Bài 3: “Như thế nào?” và “Vì sao?”

VNQĐĐT- “Tôi luôn tin rằng fantasy và sci-fi là lãnh địa của những người viết trẻ, bởi tinh thần tự do, cơ hội dấn thân, tính bay bổng, vượt qua rào cản và khả năng thử nghiệm rộng lớn mà hai thể loại này mang đến”, nhà văn Phan Hồn Nhiên hẳn đã rất có lí khi nói lên điều này. Chúng tôi đã đi tìm một vài gương mặt trẻ đã và đang viết fantasy, sci-fi cũng như có những thành công nhất định để nghe những câu chuyện xung quanh việc sáng tác và xuất bản của họ cùng những nhìn nhận của họ về văn học kì ảo, giả tưởng.

Đỗ Nhật Phi: Sẽ đến lúc người ta không nói về một tác phẩm chỉ bằng danh nghĩa thể loại

Đỗ Nhật Phi, tác giả từng đoạt giải Nhất Văn học tuổi hai mươi lần 5 với tiểu thuyết Người ngủ thuê đậm chất kì ảo, giả tưởng cho rằng, với lực lượng sáng tác đông đảo, fantasy, sci-fi sẽ ngày càng định hình rõ hơn. Và sẽ đến lúc người ta không nhìn nhận về nó chỉ bằng danh nghĩa thể loại.


Nhà văn trẻ Đỗ Nhật Phi. Ảnh: FBNV

  • Chắc hẳn có một lí do để anh đến với fantasy/sci-fi trong việc viết?

    + Thế hệ của chúng tôi tiếp cận sớm và phần nào là lớn lên cùng với các tác phẩm fantasy/sci-fi ở nhiều hình thức, truyện tranh, tiểu thuyết, game… Những tác phẩm ấy nuôi dưỡng trí tưởng tượng trong những người trẻ như chúng tôi và tạo ra những hình dung đầu tiên về sự tạo tác. Đọc gì viết nấy, gần như việc tôi khởi sự sáng tác với fantasy và sci-fi là một điều tất yếu. Chưa kể thể loại giả tưởng tư biện này có thể mang lại những khoái cảm đặc biệt. Khi còn trẻ tuổi và chưa mang quá nhiều định kiến, tôi cho rằng người viết có thể vận dụng hết mức trí tưởng tượng của mình để viết nên những tác phẩm thật “đã”.
  • Với “Người ngủ thuê” trước đây có thể là một sự chạm ngõ văn chương tình cờ, nhưng đến cuốn thứ hai, “Thị trấn mùa đông” sắp xuất bản của anh cũng vẫn ở dạng fantasy có lẽ là một sự lựa chọn?

    + Tôi viết những gì tôi có thể, thực sự là chỉ có như vậy thôi. Tôi cũng đã từng có một số truyện ngắn hiện thực, nhưng đối với tiểu thuyết, có lẽ vốn sống của tôi là chưa đủ cho một tác phẩm dày dạn. Hơn nữa, như đã nói ở trên, viết fantasy/sci-fi mang lại một khoái cảm đặc biệt, khoái cảm của sự tạo dựng thế giới và thả mình vào cõi ảo, cõi giả tưởng trong quá trình tư duy và sáng tác.
  • Vâng! Vì thực ra, xét cho cùng, viết là kể một câu chuyện sao cho hấp dẫn. Và với fantasy, anh đã được trải nghiệm việc ấy thế nào?

    + Tôi nghĩ là tôi đã kể được một câu chuyện tương đối hấp dẫn (cười). Đối với Thị trấn Mùa đông, tác phẩm fantasy trọn vẹn đầu tiên của tôi (Người ngủ thuê gần với sci-fi hơn), tôi lấy ý tưởng bao trùm từ một giấc mơ và triển khai bằng tư duy và trí tưởng tượng. Tôi thích việc kiến tạo thế giới và hệ thống, rồi có thể phá vỡ nó đi. Thể loại fantasy cho phép tôi biến ảo truyện kể của mình và thêm mắm dặm muối các tiểu tiết theo ý thích. Điên điên một chút cũng rất vui!
  • Một loạt những người trẻ đã tham gia vào lực lượng sáng tác fantasy, sci-fi những năm gần đây, chắc hẳn anh có quan sát hiện tượng này và có nhận thấy sự vận động của dòng văn học kì ảo, giả tưởng trong dòng chảy của văn học Việt Nam ở phía những người viết?

    + Vâng, thực ra không chỉ là dòng kì ảo, giả tưởng, mà chưa bao giờ chúng ta quan sát thấy một phong trào sáng tác sôi nổi và mạnh mẽ đến vậy trong những người trẻ. Các nền tảng đăng tải sáng tác trực tuyến không ngừng xuất hiện, tạo ra những sân chơi độc lập cho người viết từ trẻ đến quá trẻ, đề tài và thể loại thì trải dài từ fanfic (truyện viết theo hình mẫu các thần tượng), đồng nhân (truyện viết phái sinh từ nhân vật của tác phẩm khác), dã sử, huyền sử và một phần không nhỏ là fantasy, sci-fi. Đương nhiên, chất lượng tác phẩm là không đồng đều, thượng vàng hạ cám. Trong số đó, cũng có một số tác phẩm đã được xuất bản thành sách giấy và đạt được những thành công nhất định. Nhưng dù là “chìm” hay là “nổi”, điều ta có thể khẳng định được chính là văn học kì ảo, giả tưởng hay có thể nói là những dòng “ngoài hiện thực” đang dần trở thành một phần thực thể trong nền văn học Việt Nam, một điều tất yếu và đúng đắn.
  • Anh nghĩ sao về các tác phẩm fantasy Việt Nam so với các tác phẩm fantasy thế giới? Điều gì sẽ làm nên sự khác biệt để chúng mang dáng dấp Việt? Và việc ấy có thực sự cần thiết?

    +Có lẽ không thực sự cần thiết. Như tôi đã từng nói, sự xuất hiện của các tác phẩm sci-fi, fantasy đã đưa văn học Việt Nam gần với văn học thế giới và tạo thêm bề rộng cho một nền văn chương. “Dáng dấp Việt” trong các tác phẩm fantasy của chúng ta có chăng là những chất liệu riêng thu thập từ văn hoá, tín ngưỡng, huyền thoại… của người Việt. Nếu các tác giả cùng nhau khai thác dựa trên nền đó, rồi đây chúng ta sẽ gây dựng được một “vũ trụ fantasy Việt”, điều mà các tác giả phương Tây đã làm và tận dụng từ lâu, như vũ trụ Dungeon & Dragon (Hang quỷ và Rồng) rất phổ biến trong văn học fantasy phương Tây. Điều này giống như tạo ra một tiền lệ, một nền tảng cho cả tác giả lẫn độc giả. Nhưng nó cũng không thực sự cần thiết, dù là “chất riêng” hay “đối sánh chất lượng”. Mỗi tác phẩm được viết ra đã là góp phần làm phong phú thêm trải nghiệm đọc của độc giả rồi.


Đỗ Nhật Phi tại một sự kiện sách. Ảnh: FBNV

  • Fantasy chủ yếu gắn với người viết và người đọc trẻ. Có phải vì thế mà nó vô tình bị loại khỏi sân chơi vốn dành cho các bậc “cha chú” trong làng viết? Bằng chứng là nó rất ít được đề cập, nhìn nhận ở những sân chơi, giải thưởng chính thống. Anh nghĩ sao về điều này?

    + Có lẽ đó là sự khác biệt thế hệ tất yếu, đặc biệt là trong bối cảnh xã hội Việt Nam biến chuyển rất nhanh trong nửa cuối thế kỉ 20 với những gì được nhìn nhận là chuẩn mực. Điều đó là thường, và rồi nó sẽ thay đổi. Thậm chí, tôi cho rằng càng cố gọi tên, càng cố làm nổi bật một dòng văn học nào đó lên thì lại càng xa rời bản chất của văn chương. Thực tế trong những giai đoạn trước trên toàn thế giới, các dòng giả tưởng, trinh thám còn chỉ được coi là một thể loại “cận văn học” hay “á văn học”. Sự nhìn nhận là cần thiết, đặc biệt là đừng cố lấy thể loại mà dìm nhau xuống. Cũng như không thể buộc cha mẹ phải cảm thông trọn vẹn với con cái, chúng ta không thể mong đợi các tiền bối trong giới văn chương ghi nhận đầy đủ những dòng văn học mà họ không quá quen thuộc. Còn “bị loại” thì có lẽ không hẳn đúng đâu, chỉ là chưa đủ nhiều, đủ dày để được phân mảng thôi.
  • Anh đánh giá thế nào về tương lai của fantasy, sci-fi tại Việt Nam?

    + Tôi đồ rằng với sự tiếp nối, thay máu dần trong lực lượng sáng tác, các dòng sci-fi, fantasy tại Việt Nam sẽ dần thành hình rõ ràng hơn, các cộng đồng viết hiện nay còn đang đứng ngoài lề dần sẽ trở thành một phần của giới văn chương. Sẽ tới lúc người ta không còn nói về một tác phẩm chỉ bằng danh nghĩa thể loại “mới lạ” của nó nữa. Mà sau cùng, chẳng phải đó mới là câu chuyện của văn chương hay sao? Là những truyện kể mà thôi.
  • Cám ơn anh đã chia sẻ!

“Tôi đồ rằng với sự tiếp nối, thay máu dần trong lực lượng sáng tác, các dòng sci-fi, fantasy tại Việt Nam sẽ dần thành hình rõ ràng hơn, các cộng đồng viết hiện nay còn đang đứng ngoài lề dần sẽ trở thành một phần của giới văn chương. Sẽ tới lúc người ta không còn nói về một tác phẩm chỉ bằng danh nghĩa thể loại “mới lạ” của nó nữa”.
(Đỗ Nhật Phi)

Nguyễn Dương Quỳnh: Fantasy đã bị coi là văn học thiếu nhi cho đến khi Tolkien xuất bản Chúa tể những chiếc nhẫn


Mới ra mắt tập 1 trong 3 tập dự kiến sẽ xuất bản của bộ sách fantasy có tên Thiên cầu ma thuật dành cho bạn đọc nhỏ tuổi, trước đó cũng đã góp mặt với giải thưởng Văn học tuổi hai mươi lần 6, Nguyễn Dương Quỳnh đã có những chia sẻ về việc sáng tác fantasy của chị.


Nhà văn trẻ Nguyễn Dương Quỳnh. Ảnh: FBNV

  • Chị có nhìn nhận gì về các tác phẩm văn học kì ảo, giả tưởng dành cho bạn đọc nhỏ tuổi tại Việt Nam thời gian gần đây?

    + Thật ra tôi cũng ít theo dõi, nên không thể nhận xét tổng quát. Nhưng tôi nghĩ thị trường của chúng ta vẫn bị chiếm lĩnh rất nhiều bởi các tác giả nước ngoài. Hơn nữa vẫn chưa có sự phân định rõ ràng tầng lớp người đọc lắm… Nhiều sách thiếu nhi đọc hiện giờ sẽ thích hợp cho lớp thiếu niên, hoặc thậm chí thanh niên (young adult) hơn (cười).
  • Các tác giả trẻ Việt Nam đã tham gia khá mạnh mẽ vào quá trình sáng tạo các tác phẩm fantasy Việt, và chị cũng là một trong số đó với dự án “Thiên cầu ma thuật” tại Nxb Phụ nữ Việt Nam. Tại sao chị chọn hướng tới đối tượng độc giả nhí này?

    + Tôi là một tác giả để ý đến bản thân câu chuyện hơn là những thứ như đối tượng độc giả hay thể loại. Nên lí do lớn nhất của tôi để viết một câu chuyện là tôi muốn viết câu chuyện đó và nghĩ thể loại này thích hợp với nó nhất. Thiên cầu ma thuật là một câu chuyện dành cho đứa trẻ bên trong tôi. Sau khi kết thúc một dự án viết lách dài và khá căng thẳng, tôi muốn thư giãn bằng một câu chuyện trong sáng nhẹ nhàng hơn, và chợt nhớ đến câu chuyện về cậu bé Chính và những người bạn của cậu mà tôi từng tưởng tượng lúc còn học cấp hai. Hầu hết những câu chuyện đầu tiên của những người như tôi viết sẽ là truyện có chút huyền ảo phiêu lưu, do ảnh hưởng của những tác phẩm văn học nước ngoài, phim hoạt hình, trò chơi điện tử… Nhớ về cậu bé Chính khiến tôi hoài niệm tuổi thơ nên quyết định cầm viết sửa lại câu chuyện về cậu, hi vọng có thể kể nó một cách trọn vẹn nhất, xem như là một cách trả một món nợ với tuổi thơ của mình. Sau đó tôi mới nghĩ đến việc xuất bản nó như một câu chuyện thiếu nhi.
  • Sáng tác fantasy với một câu chuyện kể hấp dẫn và tuân thủ những đặc trưng thể loại, còn phải chú ý đến tiếp nhận của độc giả nhỏ tuổi, với chị khó nhất là điều gì?

    + Thật ra, đối tượng độc giả tôi hướng đến đầu tiên với Thiên cầu ma thuật không hẳn là thiếu nhi, mà là những người từng là thiếu nhi. Tức là những người đọc thuộc thế hệ của tôi, của thế hệ của cậu bé Chính, những người trải qua tuổi thơ trong thập niên 90. “Một câu chuyện thiếu nhi hay thực sự là câu chuyện mà những người lớn cũng thấy hay” – Hình như Mark Twain đã nói như vậy.

Tuy nhiên, dù thời đại đã khác, tôi nghĩ thiếu nhi ở thời nào cũng có nhiều mơ mộng, tâm sự và nỗi buồn rất giống nhau. Nên dù câu chuyện này viết về thập niên 90, và cuộc sống của bé Chính rất khác các bạn nhỏ hiện giờ (cậu ta hầu như chẳng phải đi học thêm, đi về là ném cặp ra bờ đê chơi, chẳng có máy tính hay Ipad, và chắc cũng chẳng lên mạng internet bao giờ), nhưng tôi tin các bạn trẻ hiện giờ có thể hiểu được sự yêu mến tự do, ham thích phiêu lưu và khao khát tình cảm gia đình của cậu bé. Dẫu sao tuổi thơ chúng ta đã từng mê say đọc Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer, dù Tom Sawyer là một cậu bé người Mĩ cuối thế kỉ 19. Hay các em thiếu nhi hiện giờ vẫn mê mải đọc Doraemon, một manga viết từ thập niên 70… Viết văn là đặt niềm tin vào khả năng đồng cảm, điểm chung trong trải nghiệm của nhân loại mà.

Phía trên tôi nhắc đến nỗi buồn… Thiên cầu ma thuật có nhiều đoạn rất buồn, và đó cũng là một lí do nó từng bị từ chối. Tôi nghĩ, rất ít tác phẩm văn học thiếu nhi nói về nỗi buồn của trẻ em. Khi làm ngơ những mặt tối hơn đó là coi nhẹ khả năng tiếp thu và sự phức tạp của các em. Nên viết câu chuyện này, tôi cũng mong mang đến một trải nghiệm toàn vẹn hơn về tuổi thơ: Không chỉ có niềm vui ngây thơ, mà còn nỗi buồn, sự cô độc, cảm giác bất lực, hay lo lắng bất an sợ hãi về những vấn đề rất thật của cuộc đời.

Khi tôi viết câu chuyện này, hai đứa bé em họ đang học tiểu học đều đã đọc và rất thích. Vì thế tôi cũng thở phào nhẹ nhõm. Thôi viết truyện thiếu nhi mà thiếu nhi thích là được rồi!


Nguyễn Dương Quỳnh trong buổi ra mắt “Thiên cầu ma thuật” đầu năm 2021. Ảnh: PNVN

  • Ngoài “Thiên cầu ma thuật”, chị có viết những truyện fantasy khác cho đối tượng bạn đọc khác?

    + Tôi viết khá nhiều truyện fantasy. Hầu hết các truyện của tôi ít nhiều đều có yếu tố huyền ảo, có điều phần đông chúng chưa được xuất bản, hoặc rất khó tìm nguồn xuất bản. Thiên cầu ma thuật được ra sách một phần vì nó là truyện thiếu nhi, còn những tác phẩm fantasy thuộc loại dành cho người lớn của tôi thì rất khó, gần như không tìm được đầu ra, trừ vài truyện ngắn có thể bóp lại theo hướng siêu thực hay hiện thực huyền ảo – những thể loại được đánh giá là “nghiêm túc” hơn.

Tôi rất hạnh phúc với sự xuất bản của Thiên cầu ma thuật, nhưng tôi cũng mong trong tương lai, những tác phẩm huyền ảo không phải chỉ dành cho thiếu nhi, những câu chuyện có tính thể nghiệm hơn của tôi được ra mắt với độc giả.

  • Nhiều người chỉ ra rằng, sở dĩ tác giả fantasy Việt khó đi xa vì chưa toàn tâm toàn ý và theo đuổi dòng này một cách nghiêm túc. Chị nghĩ sao về điều này?

    + Có rất nhiều tác giả viết fantasy và rất nhiều người hết sức nghiêm túc với dòng văn học này. Nhưng điều họ thiếu là sự hỗ trợ quảng bá. Việc truyền thông hầu như đều rơi vào vai các tác giả tự gầy dựng fandom cho mình – chuyện này rất tệ hại với những người ngại giao tiếp hoặc ít quan hệ. Không chỉ thị trường, mà cũng có rất ít người phê bình, quảng bá hay nghiên cứu về văn học fantasy hay genre fiction. Ở nước ngoài đây cũng không phải là điều lạ lùng, thực chất fantasy đã bị coi là văn học thiếu nhi cho đến khi Tolkien xuất bản Chúa tể những chiếc nhẫn. Ông đã từng tâm sự rằng ông muốn chứng tỏ fantasy là một thể loại cho người lớn – và điều này hoàn toàn hợp lí. Hầu hết những tác phẩm sử thi, huyền thoại cổ xưa nhất của con người, những câu chuyện vẫn được truyền tụng tới ngày nay như truyền thuyết vua Arthur, sử thi Gilgamesh, Beowulf… là những truyện fantasy, không phải sao!

  • Chị đánh giá thế nào về tương lai của fantasy Việt trong đời sống văn học?

    + Tôi thấy hiện giờ khá nhiều tác giả viết fantasy, nên không có lo lắng hay nghi ngờ về sự phát triển của dòng văn học này ở góc độ người viết. Về người đọc hay công nghiệp sách thì đó là một câu chuyện khác: Có rất nhiều vấn đề, như quy mô thị trường, sức mua của người đọc, tiếp thị và PR. Để phát triển văn học fantasy nói riêng và genre fiction (dòng văn học giải trí) ở Việt Nam, chắc hẳn sẽ còn cần một thời gian dài với sự vận động từ nhiều mặt của công nghiệp sách, không phải là một vấn đề người viết đơn lẻ có thể giải quyết.
  • Xin cám ơn chị!



“Trước đây, khi thể loại fantasy còn mới, và với đối tượng độc giả thế hệ ấy, thì cần phải là một câu chuyện hay, một thế giới thú vị, nhưng bây giờ các tác giả cần phải có mục tiêu khác. Các câu chuyện tưởng tượng phần nào phải mang lại giá trị cho độc giả, giúp họ soi chiếu thế giới hiện thực. Phần nào fantasy của Nhật Phi hay Nguyễn Hải Nhật Huy đang làm được điều đó, khi phản ánh một thế giới đô thị hậu sự thật, lạm phát tiêu dùng. Theo tôi, yêu cầu này ngày càng khắt khe hơn, vì thế hệ độc giả 2000 họ muốn được suy tư cùng tác giả chứ không còn là chỉ đề đọc giải trí cho vui nữa”.

(Nhà văn trẻ Đức Anh)

Thực hiện: Dương Tử – DUZY
Theo Văn nghệ Quân đội