Di Li

Minh họa của Choai.

Ở xóm tôi hồi ấy, đứa trẻ giàu có nhất là cái Thanh con nhà chú Hồng. Nó giàu có vì trong khi tất cả chúng tôi mặc quần chữa lại từ quần áo cũ của người lớn thì nó được mặc váy.

Trong khi món quà vặt ngon nhất đời của chúng tôi là nước pha với đường kính thì nó có hẳn một chiếc kẹo cao su. Hôm đó nó kiêu hãnh nhai kẹo cao su trước một đám trẻ con xúm đông xúm đỏ xung quanh. Ngần ấy con mắt dán vào đôi môi mỏng dính của cái Thanh mà trong ấy rõ ràng có một chiếc kẹo rất thần kỳ, chỉ có thể nhai mà không được nuốt.

Một tối mùa đông, mẹ cho tôi đi theo đến nhà bác Tiến bạn thân của cha để bàn một công chuyện gì đó. Trước khi mẹ con tôi ra về, bác Tiến chợt nhớ ra điều gì. Bác vào nhà trong rồi quay trở ra đưa cho tôi một thanh kẹo, chỉ một thanh thôi. Nó nhỏ xíu và mỏng dính, có vỏ bọc màu xanh lá, hai đầu thòi ra lớp giấy bạc gói trong. Tất nhiên tôi nhận ra đó là thanh kẹo cao su thần kỳ mà cái Thanh từng làm cho lũ chúng tôi nhỏ dãi vì chết thèm.

Một thời gian sau, cha tôi thỉnh thoảng lại vào miền Nam. Mỗi lần trở ra ông xách theo một con gà trống, vài sọt nho tươi, nhiều quần áo người lớn trẻ con và khăn bông bay. Rất đông người đến nhà tôi chọn mua những thứ ấy.

Rồi lại sau một chuyến đi Nam, cha có vài thứ đặc biệt cho tôi. Đấy là một bộ đồ hàng có đầy đủ xoong chảo, mâm, bát, ba đôi đũa, môi múc canh… Tất cả đều được làm bằng gang. Đó là một bộ đồ hàng độc nhất vô nhị, đẹp chưa từng thấy. Lại thêm cả một túi kẹo đủ vị, bên trong mỗi chiếc kẹo có một chiếc nhẫn bằng nhựa nhiều màu sắc. Một ngày tôi cố gắng chén hết vài chục cái kẹo để còn lấy nhẫn. Những món đồ quý hóa của tôi được trẻ con cả xóm chiêm ngưỡng và ghen tị. Không còn nghi ngờ gì nữa, tôi đã trở thành một đứa trẻ giàu có nhất xóm.

Nhưng một ngày nọ, tôi nhìn thấy một vật kỳ lạ thuộc sở hữu của cái Thanh. Nó gọi đấy là đồng tiền vàng. Đồng tiền vàng tròn xoe lấp lánh, trên dập nổi hình mặt người, cành lá (ô liu) và cả một dòng chữ viền theo vòng tròn. Nhưng bên trong nó là kẹo sô cô la. Đồng tiền vàng thì tôi biết.

Lão chủ rạp múa rối Caraba Baraba đã cho Buratino 5 đồng tiền vàng thay vì đốt cậu bé gỗ để nướng chín con thỏ và hai con gà. Cũng chỉ vì những đồng tiền vàng mà Buratino bị cáo Alisa thọt chân và mèo Badilio mù dở lừa hết lần này đến lần khác. Nhưng sô cô la thì tôi chưa nghe nói đến bao giờ. Đồng tiền vàng đã quý, sô cô la lại được bọc bằng đồng tiền vàng thì còn quý hơn. Tôi cứ chờ mãi cái Thanh bóc vỏ ngoài của đồng tiền vàng ra để xem sô cô la là cái thứ gì nhưng nó bảo nó cứ để thế chơi thôi chứ không ăn.

Vì sô cô la nó ăn mãi rồi. Ngon tuyệt. Vừa ngọt vừa béo vừa thơm nức vị… sô cô la. Nhưng ngon mấy thì ngon, ăn mãi rồi cũng chán. Giờ nó giữ đồng tiền vàng này để làm đồ chơi. Nó có cho tôi cầm thử đồng tiền vàng một tí. Đồng tiền vàng thật đẹp, thật xứng đáng là đồng tiền vàng. Cái Thanh bảo người ta mang ở nước ngoài về cho nó, chứ ở Việt Nam không có thứ đồ quý này.

Bạn có bao giờ giống như tôi, luôn liên tưởng đồng tiền vàng với những câu chuyện cổ tích ly kỳ?

Và một sáng đầu đông lạnh giá, tôi đã gặp câu chuyện kỳ lạ có thật. Ấy là ngay khi vừa thức dậy, khi vừa cựa mình để chuẩn bị tụt xuống giường, tôi thấy từ ngực áo rơi ra một đồng tiền vàng. Tôi mặc một áo len bên ngoài chiếc sơ mi lót trong, và đồng tiền vàng này kẹp giữa lớp áo len và áo sơ mi.

Ôi, lão Caraba Baraba nhét tiền vàng vào ngực áo cho tôi hay sao? Nhưng Buratino còn vô tình biết được bí mật của chiếc chìa khóa vàng, chứ tôi thì có thứ gì cho lão ngoài một bộ đồ hàng bằng gang và dăm chiếc nhẫn nhựa cứng?

– Mẹ ơi, con có đồng tiền vàng – Tôi hét lên, tay giơ cao đồng tiền vàng lấp lánh.

– Ừ – Mẹ gật đầu không mấy ngạc nhiên – Tối hôm qua bác Hiền đến nhà chơi. Bác mới đi Ba Lan về có mang cho con chiếc kẹo. Lúc ấy con ngủ rồi nên mẹ nhét vào đấy.

Thì ra là thế, bác Hiền chứ không phải lão tiến sĩ khoa múa rối có bộ râu xồm dài quét đất Caraba Baraba. Và tôi cũng giống cái Thanh, cứ giữ mãi đồng tiền vàng để làm đồ chơi, mặc dù tôi chưa được nếm thử sô cô la bao giờ.

Lao động cuối tuần

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài