Hồ Anh Thái

Đọc bản dịch truyện ngắn của Raymond Carver, có người đã phải kêu lên: Chẳng lẽ một ông lớn văn chương mà lại như thế. Cũng chẳng lẽ lại như thế là truyện ngắn của Nobel văn chương 2013 Alice Munro. Trước đó là tiểu thuyết Những đứa con của nửa đêm của Salman Rushdie, tiểu thuyết Chúa trời của những điều vụn vặt của Arundhati Roy. Xưa hơn nữa, thuở ban đầu truyện ngắn của Hemingway được dịch, cũng có người kêu lên như thế. Những cái truyện rất ngắn, xem ra rất sơ sài, đọc xong thì… chẳng thấy gì cả.

 

Một số tác phẩm và tác giả vừa kể, hầu như chỉ tập trung vào ngôn ngữ. Ở đấy, cốt truyện được giản lược xuống mức tối thiểu, để có thể chỉ còn tập trung vào ngôn ngữ. Chỉ còn có văn. Nhà văn là phải có văn. Nhà văn phải là ông vua giữa vương quốc ngôn ngữ, là ông tướng giữa mê hồn trận của ngôn ngữ. Dưới bàn tay điều binh khiển tướng của nhà văn, từng đạo quân chữ nghĩa ào ào tiến ra chiến trường, cánh quân trước cánh quân sau, cánh trên cánh dưới, cánh cắt ngang cánh xẻ dọc. Dưới bàn tay quản lý của nhà văn, các bộ các ngành ngôn ngữ cũng vận hành nhịp nhàng trôi chảy đầy hiệu quả. Đấy là những bậc thầy văn chương.

Suy cho cùng, một khi đã đạt tới mẫu số chung là tư tưởng, cảm xúc, và sự hiểu biết về đời sống, thì cái tử số chính là khả năng điều khiển ngôn ngữ. Tử số càng lớn thì càng xác lập tầm vóc lớn lao của nhà văn. Có tư tưởng lớn và hiểu nhiều biết rộng nhưng ngôn ngữ không đạt tới độ bậc thầy thì cái lớn và cái rộng cũng hao hụt, không đến được với người đọc. Những cảm xúc tuyệt vời có truyền đến được với người đọc hay không còn phải phụ thuộc vào việc ngôn ngữ là con thuyền chuyên chở hay là cái rào cản lạnh lùng.

Vậy có những nhà văn chủ trương chỉ tập trung vào ngôn ngữ, làm đẹp cho nó, chơi bời với nó, tung hứng làm xiếc với nó, bóp nặn xoắn vặn nó, múa may khiêu vũ cùng nó. Họ chủ ý không kiến tạo cốt truyện, tác phẩm hầu như không kể lại được, nhân vật nhiều khi cũng chỉ là những cái bóng mờ, chẳng rõ hình hài đường nét. Chỉ còn tập trung vào văn. Đấy là thứ văn hay đến từng câu từng chữ, đọc xong rồi, người ta không nhớ cốt truyện, không nhớ nhân vật, chỉ nhớ văn. Nhớ vanh vách dăm ba câu trong tác phẩm, chẳng chủ tâm học thuộc mà lại thuộc lòng, mà tấm tắc thú vị nhắc lại với nhau. Văn đấy. Văn hay khiến người ta xuýt xoa với câu chữ.

Những tác phẩm và tác giả kể trên thuộc diện như vậy. Toàn bộ giá trị đáng kể của họ chỉ ở văn. Mà văn là thứ hầu như không dịch được. Dịch là diệt. Dịch là mất. Lost in translation. Người dịch tài năng nhất thì cũng chỉ có thể mang đến một bản dịch như mặt trái của tấm thảm. Hoặc chỉ là một bức tranh chép.

Những nhà văn chỉ chuyên chú vào ngôn ngữ này có khi còn chủ trương nhạt hóa tác phẩm. Nhạt bớt đi. Bớt đi cốt truyện. Bớt đi những éo le li kỳ. Bớt đi những cảm xúc lâm ly quá mức. Bớt đi những thủ đoạn quyến rũ lôi kéo người đọc. Bớt đi kỹ thuật tạo những bước ngoặt bất ngờ. Nhạt hóa là chủ trương, là một phương pháp nghệ thuật, là tư tưởng, và rốt cuộc chính là triết học của họ.

Từng có một tuyển tập truyện ngắn đương đại Mỹ được dịch in ở ta và lập tức lại có người cảm thán, chẳng nhẽ một nền văn học như thế mà lại chỉ có những tác phẩm như thế. Xem lại, thì phần lớn trong tuyển tập là những tác phẩm theo lối nhạt hóa. Chẳng có gì, ngoài văn. Mà văn là thứ không dịch được.

*

Tôi đã nhiều lần dẫn Milan Kundera rằng thời đại mới có xu hướng lùng sục vào văn chương để tìm ra cái mà dựng thành phim, và để chống lại cái xu hướng phổ thông hóa văn chương ấy, nhà văn hãy viết sao cho người ta không thể dựng tác phẩm của anh thành phim được.

Những người quyết liệt nâng niu sản phẩm văn chương thuần túy chắc chắn còn cho rằng phải viết sao cho tác phẩm của anh không thể dịch sang một ngôn ngữ nào khác. Ulysses của James Joyce là một tác phẩm như vậy. Muốn thưởng thức nó, người ta chỉ còn cách đọc bản gốc, một thứ tiếng Anh vượt qua ngôn ngữ tiếng Anh thông dụng, rất nhiều từ không thể tìm thấy trong từ điển. Cũng thế là những nhà văn gốc Ấn viết tiếng Anh đã kể: Salman Rushdie, Arundhati Roy… Tầm vóc lớn lao, nhưng họ chọn con đường vĩnh viễn ở lại với ngôn ngữ gốc, vĩnh viễn là nhà văn chỉ dành riêng dân tộc mình đọc, dù tiếng tăm họ đã vượt ra khỏi biên giới. Có thể họ hữu ý, mà cũng có thể họ chỉ vô tình từ chối con đường thông thoáng cho tác phẩm của mình xuất khẩu vượt biên. Kết quả là những nỗ lực dịch văn họ chỉ đưa đến những chất vấn: Chẳng lẽ lại chỉ có như thế.

Đấy là những tác giả muốn độc giả của mình chỉ đọc văn.

*

Song hành, lại có những tác giả muốn người ta đọc truyện.

Đây là những nhà văn chỉ tập trung đầu tư vào cốt truyện. Phương pháp cổ điển như những người kể chuyện chuyên nghiệp từ cổ đại, khi chưa có chữ viết. Có tích mới dịch nên tuồng. Phải có sự tích có câu chuyện, khi ấy mới có thể hình thành tác phẩm. Câu chuyện là tất cả, thậm chí chỉ là những chuyện có thật ngoài đời được kể lại một cách tỉ mỉ, sao cho có đầu có cuối, trọn vẹn thế được coi là tác phẩm. Khó nhớ được một câu một chữ gây xuýt xoa trong những tác phẩm này, nhưng đọc xong, người ta nhớ cốt truyện và có thể kể lại cho nhau nghe, kể dễ dàng.

Hàng thế kỷ, nhân loại đã quen thuộc với kiểu văn xuôi như thế. Người viết đời này sang đời khác viết như thế. Người đọc đời sau đời trước đọc như thế. Đến mức hình thành một tín điều rằng văn xuôi là phải có cốt truyện, và điều quan trọng nhất của văn xuôi là phải có nhân vật cho người ta nhớ.

Nhưng rồi hàng thế kỷ văn xuôi mang tín điều cũng khiến người ta mệt mỏi. Mệt mỏi với cốt truyện. Lại đến mức có những sự nổi loạn hòa bình: Nhà văn không thể chỉ là người kể chuyện. Rồi đến mức công khai hoặc ngấm ngầm xếp chiếu trên chiếu dưới: Nhà văn viết ra văn là người ngồi chiếu trên, nhà văn viết ra truyện chỉ ngồi chiếu dưới.

Phải thấy rằng cốt lõi của văn xuôi là truyện. Nhà văn chính là người dựng ra chuyện. Dựng chuyện, lắm chuyện, nhiều chuyện. Những nhà văn này phản biện: đọc văn xuôi fiction suy cho cùng là đọc truyện. Nếu trong văn xuôi của anh không có chuyện thì anh hãy viết bút ký văn học bút ký triết học, anh viết fiction làm gì, anh đừng hoài công gọi đấy là tiểu thuyết hay truyện ngắn.

Và sự xếp đặt chiếu trên chiếu dưới là cũng nông nổi hồ đồ. Cũng như có thời mệt mỏi với hội họa vẽ như thật, người ta cho rằng chiếc máy ảnh ra đời là sự khai tử cho thứ tranh như thật ấy. Nhưng suy cho cùng, vẽ giống thật hay ước lệ siêu thực hay gì gì cũng được, miễn là nó đi đến tận cùng cái đẹp.

Vậy thì có truyện hay không cốt truyện cũng được, tất cả đều bình đẳng nếu đạt tới hiệu quả nghệ thuật.

Nhà văn Mỹ Wayne Karlin nói, cuộc đời một con người có giới hạn, văn xuôi là trải nghiệm bổ sung cho họ. Obama khuyên các chính khách nên đọc tiểu thuyết. Chắc là ông hàm ý chính khách phải sống nhiều cuộc đời thì mới làm được cái chính trị mà họ đang dấn thân vào. Cả hai quan điểm này đều nhằm vào kiểu văn xuôi mang chứa cốt truyện dầy dặn.

Thứ văn xuôi này không phải trả giá như văn xuôi chỉ có văn. Có cốt truyện, khi được dịch sang ngôn ngữ khác, sau khi phần văn đã hao hụt trong cuộc đãi vàng, thì trên mặt sàng vẫn còn lại câu chuyện. Câu chuyện ấy dễ đến với người đọc.

Dù sao người mê sách vẫn ao ước có nhiều tác phẩm hài hòa được cả những yếu tố ấy, cả văn và cả truyện. Vừa đọc truyện, vừa đọc văn.

Nguồn Văn nghệ số 6+7+8/2018

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài