PHONG ĐIỆP

Hội sách đòi hỏi những đơn vị tham gia sáng tạo nhiều hơn.

Không chấp nhận những cuốn sách sau khi phát hành bị ngủ quên trên giá, những năm gần đây, nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất bản đã tổ chức các hoạt động đưa sách đến gần hơn với công chúng. Hội sách TP Hồ Chí Minh là một “điểm sáng” trong vấn đề này.

Quả ngọt sau gần 20 năm

Chính thức khởi xướng năm 2000 từ ý tưởng của ba đơn vị là NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, Công ty Fahasa, NXB Trẻ, Hội sách TP Hồ Chí Minh chính thức “chào đời”, đến nay đã bước sang “mùa hội” thứ 10. 18 năm nỗ lực đưa sách đến với cộng đồng thông qua hình thức một lễ hội tôn vinh sách, thúc đẩy văn hóa đọc dưới nhiều hình thức như giao lưu, tọa đàm, ký tặng sách… Hội sách TP Hồ Chí Minh đã trở thành hoạt động văn hóa có tầm vóc quốc gia, kết nối được với bạn bè quốc tế.

Năm 2014, Hội sách lần thứ tám thu hút sự tham gia của 156 đơn vị xuất bản trong nước và 25 nhà xuất bản ngoài nước với 525 gian hàng, mang đến cho bạn đọc 200 nghìn đầu sách hay và hơn hai triệu bản in, đạt doanh thu khoảng 36 tỷ đồng, tăng 20% so doanh thu hội sách lần bảy. Năm 2016, Hội sách lần thứ chín đón 172 đơn vị xuất bản trong nước và 36 nhà xuất bản ngoài nước. Với 710 gian hàng, đem đến cho công chúng 300 nghìn tựa sách với hơn 30 triệu bản; đạt doanh thu hơn 50 tỷ đồng. “Đến hẹn lại lên”, năm nay Hội sách lần thứ 10 được tổ chức từ ngày 19 đến 25-3 tại Công viên Lê Văn Tám. Với 900 gian hàng của 175 đơn vị xuất bản trong nước và đại diện của gần 40 NXB đến từ các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha…, với những đại diện tiêu biểu như: Oxford University Press, Cambridge, National Geographic, Macmillan, Sage, Hachette, Cornelson, Kletz, Heuber… Hội sách mang đến cho bạn đọc khoảng 350 nghìn tên sách với 35 triệu bản sách được bày bán, tiếp tục thiết lập kỷ lục mới về quy mô tổ chức.

Đáng chú ý, có tới hơn 90 hoạt động, sự kiện được tổ chức trong suốt thời gian diễn ra Hội sách. Toàn bộ khu vực hội sách được phủ wifi miễn phí, đồng thời Ban tổ chức cũng bố trí khu vực riêng để giới thiệu các thiết bị đọc thông minh và là nơi để các đơn vị thương mại điện tử quảng bá cũng như giải đáp mọi thắc mắc của bạn đọc.

Hành trình của mười kỳ Hội sách thật sự là hành trình truyền cảm hứng, thúc đẩy văn hóa đọc của các đơn vị xuất bản trong cả nước, góp phần đưa sách đến với cộng đồng cũng như tăng cường mối quan hệ gắn kết giữa đơn vị xuất bản – tác giả – độc giả.

Còn nhiều thách thức

Doanh thu của Hội sách chỉ là một phần của thành công. Nhìn toàn diện có thể thấy sự gia tăng số lượng độc giả và các đơn vị xuất bản tham gia Hội sách sau mỗi kỳ tổ chức, cho thấy hiệu quả thiết thực và bền vững của hoạt động ý nghĩa này. Nếu như giai đoạn đầu, Hội sách TP Hồ Chí Minh chủ yếu được tổ chức cho các đơn vị xuất bản đóng trên địa bàn thành phố và cũng nhằm phục vụ độc giả đang sinh sống và làm việc tại đây. Nhưng theo thời gian, Hội sách đã tạo được sự lan tỏa tích cực trong giới xuất bản và cộng đồng. Các đơn vị xuất bản phía bắc đã hào hứng “Nam tiến” để góp thêm tiếng nói. Nhiều bạn đọc từ các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Cần Thơ, Long An… thậm chí các tỉnh xa hơn như Kiên Giang, Cà Mau… cũng không quản đường sá, hăm hở về tham dự Hội sách vì với họ đây là cơ hội hiếm hoi để được gặp các tác giả yêu thích cũng như được trao đổi, giao lưu với những người bạn có chung sở thích. Đồng thời sự hiện diện của những đơn vị xuất bản nước ngoài cũng cho thấy tín hiệu đáng mừng về sự hợp tác giao lưu quốc tế. Tại Hội sách lần này, Ban tổ chức đã dành chín gian hàng cho hoạt động mua bán bản quyền.

Tuy nhiên, từ hoạt động của Hội sách đã đặt ra một số vấn đề cần quan tâm. Một số NXB vẫn chỉ tập trung chủ yếu cho hoạt động kinh doanh, trong khi đó các đơn vị tư nhân lại hết sức năng động, tổ chức nhiều hoạt động, tích cực xây dựng thương hiệu nhằm thu hút sự quan tâm của độc giả. Điều này phản ánh sự nhanh nhạy cũng như lớn mạnh của các đơn vị tư nhân trong lĩnh vực xuất bản, nhưng cũng cảnh báo một nguy cơ với các NXB: nếu không kịp thời thay đổi sẽ tụt hậu.

Hoạt động tại Hội sách chủ yếu vẫn tập trung các hình thức giao lưu, giới thiệu sách mới, trong khi các hoạt động chuyên đề, tôn vinh những tác phẩm có giá trị còn khá mờ nhạt. Một số đầu sách bán chạy vẫn chủ yếu là những sách giải trí, có nội dung dễ dãi, thậm chí phản cảm. Điều này cho thấy vẫn có những đơn vị xuất bản đặt nặng vấn đề doanh thu, chiều theo nhu cầu dễ dãi của một bộ phận công chúng, cho ra mắt những ấn phẩm kém chất lượng. Nếu tỷ lệ những đầu sách này tăng cao sẽ tác động xấu đến văn hóa đọc.

Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các đơn vị xuất bản nước ngoài là cơ hội rất tốt cho quá trình hợp tác trong lĩnh vực xuất bản. Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng nhập siêu vẫn tiếp tục gia tăng trong những năm gần đây, đòi hỏi cần có sự điều chỉnh trong thời gian tới. Các đơn vị xuất bản trong nước cần có sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa với đối tác nước ngoài nhằm quảng bá và đưa sách Việt ra với bạn bè thế giới. Đó mới thật sự là thị trường giàu tiềm năng.

Theo Báo Thời Nay

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài