Mỹ Dung

Tại diễn đàn “Lắng nghe chúng con nói” chủ đề “Con thích đọc gì?” vừa được tổ chức ở TP Hồ Chí Minh, nhiều em nhỏ đã mạnh dạn chia sẻ mong muốn về việc tiếp cận sách sao cho chất lượng, hiệu quả.

Trẻ em mong có những cuốn sách hay, phù hợp cùng các hoạt động đi kèm để kết nối bạn bè cùng sở thích.

Muốn được chủ động đến với sách

Từ nhỏ, Lâm Nguyễn MaiKa (học sinh Trường THCS Bạch Đằng, quận 3) đã được ba mẹ giúp hình thành thói quen đọc sách thông qua việc kết nối trong gia đình. Khi chưa thể tự đọc, mỗi tối, em được mẹ đọc cho nghe nhiều trang sách hay về thế giới tự nhiên và những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Tiếp cận với sách từ bé và được duy trì nề nếp mỗi ngày, MaiKa nhanh chóng hình thành thói quen và niềm đam mê với văn hóa đọc. Tủ sách của gia đình em ngày càng phong phú khi mỗi người được tự do chọn lọc, tìm mua những ấn phẩm phù hợp sở thích, nhu cầu.

MaiKa cho biết, hiện tại, tủ sách của em được chia làm hai nhóm, phần do gia đình, thầy cô, bạn bè giới thiệu, phần do tự tìm. Đọc xong, có gì hay, MaiKa đều chủ động chia sẻ với ba mẹ. Khi thị trường sách đa dạng hơn, cô bạn bổ sung thêm sách nói, sách điện tử vào thư viện mini tại nhà để thêm nhiều kênh kết nối. “Điều may mắn là em được ba mẹ tạo cho môi trường đọc sách từ sớm và không bao giờ bắt buộc phải đọc cái này hay cái kia. Hiện nay có nhiều gia đình áp đặt việc đọc sách ở con trẻ, điều này khiến các bạn dễ chán, thậm chí ghét đọc sách. Phụ huynh cần lắng nghe, thấu hiểu, cùng con đến nhà sách để chọn ra một quyển sách mà tụi em yêu thích. Được ba mẹ hướng dẫn đọc những quyển sách mà mình yêu thích sẽ khiến mọi thứ thú vị hơn rất nhiều”, MaiKa chia sẻ.

Nhiều bạn nhỏ muốn việc đọc sách là “món quà” thay vì trở thành áp lực, gánh nặng vì nếu không tự nguyện rất dễ cảm thấy nặng nề, nhàm chán. Từ Vi Nhã (học sinh Trường THCS Vân Đồn, quận 4) cho rằng, nếu người lớn chịu khó lắng nghe, tạo điều kiện tốt nhất thì việc trẻ lớn lên trong thế giới sách sẽ không mấy khó khăn. Nhã bày tỏ: “Sau khi giúp tụi con đến với sách, hình thành thói quen đọc, ba mẹ và thầy cô hãy đa dạng các loại hình tiếp cận để không nhàm chán. Nếu đọc sách giấy lâu ngày bớt thú vị, tụi con mong được xem kịch, xem phim hay tiểu phẩm được lấy ý tưởng từ sách. Theo con, sách có thể được đọc bằng nhiều cách, miễn là mình cảm nhận đúng, đủ cái hay của nó”.

Sách đẹp sẽ cuốn hút hơn

Một quyển sách đẹp, trình bày bắt mắt, nội dung dí dỏm, ngắn gọn là điều mà trẻ chờ đợi nhất từ các nhà xuất bản hay đơn vị làm sách. Điều này càng quan trọng hơn với những đầu sách được liệt vào loại khô khan, khó tiếp cận như khoa học, lịch sử. Là bạn nhỏ đam mê sách lịch sử, Huỳnh Anh Thư (học sinh Trường THCS Nguyễn Du, quận Gò Vấp) cho rằng, nếu được tiếp cận đúng nguồn sách vừa hay, vừa đẹp, học sinh sẽ không sợ các kiến thức hàn lâm. Bìa sách hay hình minh họa đẹp thôi chưa đủ mà nội dung phải nhiều điều bất ngờ, đi vào trọng tâm và viết phù hợp trẻ em. “Kể lịch sử bằng truyện tranh hay cập nhật thêm nhiều hình minh họa thực tế cùng cách viết hài hước sẽ giúp tụi em hào hứng hơn khi đọc. Em đã đọc được nhiều sách như vậy, thấy cực kỳ hấp dẫn. Chứ nếu sách mà cứ liệt kê các trận đánh ở nơi này, sự kiện ở nơi kia cho đủ thì rất nhàm chán”, Thư bày tỏ.

Theo khảo sát mới đây của Sở Thông tin – Truyền thông TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ học sinh tiểu học và THCS yêu thích việc đọc chiếm chưa đến 50%. Đây được xem là hai nhóm đối tượng cần được quan tâm đầu tư nhiều hơn trong việc tạo lập cảm xúc yêu thích việc đọc từ gia đình, nhà trường và xã hội. Nhiều học sinh lớp 6, lớp 7 chưa hiểu đúng về sách, coi sách là sách giáo khoa, là loại sách học tập nên khi nói đến sách các em thường sợ và chán. Vậy nên, nhiều ý kiến tại diễn đàn lần này cho rằng, muốn trẻ yêu sách, cần sự thay đổi của cả hệ thống, nhưng xuất phát điểm quan trọng nhất vẫn là tác động từ gia đình.

Chất lượng là một chuyện, sách muốn dễ thẩm thấu cần được đặt vào môi trường, không gian phù hợp và cần có sự liên kết, chia sẻ để trẻ thấy thoải mái thật sự. Trong đó, thư viện trường học đóng vai trò vô cùng quan trọng. Ngoài việc cho trẻ đọc và mượn sách miễn phí, các nhân viên thư viện cần tư vấn, định hướng, tạo các hoạt động giao lưu giúp trẻ tự tin trình bày các kiến thức mình học được từ sách. Thư viện trường học phải thân thiện và có sách hay thì trẻ mới tìm đến. Khi các mô hình như đôi bạn, nhóm bạn cùng đọc, các cuộc thi về sách được triển khai thường xuyên theo nhiều hình thức hấp dẫn sẽ kích thích các em học sinh tìm đến sách. Đọc sách trên cơ sở tự nguyện và tìm được nguồn sách hay, đúng sở thích, mọi thứ với trẻ sẽ trở nên nhẹ nhàng, hiệu quả.

Nguồn: Báo Thời Nay