăn liền với sự dễ dãi đến thảm hại của ca từ âm nhạc đang xuất hiện ngày càng tràn lan trong thị trường văn hóa sôi động hiện nay. Xin dẫn ra trường hợp truyện ngắn Tin thật lòng. Chỉ trong khuôn khổ một truyện ngắn mà có tới bảy bài hát được nhại, từ Jingle Bell, One Way Ticket đến Người mẹ của tôi, Đi học, Mặt trời dịu êm, Đoàn vệ quốc quân… Còn có thể kể thêm việc nhại nhạc trong Cây hoàng lan hóa thành cây si, Bến Ôsin, Trại cá sấu… mà văn bản gốc bao gồm cả nhạc Việt lẫn nhạc ngoại.

Ngoài ra, Hồ Anh Thái còn nhại văn chương từ thành ngữ, tục ngữ dân gian, nhại Kiều cho đến văn học hiện đại. Anh nhại văn Nam Cao: Người ta bám kẻ có tóc, ai túm kẻ trọc đầu…(3) (Tự truyện), nhại Ngô Tất Tố: “Hai mươi tầng cơ à? Đến đâu rồi sao lại tối như cái tiền đồ của chị Dậu thế này?(4) (Tờ khai visa), cả việc nhại Truyện Kiều thể hiện trong cách dàn dựng kịch bản của công ty NOCO ngày phong trạng hẳn khiến Nguyễn Du sống lại cũng phải gật gù (!!!)… Lối nhại ấy khiến người đọc luôn phải đi về giữa các tác phẩm văn chương, nếu không thì việc đọc văn của anh chẳng còn gì thú vị bởi tiếng cười chỉ được tạo ra từ một giao kết ngầm giữa nhà văn và độc giả mà không ai có thể thực hiện giúp họ. Giao kết ấy chính là vốn đọc của tác giả và độc giả.

Sự giễu nhại trong truyện ngắn Hồ Anh Thái còn tràn sang cả địa hạt khác nữa: đó là những mẩu quảng cáo trên truyền hình. Có thêm những chi tiết này, văn Hồ Anh Thái càng mang đậm hơi thở của cuộc sống đương đại với những vấn đề hiện thời mà con người đang quan tâm. Nó làm nên bầu sinh quyển sống động cho thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn của anh. Sau âm nhạc, quảng cáo là lĩnh vực mà người ta dễ nhại nhất vì ấn tượng của nó. Và cái sự nhại này hẳn gặp nhiều tiếng nói chung vì ai cũng đều biết về các clip quảng cáo đó trong thời buổi mà tiếp thị, maketting đang là chiến lược kinh tế của các nhãn hàng chiếm nhiều thời lượng phát sóng trên các phương tiện truyền thông. Nhà văn không ngại (vì truyền hình cũng đâu có ngại) đưa vào truyện của mình những nội dung của các quảng cáo về băng vệ sinh và bao cao su: Thời nay phụ nữ có Kôtếch Oai Xóptina luôn giúp bạn tự tin, thời xưa thì không tự tin bằng (Trại cá sấu), hoặc Chúng em đã nắm vững công dụng của Trust, OK và thấm nhuần Choice (Bên đường tàu có ngôi nhà cổ).

Rõ ràng, dù tự giác hay vô tình trong ảnh hưởng lý thuyết sáng tác hậu hiện đại, Hồ Anh Thái qua truyện ngắn của mình đã đánh thức cả một kho kinh nghiệm của người đọc về âm nhạc, quảng cáo, cả các loại hình nghệ thuật khác mà chúng tôi chưa đề cập. Có nghĩa là bao nhiêu văn bản cùng hiện diện trong truyện của anh. Đây cũng là một cách đọc khác, một cách nhìn khác của nhà văn về các văn bản ấy hoặc anh đang mượn chúng để thực hiện mục đích nghệ thuật của mình vì có riêng gì văn học đang tồn tại trong cuộc sống bộn bề này và chúng ta đâu chỉ có nghe duy nhất một tiếng vọng từ văn học dù rằng bước vào truyện ngắn của nhà văn những thứ đó mang sứ mệnh và gánh thông điệp của nghệ thuật ngôn từ? Ngoài việc biến những gì nghiêm trang, mực thước trở nên thân mật, suồng sã, tạo tiếng cười, làm độc giả ghi nhớ thì việc làm này còn có ý nghĩa đánh thức vốn sống, vốn văn hóa trong người đọc hoặc bồi đắp thêm cho họ, góp phần trợ giúp họ trong việc đánh giá, tiếp cận mọi đối tượng, mọi vấn đề đặt ra trong tác phẩm… Vậy là hành trình sáng tạo cũng là hành trình đánh thức tiềm lực văn hóa trong người đọc. Và sự lên ngôi của độc giả càng góp phần làm phong phú thêm giá trị của tác phẩm văn chương.

Song sự đánh thức nói trên chỉ là bề mặt của tính liên văn bản. Những đan bện chằng chịt của tấm lưới văn bản còn có cả những mạch ngầm, những sợi liên kết vô hình. Điều làm nên giá trị sâu sắc của truyện ngắn Hồ Anh Thái có thể tìm thấy ở đó. Còn có những liên tưởng, những sự gợi nhớ từ tác phẩm của anh với những vỉa tầng văn hóa thâm sâu khác. Đó là mối liên hệ giữa Hồ Anh Thái với Nam Cao trong sự gặp gỡ ở đề tài trí thức cùng trăn trở làm sao để trí thức thực sự là trí thức? Và câu châm ngôn ta gặp từ Vũ Trọng Phụng cũng được nhắc lại ở nhà văn này: “Lưu manh giả danh trí thức”(5) (Phòng khách, Sân bay…) Cô Hồng Rose của anh phải chăng cũng là một con rối kiểu tạo tác của Vũ Trọng Phụng khi cứ nói như con vẹt một điệp khúc rằng: Em là người Mỹ nhưng em tên là Hồng. Phép “thắng lợi tinh thần” kiểu AQ của Lỗ Tấn cũng được ta nhớ đến khi đọc những chi tiết về sự biện minh cho sự ngu dốt, hợm hĩnh của giáo sư văn coi văn chương có thể đánh hàng vạn người kiểu Quân trung từ mệnh tập của Nguyễn Trãi mà chê võ thuật chỉ đánh được dăm bảy người, giáo sư sử học nghiên cứu lịch sử nước Mỹ thì không thèm đến Mỹ (hay là không đến được), nói chuyện với người nước ngoài cũng cố giữ tinh thần tự tôn, quyết không dùng ngoại ngữ, chỉ dùng tiếng mẹ đẻ… Và cũng thoáng đâu đó văn bản của Balzac (Miếng da lừa), của Goethe (Faust) trong những truyện ngắn của Hồ Anh Thái (Cứu tinh, Ai là quỷ dữ?)

Đó quả là “sự mênh mang tinh vi của các sự viết” (S/Z dẫn theo Compagnon, tr. 129).

3. Tuy nhiên, tất cả những vấn đề nêu trên: sự viện dẫn, mượn văn, ám chỉ… chỉ là những hình thức liên văn bản thông thường.

Từ điểm nhìn xem ra hạn chế, không chú ý đến hình thức sinh sôi mà Kristéva, sau Bakhtin, nhấn mạnh: tính liên văn bản đôi khi có xu hướng chỉ thay thế các khái niệm cũ kỹ, không có cái gì mới mẻ, kiểu rượu cũ bình mới mà người ta vẫn thường nói đến như: “nguồn gốc”, “ảnh hưởng”, tiếp nhận, kế thừa(6)… vốn thân thiết với lịch sử văn chương để chỉ quan hệ giữa các văn bản. Chuyện không có gì là mới cả vì các nhà văn vẫn sáng tạo những liên văn bản như thường ngay cả khi không biết gì đến lý thuyết liên văn bản và người đọc cũng vậy – muốn lĩnh hội văn bản cũng phải truy tầm trong kho kinh nghiệm của mình bao nhiêu thứ để đồng cảm, để sẻ chia cùng tác giả, hình dung ra những liên tưởng, những bắt gặp, gợi dẫn đến với nhà văn khi anh ta cầm bút cùng những châu tuần trên trang viết. Song cũng không thể phủ nhận một thực tế: lý thuyết liên văn bản là công cụ chỉ ra được cái cơ sở tích cực giúp người đọc nắm bắt tác phẩm ở chiều kích mới, khám phá sức sinh sôi nảy nở của văn bản nghệ thuật. Đó là sự tiếp cận mang tính tự giác, có chủ ý hơn khi chủ nghĩa HHĐ đã tìm đến nhà văn cùng những thể nghiệm mới, chối bỏ những gì thuộc về truyền thống, mang tính quy phạm của một thời. Vấn đề liên văn bản đã được Riffaterre diễn đạt một cách giản dị: Liên văn bản là sự nhận biết của người đọc về các quan hệ giữa một tác phẩm với các tác phẩm đi trước hoặc sau nó, chúng tự mình đủ cho mình và không nói về thế giới mà nói về bản thân chúng và về các văn bản khác. Nói một cách khái quát: liên văn bản là… cơ chế riêng thuộc việc đọc văn chương (dẫn theo Antoine Compagnon). Quả thực, chỉ có nó mới sản sinh ý nghĩa, trong khi việc đọc theo tuyến tính cho các tác phẩm văn chương chỉ sản sinh nghĩa (nghĩa là ngôn từ trong mối quan hệ nội tại với văn bản thực thi). Tuy nhiên, chúng tôi không đồng tình với quan điểm này bởi lẽ từ Bakhtin đến Riffaterre, điều được mất của tính liên văn bản đã bị thu hẹp và thực tại không còn tham gia trong đó nữa.

Thêm nữa, tính liên văn bản còn nằm trong khả năng đối thoại của văn bản. Có nghĩa là văn bản được đặt trong mối quan hệ với người đọc, với các văn bản khác để cùng suy ngẫm về cuộc sống, về con người, về những điều đang xảy ra, đang được chứng kiến, đang va đập vào chúng ta (vậy thì mỗi văn bản luôn tiềm tàng ít nhất một đối thoại). Tính đối thoại ở đây được xem như biểu hiện của tinh thần dân chủ trong tác phẩm văn học. Tinh thần này, tất nhiên còn được ghi nhận ở những điểm khác nữa, chẳng hạn: không thần bí hóa công việc viết lách của nhà văn, không coi sản phẩm sáng tạo của nhà văn là một thế giới khép kín và nhà văn không phải là người độc tôn của mọi phán truyền.

Những lý thuyết vừa được đề cập trên đây không chỉ đúng với hiện tượng sáng tác Hồ Anh Thái. Điều quan trọng mà chúng tôi muốn nhấn mạnh là người đọc sẽ dùng nó trong trường hợp nào và có lợi ích gì. Chẳng hạn, văn bản nền, tiền giả định của Tiếng thở dài qua rừng kim tước là bối cảnh Ấn Độ của những huyền thoại, của những xung đột giữa quá khứ và hiện tại, giữa lạc hậu và văn minh là những tầng trầm tích ý nghĩa của ngôn từ. Thiếu những “tiền văn bản” này, khó đọc vỡ, đọc nổi các tác phẩm của nhà văn hoặc nói khác đi, có ai không đọc ra tiếng vọng của những văn bản đó trong truyện ngắn Hồ Anh Thái? Vậy mới nói: văn bản là nơi mà “tác phẩm của một cá nhân luôn là loại kết nút đánh dấu được tạo nên bên trong tấm dệt văn hóa” (sđd, tr. 39) và ngầm trong các văn bản là cả một quần thể những giả định của các văn bản khác.

Cũng cần mở rộng thêm, liên văn bản là vấn đề liên quan trực tiếp tới lý thuyết tiếp nhận, thuyết người đọc. Thừa nhận vai trò của độc giả không đồng nghĩa với việc phủ nhận vai trò của nhà văn – điều kiện tiên quyết cho tất cả. Nhà văn là người tạo nên những mối liên kết đó, nén chặt thông tin, ẩn giấu những tiền giả định văn bản trước đó, tạo cho văn bản những tiềm tàng ý nghĩa rồi đánh thức sự liên tưởng nơi người đọc. Còn việc có đem đến cho văn bản sự sinh sôi ý nghĩa hay không lại tùy thuộc vào độc giả. Không riêng gì Hồ Anh Thái mới hướng đến độc giả thông minh mà bất kỳ một nhà văn đích thực nào cũng đều như vậy, đều xem viết văn là hành trình sáng tạo, tìm kiếm không ngừng. Từ góc nhìn liên văn bản, công việc đó giống như biến mình thành đầu mối quan trọng trong muôn vàn những liên kết, những đan bện chằng chịt của tấm dệt văn hóa, văn học này. Và sẽ là lý tưởng nếu việc lĩnh hội văn bản được thỏa đáng, hợp lý trong một chừng mực nhất định, sao cho trường diễn ngôn của độc giả gặp gỡ, tương thích với trường diễn ngôn của tác giả. Kiểm nghiệm bằng thực tiễn sáng tác của một trong số những nhà văn thành công của văn học Việt Nam đương đại có ảnh hưởng HHĐ, ta thấy những dụng công của nhà văn đã đem đến cho Hồ Anh Thái những đền bù xứng đáng.

4. Karl Marx từng nói: “con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”. Nhà văn cũng là một con người – lại ở mức tổng hòa lý tưởng, đáng tự hào nếu đó là nhà văn thực thụ thì tác phẩm của anh ta càng tuyệt đối không phải là một cái gì khép kín, mỗi văn bản anh ta sáng tạo ra chìm ngập hay để xuất hiện trong cái đại dương văn bản này là một kết nối, một yếu tố quan trọng – thêm nữa, nó ngày càng gợi ra trong chúng ta cảm nhận về một sự trống rỗng, vô nghĩa, hỗn loạn, thiếu chuẩn mực của một thế giới đứt gãy mạch lạc; thêm nỗ lực vào việc khám phá cơ chế nội tại của quá trình làm cho ý thức con người trở nên mê muội dưới tác động của hệ thống truyền thông đại chúng đang lên ngôi để lắng nghe trong cái mớ hỗn độn, bòng bong, chằng chịt những “tiếng vọng độc đáo” mà nhà văn đã gửi còn chúng ta thì đang tìm.

Những soi chiếu lý thuyết liên văn bản vào truyện ngắn Hồ Anh Thái nói trên không tránh khỏi ít nhiều mang tính chủ quan song người viết mong tìm từ lý thuyết này những điều khả thủ nhằm trợ giúp cho việc tiếp cận, lĩnh hội tác phẩm của nhà văn trước yêu cầu ngày càng cao với công việc sáng tác và những đòi hỏi phải nâng mình lên ở độc giả. Và dù sao đi nữa liên văn bản vẫn luôn gắn với, nói đúng hơn nó cũng chính là công việc của nhà văn dù vô tình hay tự giác.

Nguyễn Thị Huế