D.K.L

Vài năm gần đây, cuộc đua tới giải Nobel Văn học chỉ xoay quanh vài ba cái tên quen thuộc. Năm nay vẫn là nhà văn Ngugi Wa Thiong O – Kenya, nhà văn Haruki Murakami – Nhật Bản và nhà văn Margaret Atwood – Canada.


Đồ họa: VIỆT THÁI

Theo quy định của Ủy ban Nobel, danh sách đề cử giải Văn học chỉ được công khai sau 50 năm, có nghĩa là phải đến năm 2067 công chúng mới biết được đề cử của năm 2017.

Chính vì vậy, danh sách ‘đề cử’ của giải thưởng này, đa số dựa trên ‘số má’ của nhà văn và thông số từ các nhà… cá cược.

Như vậy mới có chuyện năm ngoái, Haruki Murakami được cho là ứng viên sáng giá nhất, đứng đầu ở tất cả các bảng xếp hạng… cá cược với tỉ lệ cược đặt 1 ăn 4 nếu thắng giải.

Nhưng từ đâu cái tên Bob Dylan lại xuất hiện, giành giải trong sự ngỡ ngàng kéo theo tranh cãi ầm ĩ của dư luận.

Trước đó, trong các danh sách của nhà cái, không hề có tên Bob Dylan.

Một số chuyên gia nhận định sau khi gây sốc với quyết định trao giải Văn chương cho một nhạc sĩ là Bob Dylan, năm nay Ủy ban Nobel sẽ không tiếp tục ‘mạo hiểm’ mà trở lại đường lối cũ, trao giải cho một nhà văn ‘điển hình’.

Bắt đầu được trao từ năm 1901 đến nay, Giải Nobel văn học được trao 109 lần nhưng có đến 113 tác giả nhận giải do có bốn lần hai người đồng đoạt giải. Cho tới thời điểm này, chỉ mới có 14 nữ văn sĩ đoạt Nobel văn học.

Nếu dựa theo lập luận này thì Murakami lại là cái tên sáng giá nhất.

Trong gần 10 năm qua, trước thềm trao giải, nhà văn người Nhật Bản này đã luôn là cái tên được nhắc đến nhiều nhất.

Murakami được nhiều người gọi vui là ‘Leonardo Di Caprino của giải Nobel’ vì có quá nhiều đề cử nhưng chưa thắng giải.

May quá, năm ngoái, Leonardo đã có tượng vàng Oscar, phá được dớp.

Năm nay, theo các hãng cá cược, Murakami chỉ đứng thứ hai, với tỉ lệ đặt 1 ăn 5, xếp sau nhà văn lão thành 79 tuổi người Kenya, Ngugi wa Thiong O.

Xét về độ phủ sóng và nổi tiếng, nhà văn người Kenya không bằng Murakami.

Và việc Ngugi Wa Thiong O trở thành ứng cử viên sáng giá nhất của giải năm nay cũng khá bất ngờ bởi năm ngoái ông chỉ đứng thứ tư.


Đồ họa: VIỆT THÁI

Đứng thứ ba trong danh sách năm nay là Margaret Atwood, nữ văn sĩ 78 tuổi người Canada, với tỉ lệ đặt 1 ăn 6.

Xét về ‘phong độ’ thì có lẽ Atwood đang có lợi thế hơn hai đồng nghiệp nam bởi trong năm 2017 bà vừa giành được hai giải thưởng danh giá là Giải Kafka và Giải Hòa bình của Hiệp hội sách Đức.

Người già nhất đoạt giải là nữ văn sĩ Anh gốc Iran Doris Lessing, nhận giải năm 2007 khi đã 88 tuổi.

Người trẻ nhất là văn sĩ Anh Rudyard Kipling – nổi tiếng với tác phẩm Cậu bé rừng xanh – nhận giải năm 1907 khi mới 41 tuổi.

Tuổi trung bình của các tác gia đoạt Nobel văn học là 65.

Một gương mặt cũng đáng quan tâm là nhà văn 84 tuổi người Mỹ Philip Roth.

Theo Los Angeles Times đánh giá, Roth rất mặn mà với Nobel vì đây là giải thưởng duy nhất ông còn thiếu trong bộ sưu tập đồ sộ.

Tuy nhiên, bất lợi của Roth là ông đã giải nghệ từ năm 2012.

Ngoài bốn cái tên sáng giá trên, còn phải kể đến một số tên tuổi ‘năm nào cũng được nhắc tới’ đó là nhà văn 78 tuổi người Israel Amos Oz, nhà văn 78 tuổi người Ý Claudio Magris và ‘cậu bé vàng’ 66 tuổi của làng văn Tây Ban Nha Javier Marias. Cả ba đều có tỉ lệ cược đặt 10 ăn 1 của Ladbrock.


Đồ họa: VIỆT THÁI

Một điểm đáng chú ý là nhà thơ 87 tuổi người Syria Adonis không được nhắc đến nhiều trong giai đoạn trước lễ trao giải, dù năm ngoái ông là ứng cử viên sáng giá thứ hai, chỉ sau Murakami.

Thay vào đó, nhiều báo lại nhắc đến nhà văn 60 tuổi người Trung Quốc Diêm Liên Khoa – người viết lời tựa cho cuốn Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh bản in tại Trung Quốc.

TTO

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài